Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 14 Tháng 4 2022 07:46

Mùa chay với trái tim được đổi mới

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  MÙA CHAY VỚI TRÁI TIM ĐƯỢC ĐỔI MỚI | Kết Thúc Chuỗi Suy Niệm Mùa Chay 2022


TMĐP- Trên đường Mùa Chay “Hiệp Hành”, trái tim đơn sơ luôn ý thức ơn gọi của mình là “trở nên một” với mọi người trong Đức Giêsu, là hiệp thông, hiệp nhất, đồng tâm nhất trí với nhau cho sứ mạng chung của Giáo Hội (x. Cv 1,42-47), nhất là với trái tim đã được đổi mới, trở nên đơn sơ…

Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta trở về với Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương” (Ge 2,13) trên con đường nào khác, và bằng cách nào khác ngoài con đường của trái tim, và bằng cách xé lòng, khi phán dậy chúng ta qua miệng ngôn sứ Giôen: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,12.13).

“Xé lòng” là giải giới vũ khí hận thù, bạo lực đang chiếm đóng con tim; là cởi bỏ khỏi tâm hồn những thiết bị của mưu mô, ma mãnh; là tháo gỡ những mặt nạ giả hình khỏi cõi lòng kiêu hãnh, ngạo mạn; là tẩy sạch trái tim khỏi những diêm dúa của sa hoa, hưởng thụ, vì hành trình trở về của người con thứ hoang đàng là hành trình của trái tim con thống hối tìm về trái tim cha bao dung, nhân hậu, và đường về của mỗi người chúng ta là đường về của trái tim con người tội lỗi tìm về yên nghỉ trong trái tim giầu lòng thương xót của Thiên Chúa, nên không xé lòng, mở lòng, cởi lòng, trái tim ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ, độc ác, bạo lực của chúng ta sẽ không bắt được tần sóng “từ bi, nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” của trái tim người Cha Thiên Chúa.

Vì thế, để tiến bước bình an vào Mùa Chay “Hiệp Hành”, thiết tưởng không gì tốt hơn cho chúng ta là cùng nhìn vào con đường Thiên Chúa muốn chúng ta cùng đi với Ngài và với anh em để thực thi sứ mạng của người Kitô hữu, bằng đón nhận ánh sáng soi đường từ Lời Chúa trong Kinh Thánh:

1/ Trái tim là kho tàng lưu giữ, cất dấu mọi sự, và là tổng hành dinh điều khiển mọi sinh hoạt:

Kinh Thánh nói nhiều về trái tim, nơi tất cả tư tưởng xấu tốt, tính toán thiện ác, kế hoạch lợi hại được hình thành như sách Sáng Thế khẳng định: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người, và Người buồn rầu trong lòng” (St 6,5-6).

Khẳng định điều này, Kinh Thánh cho chúng ta thấy: lòng con người gian ác và tàn nhẫn đến độ không chỉ làm tan nát lòng con người, mà còn có khả năng làm buồn, làm đau cả lòng Thiên Chúa.

Kinh Thánh cũng nói đến trái tim như nơi phát xuất ý nghĩ, tình cảm, lời nói, việc làm xấu tốt của một người. Tin Mừng Mátthêu đã ghi lại lời Đức Giêsu khi Ngài trách mắng những người Pharisêu giả hình để làm chứng điều này: “Loài rắn độc kia, xấu như các ngươi, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,34-35).

2/ Xé lòng là nhu cầu cấp bách ở người Kitô hữu:

Vì trái tim chất chứa đủ thứ xấu tốt, đủ chuyện xa gần: thị phi có, mà cao thượng cũng có, bất chính, bất công có, mà ngay lành, thánh thiện cũng có, nên Chúa muốn chúng ta phải xé lòng để lọc lại, và chọn ra những gì hợp với trái tim Ngài, đồng thời bỏ đi những gì trái ý Ngài, bởi chúng ta không thể ở trong trái tim Thiên Chúa khi Thần Dữ đã gieo kín trong trái tim ta những hạt giống độc hại, chết người; không thể hiệp nhất với Thiên Chúa khi lòng ta đã bị Xatan xâm chiếm như trường hợp anh Khanania và vợ là Xaphira được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 5,1-6), vì khi lòng người đã hư đi, tức trở nên gian ác, nham hiểm, thì không gì có thể chữa trị được (x. Gr 17,9).

Quả thực, khi lương thiện nhìn vào tâm hồn, khi khiêm tốn và chân thành trải lòng trước mặt Chúa, chúng ta dễ dàng nhận ra tình trạng đáng thương của con tim mình, và ý thức nhu cầu cấp bách “phải xé lòng” để gấp rút trở về với Đấng là Tình Yêu cứu độ.

Không biết bạn thế nào, nhưng riêng người viết càng nhìn vào mình, càng thấy trái tim mình hư hỏng, rữa nát vì những căn bệnh nan y nguy hiểm: bệnh “để lòng thù ghét người anh em” (Lv 19,17), bệnh “lòng thâm độc chỉ toan hại người” (Tv 27,3), bệnh “lời lẽ mặn nồng mà lòng dạ xấu xa” (Cn 26,23); bệnh “lòng chống lại Giao Ước thánh” (Đn 11,8), bệnh gian dối “môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai” (Tv 11,3), bệnh giả hình “như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27), bệnh đam mê dục vọng làm mù loà lương tâm, lý trí, bệnh ngaọ mạn, “kiêu căng, quên cả Đức Chúa là Thiên Chúa” của mình (Đnl 8,14), bệnh chai đá, vô cảm như Thiên Chúa Giavê nói với ngôn sứ Êdêkien về nhà Ítraen: “Nhà Ítraen không muốn nghe lời ngươi, bởi vì chúng không muốn nghe lời Ta: quả thật cả nhà Ítraen đều mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” (Ed 3, 7) hay với ngôn sứ Giêrêmia: “Chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa. Chúng đã lùi chứ không tiến” (Gr7,24), và từ miệng Đức Giêsu trước những người Pharisêu cứng lòng: “Chính vì các ông lòng dạ chai đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông” (Mc 10,5). Người viết còn thấy tim mình khép kín, đóng chặt như tim của Pharaô Ai Cập nhất quyết “không thả cho dân đi” (Xh 4,21), mặc dù Môsê đã nhọc công thuyết phục.

Bên cạnh những căn bệnh thấy được, chẩn đóan được còn nhiều căn bệnh tâm hồn khác cũng không kém nguy hiểm, và hậu quả là phải mang lấy tâm trạng “sợ hãi, sờn lòng” (Đnl 20,8), chán chường, ngán ngẩm mọi người, mọi sự; cũng như nỗi khổ “tim héo hắt tựa hồ cỏ giập” (Tv 101,5), và “ruột gan rối bời, đứt đọan (x. Ac 1,20), chưa kể mặc cảm tội lỗi có nguy cơ dẫn đến uất hận, tự diệt như Giuđa đã thắt cổ tự vẫn, vì trái tim không chịu nổi cơn đau tuyệt vọng.

3/ Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta quả tim mới:

Mục đích xé lòng của người Kitô hữu là loại bỏ những tế bào xấu, những khối u ác tính, những chất dơ làm độc để có một qủa tim mới, một trái tim lành mạnh, như tâm hồn phải hủy bỏ những vũ khí, đạn dược có mục đích tấn công, tiêu diệt người khác, vứt bỏ những viên thuốc độc bọc đường nhằm hãm hại anh em, gạt bỏ những lớp áo, vỏ bọc đạo đức, thánh thiện để lừa người nhẹ dạ vào bẫy, vì người Kitô hữu chúng ta muốn được Thiên Chúa “đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,22), cũng như “được Đức Kitô ngự trong tâm hồn” (Ep 3,17).

Ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm Lời Hứa của Thiên Chúa với niềm hy vọng tràn trề: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36, 26-27).

Quả tim mới bằng thịt ấy chính là qủa tim đơn sơ, “thuần khiết và vô tội” mà người có trái tim ấy luôn được Thiên Chúa gìn giữ để khỏi mắc vào cạm bẫy của Thần Dữ, như Thiên Chúa đã phán với vua Avimeléc trong sách Sáng Thế: “Ta biết ngươi đã làm điều ấy với tấm lòng đơn sơ, thuần khiết, và cũng chính Ta đã ngăn cản ngươi khỏi mắc tội đối với Ta” (St 20,6).

Thực vậy, người có trái tim đơn sơ sẽ không so đo, phân bì, bon chen, nên rộng rãi, quảng đại với mọi người; có trái tim đơn sơ sẽ không ngoan cố, cứng đầu, nhưng biết lắng nghe như vua Salômôn “đã xin Chúa ban cho một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,9); có trái tim đơn sơ sẽ không đố kỵ, tỵ hiềm, nhưng yêu thương trọn vẹn và chân thành; có trái tim đơn sơ sẽ không quan liêu, khó tính, nhưng khiêm nhường, hoà nhã (Mt 5,3), vui tươi, dễ thương, dễ gần (x Tv 4,8 ; 15,9) ; có trái tim đơn sơ sẽ không tham lam, ích kỷ, nhưng ngay thẳng, liêm chính, trung thành (x . 1 V 3,6 ; Tv 7,11); có trái tim đơn sơ sẽ không khó khăn, phức tạp, nhưng cởi mở, ân cần, tế nhị, khôn ngoan.

Nếu chú tâm lắng nghe bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” của Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy những con người được Thiên Chúa hứa ban Nước Trời, hứa ban phần thưởng Thiên Đàng, hứa cho thoả lòng mong ước, hứa cho nhìn thấy Thiên Chúa, hứa được Thiên Chúa ủi an đều là những người có trái tim đơn sơ: Họ không khúc mắc quỷ quyệt, không rắc rối mưu mô, không lầy lội yêu sách, không bon chen giành giật. Vì đơn sơ, họ mới có thể nghèo khó mà không tru tréo Trời, ca thán, trách móc người; vì đơn sơ, họ mới có thể hiền lành, trong sạch; vì đơn sơ, họ mới yêu mến đời công chính, và xây dựng hoà bình; vì đơn sơ họ mới vui lòng nhận về mình mọi thiệt thòi, vu khống, sỉ vả, bách hại mà không hằn học căm phẫn (x. Mt 5, 3-12)

Hơn thế nữa, khi sống Mùa Chay, chỉ người có trái tim đơn sơ của trẻ nhỏ, vì không tìm vinh quang bản thân mới có thể “kín đáo, ẩn danh làm từ thiện”, mà không “khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen” (Mt 6,2); chỉ người có qủa tim đơn sơ sống tinh thần phó thác vào Thiên Chúa như con thơ trước Cha hiền mới có thể “vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện”, mà không giang chân giang tay lớn tiếng đọc kinh “trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6, 5); chỉ người có tấm lòng đơn sơ của người đàn bà bị bệnh băng huyết lâu năm đã kín đáo sờ vào gấu áo Đức Giêsu (x. Lc 8, 43-48) mới có thể ăn chay theo lời chỉ dậy của Đức Giêsu: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay… Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 16-18).

Và trên đường Mùa Chay “Hiệp Hành”, với trái tim đơn sơ “hết lòng hết dạ cùng đi tìm Thiên Chúa” với anh em (1 Sb 22,19), trái tim đơn sơ luôn ý thức ơn gọi của mình là “trở nên một” với mọi người trong Đức Giêsu, là hiệp thông, hiệp nhất, đồng tâm nhất trí với nhau cho sứ mạng chung của Giáo Hội (x. Cv 1,42-47), nhất là với trái tim đã được đổi mới, trở nên đơn sơ, vì được chạm vào trái tim Thiên Chúa và được Ngài “cảm hóa” (x. 1 Sm 10,26), trái tim được Tình Yêu Thiên Chúa mở ra như Thiên Chúa đã mở lòng bà Lyđia quê ở Thyatira (x. Cv 16,14), và trái tim được tay Ngài dìu dắt trở về như vòng tay ôm rộng lượng bao dung của người cha nhân hậu (x. Lc 15, 20), chúng ta mới có thể hiệp thông, đồng hành và cộng tác với nhau như những chi thể của một thân thể duy nhất là Thân Thể mầu nhiệm Đức Giêsu là Giáo Hội trên cùng một con đường yêu thương, cùng một sứ mạng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, bởi tất cả chúng ta “được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” vì “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).

Tóm lại, không được Thiên Chúa đổi mới con tim để đối thoại đơn sơ chân thành, để chia sẻ đơn sơ hết lòng, để cộng tác đơn sơ thật lòng, để đồng hành đơn sơ một dạ một lòng, để ở với nhau “bằng mặt bằng lòng”, nhất là để yêu thương , phục vụ và chịu đựng nhau với tất cả tấm lòng, công cuộc Hiệp Hành của Giáo Hội cho dù được chuẩn bị chu đáo đến đâu, được tổ chức hoành tráng, tốn kém cỡ nào cũng sẽ không mang lại kết qủa như lòng Chúa mong ước, vì chúng ta đi lệch đường của trái tim, và không dám “xé lòng mình” là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa đổi mới bằng ơn của Thánh Thần.

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/mua-chay-voi-trai-tim-duoc-doi-moi-ket-thuc-chuoi-suy-niem-mua-chay-2022/

Read 429 times