Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 20 Tháng 9 2021 05:47

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ trong khi làm từ thiện

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ” TRONG KHI LÀM TỪ THIỆN | Chuỗi Suy Tư Thời Covid Dưới Ánh Sáng Tin Mừng

 

TMĐP- “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” trong khi làm từ thiện. Cám dỗ là ân nhân của nhân loại ; là người tài giỏi, nhiều sáng kiến kỳ diệu. Cám dỗ thực hiện cho kỳ được hoài bão, ước mơ; là người toàn năng, xoay xở được mọi sự trong mọi tình thế.

Ai cũng nghĩ từ thiện là việc bác ái mà chỉ những người có lòng nhân ái mới làm và mới làm được, vì người tâm địa xấu xa, lòng dạ ích kỷ, gian tham, chật hẹp thì có năn nỉ, mời mọc, họ cũng chẳng quan tâm , nói chi đến dấn thân, cộng tác làm thiện nguyện.

Vì thế, người ta khâm phục những người làm từ thiện, vì họ là người tốt, “có lòng”, biết và dám sống cho người khác, vì người khác; người ta quý mến những người làm bác ái, vì họ bỏ công sức, của cải, thời giờ vì người nghèo, người đau bệnh, kẻ khốn cùng, nên không mấy ai nghĩ những con người tốt lành, thánh thiện, khả ái, “ân nhân của nhân loại” này có thể chao đảo, lung lay, mất phương hướng vì những cơn cám dỗ không kém dữ dội và nặng nề khi làm từ thiện.

Riêng với người Kitô hữu, dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta không ngại cùng nhau nêu lên một số cám dỗ tiêu biểu thường gặp trong khi làm việc bác ái:

1/ Cám dỗ là ân nhân của nhân loại:

Đứng trước người nghèo khổ, bệnh hoạn, với phương tiện vật chất dồi dào và khả năng cứu giúp họ, chúng ta rất dễ rơi vào cơn cám dỗ cho mình là ân nhân của nhân loại, bị cuốn hút bởi ảo tưởng chính mình là nhà giải phóng, đấng cứu độ, vị cứu tinh, nhất là khi kết quả của công cuộc cứu trợ, thành quả của chương trình thiện nguyện vượt qúa lòng mong ước, trông đợi, và được nhiều người ngưỡng mộ, tuyên dương, ca ngợi.

Khi lọt vào cạm bẫy “ân nhân, người hùng, kẻ xoay chuyển tình hình, hoàn cảnh”, chúng ta sẽ không còn làm việc bác ái như người anh em của mọi người, như bạn đồng hành với người chung quanh, như chi thể của một Thân Thể, nhưng sẽ có những thái độ “vô tình” kiêu căng, “vô ý” lên mặt, “vô cớ” nóng gắt, và như thế, chúng ta không còn sống đức ái như người thuộc về Đức Giêsu “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29); Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28).

2/ Cám dỗ là người tài giỏi, nhiều sáng kiến kỳ diệu:

Vì từ thiện là phong trào nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của người khác, nên khi làm từ thiện, ai cũng được tự do, thoải mái đóng góp ý kiến, công sức, tiền bạc của mình, mà không chịu áp lực của hệ thống tổ chức chặt chẽ, nặng nề, khắt khe. Chính vì thế dễ phát sinh giữa những người cùng làm việc từ thiện những bất đồng, căng thẳng, lấn cấn vì ai cũng nhiệt thành, hăng say, quảng đại, ai cũng hết tình, hết mình dấn thân, xốc vác, nên ai cũng có thể và có quyền cho rằng sáng kiến, khả năng và đóng góp của mình là nhất, là chính yếu, là nhiều, là quan trọng, và phải được mọi người trân trọng thực hiện đúng như ý mình muốn

Thực vậy, nếu trong việc loan báo Tin Mừng còn xẩy ra những cạnh tranh, so đo ai quan trọng nhiều, ai ít quan trọng, thì trong công tác từ thiện làm sao tránh khỏi tình trạng tương tự, điều mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô: “Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (1 Cr 3,5-8).

Như thế, cám dỗ là người quan trọng, không thể thay thế là cám dỗ không cho người Kitô hữu sống tinh thần hiêp thông, hiệp nhất của các chi thể trong cùng một Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh, đồng thời cản trở tinh thần khiêm tốn trong phục vụ của người môn đệ đã được Đức Giêsu căn dặn, chỉ dạy: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Kinh nghiệm cho thấy: không công tác nào phức tạp, khó khăn và đòi nhiều khiêm tốn để có thể uyển chuyển, linh động, cũng như phải rất chân thành để có thể cộng tác hữu hiệu hơn công tác bác ái, từ thiện. Kinh nghiệm cũng cho những bài học đắt giá, khi nhiều tổ chức bác ái, nhiều hội nhóm từ thiện đã đổ vỡ, “tan đàn sẻ nghé” sau một thời gian, không phải vì thiếu phương tiện, nhiệt huyết, hay thiện chí, khả năng, nhưng thiếu trầm trọng lòng khiêm tốn để có thể cộng tác chân thành.

3/ Cám dỗ thực hiện cho kỳ được hoài bão, ước mơ:

Không ai ngăn cấm chúng ta ước mơ, hoài bão, bởi chính Đức Giêsu cũng đã bộc lộ ước mơ, hoài bão của Ngài khi dậy các môn đệ và chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10 ), nên khi làm bác ái, từ thiện, ước mơ đem lại cơm no áo ấm cho người đói rét, hoài bão có đủ bệnh viện, bác sĩ, thuốc men cho người đau bệnh không chỉ là ước mơ, hoài bão đáng quý, mà còn cần phải được liên tục nuôi nấng, vun trồng.

Tuy ước mơ, hoài bão cần thiết để nhiệt huyết không vơi cạn trong trái tim “thiện nguyện”, nhưng đối với người Kitô hữu, hoài bão, ước mơ ấy, dù cao đẹp, cần thiết đến đâu cũng không thể thay thế ơn gọi và sứ vụ, bởi người môn đệ không bao giờ tự ý, tự mình lên đường thực hiện một công tác mà không được sai đi, không bao giờ làm một công việc mà không được kêu gọi, không bao giờ tự biên tự diễn một sứ vụ mà không nhận bài sai.

Họ là những người được sai đi làm chứng, loan truyền Đức Giêsu và Tin Mừng Nước Thiên Chúa khi chịu phép Rửa Tội, và cụ thể được Đấng Bản Quyền Giáo Hội điạ phương, hay Bề Trên cộng đoàn trao phó một sứ vụ và sai đến một địa chỉ chính xác.

Nói cách khác, để là người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, chúng ta không thể bỏ quên giá trị và ý nghĩa siêu nhiên của Ơn Gọi và Sứ Vụ khi làm việc từ thiện, bác ái, bởi Thiên Chúa không đợi chờ ở chúng ta điều gì khác hơn là trái tim vâng phục luôn sẵn sàng thực thi Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, tình huống, như lời thánh vịnh: “Này con xin đến! … Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lậy Thiên Chúa của con” (Tv 39, 8.9).

Đánh mất tinh thần vâng phục và không sẵn sàng làm theo Thánh Ý, người môn đệ sẽ không còn đi trên con đường theo Đức Giêsu nữa, vì đã tìm mình thay vì bỏ mình khi quyết thực hiện cho bằng được điều mình muốn, làm cho kỳ được những gì mình ước mơ, hoài bão, cho dù là ước mơ, hoài bão cao đẹp, có ích cho mọi người. Người môn đệ ấy cũng sẽ không vác thánh giá mình mà đi theo Đức Giêsu, khi chọn làm điều mình thích, chọn đến nơi có môi trường, và đối tượng phục vụ mình hợp, mà không đặt để con người và cuộc đời mình dưới quyết định sai đi của Bề Trên, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chỉ đạo.

Thực vậy, cám dỗ không thiếu ngay khi chúng ta làm những công việc tốt đẹp, những việc thiện ích, và rất thường, chúng ta đã rơi vào cạm bẫy làm việc thiện để tìm mình hơn tìm Chúa, để thực hiện hoài bão, uớc mơ của mình hơn làm theo ý Chúa, để thoả mãn “chí tang bồng”, nhu cầu hoạt động, khao khát “hữu dụng, thành công” của mình hơn đón nhận những gì Chúa muốn mình thực hiện.

Và thật khó đối với những ai muốn đi theo Đức Giêsu, vì điều kiện để trở thành môn đệ là đến để thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, như Đức Giêsu, “khi vào trần gian đã nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5 -7).

4/ Cám dỗ là người toàn năng, xoay xở được mọi sự trong mọi tình thế:

Tin Mừng Gioan tường thuật về một tình huống rất khó khăn, ở đó có đám đông, mà “nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn” (Ga 6,10). Đám đông ấy đang đói, trời lại tối và nơi đó hoang vắng không hàng quán (x.Lc 9,12). Thấy tình hình không ổn, “Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc, nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn..” (Lc 9,12).

Đề nghị của Nhóm Mười Hai Tông Đồ thực chính đáng và khôn ngoan, vì với đám đông nhiều ngàn người như thế, không cách nào có thể nuôi họ ăn, nên giải tán là thượng sách. Nhưng Đức Giêsu đã làm các ông sửng sốt, kinh ngạc, nếu không muốn nói là sợ hãi, khi bảo họ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13).

Quả thực, Đức Giêsu đã đặt các Tông Đồ trước một yêu cầu bất khả thi, đối diện với một đòi hỏi không thể thực hiện, chạm trán một thách đố không thể vượt qua, vì có cố gắng xoay sở đến đâu, các vị cũng chỉ kiếm đươc “vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá” (Lc 9, 13), một con số vô cùng bé nhỏ, một số lượng vô cùng ít oi so với đám đông hàng chục ngàn người đang đói, như chính các Tông Đồ đã thốt lên: “Với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6,9).

Và Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều từ “năm chiếc bánh và hai con cá” mà các Tông Đồ đã tìm được và đem đến cho Ngài để đám đông được thoả thuê “ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý” (Ga 6,11), và số bánh cá còn dư “chất đầy được mười hai thúng đầy” (Ga 6,13).

Kinh nghiệm của Nhóm Mười Hai cũng là kinh nghiệm của người môn đệ Đức Giêsu ở mọi thời đại trong sứ vụ phục vụ anh em mình. Các vị đã tận tai nghe Đức Giêsu muốn các vị lo cho đám đông đang đói được ăn, dù Ngài biết đáp ứng nhu cầu lương thực của đám đông hàng chục ngàn người giữa nơi vắng vẻ là điều các vị không thể thực hiện, dù thiện chí của các vị dư thừa, nhưng khả năng hoàn toàn không có; các vị cũng đã tận mắt nhìn thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều trong nỗi kinh ngạc khôn cùng và niềm tin được củng cố của đám đông. Và các vị xác tín như đám đông dân chúng có mặt hôm ấy đã thảng thốt, trầm trồ: Ngài thực là “vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6,14).

Xác tín Đức Giêsu là “Đấng phải đến thế gian!”, người môn đệ sẽ không còn cậy dựa vào mình, bám víu vào bất cứ ai, hay thế lực nào khác, vì ngoài “Đấng phải đến thế gian” sẽ chẳng có ai cứu được thế gian; ngoài “Đấng phải đến thế gian” sẽ không ai “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức …” (Lc 4,18-19); ngoài “Đấng phải đến thế gian”, không ai là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6) cho nhân loại lỡ bước lầm đường đang lạc vào tử lộ; ngoài “Đấng phải đến thế gian”, không ai có thể xóa tội thế gian và ban lại cho nhân gian ơn làm con Thiên Chúa; và ngoài “Đấng phải đến thế gian”, không ai có thể cho người khác được ăn uống thỏa thuê, được “sống và sống dồi dào”, như duy chỉ một mình Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu mới có quyền năng hoá bánh và cá ra nhiều để không ai phải đói giữa nơi hoang vắng, khi “ngày bắt đầu tàn” (Lc 9,12).

Quả thực, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không thể không trải nghiệm những thời điểm, và ngày tháng không còn gì, ngay cả “năm chiếc bánh và hai con cá” cũng không có trước nhu cầu bao la, và cấp bách của rất nhiều anh em nghèo đói, của rất đông chị em đau bệnh, của vô số đồng bào đang rên siết trong tâm bão đại dịch Covid; trái tim của người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không thể không quặn đau, se thắt khi “tất cả nguồn tài trợ đều cạn kiệt, phương tiện cứu trợ đều tê liệt, đóng băng” trong lúc hàng ngàn vạn người dân đang cần chén cơm, tô cháo để sống còn; tâm hồn người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không thể không quay quắt, xốn xang, vì không còn biết phải làm gì, biến báo thế nào, giải quyết ra sao, khi chung quanh dường như hoàn toàn bế tắc, từ nhân lực đến vật lực, từ lòng người đến hoàn cảnh, phương tiện; và tâm tình của người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không thể ra ngoài tâm tình phó thác tuyệt đối vào một mình Đức Giêsu của các Tông Đồ năm xưa đã lại gần đánh thức Đức Giêsu dạy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” (Lc 8,24), khi “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,37).

Vâng, Đức Giêsu vẫn muốn và vẫn đang đào tạo người môn đệ của Ngài trở thành con người có tâm hồn nghèo khó trên đường yêu thương, phục vụ, vì chỉ nghèo khó tận đáy lòng, người môn đệ mới không tìm kiếm bất cứ sự gì cho riêng mình, dù là những lời khen chính đáng, những phần thưởng hợp lý, những ơn nghiã hợp tình, hợp pháp, bởi dù một chút vinh quang, một chút lợi nhuận, một chút ưu thế cho mình thôi, “trái tim môn đệ” ấy sẽ không còn “trong sạch” để nhìn thấy Thiên Chúa nơi những anh em bé mọn đang được yêu thương, phục vụ, như cánh chim không thể bay lên cao trong trời rộng, khi đôi chân bị vướng víu, mắc kẹt, dù bởi một sợi chỉ hồng tuyệt vời xinh đẹp.

Xin Đức Giêsu ban cho chúng ta tâm hồn nghèo khó và trái tim trong sạch. Nghèo khó, trong sạch tuy hai nhưng chỉ là một, vì không thể trong sạch nếu không nghèo khó, không thể nghèo khó, nếu không trong sạch, bởi cả hai chỉ là một trái tim, một tâm hồn không giữ cho mình bất cứ sự gì, ngoài Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài khi đến với anh em.

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/xin-cho-de-chung-con-sa-chuoc-cam-do-trong-khi-lam-tu-thien/

Read 631 times Last modified on Thứ ba, 21 Tháng 9 2021 10:55