Thiên Chúa là người Cha với trái tim bất chấp thị phi, lên án
Posted by Ban Biên TậpTMĐP- Xin Thánh Tâm Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được tình yêu bất chấp mọi thị phi, lên án của trái tim Thiên Chúa, để ta không sợ hãi và tìm về ẩn mình trong Thánh Tâm là bến bờ yêu thương, an bình, hạnh phúc.
Vì sống trong xã hội, sống với mọi người, nên cái nhìn của người khác tạo nên áp lực không nhỏ trên đời sống của ta. Bằng chứng là ta sợ người khác đánh giá, sợ thiên hạ bình phẩm, sợ đám đông dèm pha, sợ người chung quanh cho điểm thấp, gắn nhãn hiệu. Nỗi sợ này len lỏi cả vào tình yêu, và ảnh hưởng không nhỏ trên chọn lựa yêu thương của mỗi người.
Kinh nghiệm bản thân cho thấy: ngay cả khi yêu nhau, chúng ta vẫn ngán cái nhìn và sợ những lời thị phi của thiên hạ. Vì thế, đã có những lần ta từ chối tháp tùng mẹ già “nhếch nhác, quê mùa”, vì sợ mất “số má” trước đám bạn “con ông cháu cha” ở thành phố; ngần ngại đi cùng người chị tàn tật vì mắc cở với lối xóm; tránh né đồng hành với người bạn gái thiếu dáng dấp tiểu thư, đài các, vì sợ mất đẳng cấp với đồng nghiệp; khó chịu, bực bội khi phải sánh vai với người chồng gầy guộc, lam lũ, hay với người vợ còm cõi, kém nhan sắc, vì sợ thiên hạ thị phi. Nói tóm lại, tuy có yêu, nhưng ta vẫn ngại xuất hiện với “người yêu” không đẹp, không cao sang, không tước vị; có yêu, nhưng không mấy vui khi phải đi bên cạnh hay đồng bàn với “người yêu” không danh giá, không được mọi người săn đón, trọng vọng. Và một cách nào đó, đây chính là thước đo tình yêu của trái tim ta dành cho người ta yêu.
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần bị thiên hạ phê phán vì thân tình với những người bị dư luận lên án. Họ là những người thu thuế làm việc cho đế quốc, những người có “tội trống” như đĩ điếm, những người ngoại đạo bị coi là dơ bẩn, những gã giang hồ bị coi là cặn bã xã hội. Ngài không sợ bị tai tiếng, cũng không sợ bị dư luận lên án, phê bình, nhưng bất chấp thị phi và tỉnh bơ đi lại với những người bị xã hội xếp vào hàng tội lỗi, vô tích sự.
Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại sư kiện Ngài kêu gọi người tội lỗi đi theo làm môn đệ Ngài và đồng bàn với phường có tội: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! “Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,14-17 ; x. Mt 9,9-13 ; Lc 5,27-32).
Hơn ai hết, Đức Giêsu thấu hiểu lòng người và những thị phi của họ, nên có lần đã than thở: “Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị qủy ám”. Con Người đến, cũng ăn uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi ” (Mt 11,18-19).
Là Thiên Chúa Tình Yêu, Đức Giêsu đã yêu bằng trái tim không chỉ bất chấp mọi thị phi, mà còn bất chấp cả những lên án nặng nề và đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, như đã bất chấp thành trì kiên cố bảo vệ Luật Môsê là đám đông kinh sư, và Pharisêu đằng đằng sát khí trước mặt Ngài, khi cứu người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang thoát án tử “ném đá”, bằng “lách luật” cách tài tình, với câu hỏi không ai có thể trả lời, nhưng tất cả đều phải yên lặng, cúi mặt bỏ đi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).
Đặt những ông cảnh sát tôn giáo này vào thế bí, Đức Giêsu biết chắc Ngài đã đụng vào ổ kiến lửa, nhưng vì tình yêu thúc bách, Ngài sẵn sàng bất chấp thị phi, mà cả những lên án, đe dọa, bằng chứg là không lâu sau, họ đã “lượm đá để ném Người… và tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ ” (Ga 8,59.110,39).
Không chỉ bất chấp thị phi và nguy hiểm khi tỏ lòng yêu thương, bênh vực con cái Ítraen yếu đuối, tội lỗi, Đức Giêsu còn bất chấp toàn bộ cơ cấu co cụm của pháo đài tôn giáo của Ítraen, đồng bào Ngài, khi công khai ca ngợi đức tin của những người ngoại đạo mà não trạng “dân riêng” tự cho phép khinh miệt, coi thường. Họ là người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan (x. Mt 15,21-28), là viên sĩ quan đại đội trưởng ngoại đạo đã được Đức Giêsu khen ngợi, bất chấp đồng bào, đồng đạo của Ngài đang bực bội, khó chịu vì phải nghe những lời tuyên dương rất chói tai: “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 10).
Quả thực, trái tim người cha Thiên Chúa mang tình yêu bất chấp thị phi, bất chấp lời đàm tiếu, bất chấp lên án, đe dọa, và ngay từ thời Cựu Ước, chân lý của tình yêu này đã được mặc khải qua cuộc đời của ngôn sứ Hôsê: Đức Chúa phán với Hôsê: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Ítraen, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác…” (Hs 3,1).
Ngôn sứ Hôsê là hình ảnh của người cha Thiên Chúa với trái tim bất chấp mọi lời thị phi, mọi thái độ khinh khi, coi thường của thiên hạ khi yêu con người, dù con người có bội bạc, phản phúc đến đâu; dù con người xấu xa, bỉ ổi, nhơ nhớp, tồi tệ, trơ trẽn đến thế nào. Mức độ bất cần “thiên hạ” trong yêu thương của Thiên Chúa thật tuyệt vời, và vượt xa mọi hiểu biết của con người. Chỉ nghe những lời ngọt ngào của Thiên Chúa nói với người yêu đã nhiều lần phản bội và bất trung, bất xứng, chúng ta cũng đủ thấy trái tim chất ngất tình yêu “gan lì và bất chấp mọi thị phi” của Thiên Chúa đối với tội nhân: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó … Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân.. Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa” (Hs 2,16-18).
Thực vậy, trái tim của người cha Thiên Chúa là trái tim bất chấp những thị phi của thế gian, khi tìm đến chúng ta là những người tội lỗi đầy mình, những người mang tiếng xấu đầy tai, do cuộc sống bất lương, bất chính, bất nhân, và bất toàn trong mọi lãnh vực. Bởi nếu không yêu tội nhân như chúng ta bằng tình yêu bất chấp những thị phi, đe dọa, lên án của thế lực đạo đời, Đức Giêsu đã không thân thiết với “phường tội lỗi”, không hết tình, hết mình bênh vực người có tội, không đứng hẳn vào hàng ngũ tội nhân để bị kết án tử hình đóng đinh trên Thánh Giá; nếu không yêu người có tội bằng tình yêu bất chấp tai tiếng, Đức Giêsu đã không bị chức sắc đạo đời cô lập, tẩy chay, xua đuổi, tiêu diệt, chỉ vì đứng về phía người có tội bị coi là thành phần bất hảo của xã hội, đám chiên ghẻ lở, kinh tởm, đáng bị loại trừ khỏi đoàn chiên; nếu không yêu người yếu đuối, liên tục đứng lên rồi ngã xuống, bằng tình yêu bất chấp những đàm tiếu, diễu cợt của người đời, Đức Giêsu đã không trở thành điểm ngắm của thế lực tôn giáo, khi công bố mà không sợ bị ném đá, bôi nhọ: “Tôi không đến để kêu gọi ngưòi công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).
Phần chúng ta, nếu nhìn lại, có lẽ phần đông sẽ thấy mình đang đứng giữa những kinh sư, thượng tế, Pharisêu “công chính, đạo đức,thánh thiện” và đang nhăn nhó khó chịu khi thấy Đức Giêsu thân mật trò chuyện lâu giờ với người đàn bà ngoại đạo Samari bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4, 7- 42), hoặc gay gắt lên án thái độ “dễ dãi” của Ngài khi để “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người … lấy tóc mình mà lau và lấy dầu thơm mà đổ lên”, lại còn lên tiếng bênh vực: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”, và bất chấp lời bàn của khách cùng được mời dự tiệc (Lc 7,37.38.47).
Sở dĩ chúng ta nhăn nhó khó chịu, gay gắt chỉ trích, lên án như những kinh sư và Pharisêu, vì chúng ta chưa nhận ra mình là ai, hoặc có nhận ra, thì mới chỉ là ngoại hình, ngoại diện, còn nội tâm thì chưa bước vào, nên ảo tưởng mình thánh thiện, ảo tưởng mình công chính, như người có đạo, nếu không thận trọng và biết mình sẽ dễ mang ảo tưởng đạo đức, người dậy tu đức dễ nghĩ mình đức độ chân tu, người làm việc trong nhà thờ dễ tưởng mình độc quyền Thiên Chúa, Nước Trời. Nhưng thực trạng thì xa vời, và thực tế thì khác biệt với ảo tưởng. Chẳng thế mà cuộc đấu tố người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang đã kết thúc bằng: “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”, sau khi Đức Giêsu “ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7.9).
Xin Thánh Tâm Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được tình yêu bất chấp mọi thị phi, lên án của trái tim Thiên Chúa, để không sợ hãi, tìm về ẩn mình trong Thánh Tâm là bến bờ yêu thương, an bình, hạnh phúc của người có tội. Và để được trầm mình trong đại dương của tình Chúa, chúng ta xin được ơn khiêm tốn, tự hạ để luôn biết mình là người tội lỗi được Chúa đến kêu gọi và cứu độ (x. Mt 9,13), và học yêu với Chúa bằng trái tim bất chấp thị phi để không sợ hãi, ngại ngùng đến với những anh em yếu đuối, bị lên án là kẻ tội lỗi, bị khinh miệt vì nhiều thiếu sót, khuyết điểm, bởi chỉ như thế, đời Kitô hữu của chúng ta mới thực sự trổ sinh hoa trái “ơn cứu độ” cho ta và mọi người.
Jorathe Nắng Tím