TMĐP- Với đức tin, tuổi nào cũng là tuổi mong chờ, trông đợi, hy vọng, vì người tin vào Đức Giêsu được mời gọi “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Khi không còn gì để trông đợi, không còn ai để mong chờ, thì đời người buồn hiu hắt, vì mất hẳn màu xanh hy vọng, nhưng rất tiếc, dưới mắt nhiều người, tuổi già chính là tuổi hiu hắt, vì không còn mong chờ, trông đợi, hy vọng ấy.
Nhưng có thực tuổi già thê thảm, tiêu điều như thế không?
Nếu nhìn người già như đang sống một cái chết được triển hạn, tuổi già như cây khô cằn cỗi, khô héo cả thân xác lẫn tinh thần, thì tuổi già thê lương và người già thê thảm như vậy đó. Nhưng may mắn, tuổi già không phải là qũy thời gian bỏ đi của đời người, không phải là đọan đường đời vô nghĩa, không giá trị, càng không là phần đời người đã hư hoại, bị hủy bỏ. Trái lại, thiếu tuổi già, người ta không thể đọc được sức sống mơn mởn của chiếc lá vàng trong mùa xuân dĩ vãng, và cả mầu xanh ngát của nó trong mùa hè vừa mới đi qua.
Với đức tin, tuổi nào cũng là tuổi mong chờ, trông đợi, hy vọng, vì người tin vào Đức Giêsu được mời gọi “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
“Cho tới khi Chúa đến” đòi người tín hữu biết luôn mong chờ, trông đơi. “Cho tới khi Chúa đến” đòi niềm hy vọng vào Lời Hứa của Chúa như điều kiện không thể thiếu, như hồi ấy ở Giêrusalem có một cụ già tên là Simêon. “Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (Lc 2,25-32).
Cụ Simêon, dù tuổi đã già, nhưng vẫn “mong chờ niềm an ủi của Ítraen”, vẫn hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ cứu độ Dân Ngài, vẫn mở lòng để Thánh Thần tác động, vẫn vội vã lên Đền Thờ để được gặp Đấng Thiên Sai khi được Thần Khí thúc đẩy, linh báo. Tuổi già của cụ thật phong phú, vì tràn đầy hy vọng, đời già của cụ thật tươi trẻ, vì căng tròn niềm mong đợi, cuộc sống già của cụ luôn mới mẻ, vì “Thánh Thần hằng ngự trên cụ”.
Đây chính là tuổi già tuyêt vời, vì không đánh mất niềm hy vọng, và người già mang niềm hy vọng ấy là người già được chúc phúc, vì không đặt hy vọng vào lời hứa hão huyền của người đời, không mong chờ thành qủa nhất thời, chóng qua, không trông đợi những giá trị phù vân, tạm bợ mà một thời đã vất vả đi tìm, nhưng hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa, mong đợi ngày trở lại của Đấng đến để cứu độ, và trông chờ hạnh phúc được ra đi bình an, như người tôi tớ một lòng trung thành với chủ.
Được như cụ già Simêon, tuổi già của chúng con sẽ không tiêu điều, khô cằn, héo úa vì thất vọng, tuyệt vọng, nhưng rạng rỡ ánh sáng của niềm hy vọng được thương xót, cứu độ, như cụ già thánh thiện Simêon đã được thấy tận mắt Hài Nhi Giêsu là Ơn Cứu Độ, đã được bồng ẵm Con Thiên Chúa làm người là Ánh Sáng muôn dân, Nguồn Sống mới của nhân loại, vì biết ký thác trọn vẹn tuổi già trong Hy Vọng của Thánh Thần Tình Yêu.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/tuoi-gia-biet-mong-cho-trong-doi/