Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 04 Tháng 12 2021 06:47

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng Nghe Giới Trí Thức Nhân Tài

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng Nghe Giới Trí Thức Nhân Tài

 

LẮNG NGHE

TRÍ THỨC NHÂN TÀI

 

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Dẫn nhập

Giáo hội Đại Hàn: Do lớp người trí thức du học và doanh nhân ngoại thương, đón nhận đức tin và đem về  truyền bá cho Dân tộc. Mãi 200 năm sau mới có giáo sĩ. Quả thực, Đất Nước muốn có ánh sáng tương lai, cần trí thức nhân tài. “Họ là nguyên khí quốc gia[1]. Họ định hướng tương lai. Thổi hồn sinh khí, góp phần đổi mới Dân tộc. Dấn thân chia sẻ sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển quê hương. Sau đây tôi xin chia sẻ ba vấn đề: “Trí thức nhân tài là ai? Họ nói gì? Và Nghệ thuật lắng nghe họ?

Nội dung

Họ là ai? Họ là người có tài[2], có năng lực, có trình độ về văn hóa và chuyên môn. Là lớp người có học, có bằng cấp. Họ còn được gọi là “Hiền tài”, vừa có tài, vừa có đức: “Tài cao đức trọng”. Phúc âm cho biết, gia đình thánh gia thu hút ba nhà Bác học từ Phương đông, đi tìm, gặp và tỏ lòng tôn kính, thờ lạy, với những lễ vật cao cấp, giá trị: “Vàng, mộc dược, nhũ hương”. Và Chúa Giêsu, lúc 12 tuổi, đã ngồi giữa hàng Tiến sĩ trong đền thờ để: “Nghe. Đặt câu hỏi. Dùng trí thông minh đối đáp”[3]. Công đồng Vat. II, trong “Sứ điệp gửi Giới Trí thức”[4], nhìn nhận: “Nhà tư tưởng và khoa học. Bạn đồng hành với các Nghị phụ, có sứ mạng “Tìm kiếm, lắng nghe tiếng nói của Thần Chân lý”, đã được giao phó cho Giáo hội, cho trí thức nhân tài”. Văn hóa Việt Nam, hiền tài là: “Khí lực đầu tiên, căn bản, trọng yếu, suối nguồn năng lượng gốc, cung cấp năng lượng cho mọi khí khác, là chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội”. Quốc gia có nhiều hiền tài và biết sử dụng hiền tài thì sẽ phát triển vững mạnh. “Nhân tài thịnh, chính trị lên cao, vận nước rực rỡ vô cùng”[5]. Kinh nghiệm lịch sử: “Kế trăm năm chấn hưng Đất Nước là Tôn trọng trí thức, nhân tài”. Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đất nước là người hiền tài. Thời nay họ là những người quán triệt Cổ-Kim, Đông-Tây. Nhận thức thời đại. Nắm bắt chu kỳ phát triển văn hóa-kinh tế “Đông-Tây” của thế kỷ XXI. Nhận ra sự nghiệp phát triển tích hợp cả ba lãnh vực, “Đức, Tài, Sức”. Họ có niềm tin, quyết tâm và dũng khí. Thắng không kiêu, bại không nản. Biết khó vẫn tiến. Lâm nguy không sợ hãi. Có tầm nhìn, cá tính, thích độc lập, tự do, quyết đoán, chuẩn xác. Kiến giải thâm thúy, gắn liền với thực tiễn. Luôn truy tìm chân lý, có óc sáng tạo, biết phục thiện trước chân lý. Thích lý tưởng, nhưng đồng thời cũng gắn liền với thực tiễn. Tuy nhiên, huy chương nào cũng có hai mặt. Họ cũng có khi, kiêu căng, tự phụ, mặc cảm, cô đơn, dễ xa rời thực tế, trí thức nửa vời, đam mê thể chất[6]. Hay chán nản, ít lắng nghe, cố chấp, khó hợp tác. Ưa liên kết phe nhóm. Tạo thành trường phái, bè phái, phe ta. Đây là điều tối kỵ. Kinh nghiệm lịch sử, nếu không khôn ngoan, cảnh giác, nó khiến trở thành tai họa không lường hết được cho sự nghiệp chung. Lúc đó, nhân tài có thể bị ám hại. Rồi, phe nhóm thanh trừng, tiêu diệt lẫn nhau. Trí thức Nhân tài không phân biệt tuổi tác, kinh nghiệm, thế hệ. Nhưng cần chú ý tới cống hiến cho sự nghiệp, trong môi trường cạnh tranh công bằng. Thời nay, ngoài xã hội, người ta phân biệt hai loại. Loại trí thức nhân tài “Khoa học-kỹ thuật” và loại “Quản lý-Lãnh đạo”. Còn trong Đạo, tùy theo mỗi tôn giáo. Nhưng tựu trung, cũng gọi theo: “Thần học và Mục vụ”. Thế kỷ XXI: “Thế kỷ của cạnh tranh Trí lực và Nhân tài”. Vì thế, những nước công nghiệp phát triển, họ có chiến lược thu hút trí thức nhân tài và mua sắm chất xám. Trí thức nhân tài, làm nên sự khác biệt giữa các vùng miền, môi trường. Ví dụ, theo nhận định của người xưa, khi về đến đầu làng, người ta có thể biết, trong làng đó có trí thức, nhân tài hay không”? Theo nhà khoa học Kierland, người Đức, 1930, ông đã chụp hình được hào quang, như làn vi sóng, tỏa ra từ nhà trí thức, nhà đạo đức, khoảng cao độ hơn 2 mét; rộng khoảng hơn 1 mét.  Cả cây cối, súc vật cũng có vi sóng. Bây giờ tôi hiểu thêm về cách diễn tả Lời: “Thần khí Chúa ngự trên tôi... Ta là ánh sáng... Các con là ánh sáng thế gian...” không chỉ là tâm linh mà còn khoa học nữa.

Họ nói gì ?

1. Bình đẳng. Họ là Bạn đồng hành với các nghị phụ. Cùng tìm kiếm, lắng nghe Thần Chân lý và chia sẻ. Nếp sống bình đẳng, tôn trọng, hiệp hành, đồng trách nhiệm và sứ vụ. Cả Nước tôn trọng trí thức, nhân tài. Nhân tài không xuất hiện thì Đất Nước khó có tương lai. Bước vào con đường hội nhập “Văn hóa Đông-Tây” hòa hợp, chúng ta lại càng cần tôn trọng, phát hiện, bảo vệ, trợ giúp Trí thức Nhân tài. Nếu bất tài thì người thân cũng không dùng. Nếu có tài, thì dẫu là kẻ thù cũng không bỏ[7].

2. Đổi mới. Chức năng đặc biệt của trí thức nhân tài là định hướng tương lai. Họ truy tìm, không ngưng nghỉ: “Chân- Thiện- Mỹ”. Hiền tài thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường. Thánh Augustinô: “Hãy tìm kiếm với ước muốn gặp thấy, và ước muốn kiếm tìm  thêm mãi”! Hạnh phúc cho những ai đã gặp thấy chân lý nhưng vẫn còn kiếm tìm thêm mãi để đổi mới, để đào sâu chân lý và mang chân lý tới cho người khác. Hạnh phúc cho những ai dù chưa gặp gỡ chân lý, nhưng vẫn thành tâm tiến tới chân lý: mong họ tìm ánh sáng ngày mai nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến lúc chan hòa ánh sáng”[8]. Câu chuyện hãng Kodak, 1975 phát minh và áp dụng khoa học kỹ thuật số. Nhưng vì sự trì trệ, bảo thủ, trễ nải, trì hoãn, thiếu quyết đoán, không bắt đầu ngay, nên đã dẫn tới thất bại cay đắng.

3. Cải cách. “Trí thức Nhân tài” là cách mạng đầu tiên, phải làm, dù có gai góc, khó khăn mạo hiểm. Kinh tế muốn phát triển, trí thức nhân tài phải đi trước. Tu dưỡng và bồi dưỡng họ ngang tầm, có khi hơn cả công tác kinh tế.

4. Sự thật. Suy nghĩ là một việc cao cả, mà còn là một trách nhiệm của trí thức nhân tài. Luôn cố gắng suy nghĩ đúng.  Đó là “Nguyên tắc căn bản của những nhà khoa học”. Đức tin, vốn là người bạn thân của trí tuệ! Dưới ánh sáng đức tin soi dẫn, chúng ta hy vọng nắm được chân lý, chân lý toàn vẹn[9]. Khoa học chân chính và đức tin chân chính cả hai đều phục vụ cho chân lý, sự thật duy nhất. Sự thật chỉ có một. Và “Sự thật sẽ giải phóng anh em”[10].

5. Phục thiện. Phân biệt Đạo và Đức. Thần học và mục vụ. Không đề cập tới thần học; tới Đạo, cốt lõi của tôn giáo, hay thể chế chính trị. Tập trung chia sẻ về mục vụ, đời sống đạo, công bình bác ái, chân lý và tự do; văn minh, đoàn kết, độc lập, chủ quyền và hạnh phúc. Khi phân biệt như thế, tất cả đều mạnh dạn tham gia và dễ dàng phục thiện. Tôn trọng chân lý, phục thiện và sửa sai là khôn ngoan nhất.

Nghệ thuật lắng nghe hiền tài? “Trung ngôn nghịch nhĩ”

[1]1.Trân quí. Theo Kinh thánh, trí thức nhân tài và lãnh đạo đều là lớp người ưu tuyển, thượng đẳng của Thượng đế dùng, thay mặt Ngài, để cứu nhân độ thế. Miễn là họ có Tâm và có Tầm. Ngài bảo vệ họ. Đụng tới họ là như đụng tới con ngươi của Ngài: “Hoàng Thiên hữu nhãn”. Trời có mắt. Như trường hợp Thượng Đế bảo vệ “Ba nhà Đạo sĩ, Ba vua, Ba Trí thức Nhân tài” trở về quê quán của họ an toàn, sau khi gặp Hoàng tử Giêsu. Quí Vị Trí thức nhân tài và lãnh đạo chân chính, luôn có niềm tin sắt đá như thế, không bao giờ nao núng, khiếp sợ. Lãnh đạo khôn ngoan, chân chính, luôn khao khát, cầu hiền tài. Phát hiện nhân tài, qui tụ, đào luyện, sử dụng, bồi dưỡng và bảo vệ nhân tài.

  1. Tín nhiệm. Tạo diễn đàn dành cho Trí thức Nhân tài khoa học, kỹ thuật, quản lý phát triển và phát huy vào cuộc sống. Chế độ tuyển dụng, xây dựng và chuyển giao tầm nhìn cho trí thức nhân tài kế tục 3 thế hệ: Lão thành, trung niên và thanh niên. Phối hợp trí thức nhân tài: “Kiến trúc sư với kỹ sư và thợ”. “Nhân tài kế sách với hành chánh, với thực thi kế sách và luật pháp, với lực lượng kinh doanh, bảo vệ an toàn”. “Nhân tài nghiên cứu, mở ra với thế giới nhân tài. Một dân tộc không mở cửa ra bên ngoài với thế giới trí thức nhân tài là một dân tộc ít triển vọng. Du nhập trí lực nước ngoài. Mời trí thức nhân tài vào giao lưu, hội thảo, hiến kế, giúp huấn luyện, hợp tác nghiên cứu. Đưa trí thức nhân tài du học và mở ra điều kiện để thu hút nhân tài về phục vụ Quê hương.
  1. Bảo vệ. Trí thức Nhân tài dễ bị tổn thương, ám hại, hoặc bị mua chuộc. Do đó, cần có chính sách, chế độ bảo vệ họ, như bảo vệ Lãnh Đạo. Kinh nghiệm: “Nhân tài, đố kỵ nhân tài”. Những người như thế, thường là lớp người không có năng lực, kém tài. Họ lấy đủ lý do, khiến nhân tài bị mai một, nếu không có người quyền thế, tầm nhìn, trung thực và can đảm, bảo vệ, đề bạt. Và phải tiếp tục phát huy và bảo toàn họ. Kinh Thánh: “Lãnh đạo sợ Nhân tài”. Trường hợp Vua Herode giết sạch trẻ em vào độ tuổi hài nhi Giêsu. Lý do tị hiềm, sợ tiếm quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta cần khôn ngoan, tạo khoảng cách giữa nhân tài với nhân tài. Tránh nghi kỵ giữa Lãnh đạo và nhân tài. Đã trí thức nhân tài thì càng sáng suốt hiệp thông, mới phát huy trí tuệ và tài năng vào công việc phục vụ công ích. Rất phí uổng, tình trạng một số trí thức nhân tài, phe phái, trường phái, tự bất mãn, không thể hợp tác với ai và với lãnh đạo. Xây dựng chế độ giúp đỡ trí thức nhân tài đi trước thời đại, chưa gặp thời, lỡ thời. Bị bỏ rơi, bị loại trừ. Lập ra cơ quan, có bổn phận theo dõi, cảnh giác âm mưu làm hại, trả thù lẫn nhau. Bảo vệ tương quan, trí thức nhân tài và lãnh đạo như bảo vệ “Con ngươi trong mắt mình”.

4. Biết ơn. Chế độ ghi ơn trí thức nhân tài. Lãnh đạo và trí thức nhân tài là những địa vị ưu tiên trong chiến lược phát triển. Cả hai đều có nhiệm vụ, cùng chung một con đường phục vụ công ích, cần có nhau mới thành công lâu dài và vững bền. Đề phòng: Người có cách nhìn nhận khác, có chính kiến, có kiến giải độc đáo, có năng lực, dám đấu tranh phê bình lại thường hay bị coi là kiêu căng, tự mãn, thiếu đức, và thường cũng không được lựa chọn bồi dưỡng; còn một số người đức tài bình thường, tròn trịa và những người không có ý kiến bất đồng hoặc không có chính kiến, thì lại được coi là đạo đức và được đề bạt, trọng dụng. Tuy nhiên, thực tế, cũng nên đề phòng câu nói hai mặt: “Càng nhiều trí thức càng phá rối”. Nhân tài hiếm có thì lại hay có khuyết điểm nổi bật. Ông Tulac, chuyên gia quản lý người Mỹ: “Người không thiếu sót, thì chỉ là một người hết sức bình thường. Nói cái gì cũng đúng, thì tất yếu sẽ chẳng có gì đúng cả. Người tài cán càng cao, thì khuyết điểm của người đó thường càng nổi bật”. Có đỉnh cao thì ắt có hang sâu. Cổ nhân: “Có tài có tật; có tật có tài”. Và “có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”[12]. Không ai có thể toàn năng về mọi việc. Cần có chế độ khen thưởng khích lệ, đãi ngộ: “Vinh danh, ghi bia”.

Kết luận

Kinh nghiệm trong một số các tôn giáo, người đổi mới Giáo hội là trí thức nhân tài và nữ giới với cảm thức đức tin. Trí thức quân bình, nên lắng nghe phụ nữ: “Con tim của lý trí”. Bản chất của tình yêu là muốn ở cùng. Nên lắng nghe phụ nữ nói về hạnh phúc và về cuộc sống mai hậu. Trong Phúc âm: Phụ nữ được Chúa Giêsu sống lại trao cho sứ vụ loan tin phục sinh cho các tông đồ, dù lúc đầu họ vẫn chưa tin. Trí thức thường dùng trí, thường cũng hay căng thẳng, nên dễ rơi vào tình trạng nóng nảy, biểu hiện của kiêu ngạo, dễ bị sắc dục quấy nhiễu, như Augustino lúc còn trẻ, sa vào con đường ngang trái. Nhờ mẹ Monica kiên trì hy sinh cầu nguyện, lâu năm, ngài đã được ơn trở lại, đi tu và trở thành một vị Giám mục trí thức, nổi tiếng trong giáo hội. Rồi cả hai mẹ con đều làm thánh. Trí thức nhân tài đúng đắn, tầm cỡ, đáng tin, luôn đổi mới.Trí thức Nhân tài thực lực và khôn ngoan: Luôn “Khiêm tốn, khiêm tốn, khiêm tốn”. Và luôn xác tín “Tài do Ơn Trên ban để thay Trời mà phục vụ Con Người và Môi trường”. Đỉnh cao của trí thức nhân tài là chân lý. Có tới 90% trong họ có đức tin. Gương một viện trưởng, trên xe lửa, tay cầm và lần hạt, trong khi trao đổi với một sinh viên thời đại mới, rất tự tin vào khoa học, coi thường những biểu hiện đức tin lỗi thời. Trước khi từ giã, anh xin địa chỉ để gửi một số sách khoa học cho ngài. Nhìn tấm danh thiếp, anh rất đỗi ngạc nhiên, hỏi: Ông là Pasteur? Vâng, “tôi là Viện trưởng Pasteur”.

Dân tộc, Giáo Hội các Tôn giáo, truy tìm, phát hiện, đào luyện, trọng dụng, bồi dưỡng và bảo vệ: “Trí thức Nhân tài”. Đất Nước chúng ta, có truyền thống hiếu học, trọng anh hùng, anh tài, hiền tài, sẽ rất nhiều triển vọng trong nền Văn Minh mới và trong thế chiến lược “Cân Bằng Đông -Tây”. Dân tộc Việt Nam, Giáo hội Việt Nam, Rồng Châu Á, thực sự đang cất cánh./.

Truyền thông TGP.SG, tháng 11.2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)


[1] Thân Nhân Trung, Quốc Tử giám, 1484- 2008: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí"
[2] Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nxb. VHTT, 1998
[3] Lc. 2, 41- 49.
[4] Công đồng Vat. II, “sứ điệp Công Đồng,” Giáo hoàng học viện T. Pio X, Xb. 1972,  p. 882.
[5] Đàm Văn Lễ
[6] Cổ nhân: “Anh hùng giai hiếu sắc, nhược bất hiếu sắc phi anh hùng”.
[7] Vua Đường Thái Tông
[8] Công đồng Vat. II, “sứ điệp Công Đồng,” Giáo hoàng học viện T. Pio X, Xb. 1972,  p. 882..
[9]  Công đồng Vat. II, “sứ điệp Công Đồng,” Giáo hoàng học viện T. Pio X, Xb. 1972,  p. 882.
[10] Ga 16, 12-15
[11] Cổ học tinh hoa: “Lời ngay thẳng khó nghe”.
[12] Nguyễn Du, Truyện Kiều, đoạn kết.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nguoi-giao-dan-cua-thien-nien-ky-moi-lang-nghe-gioi-tri-thuc-nhan-tai-64536

Read 704 times Last modified on Chủ nhật, 05 Tháng 12 2021 06:38