Con người, ngộ một cái là khi có trí khôn thì kèm theo đó là mê tiền. Thử hỏi trên đời này ai không mê tiền. Có điều tế nhị không nói ra đó thôi.
Thánh Kinh không lên án tiền bạc, cũng không chỉ trích những người có tiền, thậm chí có nhiều tiền. Vấn đề ở đây là không phải một người có bao nhiêu tiền mà là thái độ của người ấy đối với những gì mình có hoặc muốn có. Lời khuyên của Thánh Kinh về tiền bạc rất thăng bằng và vẫn thiết thực như khi Thánh Kinh được viết ra cách đây hàng ngàn năm. Ta cùng xem vài ví dụ sau đây.
Sách Châm Ngôn nhắc ta : Chớ nhọc công thu tích của cải, và cũng đừng bận tâm đến nó (Cn 23, 4)
Theo một sách nói về hội chứng nhân cách yêu mình thái quá (The Narcissism Epidemic), người theo đuổi sự giàu có dễ “mắc bệnh thần kinh; họ gặp phải những vấn đề sức khỏe như viêm họng, đau lưng, nhức đầu và dễ lạm dụng rượu bia hoặc dùng ma túy. Nỗ lực theo đuổi việc kiếm tiền dường như chỉ làm người ta khổ sở”.
Trong thư gửi tín hữu Do Thái thấy : Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!” (Hr 13, 5)
Một người thỏa lòng không tránh được nỗi lo lắng về tiền bạc. Nhưng người ấy ý thức điều gì là quan trọng nhất trong đời sống nên không quá lo âu. Chẳng hạn, một người thỏa lòng sẽ không phản ứng thái quá khi mất mát tài sản. Thay vì thế, người đó cố gắng giữ thái độ giống như thánh Phaolô tông đồ. Thánh Phaolô viết: Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. (Pl 4, 12).
Mở Sách Châm Ngôn, ta lại thấy như thế này : Ai cậy trông vào của cải, người ấy sẽ quỵ ngã, còn chính nhân sẽ vươn lên như cành lá xanh tươi.”. (Cn 11, 28)
Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề tiền bạc là một nguyên nhân thường khiến vợ chồng cãi vã rồi dẫn đến ly dị. Tiền bạc cũng là yếu tố dẫn đến việc tự tử. Đối với một số người, tiền bạc quan trọng hơn hôn nhân và thậm chí mạng sống của mình. Ngược lại, người có quan điểm thăng bằng không đặt lòng tin cậy nơi tiền bạc. Thay vì thế, họ nhận thấy sự khôn ngoan nơi lời của Chúa Giêsu Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu". (Lc 12, 15)
Rõ ràng, tiền cơ bản nó không xấu nhưng chuyện quan trọng là con người đứng trước nó như thế nào. Có người nói rằng mình điều khiển tiền chứ đừng để tiền điều khiển mình. Chính xác là như thế. Nó là đầy tớ trung tín tốt lành hay nó là ông chủ của mình đó là cung cách sống và chọn của mình về tiền bạc.
Trong cuộc sống, thật sự ra không ai là không cần tiền. Thế nhưng rồi cần như thế nào và sử dụng như thế nào đó là câu trả lời của mỗi người.
Đời tu, có lời khấn khó nghèo. Dĩ nhiên ai ai đi tu cũng biết cũng như phải trả lời trước mặt Chúa và lương tâm về chuyện này. Chả ai bắt được nếu người đó có ý đồ gian tham và tích lũy. Nghe đồn là có quy định nào đó là tu sĩ trong tài khoản có dưới 30 triệu. Thế nhưng rồi với người lách luật thì họ mở nhiều tài khoản và mỗi tài khoản đúng quy định. Hay như là không cất trong tài khoản sẽ bị lỗi luật mà đưa cho người khác ... giữ dùm. Chuyện quan trọng vẫn là lương tâm của mỗi người.
Cạnh đó, ta thấy khi con người ít tiền hay cầm số nhỏ thì sẽ không có ý tưởng gì hay là ý tưởng rất trong sạch về tiền. Thế nhưng khi cầm số tiền trăm triệu hay vài tỷ thì lúc đó đời tu cũng chả là gì và lời khấn khó nghèo cũng chả kể chi. Có những trường hợp đánh đổi đời tu vì tiền đã để lại biết bao nhiêu sự đắng lòng. Có tu sĩ, linh mục đứng tên nhà, cửa, đất đai cho Giáo Hội, cho Hội Dòng nhưng đến khi kêu trao trả thì có vấn đề.
Với tất cả những cám dỗ của tiền bạc, ta thấy tác hại đến mức làm mất đi phẩm giá của con người. Với suy nghĩ đó, bỉ nhân luôn xin Chúa cho mình đủ sống như lời nguyện nào đó bỉ nhân đã từng đọc : "Lạy Chúa ! Xin cho con đừng quá nghèo cũng xin cho con đừng quá giàu bởi vì khi con giàu quá thì con quên Chúa còn khi con nghèo quá thì con lại trách Chúa".
Mỗi khi nghĩ đến tiền bạc, bỉ nhân luôn xác tín với tâm tình đã chọn khi lãnh sứ vụ linh mục : Hiện tôi có là gì là bởi ơn Thiên Chúa (1 Cr 15, 10). Mỗi lần bị mất mát, bị lường gạt thì lại cứ nhìn lên ông Giob với tâm tình thật dễ thương. Ông nói với vợ ông rằng tất cả những gì ông có là của Chúa để rồi khi Chúa cho thì hì ha hí hửng còn khi Chúa lấy đi tại sao trách Chúa.
Ý thức được ma lực của đồng tiền, cũng có người buông bỏ, cũng có người từ từ như xa lánh nó để cho lòng thanh thản và bình an. Ngược lại, có người lại cứ như bám víu vào nó như một sức mạnh kinh khủng.
Hình ảnh của bà bán trái cây ở vệ đường chiều chiều đánh số đề phải chăng đó là hình ảnh của những người ham kiếm tiền bằng cờ bạc, bằng số má. Mà thử hỏi có ai giàu có nhờ chơi số đề hay làm ăn gian dối. Một lúc nào đó sự thật vẫn là sự thật để rồi ai bám đuổi theo đồng tiền thì bị nó quật đến chết mà thôi.
Hình ảnh dễ thương và nực cười của một số người mê tín dị đoan là rải tiền cũng như đốt tiền hay gửi tiền, thậm chí cả điện thoại di động, xe cộ và nhà lầu đúc mấy tầng xuống địa phủ để cho người chết được xài. Tâm thức đó cho thấy con người đến chết vẫn còn tham.
Trong thời gian dịch bệnh, đắng lòng với những kiểu cho người nhập cảnh trái phép để trục lợi. Chưa hết, cho người qua vùng giãn cách để lấy lấy tiền. Cũng chưa hết, khi đi cách ly, y tá cũng phải tìm cách vòi vĩnh người nhiễm với giá cao để có chỗ ở ngon.
Với tất cả những chuyện đó, ta thấy con người đến gần chết mà vẫn còn tham hay có những người trong tay có hàng trăm tỷ nhưng vẫn tham. Lòng người là như thế đó, chỉ có thể thử lòng người đi đưa tiền bạc ra như là quỳ tím để thử dung dịch vậy.
Tiền bạc mãi mãi là điều đáng sợ trong cuộc sống. Nó có một ma lực và mãnh lực có thể phá hủy nhân cách của bất cứ ai khi tham nó. Mỗi người chúng ta hãy ý thức về nó để cảnh tỉnh để không phải đánh mất đi nhân cách cao đẹp mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta trong tư cách là con cái Chúa, là Kitô hữu : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu". (Lc 12, 15)
Lm. Anmai, CSsR
Â
TIỀN : MA LỰC & ĐẾN CHẾT VẪN CÒN HAM
Published inGiúp nhau sống đạo
Tagged under