Chia sẻ lòng ngưỡng mộ các tu sỹ Việt Nam đã ra đi vì Covid trên đường hiến thân phục vụ
Posted by Ban Biên Tập
TMĐP- Cái chết vì Covid của các Tu sĩ nam nữ là biểu chứng của Tình Yêu cao cả ; là dấu chỉ của người Môn Đệ Đức Giêsu, làm chứng Đức Giêu chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót; là niềm xác tín vào Bát Phúc, là Hiến Chương Nước Trời, cũng là con đường hoàn thiện của đời thánh hiến.
Người bạn từ Việt Nam vừa gửi cho con tấm hình đại tang của “Hiệp Hội Nữ Đaminh Thừa Sai Phú Cường” với chân dung thánh thiện của 11 Nữ Tu tử vong vì Covid, nhưng chỉ ít giờ sau, con nhận thêm “Ai Tín” do Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Bích Hương, Tổng Phụ Trách ấn ký, báo tin sự ra đi của 12 Nữ Tu thuộc Hội Dòng, thay vì 11 như trong hình. Thế là danh sách các Nữ Tu Đaminh “được phúc tử đạo” theo lời Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Xuân Lộc trong thư Mục Vụ tháng 9/2021 đã tăng thêm một vị.
Sau vài phút bàng hoàng, và hiệp nguyện, con viết những dòng này như tâm tình chia sẻ lòng ngưỡng mộ của người con ở phương xa hướng lòng về Giáo Hội Mẹ, ở đó có nỗi buồn se thắt tim gan không chỉ của các Nữ Tu thuộc Hiệp Hội Nữ Đaminh Thừa Sai đang khóc thương mười hai chị em vừa ra đi, mà còn có dòng lệ chưa ráo khô của Hội Dòng Mến Thánh Giá, Gò Vấp sau cái chết của 7 chị em, nỗi nhớ Nữ Tu Maria Trần Ngọc Thảo Linh, 32 tuổi, thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt an nghỉ trong Chúa ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ 24.08.2021, sau những ngày tận tụy phục vu bệnh nhân Covid ở tuyến đầu trong đợt ra quân đầu tiên của Tu Sĩ thuộc tổng giáo phận Sài Gòn; cũng như nỗi buồn thương tiếc khó nguôi ngoai của tu sĩ nam nữ thuộc nhiều Hội Dòng khác những tuần qua sau những cái chết đột ngột do lây nhiễm Covid trong thời gian phục vụ bệnh nhân F0 của anh chị em trong Dòng.
Chẳng nói thì ai cũng biết: không cuộc ra đi nào không để lại niềm đau, nỗi nhớ cho người ở lại; không chia lìa, ly biệt nào lại không làm con tim nhói đau, quặn thắt; không bước chân đưa tiễn người thân đến mộ phần, nơi an nghỉ nào lại không chơi vơi, hụt hẫng; và không nước mắt nào có thể vô tình hờ hững trước cái chết của người mình từng gắn bó yêu thương, nhất là khi người ra đi ấy suốt cuộc đời thánh hiến đã luôn sẵn sàng đón nhận cái chết như biểu chứng của một tình yêu cao cả, như dấu chỉ của người môn đệ Đức Giêsu, như chứng tá hùng hồn về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã làm người và chịu đóng đinh, như xác tín không gì lay chuyển, đổi dời ở lời hứa Bát Phúc, và như Của Lễ được hiệp dâng với Đức Kitô trên Thánh Giá để đền tội và xin ơn Bình An cho mọi người.
1/ Cái chết vì Covid của các Tu sĩ nam nữ là biểu chứng của Tình Yêu cao cả:
Là biểu chứng của tình yêu cao cả, vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Kinh nghiệm yêu thương làm chứng điều này, khi cường độ yêu thương càng mạnh, thì mức độ hy sinh cho người mình yêu càng cao, và tận cùng, đỉnh điểm là chết cho người mình yêu thương.
Trước cái chết vì Covid của các Tu Sĩ, bất cứ ai cũng đọc được Tình Yêu cao cả, cũng thấy mức độ cao nhất của Tình Yêu là quên mình, hiến mình, bỏ mình vì những nạn nhân đau khổ, đáng thương của đại dịch Covid; là bất chấp nguy hiểm do lây nhiễm, bất kể ngày mai có thể phải vĩnh viễn bỏ lại sau lưng cuộc đời, khi sẵn sàng dâng tặng chính sự sống, tính mạng của mình để phục vụ và mưu tìm hạnh phúc cho những anh chị em bé mọn nhất, là đối tượng ưu tiên của đức ái ở người môn đệ.
Khi chết cái chết cao đẹp vì tình yêu cao cả, các vị không hành động một cách hời hợt, ngẫu hứng, ngẫu nhiên, nhưng ý thức sâu sa chọn lựa của mình, xác tín vững chắc quyết định của mình, và qủa cảm thực hiện chọn lựa ban đầu khi bước vào đời thánh hiến, bởi ngay phút đầu gặp gỡ, người môn đệ là các Tu Sĩ đã được Đức Giêsu mời gọi: “Hãy bỏ mình” (Mt 16,24), và các vị đã hân hoan đáp trả Tiếng Gọi khi “bỏ hết mọi sự mà đi theo Người” (Lc 5,11).
2/ Cái chết vì Covid của các vị là dấu chỉ của người Môn Đệ Đức Giêsu:
Đức Giêsu đã không vẽ một huy hiệu, hay tạo một mẫu đồng phục nào cho đoàn ngũ môn đệ của Ngài, cũng không đưa ra một ám số, mât khẩu nào để các ông nhận ra nhau, hay người ngoài Nhóm nhận ra các ông, nhưng quả quyết “chỉ có một dấu hiệu duy nhất, và dấu chỉ duy nhất đó là “Anh em có lòng yêu thưong nhau” (Ga 13,35).
Suy nghĩ về cái chết vì Covid của các Nữ Tu những ngày này ở Việt Nam, người ta không thể không nhận ra các vị thực là những Môn Đệ đích thực, những Nữ Tỳ trung tín của Đức Giêsu: đích thực vì các vị đã sống triệt để điều Đức Giêsu dậy khi sống với nhau trong yêu thương, và cùng nhau yêu thương phục vụ mọi người; trung tín vì các vị đã yêu thương nhau đến cùng, khi cùng nhau phục vụ nạn nhân Covid cho đến giây phút cuối đời, khi cùng chết với nhau trong yêu thương.
Quả thực, không còn dấu hiệu nào chính xác hơn về đời thánh hiến, không còn dấu chỉ nào rõ hơn về người Môn Đệ, khi các vị sống cộng đoàn yêu thương, và chết với nhau trong tình huynh đệ đang khi cùng với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu thi hành sứ vụ “đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
3/ Cái chết vì Covid của các vị làm chứng Đức Giêu chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót:
Thánh Phaolô đã tuyên xưng thay các Tu Sĩ, là những người đã dấn thân đi theo Đức Giêsu khi bỏ mình, vác thập giá: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1 Cr 1,23).
Khi đi theo Đức Giêsu sống đời thánh hiến với ba lời khấn Tin Mừng, các vị đã chọn Đức Kitô bị đóng đinh một cách trọn vẹn và quyết liệt, nghĩa là với các vị, không còn thần tượng nào khác ngoài Đức Giêsu của lòng thương xót, không còn lẽ sống nào khác ngoài Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội loài người, để đời các vị được biến thành của lễ đền tội cho mình và người khác, để lời rao giảng của các vị là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 24).
Nay với cái chết vì yêu thương, khi phục vụ anh chị em bé mọn nhất của Đức Giêsu, các vị đã làm chứng hùng hồn: Đức Giêsu bị đóng đinh là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, và lời chứng về Thiên Chúa nhân hậu, bao dung của các vị đầy sức thuyết phục, cảm hóa, đã thay lòng đổi dạ nhiều người, bởi không chứng nhân nào đáng tin hơn người dám chết để minh chứng điều mình làm chứng; cũng thế, không lời chứng nào bảo đảm hơn lời chứng được chứng thực bằng chính mạng sống của chứng nhân.
Thực vậy, khi phục vụ bệnh nhân Covid, các vị đã liều mạng vì thương xót những thân phận bất hạnh, xấu số ; đã sống triệt để bài học yêu thương “ vô cùng và đến cùng ” của Đức Giêsu khi chết cho những người nghèo khó, đau bệnh cần được nâng đỡ, ủi an, như “ Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng ” (Ga 13,1).
4/ Cái chết vì Covid của các vị là niềm xác tín vào Bát Phúc, là Hiến Chương Nước Trời, cũng là con đường hoàn thiện của đời thánh hiến :
Chọn sống đời thánh hiến là chọn sống tinh thần của Hiến Chương Nước Trời đã được Đức Giêsu công bố trên núi Bát Phúc, mà nội dung cũng như động lực của Tám Mối Phúc Thật ấy chính là tình yêu. Bởi có yêu thương quên mình, người môn đệ mới chấp nhận sống nghèo khó, hiền lành; có yêu thương chịu đựng, người môn đệ mới cam chịu sầu khổ; có yêu thương phục vụ, người môn đệ mới miệt mài tìm kiếm điều công chính và nỗ lực xây dựng hoà bình; có yêu thương tha thứ, người môn đệ mới chạnh lòng xót thương và vui lòng chịu sỉ vả, bách hại, vu khống (x. Mt 5,1- 12)
Nhưng chính khi yêu thương bằng sống tinh thần Bát Phúc, người môn đệ nhận được phần thưởng là chính Thiên Chúa trong Vương Quốc đời đời của Ngài.
Vì thế, khi sống và chết cho lý tưởng yêu thương, phục vụ như Hiến Chương Nước Trời đề ra, các vị đã tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu và Lời Hứa của Ngài, đồng thời hiện thực Lời Hứa ấy ngay trong cuộc sống ở trần gian, và chứng thực niềm tín thác tuyệt đối vào đường lối của Thiên Chúa bằng sẵn sàng chết vì yêu thương, và phục vụ anh em mình.
Vâng, được viết lên tâm tình ngưỡng mộ các Tu Sĩ nam nữ đã “được phúc tử đạo” giữa cuồng phong của đại dịch Covid, con muốn vẽ lên chân dung các vị đã chết vì yêu thương, phục vụ ở tuyến đầu Covid, với ba gam màu tuyệt đẹp đều bắt đầu bằng chữ S như hình thể của đất nước Việt Nam, quê hương của các Tiền Nhân Anh Hùng Tử Đạo suốt bao đời, và ròng rã trải qua bao thời thử thách, đó là các gam màu Sẵn Sàng, Sáng Kiến, Sang Bờ Bên Kia :
Sẵn Sàng đáp trả lời mời gọi lên đường phục vụ “những anh em bé mọn nhất của Đức Giêsu” (x. Mt 25,40.45 ) bất cứ ở đâu, lúc nào, và trong hoàn cảnh, điều kiện nào.
Không ngừng có Sáng Kiến để thi hành cách tốt đẹp nhất sứ vụ yêu thương, phục vụ được trao phó.
Sang Bờ Bên Kia để đến với muôn dân và yêu thương, phục vụ họ “nhân danh Đức Giêsu”, mà không ở lì trong pháo đài cái tôi ích kỷ, kiêu căng, tham vọng, quyền lực.
Đêm nay, 30.08.2021, bên trời Âu xa xôi, cách trở, con sẽ không quên hiệp thông cùng Mẹ Giáo Hội, và các Hội Dòng tại Việt Nam cầu nguyện cho các Tu Sĩ đã được phúc lấy máu mình làm chứng đức tin và tình yêu hiến mạng vì tha nhân của những người được Thiên Chúa kêu gọi, tuyển chọn sống đời thánh hiến.
Tuy cầu nguyện cho các vị, nhưng tận thâm tâm, con tin rằng các vị đang ở bên Chúa, vì tên các vị đã được ghi trên trời (x. Lc 10,20) như ước mong của Đức Giêsu trong Kinh Nguyện Thánh Hiến: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17, 24). Đồng thời con cầu xin cùng các vị đã “được phúc tử đạo” trong cơn đại dịch kinh hoàng ở quê nhà “cầu thay nguyện giúp” cho Giáo Hội đang gặp nhiều thử thách, cho dân tộc đang gánh chịu nhiều thương đau, và cho con, đứa con yếu đuối, tội lụy luôn “cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/chia-se-long-nguong-mo-cac-tu-si-viet-nam-da-ra-di-vi-covid-tren-duong-hien-than-phuc-vu/