Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 22 Tháng 7 2021 06:49

Cho và nhận với cả tấm lòng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHO VÀ NHẬN VỚI CẢ TẤM LÒNG | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 4



TMĐP- Những ngày Việt Nam lên cơn sốt đại dịch Covid, ước sao mọi người đều trở thành người cho và người nhận dễ mến của nhau, cho – nhận với tất cả tấm lòng .

Không ai sống mà không cho và nhận, bởi có cho có nhận mới đích thực là cuộc sống vì sống là sống với: sống với người khác, sống với nhau.

Vì sống với người khác, nên có lúc cho người khác và có lúc được người khác cho; vì sống với nhau, nên cho nhau, nhận từ nhau là lẽ thường tình, nếu không muốn nói là cần thiết, bởi không ai có thể sống một mình mà không nhận từ người khác sự sống, tình yêu, sự giúp đỡ, che chở; cũng như không người nào dám vỗ ngực tự hào: “Tôi chẳng cần ai trong cuộc đời này”.

Quả thực, chúng ta cần nhau để sống, và sự cần thiết này biểu hiện qua hành vi “cho và nhận” được liên tục tiếp diễn trong cuộc sống.

Sở dĩ phải cho và nhận, vì không ai hoàn hảo, đầy đủ, trọn vẹn, viên mãn; không người nào tự mình làm được mọi sự, giải quyết được mọi việc, và làm chủ được mọi tình huống, hoàn cảnh, nhưng ai cũng có những phần thiếu cần được người khác bổ túc, làm đầy. Người nào cũng có những điểm yếu cần được người chung quanh gia cố, hỗ trợ, nên dù kiêu hãnh, tự mãn đến mấy cũng có lúc phải cậy nhờ người khác; ngông nghênh, cao ngạo, bất cần đời đến đâu rồi cũng có ngày phải nương dựa người chung quanh, cần đến lòng tốt, sự giúp đỡ, và tình tương trợ của nhiều người.


Chính vì sống là “sống với, sống chung, sống cùng”, nên cho và nhận giữ một vai trò quan trọng làm nên tương quan. Nếu cho và nhận tốt đẹp, thì tương quan giữa những người cùng sống sẽ tốt đẹp; trái lại, cho và nhận không thành công, thì tương quan chắc chắn sẽ căng thẳng, tồi tệ.

Những ngày này, khi Sàigòn vỡ trận, và nhiều tỉnh thành theo nhau “toang” vì Covid, dân tình hoang mang, và nhiều người rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn lương thực. Trước hoàn cảnh khó khăn, phong trào từ thiện nở rộ làm cho tương quan giữa người với người, giữa hàng xóm láng giềng, cả với người chưa quen, còn xa lạ như tưng bừng mở hội làm nhẹ gánh thương đau, bớt nỗi khổ sầu, ấm áp hơn tình nhân loại, nghiã đồng bào..

Tuy vậy, trên mạng xã hội những ngày gần đây đã không thiếu những cảnh “người cho” bị “người nhận” mắng nhiếc, chửi rủa, thậm chí còn bị hành hung cách rất côn đồ, thiếu văn hoá. Nhưng bên cạnh hiện tượng người cho bị người nhận tấn công, cũng không thiếu những cảnh nguời nhận bị người cho xúc phạm, làm tổn thương bằng những lời khinh miệt nặng nề, thái độ vô cảm, phản cảm gây bức xúc, phẫn nộ.

Chúng ta cùng chia sẻ nguyên nhân đã làm phát sinh nông nỗi đáng buồn này ?

Thực ra, khi bắt tay làm từ thiện, “người cho” đã “có một tấm lòng”; bởi có lòng mới dành tiền của, công sức, thời gian để đến với những người đang cần được giúp đỡ, chia sẻ; có lòng mới cất công đến những nơi xa xôi hẻo lánh cứu giúp người lâm hoạn nạn; có lòng mới chịu dầm mưa dãi nắng, ăn uống thất thường trong những chuyến đi bão táp, vất vả vào vùng cheo leo, hiểm trở, nhiều rủi ro, đe dọa.

Tuy vậy, không vì “sẵn có lòng”, mà người làm từ thiện không bị cám dỗ vấp ngã vào những cạm bẫy giăng ngập lối đi của người cho, đó là cám dỗ “nghĩ và tự phong mình là ân nhân của nhân loại ”.

Đây là cám dỗ thuộc loại thống trị luôn có mặt và kín đáo nằm phục ngay cửa lòng của người cho, và chỉ cần một chút kiêu căng, một chút tự mãn, một chút tự hào như tia lửa là cám dỗ nổ tung, và chiếm cứ toàn bộ phong cách của người cho, biến họ thành một nhà độc tài, một kẻ cả, một ông chủ từ trên cao ban phát ơn mưa móc cho đám nô lệ ở dưới.

Như thế, khi tấm lòng từ thiện, nhân ái bị chiếm đóng bởi kiêu căng, thì khuynh hướng thống trị lên ngôi, và người cho không còn giữ được tấm lòng và thái độ yêu mến, kính trọng người nhận, cũng như không còn thân ái, ân cần, tế nhị trong cách cho, nhưng cứng cỏi trong ngôn từ, lạnh lùng ở thái độ đối với người mình giúp đỡ, làm cho người nhận tủi thân, tủi phận, mặc cảm ăn xin, tầm gửi.

Về phía người nhận, cám dỗ cũng không buông tha, bởi nếu “người cho” bị cám dỗ trở thành kẻ thống trị của người nhận, thì người nhận cũng bị cám dỗ trở thành kẻ thù của người cho, vì người nhận thường mang sẵn mặc cảm yếu kém, thất thế, bị coi thường, nên chỉ một đóm lửa khinh mạn từ cái nhìn, hoặc lời nói, thái độ của người cho, lập tức “lòng tự trọng quá đáng” sẽ nổ tung, dẫn đến căm thù, uất hận, làm tiêu tan tương quan tốt đẹp lẽ ra phải có giữa người nhận và người cho.

Thực vậy, nguyên nhân chính gây ra đổ vỡ tương quan giữa người cho và người nhận, chính là thiếu một tấm lòng. Người cho thiếu lòng kính trọng người nhận, mặc dù có thể giầu lòng nhân ái; người nhận thiếu lòng biết ơn người cho, mặc dù có thể giầu lòng tự trọng. Cả hai không xấu, nhưng thiếu “cái cần phải có” là lòng kính trọng và lòng biết ơn để tương quan “cho và nhận” được hài hoà: người cho tiên vàn phải có tấm lòng kính trọng người mình chia sẻ, giúp đỡ, và người nhận tiên quyết phải có tấm lòng biết ơn người đã đến với mình trong hoàn cảnh khó khăn.


Lòng kính trọng của người cho đối với người nhận nói lên tinh thần phục vụ vô vị lợi xuất phát từ tấm lòng nhân ái của người cho. Người cho biểu hiện lòng nhân ái qua hành vi kính trọng người nhận không chỉ vì muốn chia sẻ, chung vai gánh vác khổ đau của người kém may mắn hơn mình, nhưng còn nhớ về cuộc đời cũng đã được nhiều người gánh vác, nâng đỡ, sẻ chia của mình, để ý thức và thâm tín hơn mình cũng là người chịu ơn, và vui vẻ phục vụ những người đang cần mình giúp đỡ, như cách trả ơn cao đẹp nhất đối với những người đã từng làm ơn cho mình, mà rất ít người trong số họ mình đã may mắn được gặp lại trong cuộc đời để đáp nghĩa đền ơn.

Cũng thế, người nhận cần có lòng biết ơn, bằng nhận ra việc làm nhân ái của người cho. Nhận ra lòng nhân ái của người giúp mình là lời cám ơn tuyệt vời ở người được giúp đỡ, và tất nhiên phủ nhận lòng tốt của người giúp mình là xúc phạm họ cách nặng nề nhất, bởi tấm lòng mới là giá trị thực, tấm lòng mới là món quà qúy giá người cho muốn trao tặng, tấm lòng mới là ước mơ người nhận tìm kiếm ở người cho, và tấm lòng mới là phần thưởng, hạnh phúc mà cả người nhận người cho đều mong đón nhận ở nhau.

Ước gì những ngày Việt Nam lên cơn sốt đại dịch Covid, mọi người đều trở thành người cho và người nhận dễ mến của nhau, bằng cho – nhận với tất cả tấm lòng, bởi chỉ với tấm lòng, “một miếng khi đói” mới có thể “bằng một gói khi no”, “lá lành” mới đùm được “lá rách”, “lá rách” mới che được “lá nát”, và bầu bí mới hết mình thương mến, tương trợ nhau, dù biết mình không cùng giống , nhưng “chung nhau một giàn”.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/cho-va-nhan-voi-ca-tam-long/

Read 524 times