Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 22 Tháng 8 2021 09:42

Chọn lựa của người Kitô hữu giữa đại dịch Covid

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHỌN LỰA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU GIỮA ĐẠI DỊCH COVID | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 04

TMĐP- Ngay giữa cuồng phong nguy hiểm của đại dịch Covid, người Kitô hữu vẫn chọn bước theo Đức Giêsu trên đường sứ vụ, vẫn chọn hy vọng vào Đức Giêsu, vẫn chọn hết tình yêu thương và hết mình chia sẻ, phục vụ đồng loại bằng mở rộng trái tim hay chạnh lòng thương; bằng trái tim sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa; bằng dành ưu tiên cho đức ái trong mọi lựa chọn, quyết định.

Những ngày đầu của đại dịch Covid, không ít người đã bỡ ngỡ và có những phản ứng tiêu cực trước quyết định ngưng các sinh hoạt tôn giáo như thánh lễ, học giáo lý của nhiều toà giám mục. Nhưng đến hôm nay, ở vào thời điểm mà số người bị lây nhiễm và tử vong vượt ngưỡng đang làm mọi người kinh hãi, khiếp sợ, thì biện pháp chống dịch như chống giặc đã ngưng mọi sinh hoạt bình thường, và người dân chỉ còn được phép ra vào, đi lại khi có việc khẩn cấp, cho một số nhu cầu thực sự thiết yếu.

SG-LOCKDOWN

Ở giữa tâm dịch với vô số khó khăn và bất ngờ, không ít những suy tư đã được rộng rãi chia sẻ giúp chúng ta phân định và chọn lựa hợp với Tin Mừng:

1. Đóng cửa nhà thờ, nhưng không đóng cửa lòng:

Trong thư mục vụ ngày 27.07.2021, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sàigòn đã chia sẻ nỗi ưu tư và đường lối mục vụ của ngài trước làn sóng đại dịch Covid ngày càng dữ dội, khủng khiếp khi viết: “Chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng”.

Lời kêu gọi dấn thân phục vụ của ngài nhắc nhở sứ vụ của người Kitô hữu là được sai đi để phục vụ như “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mt 20,28), và địa chỉ được sai đến chính là người nghèo hèn, bị giam cầm, áp bức, và tật nguyền, khốn khổ, bị bạc đãi, bỏ rơi (x. Lc 4,16-19).

Sứ vụ ấy đã được chính Đức Giêsu khai triển, và trình bày cách rõ ràng, cụ thể khi mô tả quang cảnh “cuộc Phán Xét chung”, ở đó, mỗi người sẽ phải trả lời trước Thiên Chúa về đời sống phục vụ và những việc làm bác ái của mình nơi những anh em bé nhỏ nhất của Đức Giêsu mà Ngài tự đồng hoá với họ (x. Mt 25,40). Sở dĩ được gọi là “anh em bé nhỏ nhất ” vì ho đói khát, trần truồng, đau yếu, tù đầy, tha hương tỵ nan … (x. Mt 25,35-36); họ bị người đời xếp vào hàng những người hèn mọn nhất, vì thấp cổ bé miệng, không tiếng nói, không địa vị, không chức quyền, không ảnh hưởng, không cả khả năng tự giải cứu mình ở hiện tại cũng như khả thể bảo đảm sự tồn tại của mình ở tương lai.

Quả thực, lòng người Kitô hữu là Đền Thờ của Thánh Thần Tình Yêu. Chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và tác động tâm hồn người Kitô hữu để người ấy không chỉ biết yêu mến Thiên Chúa như con cái yêu mến cha mình và được kêu lên “Áp – ba, Cha ơi !” (Gl 4,6), mà còn nhận ra mọi người là anh em cùng Cha trên trời, và được hưởng “hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23).

Tâm tình của vị cha chung tổng giáo phận cũng là lời mời gọi mỗi người đổi mới con tim, và công trình đổi mới sẽ chỉ được thực hiện, nếu chúng ta kiên trì và khiêm tốn nài xin Đấng đã hứa với dân Ngài: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36, 26-27). Thánh chỉ, phán quyết ấy chính là yêu mến Thiên Chúa và chạnh lòng xót thương anh em mình.

SG-LOCKDOWN2

2. Thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật:

Những ngày cách ly, phong toả, giáo đường không bóng giáo dân, sân nhà thờ lặng lẽ, hiu quạnh. Cũng may còn phương tiện truyền thông internet, nếu không thì chẳng có lễ trực tuyến mà thông công, và người trong xứ có đói khát, sống chết ra sao cũng chẳng ai hay biết.

Rơi vào tình trạng không gặp được ai, không đến được nơi nào, không tập trung đông đảo, nhiều người tín hữu không tránh khỏi tâm trạng hụt hẫng, chênh vênh, bởi từ lâu đời sống đức tin luôn rộn ràng sinh động, các cuộc lễ được tổ chức quy mô, hoành tráng, đông đảo, và mọi người cảm thấy an toàn khi được tập thể, cơ cấu bảo vệ, gìn giữ. Bỗng nhiên không còn gì, không được làm gì, không gặp gỡ, quy tụ được ai, và tình trạng này đã đặt ra cách sống đức tin mới, đòi người tín hữu phải linh động thể hiện niềm tin của mình cách phù hợp với hoàn cảnh mới do đại dịch gây ra.

Qủa thực, Covid đang bao trùm thế giới, đe doa mọi người trên địa cầu, và đặt ra cho chúng ta, những người Kitô hữu một hoàn cảnh “giữ đạo” không đến được nhà thờ, một cách “sống đạo” không phong trào, đoàn thể. Hoàn cảnh này không mấy khác hoàn cảnh không còn Đền Thờ của dân Do Thái khi họ bị tản mác lưu đầy, không còn nơi thờ phượng Thiên Chúa Giavê, khi quân thù tàn phá “Nhà Thiên Chúa”.

Đức Giêsu khi đối thoại với người đàn bà Samari bên giếng Giacóp đã nói với chị ta: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4, 21.23).

Trong thần khí và sự thật, nghĩa là trong Thánh Thần, Đấng ngự trong Đền Thờ tâm hồn mỗi người, như Đức Giêsu đã căn dặn: “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17), “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Có Thần Khí sự thật ở giữa chúng ta và ở trong tâm hồn mỗi người, mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu, mọi tình huống dù nhiêu khê, phức tạp thế nào, sự thật của Thiên Chúa vẫn ngời sáng trong tâm hồn và hướng dẫn đời sống chúng ta, để chúng ta không lầm đường lạc lối, không hoang mang, lo sợ, không thối chí, tuyệt vọng, nhưng tuyệt đối tin tưởng vào lòng thương xót và ơn phù trợ của Thiên Chúa.

tu-thien-2-1151x1536

3.Ưu tiên của đức ái:

Không lúc nào đức ái cần thiết và “gặp thời” như những ngày giữa tâm dịch, khi mà người sống cũng khổ và cô đơn như người chết, người chết cũng tức tưởi, và tang thương như người sống.

Chính trong tâm bão của mọi nỗi khổ, niềm đau, thánh Giacôbê Tông Đồ khuyên nhủ người tín hữu chúng ta: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu được người ấy chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì qủa là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 14-18). “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Và hành động của đức tin chính là đức ái.

Đức ái đang làm chứng đức tin sống động ở những nữ tu tình nguyện quét dọn vệ sinh, lau chùi nhà cầu trong các bệnh viện chữa trị bệnh nhân Covid; đức ái đang chiếu sáng dung mạo Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót nơi các thầy dòng ngày đêm phân phát lương thực, xăng dầu cho đoàn người di tản thiếu thốn mọi sự trên đường trốn dịch, bỏ thành phố về quê; đức ái thực là dấu chỉ của người môn đệ Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu qua “mùi chiên và mùi Covid” toát ra từ những mục tử dám hy sinh hiến mạng vì đoàn chiên, như lời cha Phạm Quang Long, giáo họ Na, thuộc giáo phận Hà Tĩnh, khi viết về cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long, Nhà Thờ Mỹ Lợi B, Cái Bè, Tiền Giang, thuộc giáo phận Mỹ Tho, người đã ưu tiên chọn đức ái, khi lấy hết tiền xây nhà thờ để mua nhu yếu phẩm từ miền Tây gửi giúp bà con Sài Gòn đang lâm cảnh khan hiếm lương thực trầm trọng; đức ái đang “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại” ở những giáo dân âm thầm chia sẻ từng bó rau, cọng cải với gia đình lương dân hàng xóm, những thành viên của các hội đoàn công giáo tích cực đóng góp trong công trình cứu trợ nạn nhân Covid bên cạnh anh chị em của các tôn giáo bạn; và đức ái đã tạo nên những nhịp cầu nối trái tim này với tấm lòng kia, nối vùng miền này với địa phương nọ, nhất là nối con người với Thiên Chúa qua thiện tâm và công tác thiện nguyện.

Tóm lại, Covid tuy là tai họa của nhân loại, là sự dữ gây nhiều đau khổ cho con người, nhưng với đức tin, “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người..” (Rm 8, 28), nên ngay giữa cuồng phong nguy hiểm của đại dịch Covid, người Kitô hữu vẫn chọn bước theo Đức Giêsu trên đường sứ vụ, vẫn chọn hy vọng vào Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, vẫn chọn hết tình yêu thương và hết mình chia sẻ, phục vụ đồng loại bằng mở rộng trái tim được Chúa biến đổi từ chai đá vô cảm thành quả tim bằng thịt hay chạnh lòng thương; bằng xây dựng trái tim sốt sắng thờ phượng thành Đền Thờ của Thiên Chúa; bằng dành ưu tiên cho đức ái trong mọi lựa chọn, quyết định.

Và như thế, không một giây phút nào của thời Covid sẽ trở nên vô ích, vì chúng ta không ngừng chọn Chúa; không một sự kiện, biến cố trái ý, nghịch lòng nào từ đại dịch sẽ bị coi là vô nghĩa, vô vị, vì trong mọi sự luôn có sự hiện diện và tác động của Thần Khí sự thật; và không một ý nghĩ, lời nói, việc làm nào giữa cơn đại dich của chúng ta sẽ bị xếp xuống hàng vô phúc, vì tất cả đều được Tình Yêu Đức Kitô khai sinh, thúc bách.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/chon-lua-cua-nguoi-kito-huu-giua-dai-dich-covid/

Read 609 times Last modified on Thứ hai, 23 Tháng 8 2021 07:10