Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 28 Tháng 9 2021 07:10

Giữa thời Covid, chỉ còn lại một giới luật và một dấu chỉ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 GIỮA THỜI COVID, CHỈ CÒN LẠI MỘT GIỚI LUẬT VÀ MỘT DẤU CHỈ | Chuỗi Suy Tư Thời Covid Dưới Ánh Sáng Tin Mừng

TMĐP- Giữa thời Covid, chúng ta được Đức Giêsu nhắc nhở hãy trở về yếu tính của người Kitô hữu, đừng “đánh mất mình”. Điều chính yếu là Tình Yêu Thánh Giá như Giới Luật mới, và Thánh Giá Tình Yêu như Dấu Chỉ duy nhất của người muốn đi theo Đức Giêsu.

Đặc điểm của thời Covid là không ai còn nhận ra ai, vì không chỉ khi ra đường, mà ngay trong nhà, người ta đều che kín mặt mũi, vì sợ lây nhiễm virút nguy hiểm, giết người.

Thật không thể ngờ đại dịch bỗng chốc đã làm người thân quen không còn nhận ra nhau, người xa lạ không có cơ hội kết thân, gặp gỡ, khi ai nấy phải che kín mặt mũi, phủ kín thân thể, khép kín cửa nhà, và triệt để giữ khoảng cách hai mét an toàn với người đối diện.

Thế giới loài người vốn đã phức tạp vì tương quan mong manh, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, nay ngàn lần mệt mỏi hơn, vì phong toả, giãn cách do dịch bệnh Covid.

Ấy thế mà ngay lúc này, lúc mà mọi người phải hạn chế tiếp cận, phải né tránh giao lưu, phải che giấu chân dung, diện mạo lại là lúc Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở nên dấu chỉ sống động của người môn đệ thuộc về Ngài; lại là thời cơ thuận tiện Ngài muốn chúng ta tích cực làm chứng về Ngài trước muôn dân; lại là thời điểm tốt Ngài chọn để sai chúng ta ra đi gieo vãi hạt giống Tin Mừng giữa lòng thế giới không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, mà còn thiếu tình yêu, thiếu lòng thương xót rất trầm trọng.

Thực ra, cộng đoàn Kitô hữu không lúc nào không làm chứng, không là dấu chỉ, không loan báo, không rao truyền Đức Giêsu. Trái lại, từ ngôi thánh đường với tháp chuông vươn cao, những thánh lễ đông đảo, trang nghiêm, sốt sắng đến những sinh hoạt bác ái, xã hội, và ngay cả phẩm phục của Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, tu phục của linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, huy hiệu của đoàn thể giáo dân, tất cả đều làm chứng sự có mặt của Giáo Hội, và là dấu chỉ của đoàn dân Chúa tràn đầy sức sống, dấu hiệu của tập thể môn đệ Đức Giêsu.

Những dấu chỉ vừa kể được coi là cần thiết để mọi người nhận ra chúng ta thuộc về Đức Giêsu, là thành viên của Hội Thánh, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm; những dấu chỉ ấy còn giúp nâng đỡ đức tin của chúng ta, xây dựng và củng cố tình đoàn kết, huynh đệ giữa những người cùng “một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha”.

Nhưng khi biến cố Covid ập đến, những dấu chỉ ấy không còn được biểu hiện, khi nhà thờ đóng cửa, không còn thánh lễ, mọi sinh hoạt giáo xứ, cộng đoàn đều phải tạm ngưng. Và tình trạng này đã gây hoang mang không ít cho nhiều tín hữu những ngày đầu…

Nhiều người hoang mang, không biết phải sống đạo làm sao trong thời Covid; có người lo lắng sẽ mất đạo vì không còn được đến nhà thờ, đi lễ; có người sợ hãi trước viễn cảnh một Giáo Hội không còn sinh hoạt, lễ nghi, bí tích; cũng có người lo ngại về một tương lai không còn cơ hội truyền giáo… trước hoàn cảnh mới ngày càng khó khăn, bế tắc do dịch bệnh.

Nhưng tất cả những hoang mang, lo lắng, sợ hãi, nghi nan ấy đã dần được giải toả dưới ánh sáng của Tin Mừng, cụ thể là lời khuyên dạy của thánh Tông Đồ Dân Ngoại: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện… ” (2 Tm 4,1-2).

Đó là lời khuyên tha thiết thánh nhân gửi cho môn đệ Timôthê của ngài, và cũng là lời xuất phát tự tâm can thánh Tông Đồ Phaolô muốn căn dặn mỗi người chúng ta hôm nay, giữa thời Covid là thời không thuận tiện, nhưng đầy dẫy những nhiêu khê, phức tạp, de đọa, nguy hiểm.

Nói điều này với chúng ta, thánh nhân đã đặt nền tảng trên Lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Thực vậy, Đức Giêsu đã không trăn trối nhiều điều, nhiều sự cho các môn đệ trước khi từ bỏ thế gian để về với Cha Ngài, nhưng chỉ một giới răn mới, một dấu chỉ duy nhất, và Ngài muốn những ai đi theo Ngài phải giữ và sống Giới Luật cũng như mang Huy Hiệu này khi làm chứng về Ngài trước muôn dân.

1/ Yêu thương là thực thể bất diệt, vô cùng, và tuyệt đối:

Sở dĩ người tín hữu không hoang mang, không sợ hãi, không thất vọng trước bất cứ thử thách, đe dọa và trong bất cứ hoàn cảnh nguy hiểm, tình huống quẫn bách nào, vì họ có Đức Giêsu là Tình Yêu cao cả nhất khi “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Tình yêu cao cả của Đức Giêsu là Tình Yêu Thánh Giá: tình yêu từ bỏ mình, tình yêu đóng đinh mình vào thập giá vì sự sống và hạnh phúc của người mình yêu. Tình yêu ấy không như những tình yêu khác của thế gian, khi yêu người khác vì mình, yêu người khác cho mục tiêu ích kỷ, vì lợi ích bản thân. Những tình yêu thế gian ấy còn tính toán hơn thiệt, so đo ít nhiều, chi ly đong đếm, nên trong nhiều chuyện tình, nhiều mối tình mới có những trở mặt, phản bội, thất tín, bất trung…

Vì thế, ngay từ tiếng goi đầu tiên, Đức Giêsu đã kêu mời những ai muốn đi theo Ngài hãy bước vào con đường tình Thánh Giá của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34), mà không mời gọi đi với Ngài trên một hành trình tình yêu bâng qươ, không xác định.

Do đó, sự bền vững của Giáo Hội, sự trường tồn của tập thể những môn đệ Đức Giêsu sẽ không được đặt trên nền tảng, hay dựa vào những cơ sở kiên cố, những thánh đường nguy nga, những biểu dương hoành tráng, những tổ chức cơ cấu chặt chẽ, hoàn hảo, nhưng hoàn toàn đặt trên Tình Yêu Thánh Giá, bởi khi không còn Thánh Giá Tình Yêu, trái tim người môn đệ không còn Tình Yêu Thánh Giá, tâm hồn người Kitô hữu không còn dung mạo và sức sống của Đức Kitô chịu đóng đinh, thái độ cư xử và đời sống người có đạo không còn dấu tích lòng thương xót của Thánh Giá Tình Yêu, thì đức tin ở họ sẽ chỉ là đức tin chết, tín hữu sẽ chỉ còn là những cái xác không hồn, và Hội Thánh sẽ chỉ còn là một tổ chức, hiệp hội như bao tổ chức, hiệp hội khác do con người lập nên.

Khi ban giới răn mới: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu đã không ban một cách chung chung, và để tình yêu thoải mái lang thang, bừa bãi thể hiện, nhưng nhấn mạnh: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu như Chúa yêu, thương như Chúa thương, chính là Tình Yêu của Thánh Giá bỏ mình, Tình Thương của Thánh Giá hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu.

dich-benh

Chính vì bỏ mình, hiến mình mà Tình Yêu Thánh Giá của người Kitô hữu là Tình Yêu bất diệt, vô cùng, và tuyệt đối, vì đó là Tình Yêu của chính Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần, có hạn sẽ biến đi” (1 Cr 138-10). Ngài còn mạnh dạn quả quyết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Quả thực, đức mến không chỉ cao trọng hơn cả, mà bền vững đời đời, vì ở đời sau, khi đã được diện kiến Thiên Chúa, thì đức tin, đức cậy không còn nữa, mà chỉ còn lại duy nhất một đức mến.

2/ Tình Yêu Thánh Giá là dấu chỉ duy nhất của người môn đệ Đức Giêsu:

Giữa thời Covid, khi nhà thờ đóng cửa, các sinh hoạt giáo xứ, giáo phận khép lại, nhiều người rơi vào tâm trạng thất vọng, hoảng sợ, vì thấy chung quanh “không còn Đạo”; một số phẫn nộ trách móc các Đấng Bậc yếu đức tin, hèn nhát, không can đảm như các thánh Tử Đạo cha ông.

Thất vọng như vậy là sai lầm rất nguy hiểm, vì Thánh Giá Tình Yêu vẫn sừng sững vươn cao và len lỏi mọc lên khắp nơi, tận hang cùng ngõ hẻm, bất cứ nơi nào có con người; Tình Yêu Thánh Giá vẫn tha thiết mời gọi và làm rạo rực trái tim mỗi người. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng bỏ mình để mở lòng đón nhận Thánh Thần Tình Yêu, có quảng đại hiến mình để lên đường Tình Yêu với Thánh Giá?

Ở tuyến đầu Covid, những người môn đệ của Đức Giêsu đã có mặt: không tu phục, không mũ áo, giây lưng, không bất cứ một dấu hiệu nào của phẩm trật, giáo xứ, giáo phận, hội dòng, đoàn thể. Họ ở giữa mọi người, chìm vào đám đông để yêu thương, phục vụ nạn nhân Covid một cách “vô danh” trong bộ đồ bảo hộ chống Covid mầu trắng hay xanh kín mít, nóng nực, nhưng lạ thay, ai nấy vẫn nhận ra họ là giám mục, linh mục, nữ tu, thầy dòng, chủng sinh, người công giáo.

TGPSG-1024x576
Nguồn hình: TGPSG

Mọi người nhận ra môn đệ Đức Giêsu không qua những huy hiệu chói sáng được tô vẽ cẩn thận, hoặc mạ vàng, mạ bạc kỹ lưỡng đeo kín trên người, nhưng qua Tình Yêu Thánh Giá được biểu lộ bằng tế nhị quan tâm, ân cần chia sẻ, tận tình và tinh tế phục vụ, khiêm tốn, âm thầm làm những công việc không ai muốn làm, và luôn quảng đại xóa mình, chịu đựng hy sinh, nhận về mình mọi thiệt thòi, vất vả khi cộng tác với mọi người.

Đó là dấu chỉ của Tình Yêu Thánh Giá, huy hiệu duy nhất người Kitô hữu vinh dự gắn trên đời mình; là Thánh Giá Tình Yêu, dấu chỉ có một không hai, mà người môn đệ Đức Giêsu không bao giờ muốn rời bỏ trên hành trình cuộc sống, vì chỉ duy nhất huy hiệu này, duy nhất một dấu chỉ này mới làm cho “mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35) như lòng mong ước của Đức Giêsu.

Tóm lại, giữa thời Covid, chúng ta được Đức Giêsu nhắc nhở hãy trở về yếu tính của người Kitô hữu, và đừng “đánh mất mình”, vì những phụ thể hào nhoáng bên ngoài, mà những phụ thể đó không bao giờ có thể thay thế điều chính yếu là Tình Yêu Thánh Giá như Giới Luật mới, và Thánh Giá Tình Yêu như Dấu Chỉ duy nhất của người muốn đi theo Đức Giêsu.

Ngay hôm nay và ở đây, khi Covid rắp tâm muốn đóng chặt hết mọi sự, che kín hết mọi người, đóng cả nhà thờ, nhà xứ, hội đoàn, che cả cha sở, thầy xứ, các sơ , ông trùm, bà quản vốn như dấu chỉ, dấu hiệu, dấu chứng “hoành tráng, huy hoàng” của một Giáo Hội tràn đầy sức sống, thì Tình Yêu Thánh Giá tuy âm thầm nhưng vẫn dồi dào, sôi sục, náo nức trong trái tim, trên đôi môi, đôi tay, đôi chân của vô số những môn đệ nam nữ của Đức Giêsu giữa anh chị em thiếu ăn thiếu mặc, đau yếu, tuyệt vọng vì đại dịch, và Thánh Giá Tình Yêu ở những con người “đã từ bỏ mình, vác thập giá mình và đi theo Đức Giêsu” ấy tuy kín đáo, thầm lặng, nhưng mãi rạng ngời chiếu sáng trước muôn dân như dấu chỉ của một tình yêu cao cả, bất diệt, vô cùng và tuyệt đối là chính Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng chịu đóng đinh vì yêu thương đến cùng cho mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/giua-thoi-covid-chi-con-lai-mot-gioi-luat-va-mot-dau-chi-chuoi-suy-tu-thoi-covid-duoi-anh-sang-tin-mung/

Read 669 times Last modified on Thứ tư, 29 Tháng 9 2021 10:38