Sau Lễ Tro, người em thiêng liêng nhắn gửi : “Lời Chúa nói rõ quá nhưng sao thấy nhiều người vẫn diễn vậy Cha ? …”
Rồi đến chiều, chú em lại nhắn : “Cũng có người up hình ăn chay lên mạng để khoe mẽ …”
Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ đến Lời của Chúa căn dặn trong ngày đầu tiên của mùa Chay Thánh. Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, gọn gàng nhưng đầy ý nghĩa :
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng …
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy …
Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay …”
Lời Chúa tuyệt vời quá đi chứ ! Thế nhưng rồi khi nghe hay khi đọc ta có suy, có gẫm cũng như có đem ra thực hành hay không đó mới lại là điều quan trọng.
Bữa cơm chiều với một vị thầy về Thánh Kinh, chị em cũng chia sẻ với nhau về cuộc đời. Cuộc đời này xem chừng ra đơn giản và không khó hiểu cho lắm. Cứ lần mở từng trang Thánh Kinh đọc và đọc thật chậm để ta thấy từng khuôn mặt trong lịch sử cứu độ. Từ những khuôn mặt và cách đặc biệt là lời dạy của các vị đó ta soi chiếu cuộc đời của ta.
Suốt tuần lễ trước khi vào mùa Chay Thánh, Thánh Giacôbê tông đồ đã nhắn gửi cho chúng ta quá nhiều điều về câu chuyện của cái lưỡi, của sự phô trương, của sự khoe khoang. Đặc biệt, Thánh Giacôbê mời gọi mỗi chúng ta hãy thực hành đời sống đức tin của mình bởi lẽ tin mà không thực hành cũng chỉ là đức tin chết mà thôi.
Và rồi thi thoảng tôi vẫn nhớ đến cuộc đời, con người và sự nghiệp của Thánh Phaolô. Cả cuộc đời của Phaolô là một trang sử của một con người đủ quyền tự cao tự đại với cuộc đời.
Chúng ta đã biết cuộc hoán cải của Phaolô như một metanoia, một sự thay đổi tâm trí, trong cách quan niệm về việc cứu độ. Tuy vậy, sự hoán cải của Phaolô không phải là hướng về một giáo thuyết, dù đó là giáo thuyết về sự công chính hóa nhờ đức tin, nhưng là hướng về một con người. Nơi Phaolô, trước khi có sự thay đổi tư tưởng, đã có sự thay đổi tâm hồn, do ngài được gặp gỡ một con người sống. Người ta dùng kiểu nói “tiếng sét ái tình” để chỉ một tình yêu nam nữ từ cái nhìn đầu tiên, và không gì ngăn cản được tình yêu này. Kiểu nói đó rất thích hợp trong trường hợp của Phaolô.
Có thể thấy rõ sự thay đổi tâm hồn nơi Phaolô qua bản văn trên đây. Thánh Tông đồ coi việc biết Đức Kitô có một giá trị trổi vượt (hyperechon). Cũng cần nói thêm : trong trường hợp này, cũng như trong cả cuốn Kinh thánh, “biết” không chỉ là một sự khám phá của tri thức, có ý tưởng về một điều gì đó, nhưng là một mối liên hệ sinh tử và sâu sắc, một sự vào sâu trong tương quan với đối tượng mình biết. Câu của Phaolô: “để tôi được biết Người và quyền năng sự Phục sinh của Người, cùng được thông phần những đau khổ của Người” phải được hiểu theo ý nghĩa đó. Biết thông phần đau khổ rõ ràng không chỉ là có một ý tưởng, nhưng là cảm nghiệm nỗi đau khổ này.
Chính thánh Tông đồ đã tìm thấy một lời, mà chỉ riêng nó thôi, đã nói lên tất cả: “Tôi đã bị Đức Kitô chiếm đoạt”. Đức Kitô đã biến Phaolô thành sở hữu của mình, đã quyến rũ, mê hoặc Phaolô, giống như việc Thiên Chúa đã làm đối với Giêrêmia ngày xưa. Những người đang yêu không thể không nói ra điều ấy. Các nhà thần bí sau này, lúc đang yêu nồng nhiệt nhất, cũng đã làm như vậy. Do đó chúng ta không lạ khi thấy Phaolô, trong một lúc vui mừng sau khi hoán cải, đã nói toạc cho người Philipphê biết : Tôi đã bị Đức Kitô chiếm đoạt. Chúng ta đều biết rõ Phaolô có những câu nói hàm súc, để đời, đầy ý nghĩa, mà mỗi người chúng ta nên lặp lại cho chính mình: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), và “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Với thư Philipphê, chương 3. Thánh Phaolô kết thúc những lời trần tình của mình bằng câu: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).
Quên đi chặng đường đã qua hay quá khứ, nhưng là quá khứ nào? Quá khứ là một người Biệt phái, như ngài đã đề cập trước tiên chăng? Không phải. Ngài muốn nói đến quá khứ của một người Tông đồ trong Giáo hội. Người Tông đồ này đã đành mất mọi sự vì Đức Kitô, “coi mọi sự như rác để được biết Đức Kitô”. Thật tự nhiên khi nghĩ rằng đó là một con người can đảm và nhiệt thành biết bao : từ bỏ nghề giáo sĩ để chạy theo một giáo phái vô danh của những người Galilê, đã viết bao nhiêu lá thư, thực hiện bao nhiêu chuyến hành trình truyền giáo, thiết lập bao nhiêu giáo đoàn. Phaolô đã từ bỏ ý nghĩ về sự công chính hóa do những việc mình làm, để chỉ nhận sự công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô, nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Dù vậy, ngài vẫn muốn “quên đi chặng đường đã qua”, và nói: “Tôi không nghĩ rằng tôi đã đi tới sự hoàn hảo”.
Vậy đó, tất cả tâm tình về Chúa và với Chúa, Thánh Phaolô đã sống. Lời của Chúa đã biến đổi biết bao nhiêu con người. Từ con người xem chừng là không tốt, là chả ra gì nhưng khi đượcLời tác động, Lời đã thay đổi con người một cách toàn diện để trở thành con người mới trong Đức Kitô.
Kinh nghiệm sống của các đấng các bậc đã cho ta thấy về sức mạnh của Lời. Tiếc thay ngày hôm nay giữa một xã hội mà người ta quá bận rộn với chuyện thế gian, với cuộc đời thì xem ra Lời chẳng còn tác dụng gì trên cuộc đời của người ta nữa. Chỉ những ai để cho Đức Kitô chiếm đoạt thì khi đó cuộc đời của họ mới đổi thay.
Với cảm nghiệm về Lời tác động, chắc chắn những ai như chú em, như những người đam mê Lời sẽ được Thiên Chúa biến đổi để ngày mỗi ngày trở nên gần với Chúa hơn.
Lm. Anmai, CSsR