Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Giáo dân Hiệp Hành
Posted by Ban Biên Tập
GIÁO DÂN HIỆP HÀNH
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Câu chuyện: Một bà than thở: “Con vừa già, lại ốm yếu, nghèo nàn, dốt nát, còn có thể làm gì trong giáo hội”? Thánh Bonaventura nói: “Bà có thể yêu mến Chúa hơn cả một tiến sĩ”. Bà nhớ lại: Chúa Giêsu hỏi Phêrô, người đứng đầu hội thánh, ba lần: “Con có yêu mến Thầy không”? Chúa đến cứu con người bằng trái tim, tình yêu chứ không bằng lý lẽ, quyền lực. Bà rất hạnh phúc!
Dẫn nhập.
Công đồng Vat. II xác quyết: “Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có Hàng Giáo dân đích thực và nếu Hàng Giáo Dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một Dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của Giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một Hàng Giáo dân Kitô giáo Trưởng thành”. Tiếp đến, Giáo hội luôn nhắc đến giáo dân như những thành phần rất quan trọng và năng động trong Giáo hội. Như sự hợp tác thiết yếu của giáo dân vào tác vụ của các linh mục. Và “Thời Giáo dân đã điểm”; “Giáo dân đồng trách nhiệm, chứ không chỉ còn là cộng tác viên của giáo sĩ”. Đồng trách nhiệm, ví như chi thể, trong thân thể mầu nhiệm, mà Chúa Kitô là đầu. Vì thế, Đồng trách nhiệm của các Kitô hữu không chỉ là bản chất mà còn cả trong hoạt động của Giáo hội. Sau đây là mục vụ lắng nghe giáo dân.
Họ là ai? Là giáo hội. Chúa Kitô là Mục Tử. Vậy, Hội thánh là đàn chiên và mọi thành phần đều là con chiên. Chúa Kitô là Đầu thân thể mình mầu nhiệm. Như thế, mọi người là chi thể. Chúa là chủ vườn nho. Mọi người, cả thế giới, nhân loại, đều được mời gọi vào làm vườn nho của Ngài, tùy theo hoàn cảnh, chức năng, nhiệm vụ và môi trường sống. Chúa Kitô là Cây nho đích thật. Mọi người là cành nho và là nhánh nho. Công dồng định nghĩa: “Giáo hội là Dân Thiên Chúa”. Tất cả là Dân, Thiên Chúa là Đấng lãnh đạo. Và Giáo hội là gia đình của Chúa. Thiên Chúa là Cha. Tất cả đều là anh em. Ngoài ra, giáo lý dạy: Nhờ Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi người là Con Chúa. Được mời gọi nên Thánh, tùy theo mỗi bậc sống. Và Chúa Giêsu trực tiếp trao ban sứ vụ: “Tư tế, Tiên tri và Vương đế”, mà không do sự chiếu cố của Hội Thánh. Căn cứ vào Phúc âm, Công đồng, giáo lý, chúng ta khẳng định: “Người giáo dân là giáo hội của cúa Chúa Kitô”. Làm nên Giáo hội. Họ là thợ vườn nho. Ơn gọi của họ, nên Thánh. Và có cùng một sứ vụ “Phúc Âm Hóa” thế giới. Họ có quyền bình đẳng. Cùng tham gia xây dựng Hội thánh. Cụ thể, họ có nghĩa vụ: Làm Người Con Chúa, theo gương Chúa Giêsu. Sống: “Hiền lành-Khiêm nhường”. Thực thi: “Liên đới-Trách nhiệm và Yêu thương-Phục vụ”. Và “Loan báo Tin mừng”, qua con đường truyền giáo mới của Hội thánh: “Đối thoại và Hòa giải”. Là linh hồn của Thế giới. Linh hồn làm cho thể xác sống thế nào, thì người Giáo dân cũng làm cho thế giới sống như vậy.Thế giới là môi trường do Chúa sáng tạo, cũng được cứu chuộc và thánh hóa. Theo nhân sinh quan Á Đông: “Thiên-Địa-Nhân” - “Trời-Đất-Người” là một thể thống nhất. Vì thế, “Phải biết con người, nếu muốn biết Thiên Chúa”[1]. Cũng thế, phải biết môi trường, nếu muốn biết con người. Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa ở trong tất cả. Và tất cả Con người và Môi trường đều được tồn tại trong và nhờ Ngài. Người Giáo dân là “muối, men, ánh sáng”, qua việc thực thi “Tám mối phúc thật”. Phục vụ: Gia đình và sự sống. Phát triển con người toàn diện và toàn thể, theo định hướng: “Chỉ có một thế giới, bao gồm hai phương Đông-Tây; chỉ có một loài người, bao gồm hai giới Nam-Nữ”. Kiến tạo Hòa bình, xây dựng trật tự thế giới mới bằng bốn nguyên tắc căn bản:“Công bình, Bác ái, Chân lý, Tự do”. Cộng tác với Chúa Thánh Thần: Truyền thông Văn hóa: “Chân, Thiện, Mỹ”. Xây dựng Hiệp thông, kiến tạo nền văn minh Đông-Tây” hòa hợp. Và phát triển thế giới của mình, đặc biệt thời nay, nên tham gia vào các lãnh vực văn hóa và chính trị. Cụ thể, tích cực góp phần phát triển văn hóa, văn minh và kinh tế Việt Nam bền vững.
Tóm tắt: Người Giáo Dân là Giáo hội của Chúa Kitô: “Bình đẳng, đồng trách nhiệm”. Làm nên giáo hội hiệp hành, hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Và là linh hồn của thế giới: Công bình và bác ái.
Họ nói gì?
1. Yêu mến Giáo hội Chúa Kitô. Kính trọng, yêu mến, biết ơn hàng giáo phẩm và Tu sĩ. Ngày nay, gia đình ít con, xã hội tục hóa, rất khó có người đi tu. Vì thế, có câu: “Trong nhà có vàng, không bằng nhà thờ có cha, có tu sĩ”. Quả thực, linh mục, tu sĩ thánh thiện giáo dân đạo đức; linh mục tu sĩ đạo đức thì giáo dân tầm thường; linh mục, tu sĩ tầm thường thì giáo dân khô khan. Quan niệm xưa: “Cha nào con nấy”, mặc dầu vẫn còn giá trị. Nhưng ngày nay có câu: “Con nào cha nấy”. Cần bổ túc cho nhau.
2. Bình đẳng và đồng trách nhiệm. “Giáo dân có cùng một phẩm giá như các giáo sĩ và tu sĩ. Họ không phải là những thành viên hạng hai của Thân Mình Chúa Kitô”[2].Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến. Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam, xây dựng một giáo hội tại gia và một giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ, trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc. Và tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Chủ đề của Thượng hội đồng giám mục thế giới 2023, rất thuận lợi với văn hóa Việt Nam, vì đặc tính cộng đồng. Hy vọng, được thể hiện đồng đều và cụ thể, rõ nét, không theo chủ nghĩa hình thức, trí thức và thụ động, bắt đầu ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ, tới gia đình. Việc xây dựng một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, là mục vụ hàng đầu, phấn khởi, hy vọng của Giáo hội tại Việt Nam trong giai đoạn lúc này. Trong đời sống mục vụ, hàng giáo sĩ và giáo dân của Chúa Kitô noi gương thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quí và thánh giáo dân, Ông Trùm Emmanuel Lê Văn Phụng”. Hơn nữa, Chúa là Đấng ban tặng tất cả, như Ngài trả công thợ làm vườn nho, theo hợp đồng của từng hoàn cảnh và dựa trên lòng nhân lành, chứ không theo thời gian. Công đồng Vaticanô II mời gọi các chủ chăn nhận biết: “Người tín hữu giáo dân có quyền, có bổn phận phải nói lên ý kiến của họ, có liên quan đến những gì tốt lành cho Giáo hội. Giáo dân nói chung, cách riêng, hội đồng mục vụ đã hết lòng với các giáo sĩ, các tu sĩ. Họ luôn tích cực làm các công việc chuyên biệt của mình trong các giáo xứ, một cách nhưng không, vô vị lợi. Vấn đề chỉ là sự khác biệt tay nghề và vị trí trong vườn nho Nước Chúa. Khác vị trí là chuyện tất nhiên, dễ hiểu; nhưng kém tay nghề là chuyện cần xem lại. Người thợ cần có trình độ tay nghề cao để công việc của vườn nho được trôi chảy. Tay nghề cao cấp, không thể thay thế. Đó là Tình yêu. Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô ba lần như thế.
3. Linh mục thay đổi, giáo hội đổi thay. Thay đổi tương qua: Tôn trọng giáo dân và đối xử bình đẳng, tránh thiên vị giàu nghèo. Hiện diện trong các sinh hoạt đoàn thể đạo đức. Tương quan đại kết: giúp các tôn giáo và mọi người chung quan lớn lên, sống tốt tôn giáo và nhiệm vụ công dân của mình.
4. Đào luyện. Trong Giáo hội, họ được trau luyện khả năng để có thể “đồng trách nhiệm” với hàng Giáo phẩm. Họ cố gắng nâng cao trình độ “Linh đạo, Mục vụ và Truyền giáo” theo khung đào luyện của Công đồng để không chỉ là các “cộng sự viên” mà cùng làm việc với hàng Giáo phẩm chứ không chỉ là làm việc dưới, và theo sự điều động của hàng giáo phẩm. Đào luyện: Ơn gọi và sứ vụ, quyền và nghĩa vụ trong giáo hội và ngoài xã hội. Điều cần và đủ, “Đào luyện Tâm linh”. Đạt tới: “Đức tin-Cá vị”. Có đời nội tâm thánh thiện, thì tất yếu nảy sinh đời mục vụ tràn đầy.
Cao hơn nữa, giao trách nhiệm cho Giáo dân và giúp Giáo dân đảm đương công việc thuộc trách nhiệm của họ. Trách nhiệm của Giáo dân phần chính là có liên quan tới trần thế, không chỉ giới hạn trong nội bộ Giáo hội. Đặc biệt, khuyến khích Giáo dân học hỏi và tham gia chính trị.
Nghệ thuật lắng nghe họ?
1. Tôn trọng. Người giáo dân, có ơn gọi và sứ vụ bình đẳng, đồng trách nhiệm. Vì tất cả đều có mục đích: Xây dựng Thân Thể Đức Kitô. Tông huấn Kitô hữu giáo dân nói đến các đoàn sủng, các tác vụ trong Giáo hội là những ân huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần. Giáo hội được điều khiển và hướng dẫn nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát các ân huệ khác nhau, thuộc phẩm trật và đoàn sủng, cho tất cả những người đã được rửa tội, bằng cách mời gọi họ, mỗi người theo cách thế của mình, hành động và đồng trách nhiệm.
2. Hiểu biết. Cần hiểu biết tâm tư nguyện vọng của giáo dân. Tối kỵ: “Cả vú lấp miệng em”. Không trù dập cách công khai hoặc ngấm ngầm, gián tiếp. Khao khát đổi mới thực sự. Kiên nhẫn, kiềm chế, trước những điều phàn nàn, nói xấu, bất bình hơn những lời ca tụng, ngợi khen.
3. Đổi mới: Chấp nhận đối thoại, phản biện, miễn là có lý, hợp lý. Và thực thi qui chế HĐMVGX, theo Công đồng: “Lãnh đạo Hiệp thông” và hội nhập văn hóa Việt Nam: “Tính cộng đồng”.
4. Tín nhiệm lẫn hau.“Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong bản chất và trong hoạt động của Giáo hội. Thay đổi thái độ: Xem nhẹ Giáo dân. Rồi, chính Giáo dân lại cũng có mặc cảm tự ti: “Chúng con biết gì”?Đổi mới cơ chế. Thiết lập, cải tiến Hội đồng Mục vụ giáo xứ và giáo phận, các ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục, nhất là các ủy ban có liên hệ trực tiếp tới Gáo dân như Ủy ban Giáo dân theo “Bộ Giáo dân, gia đình và sự sống”.
Tóm lại: Tôn trọng, hiểu biết, đổi mới, tín nhiệm lẫn nhau. Có khẩu hiệu: “Khách hàng là Thượng đế”. Có thể nói: “Giáo dân: Đạo đức, khôn ngoan, luôn luôn đúng”. Kinh nghiệm trong mục vụ giáo xứ: “Ý Dân là ý Chúa, giáo dân muốn những điều chính đáng, tôi làm được”.
Kết luận
Giáo dân, có ơn gọi riêng của mình là sống thánh trong trần thế. Làm thấm nhập tinh thần Tin mừng vào mọi hành động của mình trong trần thế. Trong kiểu cách mới về sự cộng tác giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân: nhiều dịch vụ và trách vụ được trao phó cho giáo dân, và họ đã đảm nhận rất tốt; tạo điều kiện cho giới trí thức, phụ nữ, giới trẻ tham gia rộng rãi và rõ nét hơn vào đời sống của Giáo hội và sự phát triển của xã hội. Muốn được như vậy, trước hết cần thay đổi cấu trúc mục vụ, theo Công Đồng Vat. II. Đó là: “Lãnh Đạo-hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Đồng thời, cần cải thiện cấu trúc mục vụ, mang tính đồng trách nhiệm và tôn trọng các ơn gọi và vai trò tương ứng của giáo dân và những người sống đời thánh hiến. Không được xem họ là những“cộng tác viên” của hàng giáo sĩ nhưng thực sự “đồng trách nhiệm”, nhờ đấy mà nuôi dưỡng sự đoàn kết của hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân. Để tính đồng trách nhiệm là khả thể, cần phải có tính gia đình và mang đặc điểm của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. Vì, luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất kêu gọi và hiệp nhất Giáo hội, sai Giáo hội đi rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất. Thượng hội đồng Giám mục thế giới 2023, có Chúa Thánh Thần hiện diện. Không thể lại để lỡ chuyến đò lịch sử. Điều mọi người mong đợi là những nhận thức nêu trên, được đem ra thực hiện ở cả ba cấp: giáo xứ, giáo phận và toàn quốc. Bắt đầu, theo Phúc âm: “Hạt cải”. Theo Văn hóa Việt Nam: “Chim đầu đàn”. Theo Khoa học: “Hạt nhân”. Bắt đầu, từ gia đình, xứ đạo, giáo phận, với công thức: “Nhận thức và hành động”. Nhận thức tới đâu, hành động tới đó. Có trồng, nhất định sẽ có ngày ăn trái. Dân Thiên Chúa Việt Nam, rồng Châu Á cất cánh trong ngàn năm thứ Ba./.
Truyền thông TGP.Sg, tháng 12, 2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
https://tgpsaigon.net/bai-viet/nguoi-giao-dan-cua-thien-nien-ky-moi-giao-dan-hiep-hanh-64632
[1] Đức thánh G.H. P.VI, khẳng định trong diễn văn bế mạc Công đồng.
[2] Tổng Giám mục Charles Chaput