Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 02 Tháng 3 2022 07:00

Tác phẩm : Ơn Trở Về"

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TÁC PHẨM “ƠN TRỞ VỀ” | PHẦN I – TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA – Những Cuộc Trở Về

 

TMĐP- Trong đời, ai cũng có lần trở về mái nhà xưa, nơi mình được sinh ra và sống thời thơ ấu, niên thiếu trước khi ra đi lập thân, làm đời mình.

Có cuộc trở về huy hoàng, hoành tráng với trống kèn, cờ quạt như tân chức ngày “vinh quy bái tổ”. Đó là những bước chân trở về đem vinh dự, niềm vui cho ông bà, cha mẹ, gia đình, họ hàng. Có cuộc trở về sung túc như ngày trở về thăm quê của bà con Việt kiều trong những thập niên tám mươi, chín mươi khi đất nước còn nghèo xác xơ và mái ấm nào cũng rách bươm, xiêu vẹo vì kinh tế kiệt quệ do cấm vận. Đó là những bước chân trở về rủng rỉnh tiền bạc để giúp mẹ già, cha yếu, chia sẻ với anh em lâu năm túng cực. Có những cuộc trở về nhẹ nhàng, dễ thương của con gái theo chồng nhiều năm không về thăm cha mẹ ruột, những lần viếng thăm ngắn ngủi nhưng lưu luyến hạnh phúc của con trai đi làm xa.

Tất cả đều là những cuộc trở về không khó khăn, không căng thẳng, không nặng lòng, không mặc cảm, không gượng gạo và hoàn toàn khác với cuộc trở về của người con trai hoang đàng hôm nay, sau nhiều năm bê tha, khánh kiệt: không còn cơm ăn, áo mặc, nhà ở, người thân nâng đỡ, bạn hữu sẻ chia. Khác với các cuộc trở về trên, vì là cuộc trở về tang thương tiều tụy trong tủi nhục vì hoàn toàn thất bại.

Tang thương tiều tụy vì tiền bạc đã trót phung phí, để nay trắng tay và “lâm vào cảnh túng thiếu, phải ở đợ cho một người dân trong vùng, và người này sai ra đồng chăn heo” (Lc 15,14).

Chăn heo là việc làm hèn hạ nhất trong xã hội. Chăn heo là nghề cực kỳ sỉ nhục đối với một người không lâu trước đây còn là “người đang lên, người đương thời”. Chàng thanh niên hết thời còn mang nặng nỗi tùi nhục tận cùng của kiếp người là “muốn lấy đồ ăn của heo để nhét cho đầy bụng, mà cũng chẳng ai cho” (Lc 15,16).

Anh chàng quả thực trở thành kẻ hết thời khi “hết tiền, hết bạc, hết ông tôi”; trở thành kẻ ở ngoài lề khi “không quyền, không thế, không rình rang đưa đón, chực chờ”. Đời trở mặt làm người xa lạ. Người thay lòng băng giá, dửng dưng. Ngày xưa người vâng kẻ dạ, cơm bưng nước rót, xúm xít nâng khăn sửa túi, nay hiu hắt, cô quạnh, đơn côi, lạc lõng. Ngày xưa còn thời, còn của, còn quyền thì kẻ ra người vào tấp nập, rộn rã; nay lủi thủi, cô độc, ngậm ngùi, vắng tanh.

Thất bại ê chề do tính ngông cuồng, kiêu ngạo; bởi khi nắm số tiền rất lớn sau khi bán hết phần thừa kế, anh chàng chắc cũng ít nhiều tính chuyện mở tiệm hoặc đầu tư đất đai để thủ thân. Thất bại thảm thương do tham vọng thống trị người khác bằng tiền, nên mới “vung tay qúa trán”, không ngại ngùng “ném tiền qua cửa sổ”. Ngông cuồng và kiêu ngạo là hai đặc điểm thấy được nơi anh ta. Và vì ngông cuồng, kiêu ngạo, anh đã vô ơn, vô cảm.

Đời đưa đẩy hay anh tự sa bước? Cả hai, vì nếu vùng đó đã không “bị nạn đói hòanh hành” (Lc 15,14) vì mất mùa thì có lẽ chàng còn lê lết sống thêm một thời gian “hoang đàng” nữa. Yếu tố ngoại tại là tình hình kinh tế suy sụp vì nạn đói trong vùng đã cắt ngắn thời gian sống hoang đàng và đẩy anh vào ngõ bí, đường cụt; ở đó, anh chỉ còn duy nhất một con đường sống, đó là trở về mái nhà xưa.

Trở về vì đói quá

Thực ra, anh chẳng trở về vì nhớ cha, nhớ nhà hay nhớ ai đó ở quê. Anh trở về vì chịu hết nổi cái đói kinh khủng khi bụng cồn cào, quặn đau vì không có cả đến cám heo để dằn bụng. Anh trở về vì không về là chết, không về không được, không về nhà thì chẳng biết đi đâu, vì không nơi nào chịu chứa anh, không nhà nào chịu cho anh dừng chân, tá túc. Đời anh ở vào cây số sau cùng: về nhà hoặc chết đói đầu đường xó chợ. Đứng trước cái chết, nhất là chết đói, anh hốt hoảng, lo sợ, vì với anh chết đã khiếp, chết đói sẽ ngàn lần kinh sợ hơn.

Con út được cưng chiều của đại gia nổi tiếng, anh chưa từng biết đói là gì dù trong ý nghĩ, nói chi đến đói ở bao tử, đói trên thân xác. Thế mà nay phải quằn quại vì đói, xốn xang vì đói, quay quắt vì đói, nhục nhằn vì đói, khốn nạn vì đói. Đói làm anh mờ mắt, đổ mồ hôi, liêu xiêu, run rẩy. Đói làm anh chẳng còn nghĩ được gì, ngoài máng cám heo. Đói làm anh bạo dạn đánh đổi tất cả danh dự, kể cả cái “danh gia vọng tộc” mà anh vốn say mê đánh bóng và bám víu lợi dụng. Đói làm anh quên mình là người. Quên mình là người, nên mới say mê cám heo, tìm ăn đồ ăn của gia súc. Đói làm mất nhân phẩm, đốn chặt uy tín, phủ nhận vị thế phải có của mình. Đói qủa thực đáng sợ, vì đói làm con người đánh mất chính mình một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất.

Đánh mất chính mình khi vì đói mà bao nhiêu người đã rơi vào tội ác: giết người, cướp bóc, trấn lột, lừa đảo; vì đói mà phải bán thân làm gái, sương khuya đứng đường đi khách; vì đói mà bán rẻ lương tâm, đấu giá tình nghĩa.

Rất may, anh chàng hoang đàng này đã không làm điều ác, không dùng mã tấu chém cánh tay cô gái chạy Honda để cướp nhẫn vàng, không đột nhập đổ át xít vào miệng chủ nhà để cướp của, không nhập băng đảng giết người cướp của, nhưng chỉ đon sơ và thực dụng nghĩ: “Có biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi được cơm dư gạo thừa, mà tôi ở đây lại chết đói” (Lc 15,17). Nhờ thế, anh đã không bị cám dỗ làm điều gian ác.

Xét ở một phương diện nào đó, anh là người quen ăn bám, ở dựa, sống nhờ, nên khi gặp khó khăn thường nhanh chóng đầu hàng nghịch cảnh. Ở đây, khi nghĩ đến chuyện trở về, anh đã chọn giải pháp tương đối an toàn và dễ dàng hơn cả. Tưởng đó cũng là một ơn rất lớn khi anh từ một kẻ ngông cuồng, kiêu ngạo trở thành một người mềm mỏng dám chịu nhục trở về nơi mình trước đó không lâu đã “chọc trời khuấy nước”, cao ngạo thách thức và chà đạp tình nghiã gia đình.

Vì đói nên phải trở về, anh đã được cơn đói làm tỉnh mộng, được cái đói đánh thức, được nạn đói trong vùng thúc đẩy phải lên đường rời xa miền đất chết. Chính đói giúp anh sáng kiến và nghĩ đến chuyện đi về nhà. Nhờ đói mà anh can đảm hoạch định chương trình trở về, kế hoạch tìm đường về, dự án của lộ trình hồi hương. Không đói, chắc chắn anh đã chẳng bận tậm đến chuyện trở về gặp cha, ngày về mái nhà xưa “có cơm dư, gạo thừa”.

Như thế, đói là biến cố ngoại tại đã góp phần làm thành hành trình trở về của người con hoang đàng. Đói đã trở thành khởi điềm mở đầu con đường trở về mái nhà xưa, mặc dù anh chưa muốn về, hay không muốn về, nhưng đói qúa phải về. Nhờ thế mà anh có ngày về, trở về được.

Đói là hình ảnh sống động và đích thực của những biến cố trong cuộc đời. Có những biến cố bị coi như tiêu cực, bất lợi; nhưng ơn trở về rất thường được kín đáo thực hiện qua những biến cố tưởng như tang thương, thất bại này, như người con hoang đàng đã không tìm được đường về, nếu đã không lâm vào hoàn cảnh túng bấn và trải qua biến cố đói khát rất tang thương. Đói như biến cố nhắc nhở tình trạng sa lầy. Đói là biến cố bứng gốc, bật rễ ra khỏi vũng lầy trụy lạc. Đói đã đóng góp hình thành con đường trở về mái nhà xưa có cha già yêu thương và giầu lòng thương xót, có hạnh phúc, bình an và tương lai sáng lạn. Đói tuy là yếu tố ngoại tại, nhưng thiếu yếu tố này, người con hoang đàng đã không giật mình để bình tâm suy nghĩ và nhìn lại tình trạng dở sống dở chết của mình, như khởi điểm cần thiết của đường về.

[còn tiếp]

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/tac-pham-on-tro-ve-phan-i-tro-ve-mai-nha-xua-nhung-cuoc-tro-ve/

Read 679 times Last modified on Thứ năm, 03 Tháng 3 2022 07:27