TÁC PHẨM “ƠN TRỞ VỀ” | PHẦN I – TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA – Đường Về Là Đường Hy Vọng
Posted by Ban Biên Tập
TMĐP- Bởi nếu còn tình yêu, người ta còn hy vọng và còn hy vọng là còn hạnh phúc.
Trong khao khát hạnh phúc của anh có niềm hy vọng, bởi ở đâu có ước mơ hạnh phúc, ở đó có niềm hy vọng. Và vì hạnh phúc sánh bước với tình yêu, nên hy vọng được nuôi lớn nhờ lương thực là tình yêu hạnh phúc.
Người con hoang đàng ngay trong tận cùng của khốn quẫn vẫn khát khao hạnh phúc. Nhờ thế, anh không mất hy vọng ở ngày mai tươi sáng, và ý nghĩ bình minh sẽ ló dạng đâu đó cho anh nghị lực để hoạch định chương trình lên đường trở về, dù bước chân anh chưa đủ vững vì còn nhiều do dự, ngượng ngùng.
Người tuyệt vọng là người không còn mơ ước hạnh phúc, đồng thời tình yêu nơi họ hầu như cạn kiệt. Bởi nếu còn tình yêu, người ta còn hy vọng và còn hy vọng là còn hạnh phúc. Cặp đôi tình yêu – hạnh phúc lúc này đột biến thành bộ ba: tình yêu – hạnh phúc – hy vọng để hợp đồng nâng đỡ những bước chân còn e ngại trên đường về.
Ở đây, ta thấy anh có nhiều sáng kiến táo bạo: nào là “quyết định đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19).
Phải hy vọng, anh mới suy tính được kế hoạch tuyệt vời này. Phải hy vọng, anh mới đủ liều lĩnh tin vào khả thể thành công của kế hoạch. Phải hy vọng, anh mới dám tin vào mình, tin vào cha, nhất là tin vào đường về, vì đường về trước mặt phủ đầy những khó khăn, chông gai, cản trở.
Đường về xa quá
Xa quá vì khoảng cách tâm lý: Ở lì trong tình trạng hiện tại sẽ đỡ mệt và bớt vất vả hơn phải đứng lên. Án binh bất động sẽ khoẻ thân, khoẻ trí hơn bôn ba đi đây đó. Cám dỗ ở lì, án binh bất động, nàm yên một chỗ luôn là cám dỗ rất ăn khách làm cho người ta không muốn vùng dậy, thăng tiến, ra khỏi pháo đài ích kỷ, thoát khỏi thói quen tiêu cực soi mòn nghị lực. Không muốn ra khỏi lòng mình, nhà mình luôn là cám dỗ mãnh liệt trì kéo mọi cố gắng và không cho con người rút chân khỏi những tầm thuờng, hèn yếu. Người con thứ lỡ rơi vào hoang đàng, trụy lạc không khỏi ngao ngán khi nghĩ đến phải đứng dậy, rút chân khỏi quán xá bê tha, hang động ô uế. Anh cảm thấy khó khăn lắm khi phải chia tay đám chị em hằng đêm son phấn bao vây. Anh sợ lắm khi phải nói lời tạm biệt các chiến hữu ở những điạ điểm ăn chơi trác táng. Và vô cùng ngại ngùng trước những châm biếm của đám bạn hút sách, nghiện ngập. Họ sẽ nhảy múa như đàn chấu chấu khi trời chuyển mưa, nếu biết anh quyết định giã từ đời giang hồ, phóng đãng.
Quả thực, ở lì hay đứng dậy lên đường cũng chỉ ở trong trái tim không quá một gang tay, nhưng lại mịt mùng cách trở, và nghìn trùng xa xôi; bởi những người đã một lần trở về sẽ hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc kinh nghiệm đường dài tâm lý vô tận, vô biên, ngút ngàn, hun hút và cái khó khôn tả của động tác đứng dậy và bước đi. Không thiếu những người biết rõ đứng lên sẽ có hạnh phúc, bước đi sẽ gặp thấy tương lai, nhưng vẫn không đứng dậy được vì e ngại, chưa nói đến bước đi lúc nào cũng đòi gan lì, chịu đựng. Biết và hy vọng không thay thế cho nhau, nên biết hạnh phúc không có nghiã dám hy vọng hạnh phúc; cũng như biết điều lành điều dữ, biết việc xấu việc tốt không hẳn đã là người đạo đức, tử tế, thánh thiện.
Những bóng mây nghi ngờ đe doạ trên đường về
Đường về không chỉ xa, mà còn giăng mắc hàng hàng lớp lớp những bóng mây đen phảng phất đe dọa:
Vẫn biết theo kế hoạch sẽ phải nói lời tạ tội: “Con đã có tội với cha”, nhưng liệu lời tạ tội ấy có được lắng nghe, hay sẽ chỉ là cớ cho cha nổi cơn lôi đình xua đuổi?
Khôn ngoan hơn, kế hoạch đã không để lời tạ tội đứng khơi khơi, chơi vơi một mình: “có tội với cha”, nhưng đã khéo léo kéo thêm ông Trời: ” … Con còn có tội với Trời”; nhưng đã chắc gì Trời đủ trọng lượng và có cửa bảo kê, để không khéo sẽ thêm dầu vào lửa làm cha nổi cơn điên tức giận?
Dư luận xã hội không dễ buông tha cho ngựa hoang hoàn lương trở về. Những dao to buá lớn của thành trì luân lý, những sấm sét của thành kiến sẽ bổ trên đầu anh, những lườm ngúyt, đàm tiếu, thị phi của họ hàng, làng xóm sẽ ném đá, châm chích anh, những lương tâm gương mẫu nhưng kiêu hãnh, dị hợm và ác độc sẽ kết án anh, những cái nhìn bóc trần thô bỉ sẽ soi mói, đốt cháy đời anh. Trước những ganh ghét, ghen tuông phi nhân, vô lý đó liệu bước chân của người con hoang đàng trở về còn được vững chãi?
Đấy là chưa kể cơn bão cấp sáu khủng khiếp thình lình nổi lên trong lòng người anh lớn khi nghe tin em trở về: “Lúc ấy người con cả đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhẩy múa liền gọi một ngưòi đầy tớ ra mà hỏi có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15, 25-28).
Anh cả đã không chỉ là cơn mây u ám đe doạ, nhưng là cơn giông, bão tố đổ ập trên đời người em vừa trở về. Thái độ không chấp nhận sự có mặt của em nói lên lòng ghen ghét cao độ và tính tham lam, tỵ nạnh nhỏ nhoi của anh hai. Ông anh lớn đã không đủ tình huynh đệ để mừng em trở về bình an, không đủ qủang đại để vui khi em về lành lặn, không đủ tình yêu để nhận ra em cũng được sinh ra cùng cha cùng mẹ. Trái tim anh cả đã đóng băng, khép kín từ dạo nào, không ai hay. Nhưng một điều chắc chắn, đó là lòng tham không đáy đã biến anh thành người xa lạ với chính em ruột mình.
Anh hai đã điên lên khi nghe tin em trở về, vì tham lam, muốn độc quyền sở hữu những gỉ thuộc về cha. Đối với anh, sự vắng mặt vĩnh viễn của cậu em đã đem lại cho anh chỗ đứng duy nhất và độc quyền thừa kế. Từ ngày em út bỏ nhà đi, anh không còn lo phải đấu đá tranh giành nhà đất, cũng không sợ bị em út phỗng tay trên toàn bộ tài sản. Ngày ra đi của cậu em chính là ngày giải phóng của ông anh, khi ông được ra khỏi nỗi lo ngay ngáy sẽ phải đối đầu giành giật. Nói cách khác, ngày em út bỏ nhà đi hoang cũng là ngày anh hai được toàn quyền trên tài sản của cha và qủa thực đời sống trác táng, phiêu bạt, giang hồ rồi suy tàn, khánh kiệt của em út chính là điều bấy lâu người anh mong đợi: Anh đợi em không bao giờ trở về. Anh mong em ở lại mãi phương xa, đừng quay gót trở lại quê nhà. Tham vọng độc quyền, độc trị đã nhiệt liệt ủng hộ ý nghĩ xoá bỏ sự hiện diện của em trong đời anh và cõi đời này.
Chính vì ước mơ không thành khi cậu em thình lình trở về mà anh hai nổi sùng, gắt mắng gia nhân, giận dỗi cha già. Anh hai đã thất vọng ê chề khi nghe gia nhân báo cáo: “Em cậu đã về”, vì tâm hồn anh hai đã loại trừ em út từ lâu, và trái tim anh đã không còn chỗ cho em mình.
Người em hoang đàng quả có lý khi lo lắng, băn khoăn trước giờ lên đường trở về nhà. Anh đã rất lo khi nghĩ đến thái độ có thể rất tiêu cực của anh hai. Anh cũng phân vân không biết anh hai có niềm nở, nhiệt tình và rộng lượng bao dung hay sẽ dửng dưng, khinh miệt, có khi còn sẵng giọng nạt nộ, xua đuổi? Anh còn nhớ, nhiều đêm trước khi quyết định lên đường về nhà, anh đã ngần ngại, do dự không muốn làm lại cuộc đời, vì nghĩ đến thái độ có thể sẽ rất căng thẳng, thù nghịch của anh hai. Một mình anh hai có lẽ không đến nỗi, nhưng bên cạnh anh là chị dâu… người thường xuyên tỏ thái độ không mấy thiện cảm với cậu em chồng.
Tình cảnh huynh đệ tuy chưa tương tàn, tan nát nhưng “nhạt như nước ốc, lạnh như băng tuyết” là tình trạng thường gặp trong xã hội hôm nay, khi chủ nghiã thực dụng bao trùm và thống lĩnh sinh hoạt của con người. Vì chút lợi lộc vật chất, anh em sẵn sàng dứt tình, từ bỏ nhau. Vì những mâu thuẫn quyền lợi cỏn con, anh em không ngại đem nhau ra toà và “mồm loa mép dải” lên án, thẳng thừng chặt chém không nương tay. Bước chân trở về có thể đã không ngần ngại, ngượng ngùng vì cha già nghiêm khắc, nhưng hụt hẫng, chao đảo, liêu xiêu vì anh lớn tỵ hiềm, ích kỷ, tham lam. Có bao nhiêu người con đã không dám trở về nhà cha, vì sợ lòng ganh tỵ ác độc của anh chị em. Và không kể hết những bước chân đã không về được nhà, vì run rẩy hoặc chết đứng trước cái nhìn đe dọa, thanh trừng, triệt hạ của anh chị em.
Nhưng cơn điên vì độc quyền thừa kế bị đe doạ ở anh hai do cuộc trở về bất ngờ của người em út hoang đàng chưa đáng sợ bằng cơn điên muốn loại trừ vĩnh viễn chỗ đứng của em trong trái tim cha già và xóa bỏ toàn bộ dấu vết của em út trong gia đình. Sự giận dữ của anh hai lên đến cực độ khi anh phân bua, so đo công – tội giữa anh và em út: “Cha coi đó, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo đẻ ăn mừng!” (Lc 15,29-30).
Mở hồ sơ tội lỗi của em, anh hai đã giơ cao tấm huân chương “Hiếu Thảo” cẩn chữ vàng của mình cho cha xem với chủ ý “mắng vốn” thái độ cư xử bất công, không biết điều của cha đối với anh và qủa quyết: thằng con út của cha là một thằng phá sản, đểu cáng, tồi tàn, thằng “ma cô” sống nhờ đĩ điếm. Còn gì tệ hơn thằng ma cô, con điếm? Còn gì đáng tởm lợm hơn phường lừa lọc, phung phá? Vừa mắng vốn cha, lên án em, người con lớn vừa tuyên bố từ em, không nhận “thằng con của cha” làm em mình nữa (Lc 15,30). Anh hai minh nhiên từ chối vị thế làm anh, máu huyết và tình huynh đệ khi đẩy đứa em hoang đàng sang hẳn phiá cha: “Thằng con của cha đó!”. Thằng con của cha không là thằng em con, vì từ lâu, thằng em này đã được lòng tham của con khai tử, và an táng tận mồ sâu quên lãng.
Nỗi đau ngút ngàn của người em hoang đàng trở về hôm nay là thái độ khinh bỉ, miệt thị, khước từ và hung hãn tấn công của người anh. Người anh đã “nổi giận” vì không chịu được bước chân trở về bình an của em. Người anh “đã không chịu vào nhà” (Lc 15,28), vì quyết “không đội trời chung”, không cùng sống một nhà. Không chấp nhận chung sống dưới một mái nhà tức từ chối là anh em, từ chối có chung mẹ cha, từ chối thuộc về một gia đình. Nói cách khác, từ chối sống chung, người ta đã ngang nhiên từ chối thuộc về nhau, từ chối có trách nhiệm trên nhau, từ chối yêu thương nhau. Và một khi không còn trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi, tình yêu, người ta đương nhiên trở thành kẻ xa lạ.
Như thế, chính người anh đã từ em hôm nay, khi nghe tin em trở về. Chính người anh đã điên cuồng, phẫn nộ vì “không ngờ thằng em còn sống, lại lù lù trở về lành lặn”. Và bình an của em trở thành hoảng loạn cho anh; sự sống của em làm trái tim anh ngạt thở, hấp hối; trở về của em làm anh lạc lõng trong chính nhà mình. Có ở vào tình cảnh trở về của người em hoang đàng, người ta mới hiểu được nỗi đau khi bị anh chị em trong nhà bạc đãi, khinh bỉ, tẩy chay vì ganh ghét, tị hiềm và không muốn sẻ chia hạnh phúc.
Tóm lại, phải dạt dào hy vọng, lâng lâng hy vọng, chứa chan hy vọng, người con hoang đàng mới cất nổi những bước chân trở về nặng nề mặc cảm tội lỗi, nặng nề lo sợ, chán chường. Phải ngụp lặn trong hy vọng, ghìm mình trong hy vọng, người con tội lỗi mới không buông xuôi, gục ngã, bỏ cuộc, đứt gánh trên đường về.
[còn tiếp]
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/tac-pham-on-tro-ve-phan-i-tro-ve-mai-nha-xua-duong-ve-la-duong-hy-vong/