Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 15 Tháng 10 2021 18:39

Quyền lực tử thần và Giáo hội của Đức Giêsu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  QUYỀN LỰC TỬ THẦN VÀ GIÁO HỘI CỦA ĐỨC GIÊSU | CHUỖI GIÁO HỘI – BÀI 3

TMĐP- Một vài chia sẻ sau báo cáo của Uỷ Ban Độc Lập điều tra về nạn ấu dâm trong Giáo Hội được công bố ngày 05.10.2021 tại Pháp.

Từ những năm 2000, nhất là sau báo cáo, đúng hơn là “cáo trạng” gay gắt của Ủy Ban Điều Tra Độc Lập về “lạm dụng tình dục” trong Giáo Hội Công Giáo (Commission indépendante sur les abus sexuels dans l’Eglise catholique – CIASE) đứng đầu là ông Jean – Marc Sauvé được chính thức công bố và trao tận tay Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp ngày 05.10.2021.

Theo như kết quả của cuộc điều tra lâu dài và tỉ mỉ của Ủy Ban, thì con số nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở tuổi vị thành niên bởi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội như linh mục, phó tế, tu sĩ nam từ năm 1950 đến năm 2020 lên tới 216.000 người. Nếu tính cả nạn nhân của những giáo dân nam làm việc trong các cơ sở của Giáo Hội thì tổng số nạn nhân sẽ là 330.000, và Giáo Hội Công Giáo bị coi là nơi tội ác “lạm dụng tình dục trẻ em” xảy ra nhiều nhất so với các môi trường khác như gia đình, bạn hữu.

Tất nhiên, không nói thì mọi người cũng mường tượng được làn sóng chống phá, bôi bác, chế diễu Giáo Hội đang đồng loạt nổi lên kinh khủng dữ dội, và trên mạng xã hội, người ta đọc được những tiêu đề nóng bỏng, thu hút như : “Báo cáo chấn động về nạn ấu dâm trong nhà thờ Công Giáo Pháp”, “Đức Giáo Hoàng Francis “hổ thẹn” vì nạn ấu dâm ở Giáo Hội Công Giáo”, “Giáo Hội Công Giáo Pháp có hàng nghìn kẻ ấu dấm”, và bên dưới là hàng trăm “comment” nặng nề lên án, nguyền rủa, thóa mạ Giáo Hội.

Là con cái Giáo Hội, người viết chia sẻ nỗi đau của Thân Thể Đức Giêsu là Hội Thánh, và hiệp thông cùng các chủ chăn nỗi thống khổ, như thánh Phaolô dạy: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12, 25-26).

Trong tâm tình hiệp thông, với lòng khiêm tốn, tinh thần trung thực, người viết xin được kính gửi đến Bạn đọc một vài chia sẻ về nền tảng của Giáo Hội, mà Đức Giêsu đã nói tới khi thiết lập Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá Phêrô.

1/ Con người của thánh Phêrô:

Đức Giêsu đã công khai tuyên bố trước mặt Nhóm Mười Hai Tông Đồ: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Xây Giáo Hội trên con người Phêrô, một con người tuyệch toạc, nông nổi đã nhiều lần phát ngôn bừa bãi mà không chín chắn suy nghĩ và cẩn thận lựa lời, nên đã bị Đức Giêsu quở trách và goi là Xatan (x. Mt 16, 23); xây Hội Thánh trên con người “không thánh chút nào”, vì hèn nhát phản bội, ngang nhiên chối bỏ Thầy mình nhiều lần: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26,74) trước mấy cô đầy tớ trong sân dinh thượng tế Caipha, khi mấy cô kiếm chuyện cà khịa: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?” (Mt 26,69); xây nhà của Thiên Chúa giữa con người trên một người mang tên Tảng Đá mà chẳng chắc chắn, kiên cường như Đá, thì hỏi ai tin được Hội Thánh ấy, Ngôi Nhà Giáo Hội ấy sẽ bền vững tồn tại trước bao phũ phàng, nhẫn tâm, dã man của sóng gió thù địch?

Vì thế, dưới con mắt phàm nhân, theo suy nghĩ được coi là khôn ngoan của thế gian, Tảng Đá Phêrô mà trên đó Hội Thánh của Đức Giêsu được xây thật là tảng đá không bảo đảm chiến thắng trước thế lực thù địch.

Qủa thực, nếu nhìn Giáo Hội duới lăng kính nhân loại, thì Giáo Hội là một tổ chức rất mong manh, dễ vỡ, dễ lung lay, sụp đổ, mang nhiều rủi ro bị tàn phá, tiêu diệt, vì Giáo Hội gồm những con người rất giới hạn; được quản trị bởi những con người yếu đuối, trong số đó có cả những con người đầy tham vọng, mưu mô, thủ đọan, và kiêu căng, bất xứng.

Lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo Hội đã cho thấy sự thật “con người” của những con người trong Giáo Hội, và sự thật ấy đã làm nhiều người kinh tởm, ghê sợ, vì mức độ tàn ác và phi nhân. Cũng như hôm nay, trước sự thật lạm dụng tình dục trẻ em, bởi chính những chức sắc có sứ vụ yêu thương, hướng dẫn, bảo vệ, dư luận một lần nữa không chỉ hoảng hốt, bàng hoàng, mà còn phẫn nộ, lên án kịch liệt.

2/ Sức mạnh và sự bền vững của Tảng Đá Phêrô hệ tại ở Ơn Chúa:

Trước khi công bố Phêrô là Tảng Đá xây Giáo Hội, Đức Giêsu đã khẳng định như điều kiện không thể thiếu: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

“Người có phúc” là người có Thiên Chúa, là người được Chúa chở che. Chính vì có Thiên Chúa ở cùng, được bao phủ bởi ơn Chúa, mà Tảng Đá Phêrô dẫu yếu đuối vì là con người có giới hạn vẫn được mang sức mạnh của Thiên Chúa và mãi mãi là Nền Tảng vững chắc, trường tồn, cho dù “quyền lực tử thần” có dữ dội công phá đến đâu.

Do đó, bao lâu Tảng Đá con người Phêrô còn nhớ mình thuộc về Đức Giêsu, sống Đức Giêsu bằng yêu mến Đức Giêsu và kín múc sức sống yêu thương từ Ngài, bấy lâu Tảng Đá ấy không bị lung lay và đảm bảo sẽ mãi tồn tại. Ngược lại, bất cứ lúc nào Tảng Đá Phêrô cậy sức con người, dựa vào những thành qủa của con người như thành công của cơ chế, cơ sở, ảnh hưởng, quyền bính, thế lực, số đông theo tiêu chuẩn đánh giá của thế gian thì lúc đó Tảng Đá sẽ bị rạn nứt, chênh vênh, chao đảo.

Thánh Phaolô ý thức và thấm thiá trải nghiệm chân lý này nên đã quả quyết: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 9-10).

Quả thực, chính lúc này là lúc chúng ta cảm nhận sức mạnh nâng đỡ của lời thánh nhân, bởi trước phong trào đang sôi nổi lật tẩy tội ác ấu dâm xẩy ra trong Giáo Hội, mỗi người ở vị thế khác nhau trong Giáo Hội, như những chi thể với cơ năng khác nhau của thân thể duy nhất đều chia sẻ nỗi đau buồn, tủi hổ, cũng như trách nhiệm trước hậu qủa của yếu đuối, lỗi lầm đã sai phạm, đồng thời khiêm tốn nhận mình “đắc tội với Chúa và với tha nhân”, hầu nhận ra đâu là nền tảng đích thực của Giáo Hội, tảng đá nào là tảng đá Đức Giêsu muốn đặt làm nền móng vững chắc cho ngôi nhà Giáo Hội của Ngài.

3/ Tảng Đá làm nền móng cho Giáo Hội chính là Tình Yêu Đức Kitô:

Chọn Phêrô như Tảng Đá làm nền móng để xây Giáo Hội, và như người chăn dắt đoàn chiên của Ngài, Đức Giêsu đã không đặt bất cứ điều kiện nào với Phêrô ngoài tình yêu của ông dành cho Ngài khi ba lần hỏi ông: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”, và sau mỗi lần Phêrô tuyên xưng: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”, Đức Giêsu đều nhắc lại sứ vụ Ngài muốn trao cho ông: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17), “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21,15).

Như thế, tình yêu dành cho Đức Giêsu vừa là Tảng Đá trên đó Giáo Hội được xây, vừa là lẽ sống của người được chọn để quản trị Giáo Hội, và chăn dắt đoàn chiên. Nói cách khác, chỉ tình yêu Đức Giêsu mới bảo đảm vững chắc cho nền móng Giáo Hội; và cũng chỉ tình yêu dành cho Ngài mới bảo đảm sứ vụ chăn dắt đoàn chiên Ngài trao phó ở người được chọn.

Cũng như “người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành” (Mt 7,26-27), ngôi nhà Giáo Hội cũng không thể đứng vững trước sức công phá khủng khiếp của thần dữ và những người tự nguyện làm cánh tay nối dài của chúng để truy diệt Giáo Hội, nếu chúng ta chỉ mải mê tìm kiếm những vật liệu xây dựng của thế gian như danh vọng, của cải, quyền thế, tổ chức hoàn hảo, cơ cấu chặt chẽ, ảnh hưởng bao trùm, mà bỏ quên Tình Yêu, Lòng Thương Xót là Tảng Đá của Lời Hứa, và chỉ trên Nền Móng tình yêu, trên Nền Tảng thương xót, Giáo Hội mới đứng vững, và quyền lực tử thần mới không thắng nổi (x. Mt 16,18).

Qủa thực, Đức Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên Tình Yêu, khi đặt điều kiện tình yêu với Phêrô. Không dừng ở đó, Ngài còn chọn tình yêu là giới luật duy nhất của đoàn thể những người đi theo Ngài khi truyền cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 13,34). Tình yêu còn là là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ thuộc về Giáo Hội của Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35), đồng thời là Hiến Chương, đường lối (x. Mt 5, 3-12), và tiêu chuẩn đánh giá, thưởng phạt mọi người trong ngày chung thẩm (x. Mt 25,31-46).

Thánh Phaolô đã khẳng định chân lý trên, khi viết cho giáo đoàn Êphêxô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sức hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sư viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-18).

Chân lý ấy còn đuợc minh chứng qua sứ vụ của Giáo Hội là làm chứng Tình Yêu thương xót của Thiên Chúa, bằng loan báo “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. “Không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2) như thánh Phaolô quả quyết, chúng ta không thể chối cãi: người môn đệ thuộc về Đức Giêsu là người được gọi để yêu thương bằng “tình yêu cao cả là chết cho bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13), như Đức Giêsu đã chịu đóng đinh và chết cho con người, để thực hiện thánh ý của Chúa Cha, Đấng “đã yêu thế gian đế nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

4/ “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8,35).

“Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Không ai và cũng không sự gì, “cho dẫu là sự chết hay là sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).

Vì có tình yêu của Thiên Chúa, giữa cơn lốc xóay dư luận rất tiêu cực, và bất lợi, cùng với Giáo Hội, chúng ta “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 7) khi nhiều người đang ra sức lăng mạ, nguyền rủa, lên án chúng ta một cách thái quá và không công bằng.

Vì Giáo Hội là Bí Tích Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta không thể tự cho phép mình kiêu căng, ngoan cố, nhưng chân thành đón nhận những phê phán trung thực, những phê bình chính đáng, và khiêm tốn nhận lỗi, thú tội, đồng thời cúi mình xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và mọi người, vì những yếu đuối, lỗi lầm đã làm tổn thương những người bé nhỏ mà chúng ta được trao phó sứ vụ chăm nom, che chở, hướng dẫn, như bài sai của Đức Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21,15)

Nhờ Giáo Hội được xây trên nền móng Tình Yêu Thương Xót, chúng ta không chối tội, chạy tội, cũng “không nóng giận, không nuôi hận thù” (1 Cr 13,5), nhưng khiêm hạ nhìn nhận những thiếu sót trong đời sống thánh hiến là nguyên nhân trong số những nguyên nhân chính đã dẫn đến tội ác ấu dâm:

a.Não trạng “thần thánh hoá”.

Vì quen tự phong thần và được giáo dân thần thánh hóa, người được chọn để phục vụ dân Chúa dễ quên nguồn gốc, thân phận mọn hèn, yếu đuối, và sứ vụ được gọi để trở nên tôi tớ phục vụ dân thánh của mình, mà chỉ còn nhớ mình có quyền trên mọi người, và được nâng lên hàng khanh tướng, ở trên cao và vượt xa mọi người.

Từ não trạng thần thánh và toàn quyền trên người khác đến ý nghĩ mình thuộc hàng ngũ bất khả xâm phạm, có quyền “khống chế, sở hữu” người thuộc quyền là khoảng cách rất gần và dễ xóa bỏ ranh giới.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt thật chính xác và rõ ràng: lòng yêu mến các chủ chăn không đồng nghiã với não trạng và thái độ “thần thánh hóa” các vị, vì các vị cũng là “những con người mỏng dòn yếu đuối” (Dt 7,28), như thánh Phaolô khẳng định: khi dâng lễ hy sinh, các vị dâng “trước để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân” (Dt 7,27). Điều này nói lên các vị cần sự chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ của giáo dân hơn là những “suy tôn, xông hương, thần tượng, phong thánh” lố bịch như cạm bẫy nguy hiểm đưa các vị lạc vào kiêu căng, sa đà hưởng thụ…

b.Chủ nghĩa “giáo sĩ trị”:

Đức Giêsu đã nhiều lần nặng lời lên án chủ nghĩa nguy hiểm có sức làm suy yếu Giáo Hội và giết chết đoàn chiên này, đặc biệt trong Tin Mừng Mátthêu (x. Mt 23)

Quả thực, vì cho mình có quyền thống trị trên mọi người, mà người được chọn dễ biến thái thành kẻ chăn thuê, tên trộm cướp ngay giữa lòng đoàn chiên được trao phó để yêu thương, chăm sóc, như Đức Giêsu đã mô tả: “Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12). Tuy thế, kẻ chăn thuê mới chỉ tàn ác ở mức độ đồng loã, khi “không thiết gì đến chiên” (Ga 10,13), và một mình đào tẩu, thoát thân khi có biến, và bỏ mặc chiên bị sói vồ. Nhưng với kẻ trộm, tên cướp thì mức độ tàn ác đối với chiên sẽ ngàn lần kinh khủng hơn, khi chính hắn “chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10).

Do đó, xa tránh chủ nghĩa “giáo sĩ trị”, người có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên sẽ giữ mình khỏi những cám dỗ biến thái thành kẻ chăn thuê, kẻ trộm cướp ngay giữa đoàn chiên, bởi cả hai tuy khác nhau về mức độ, nhưng đều gian ác, nhẫn tâm, làm hại Giáo Hội, gây đau khổ cho đoàn chiên.

Để tình trạng mục tử thoái hoá thành kẻ chăn thuê, người có bổn phận chăn dắt biến thành kẻ trộm quân cướp giữa đoàn chiên không còn đát sống, những người được chọn và trao trách nhiệm trong Giáo Hội cần phải loại trừ chủ nghĩa “giáo sĩ trị”, để mục tử dám sống giữa chiên, ở gần chiên, và dám mang lấy mùi chiên bằng sống Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,3-12), là con đường Đức Giêsu muốn các vị phải đi, bởi chỉ trên con đường của Nước Trời, các vị mới gặp được Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), khi đồng hành với những con người có “tâm hồn nghèo khó, hiền lành, những người sầu khổ, khao khát nên người công chính, những người có lòng xót thương, trong sạch, yêu mến và xây dựng hoà bình, những người nhẫn nhịn chịu đựng mọi bất công vì Nước Trời”, là đối tượng của Tin Mừng và được Thiên Chúa yêu thương, ban phần thưởng.

Ở gần, sống với, và yêu thương, phục vụ những con người bé nhỏ, hèn mọn, và trở nên “nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường, có lòng thương xót, xây dựng hoà bình và nhẫn nhục, hy sinh vì Nước Trời” như họ và như lòng Chúa mong ước, chắc chắn các vị chủ chăn sẽ không rơi xuống hố sâu tội ác “làm tổn thương, phá hoại và chống lại con người”, như những sự thật rất nặng nề, đáng buồn và xấu hổ mà toàn thể Giáo Hội đang phải gánh chịu, đền bồi.

Tóm lai, trước làn sóng từ nhiều phía đang lồng lộn, điên cuồng tấn công Giáo Hội, sau những điều tra về lạm dụng tình dục trẻ em, tức tội ác ấu dâm xảy ra trong Giáo Hội, bởi một số người có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên, chúng ta cần bình tâm để nhìn ra và đón nhận sự thật một cách khiêm tốn, trung thực và sáng suốt khôn ngoan, mà một trong những điểm then chốt giúp chúng ta đạt được yêu cầu trên chính là xác tín: Tảng Đá xây dựng Giáo Hôi không là gì khác ngoài Tình Yêu Đức Giêsu; vật liệu xây dựng Hội Thánh mà mỗi người Kitô hữu có bổn phận đóng góp không là gì khác ngoài tình yêu dành cho nhau; những viên đá xây dựng nhà của Thiên Chúa giữa loài người mà tất cả thành viên trong Nhà phải góp phần là “chạnh lòng thương xót mọi người”, bởi bao lâu chúng ta còn thèm thuồng, mơ ước quyền lực; còn mê man tìm kiếm, tranh giành chức tước, danh vọng; còn “tham quyền cố vị”, níu kéo cho kỳ được chỗ đứng, chỗ ngồi trong Giáo Hội để đánh mất yếu tính, nền tảng, đường hướng, sức sống của Giáo Hội là Tình Yêu Đức Giêsu, bấy lâu chúng ta không làm chứng, không xây dựng, nhưng biến thành những “chứng nhân phản chứng” làm rạn nứt, lung lay Ngôi Nhà của Thiên Chúa, tức Giáo Hội của Đức Giêsu.

Trái lại, với Thiên Chúa là Tình Yêu, với Tình Yêu của Thiên Chúa để có thể yêu thương và phục vụ mọi người trong cuộc sống, chúng ta sẽ không sợ Nhà Thiên Chuá bị giật sập, không sợ Giáo Hội bị phá hoại, hủy diệt, không sợ Đạo bị xóa tên, lọai sổ, nhất là không vì những yếu đuối, lỗi lầm của một số anh em mà nản chí sờn lòng từ bỏ ơn gọi đời thánh hiến, vì Đức Giêsu, Đấng đã chọn một Phêrô yếu đuối, nông nổi, nhiều lầm lỗi làm Nền Móng đã lấy chính mình là Tình Yêu Thương Xót để bảo đảm sự trường tồn và bất diệt của Giáo Hội do chính Ngài thiết lập và làm Đầu, làm Mục Tử, làm Thượng Tế, và làm Của Lễ đền tội cho tất cả…

Xin Chúa cho chúng ta ơn bình an để hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các Đấng Bậc trong Giáo Hội, cho những người đã gây nên tội ác ấu dâm trong Giáo Hội, nhất là cho các nạn nhân bị “lạm dụng tình dục” đã chịu những bất công nặng nề và tổn thương trầm trọng do những người có trách nhiệm chăn dắt trong Giáo Hội.

Với niềm tin vào ơn chữa lành của Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta nài xin ơn bình an cho Giáo Hội, và ơn tha thứ cho tất cả, vì cách này hay cách khác, chúng ta đều mang trách nhiệm trước Thiên Chúa và đồng loại về những sai phạm, tội lỗi của nhau, vì chúng ta “đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12, 13)

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/quyen-luc-tu-than-va-giao-hoi-cua-duc-giesu-chuoi-giao-hoi-bai-3/

Read 591 times Last modified on Thứ bảy, 16 Tháng 10 2021 07:03