TMĐP- Mùa Covid, mùa của nhiều dấu chỉ. Đây cũng là mùa và cơ hội cho người Kitô hữu thực hiện lời căn dặn của Đức Giêsu: “Mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Những ngày tù túng, sợ hãi, lo lắng trăm bề vì đại dịch Covid, người dân khốn khổ đi tìm rất nhiều, vì hầu như cái gì cũng thiếu: tìm bó rau cọng cải, tìm miếng thịt, khúc cá, tìm hũ mắm, chai dầu, tìm thùng mì, gói muối, vì tình trạng giãn cách rất nghiệm ngặt; tìm bác sĩ, y tá vì bệnh viện qúa tải; tìm người nhà thất lạc sau lệnh phong toả, trên đường trốn dịch , bỏ thành phố về quê; tìm đường cứu sống vợ dại con thơ, tìm điều kiện cuối cùng để sống thêm ngày mai giữa những nghiệt ngã, bấp bênh, đe dọa…
Giữa những khắc khoải, bôn ba, chạy vạy đi tìm để “sống còn”, đoàn người khốn cùng đã gặp những con người mang những dấu chỉ có hình dạng, hiệu qủa, giá trị, mục đích khác nhau. Tuy thế, tất cả đều tựu trung vào hai nhóm: nhóm dấu chỉ của tình yêu phục vụ tha nhân, và nhóm dấu chỉ của tình yêu “cái tôi” ích kỷ hưởng thụ.
Quả thực, thời phong toả, cách ly với hàng rào trong ngoài, chốt chặn gần xa, người dân đã phải đau đầu với một số những con người thiếu lòng nhân.
Họ là những người mang dấu chỉ của tâm địa bất chính khi lợi dụng tình thế khó khăn, hoàn cảnh khan hiếm lương thực để nhũng nhiễu, bóc lột, thu gom, vơ vét cho mình; họ cũng là những người mang dấu chỉ của xảo quyệt, ma mãnh khi lợi dụng “nước đục thả câu” mạo danh từ thiện để quyên góp cho túi tiền của mình, kiếm chác, nhặt nhụm “tiền công phúc” của bá tánh; họ là những người vô liêm sỉ nhân danh “khốn khó, đau khổ” của nạn nhân Covid gạt gẫm, lừa đảo lòng tốt của nhiều người để vinh thân phì gia.
Những con người mang dấu chỉ “thiếu lòng nhân ái” vừa kể giống nhau ở thái độ vô cảm trước đồng loại bất hạnh. Thái độ ấy phát sinh từ con tim đã trở nên chai đá vì gian tham, cằn cỗi vì vô ơn bạc nghĩa, và cạn kiệt lòng thương xót vì kiêu căng, ích kỷ như người phú hộ trong Tin Mừng Luca đã lạnh lùng vô cảm trước “người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16, 20-21), hay như những người Pharisêu được trọng vọng vì là cấp lãnh đạo có trách nhiệm đối với dân Chúa đã ngang ngược “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4), trái lại còn gian tham, tàn nhẫn đến độ “nuốt hết tài sản của các bà góa” (Mt 23, 14).
Đức Giêsu đã lên án người phú hộ thiếu lòng nhân ái, cũng như những người Pharisêu vô cảm khi gọi họ là “giả hình, gian ác” (Mt 23,28).
Có một điểm chung rất đáng lưu ý ở những con người vô cảm này, là khả năng cải thiện, sửa đổi ở họ rất kém. Bằng chứng là Đức Giêsu đã phải thất vọng vì sự ngoan cố, cứng đầu của họ, khi thốt lên những lời rất nặng nề: “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?” (Mt 23,33), hay qủa quyết hoả ngục nơi người giàu thiếu tình người đang phải chịu trừng phạt cách xa thiên đàng “một vực thẳm lớn”, đến nỗi bên này muốn qua bên kia, hay bên kia muốn qua bên này đều không thể được (x. Lc 16, 26). Và để chứng minh tính ngoan cố bất nhân và cứng đầu vô cảm của họ, Đức Giêsu đã nêu lên một đặc điểm ít ai để ý, đó là ngay cả các ngôn sứ, hiền nhân được Thiên Chúa sai đến nhắc nhở, bảo ban họ, họ cũng “giết chết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác” (Mt 23,34), và kể cả “người chết có sống lại” cảnh báo, khuyên nhủ họ sống nhân nghĩa, từ tâm, họ cũng cứng lòng chẳng tin, như Đức Giêsu đã mượn miệng tổ phụ Ápraham mà trả lời người phú hộ đã nài xin được hiện về từ hoả ngục để cảnh cáo năm người anh em còn sống “kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này” (Lc 15,28), vì theo ông nhà giàu: “nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối ” (Lc 16,30) và sẽ không còn dám vô tâm, vô cảm đối với người nghèo khổ: “Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31).
Tóm lại, Tin Mừng đã vẽ chân dung của người vô tâm, vô cảm trước hoàn cảnh đáng thương cần được chia sẻ, giúp đỡ của người nghèo khó, đau khổ, bị khinh thường, bạc đãi, và tính cách ngoan cố, khó thay đổi vì kiêu căng, khó cải thiện vì gian ác của những con người thiếu lòng nhân ái này. Cùng một lúc, Tin Mừng cho chúng ta biết ai là người từ tâm, nhân hậu, và ai là người thân cận cần được giúp đỡ.
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã quả quyết: người giữ Lề Luật Thiên Chúa , người được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc, người mang dấu chỉ của môn đệ đích thực, đích danh “chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót” (Lc 10,37) như người Samari kia đi đường, trông thấy một người bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và bỏ nửa sống nửa chết bên đường đã “ chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về qúan trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ qúan và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,33-35).
Thực vậy, không chỉ quả quyết: người thuộc về Thiên Chúa, biết Thiên Chúa là người có trái tim thương cảm (x. 1 Ga 4,7); người môn đệ đích thực là người mang dấu hiệu của lòng yêu thương đồng loại (x. Ga 13,35); người được gọi là con Thiên Chúa là người có lòng thương xót tha nhân, bởi “người yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4, 21), mà còn ra lệnh cho những ai muốn đi theo Ngài, muốn nên hoàn thiện , muốn “được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25): “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37), làm như người Samari nhân hậu đã chạnh lòng trước đau khổ của người xấu số, và thực hiện lòng nhân ái bằng chia sẻ nỗi đau của người bất hạnh, chấp nhận mất thời giờ, tiền của, và cả những rủi ro có thể xẩy ra vì tận tình cứu giúp họ.
Mùa Covid, mùa của nhiều dấu chỉ, ở đó người ta nhận ra những khác biệt giữa các dấu chỉ. Đây cũng là mùa và cơ hội cho người Kitô hữu thực hiện lời căn dặn của Đức Giêsu: “Mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Và người ta sẽ nhận ra Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, khi người môn đệ “yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); nhiều người sẽ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót , Đấng “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3), khi người môn đệ “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” như Thầy mình (Mt 20,28); và mọi người sẽ tìm về Đức Giêsu, “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), người cha nhân hậu chỉ biết yêu thương, tha thứ và tìm kiếm hạnh phúc cho con cái, dù con có ngỗ nghịch, hoang đàng, (x. Lc 15,11-32), khi người môn đệ lấy chính đời sống mình làm dấu chỉ của tình thương cao cả là “hy sinh tính mạng cho bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/di-tim-dau-chi-thoi-covid/