TMĐP- Sống đạo với người Kitô hữu là sống Bí Tích Tình Yêu, vì tình yêu là tất cả Mặc Khải, là Đức Giêsu, là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội.
Ở đời người ta hơn nhau ở thành công, nên càng thành công, người ta càng được nhiều người thần tượng, kính sợ, trân trọng, trầm trồ ca tụng, và tất nhiên không thể kể hết số người xúm xít vây quanh xin làm thân, náo nức chạy theo xin làm môn đồ, lính lác, bề tôi.
Vì thế, ai cũng mơ thành công, làm mọi cách để thành công, vì thất bại là tai hoạ, tủi nhục, bất hạnh, thương đau không chỉ một giai đọan mà đổ vỡ cả một đời, tổn thất trọn một kiếp.
Người tín hữu cũng mang khát vọng thành công ấy trong đời sống đạo, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo, bởi nếu thành công trong tương quan với thượng giới, nghiã là thực hiện được những việc mà phàm nhân ở hạ giới không thể làm được; bởi nếu thành công với đồng loại, khi tương quan rực rỡ, thì quả thực công việc truyền giáo của người ấy chắc chắn sẽ đạt đến độ “đại thành công”.
Đại thành công vì quần chúng sẽ đổ xô đến nghe rao giảng, vì được thấy nhãn tiền những phép lạ cả thể; đám đông sẽ chen chúc để mong được chạm vào gấu áo của người có sức manh thần thiêng trừ quỷ, chữa mọi thứ bệnh hiểm nghèo, sai khiến cả thiên nhiên; bàn dân thiên hạ sẽ “tâm phục khẩu phục” và hàng hàng lớp lớp xin đi theo làm môn đệ người ân nhân vĩ đại, con người đạo đức tuyệt vời; và mọi người sẽ không do dự xin được rửa tội, gia nhập Hội Thánh, tin vào Đấng mà con người đại thành công này giới thiệu, loan truyền, bảo đảm.
Thực vậy, cách này hay cách khác, ít hay nhiều, người tín hữu đôi khi cũng ao ước thành công để lôi cuốn càng nhiều càng tốt người ngoài đạo gia nhập Giáo Hội, cũng cố gắng làm đủ mọi việc, thực hiện nhiều công trình hoành tráng để thiên hạ ngưỡng mộ, tin tưởng, tín nhiệm hầu xin vào đạo, đi theo đạo và như thế mục tiêu truyền giáo của người tín hữu sẽ đạt được kết quả vượt xa lòng mong ước.
Nhưng giấc mơ thành công để truyền giáo, nói cách khác, ước mơ trở thành người thành công, đại thành công để mọi người nhìn thấy mà cảm phục, ngưỡng mộ rồi tin vào Tin Mừng mình rao giảng, làm chứng có thực là điều Thiên Chúa muốn không? Có thực là phương cách Thiên Chúa chọn và ủng hộ, khuyến khích nhà truyền giáo không?
Thánh Phaolô thẳng thắn trả lời chúng ta, câu trả lời mà không mấy người dám ngờ tới: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
Không mấy người dám ngờ tới, vì ngay cả làm được phép lạ, trừ tà trừ quỷ, từ quỷ vương tinh ba đầu sáu tay đến đám quỷ cắc ké, nhãi ranh cũng vẫn có thể bị coi là phường chèo; ít người dám ngờ tới, có đức tin lớn đến độ có thể chữa được mọi bệnh nan y, sai khiến được cả thiên nhiên, mà vẫn có thể bị coi là gánh xiệc làm trò hề không mảy may giá trị; và mấy ai dám ngờ: ngay cả việc tự nguyện chịu tra tấn, hành hình đến “tan thây nát thịt”, mà cũng chưa chắc sẽ mang lại lợi ích cho ai, kể cả cho chính mình .
Thế mới biết tiêu chuẩn đánh giá, đơn vị định phẩm, cán cân định lượng của Thiên Chúa rất khác với tiêu chuẩn của con người. Con người xem việc làm phép lạ, nói và hiểu tiếng lạ, cắt nghiã điềm lạ, chuyển được núi, dời được non là việc chỉ có thể làm được bởi siêu nhân, thánh nhân, người đại đức độ; còn Thiên Chúa lại chỉ nhìn xem đức mến, tình yêu có hay không, thực hay giả, nhiều hay ít nơi những việc kỳ diệu, phi thường, những điềm thiêng dấu lạ, và hành động anh hùng, quả cảm đó.
Chính vì lấy tình yêu làm đơn vị đo lường, đức ái làm tiêu chuẩn đánh giá, mà “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma” của “bà goá nghèo đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,42.43), cũng như người phụ nữ tội lỗi đã được tha nhiều vì yêu nhiều (x. Lc 7,36-50), không như những người Pharisêu giả hình, mà bên ngoài thì ra vẻ trang nghiêm, đạo hạnh, thánh thiện, quan tâm lo lắng cho người khác, và lớn tiếng hô hào khẩu hiệu phục vụ, hy sinh, nhưng trong tâm hồn thì gian ác, tham lam, trái tim thì vô cảm, khô máu yêu thương. Kết quả là họ đã nhận những lời “trách mắng, nguyền rủa rất nặng nề” của Đức Giêsu, như Tin Mừng Matthêu đã ghi lại (x.Mt 23,1-36).
Quả thực, sống đạo với người Kitô hữu là sống Bí Tích Tình Yêu, vì tình yêu là tất cả Mặc Khải, là Đức Giêsu, là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Đó là lý do Đức Giêsu đã chỉ ban một lệnh truyền là: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, và chỉ ban một dấu hiệu duy nhất để mọi người nhận ra ai là môn đệ Ngài là “anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34.35).
Và thánh Tông Đồ Dân Ngoại đã tóm tắt tình yêu thương ấy khi viết: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”: tha thứ tất cả, kể cả những xúc phạm tưởng như không thể tha thứ như vu khống hồ đồ, chà đạp danh dự, làm tổn thương trầm trọng nhân phẩm; tin tưởng tất cả, kể cả những con người không thể tin được sẽ có thể đổi mới và nên tốt hơn; hy vọng tất cả, kể cả khi rơi vào tình huống hoàn toàn bế tắc, và hầu như vô vọng; chịu đựng tất cả, kể cả những ngạo ngược khiêu khích kinh niên, mãn tính và những cố chấp, cố ý, cố tình, ngất ngưởng ngoan cố.
Một lần nữa, thánh Phaolô làm người Kitô hữu chúng ta giật mình khi dạy chúng ta hãy “tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất”, và chỉ cho chúng ta “con đường trổi vượt hơn cả” là Đức Ái (1 Cr 12,31), vì chỉ Đức Ái mới vô biên, vô hạn, không bao giờ mất được, và bền vững đời đời (x. 1 Cr 13,8. 13).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/con-cam-do-thanh-cong-va-duc-ai/