TMĐP- Tuổi già vẫn có Chúa nâng đỡ, tháng năm già nua, bệnh hoạn vẫn được Chúa quan tâm, rợp bóng xót thương.
Vi trùng gặm nhấm khủng khiếp nhất ở người già là mặc cảm bị quên lãng và không ai hiểu mình. Tâm trạng này không còn là mặc cảm, vì là sự thật khó chối cãi, khi thế hệ trẻ không còn hiểu được thế hệ già, người trẻ không quan niệm như người già, thời đại mới không cùng chung nhịp bước với thời đại cũ, nên những khác biệt về tư tưởng, lời nói, việc làm giữa trẻ và già, giữa ông bà, cha mẹ già và con cháu ngày càng bị đào sâu, mà không gì có thể san bằng, lấp đầy.
Chính vì thấy mình không còn theo kịp trào lưu, không còn hiểu kịp ngôn ngữ thời thượng của con cháu, mà người già không còn ham muốn chia sẻ,đúng hơn là không còn dám góp ý kiến, khuyên dậy con cháu trong nhà, vì mỗi lần mở miệng là mỗi lần nhận về những phủ nhận đại loại như “ông bà biết gì, thời nay khác nhiều rồi …”, và cô đơn vẫn hoàn cô đơn, cô độc vẫn mãi là cô độc, khi không ai muốn lắng nghe mình nói, không người nào kiên nhẫn ở lại để hiểu điều mình muốn chia sẻ.
Đức Giêsu thì ngược lại, Ngài tỏ ra quan tâm đặc biệt người già cô đơn, và thương yêu đặc biệt tuổi già sầu khổ, bệnh tật, như Tin Mừng Luca thuật lại: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất…” (Lc 4,38-39).
Cử chỉ “cúi xuống gần bà” của Đức Giêsu đã nói lên sự ân cần quan tâm của Ngài đối với người đàn bà lớn tuổi đang lên cơn sốt nặng. Cử chỉ ấy còn làm chứng Đức Giêsu gần gũi người già đau bệnh, và sẵn sàng can thiệp khi được yêu cầu, kêu xin, như người nhà của môn đồ Simon đã xin Ngài chữa bà.
Cũng Tin Mừng Luca đã cho người già sầu khổ hôm nay niềm an ủi được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, khi kể lại: “Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này mà con trai duy nhất, và mẹ anh ta là một bà góa… Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “ Bà đừng khóc nữa!”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,11-15).
Chắc chắn bà mẹ này không còn trẻ, nhưng đã luống tuổi, vì người con trai xấu số của bà đã ở vào tuổi thanh niên. Thấy bà khóc lóc thảm thiết, vì không còn con, cũng chẳng còn chồng, nhưng thân già cô qủa, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương xót, dù không ai đã xin Ngài, và đã làm phép lạ cho con bà sống lại.
Thế mới biết, Chúa quan tâm người già đau yếu, tìm đến chữa lành tuổi già nhiều bệnh tật, và xót thương an ủi người già sầu khổ, neo đơn, nên cho dù mọi người có hững hờ, vô tâm, vô tình, tuổi già của con vẫn có Chúa nâng đỡ, tháng năm già nua, bệnh hoạn của con vẫn được Chúa quan tâm, rợp bóng xót thương.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/chua-quan-tam-nguoi-gia-dau-benh-sau-kho/