TMĐP- Xin Chúa cho chúng ta luôn sống và tiến bước nhờ Thần Khí trên Con Đường Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường“ để cùng Giáo Hội suốt đường dài Hiệp Hành, chúng ta được nếm “hoa quả ngọt ngào của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ“ (Gl 5,22-23).
Không ít thì nhiều mỗi người chúng ta đã trải nghiệm những khoảnh khắc nghi nan, hoang mang, sợ sệt khi không biết hướng nào phải đi, đường nào phải chọn để đựợc sống đời đời, nhất là khi rơi vào khủng hoảng của đêm tối đức tin mà chung quanh không một đốm lửa, không bạn đường, không người thân nâng đỡ, cố vấn, và cả khi đã hoàn hồn, phần đông chúng ta vẫn phân vân tự hỏi: Ai mới là người chỉ cho chúng ta một con đường sống?
Rất may, người môn đệ có tên Tôma đã thay chúng ta hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?”. Và Đức Giêsu đã bảo ông cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,5.6).
Để giúp nhau nhận rõ hơn con đường mang tên Giêsu, con đường của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau quan sát thêm con đường của Luxiphe là con đường luôn ngược chiều với đường của Thiên Chúa.
Trước hết, đường của Đức Giêsu là đường khiêm nhường tự hạ mình xuống tận thẳm sâu của thân phận con người.
Thánh Phaolô đã diễn tả đầy đủ hướng đi “tự mình xuống thấp” của con đường Giêsu trong thư gửi giáo đoàn Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại cnò hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Các Tin Mừng đã làm chứng điều này khi cho chúng ta chiêm ngưỡng một Thiên Chúa “xuống thế làm người trong cung lòng một người nữ không danh gia vọng tộc, nhưng ẩn dật, khiêm nhu, và sinh ra trong máng cỏ dành cho chiên lừa giữa đêm khuya (x. Lc 1,7). Cũng Thiên Chúa ấy đã không ngại để con người coi mình là “mất đẳng cấp, số má” khi qùy xuống rửa chân cho từng môn đệ để làm gương khiêm hạ trong yêu thương phục vụ (x. Ga 13, 3-15), mà mục đích của con đường từ trời cao vinh quang xuống giữa thế gian làm thân ” phàm nhân, tội phạm ” chính là để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28) như thánh ý của Chúa Cha, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Ngược chiều với con đường tự hạ của Đức Giêsu là con đường của Luxiphe mang tên đường Kiêu Căng, có khởi điểm “tự nâng mình lên cao bằng Thiên Chúa” bằng đảo chánh, lật đổ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, và kết qủa được coi như đích tới của con đường Kiêu Căng ấy chính là tự hủy diệt và hủy diệt tất cả những ai cùng đi trên đường.
Thực vậy, khiêm nhường tự hạ và kiêu căng nâng mình lên là hai hướng đối nghịch, hai con đường trái chiều không bao giờ có giao điểm, như ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, xấu và tốt, bất chính, gian tà và công bình, lương thiện, bình an, hạnh phúc và bạo lực, bất hạnh, triển nở, hy vọng và tuyệt vọng, hủy diệt.
Do đó, nếu con đường Đức Giêsu dẫn đến tình nghĩa ngọt ngào, ấm áp vì “hiền lành, khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29), thì con đường Luxiphe xô đẩy vào ngạo mạn, vô ơn, bất nhân bất nghiã khi âm mưu phản bội, dấy binh chống phá Đấng yêu thương mình; nếu con đường Giêsu là “đường ngay nẻo chính” dẫn đến sự thật vì khiêm tốn trước chân lý, thì gian dối, ma mãnh, lừa đảo là đường của Luxiphe khi lén lút lật lọng, “kéo bè kéo cánh”, mua chuộc, mồi chài nhiều thiên thần đồng loã, đồng phạm với mình do ảo tưởng quyền lực vì kiêu căng và mưu tìm tự lợi, vì cái tôi ích kỷ; nếu con đường của Đức Giêsu dẫn đến nguồn sống dồi dào, và hạnh phúc vĩnh cửu vì khiêm nhu ngoan ngùy trước chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, thì đường của Luxiphe dẫn đến bất hạnh và sự chết, vì kiêu căng bao giờ cũng gây nên tranh chấp, chia rẽ, hận thù, nguyền rủa, lên án, tẩy chay, đấu đá; nếu con đường Đức Giêsu bảo đảm đời sau khi những ai đi theo Ngài được sống với Ngài trong vinh quang Thiên Chúa vì đã “cùng chết với Ngài”, được hiển trị với Ngài trong Vương Quốc Thiên Đàng vì đã “kiên tâm chịu đựng với Ngài” (x. 1 Tm 2,11-12), thì đường của Luxiphe là đường chỉ duy nhất một đích tới Hủy Diệt khi tự mình chối bỏ sự sống thần linh, hồng ân cứu độ; nếu con đường Giêsu là đường triển nở và tràn đầy hy vọng, niềm vui, thì đừơng của Luxiphe là đường bế tắc, u ám, sầu buồn vì chỉ có một đích tới Bất Hạnh khi người đi đường bị trấn áp, tước đọat tất cả vinh dự và hạnh phúc dành cho con cái tự do của Thiên Chúa; một đích tới Trừng Phạt như gía phải trả dành cho những người lòng trí kiêu căng, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và thi ân cho người khiêm nhường, nên “đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,50-52).
Như thế, chúng ta đã thấy sự khác biệt tận căn giữa hai con đường hoàn toàn trái chiều, nghịch hướng: con đường Giêsu là đường của người cha nhân hậu, giầu lòng thương xót đến với con cái loài người để cứu chuộc và đưa muôn người lên trời hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa, trong khi con đường của Luxiphe là con đường khởi đi từ tầng cao thiên đàng dẫn xuống đáy sâu hoả ngục, khi cùng bè lũ “thiên thần hư hỏng phản lọan” dùng mọi mưu hèn kế bẩn để lôi kéo người đang thánh thiện ra khỏi đường ngay nẻo chính, dụ dỗ người quen đường trụy lạc ở lì mãi trong sa đọa, hoang đàng, và ngăn cản bước chân thống hối trở về của tội nhân, với một mục đích duy nhất là hủy diệt loài người bằng lôi kéo loài người phủ nhận, khước từ và chống lại Thiên Chúa để phải chịu hình phạt hoả ngục đời đời.
Nhưng đâu là tiêu chuẩn giúp chúng ta định hình hai con đường hoàn toàn khác nhau, trăm phần trăm đối nghịch đó, khi chúng ta phải lựa chọn? Đâu là khởi điểm, tức bước chân thứ nhất chúng ta phải thực hiện để nắm chắc không chọn sai đường, bị lầm đường? Đâu là kim chỉ nam, địa bàn hướng dẫn bước chân của chúng ta mà không phải do dự, nghi ngờ, lấn cấn?
Thưa ánh sáng Khiêm Nhường và bóng tối Kiêu Căng chính là sự khác biệt tận căn giữa con đường Giêsu và con đường Luxiphe.
Như đã qủang diễn ở phần trên, Ánh sáng Khiêm Nhường của Đức Giêsu dẫn chúng ta lên đường đi tới ơn cứu độ, tới sự sống viên mãn, sự thật, tới tình yêu và ơn an bình. Trái lại, Bóng tối Kiêu Căng của Luxiphe đẩy chúng ta vào tử lộ của Hoả Ngục là ganh ghét, hận thù, dối trá, bạo lực , hình phạt, hủy diệt.
Vâng, hành trình đức tin của chúng ta được làm thành bởi những chọn lựa liên lỷ “Thánh Ý Thiên Chúa” trong cuộc sống hằng ngày, bởi “chọn Chúa, chọn thực thi Thánh Ý Chúa” là ơn gọi của người Kitô hữu, nhưng để đúng ý Chúa và đẹp lòng Chúa trước bất cứ chọn lựa to nhỏ, lớn bé, quan trọng hay ít quan trọng nào trong mọi lãnh vực, chúng ta đều phải chọn những bước chân khiêm hạ mà Đức Giêsu đã đi; chọn tâm tình và thái độ khiêm tốn ân cần của Thiên Chúa làm người khi đến với đám đông nghèo hèn, đau bệnh; chọn ngôn từ khiêm tốn thân thiện, gần gũi của Ngôi Lời khi đồng bàn với những người bị xã hội và Giáo Hội lên án, nguyền rủa, ra vạ tuyệt thông; chọn cung cách khiêm tốn bao dung của Đấng Cứu Độ khi ghé thăm nhà những người tội lỗi bị mọi người tẩy chay, xa lánh, vì ngay từ buổi đầu khi kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, Đức Giêsu đã dậy những ai muốn làm môn đệ Ngài bài học vỡ lòng và căn bản: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Tóm lại, con đường Khiêm Hạ Ngài đi, cũng là con đường Ngài muốn chúng ta cùng đi với Ngài, vì mức độ quan trọng của “tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường” trên hành trình trở nên thánh thiện như “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (x. Lv 19,1-2), là đòi hỏi của mọi người Kitô hữu.
Vì thế, sẽ không miễn trừ cho ai, dù người đó nắm giữ chức vụ quan trọng bậc nhất trong Giáo Hội, nhưng tất cả Kitô hữu đều phải bước đi theo con đường Khiêm Nhường mà Đức Giêsu đã đi. Chẳng thế mà trong lịch sử Giáo Hội đã có nhiều đấng bậc ở mọi phẩm trật, đẳng cấp đã “đi vào“ sứ vụ phục vụ đoàn chiên bằng con đường Khiêm Nhường của Chúa, nhưng lại “đi ra“ bằng con đường Kiêu Ngạo của Ma Quỷ, bởi các vị quên bài học vỡ lòng, và căn bản là “hiền hậu và khiêm nhường” khi có quyền thế, chức vị, lại được mọi người trọng vọng, tung hô, nể nang, rái sợ nên đã để ma qủy lẻn vào léo lái làm lạc hướng, trệch đường tới đồng cỏ xanh tươi, đến bên bờ suối mát mà Mục Tử nhân lành phải dẫn đàn chiên đi như lòng Chúa mong ước (x. Tv 22, 1-2); thêm vào đó là ảo tưởng thánh thiện khi kiêu hãnh nghĩ mình là “người thánh” vì có “chức thánh”, nên ngạo mạn cho rằng ma quỷ không thể cám dỗ “người của Chúa”, mà có cám dỗ cũng không hề hấn, nguy hiểm gì, nên làm ngơ, giả điếc trước một sự thật rất quan trọng, đó là chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người cũng đã bị ma qủy kéo nhau vào sa mạc cám dỗ Ngài “kiêu căng” từ bỏ con đường khiêm nhường cậy dựa vào Chúa Cha để theo chúng thử thách Thiên Chúa, và chạy theo “vinh hoa lợi lộc” thế gian (x. Mt 4, 1-10).
Một điều quan trọng khác nữa, đó là Thần Khí Chúa không ban ơn khôn ngoan cho người kiêu căng, ngạo mạn, vì Chúa chỉ đoái thương và thi ân , giáng phúc cho những ai khiêm nhường (x. Lc 1,48); và chỉ “mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21), mà khôn ngoan là ơn cần thiết của Thần Khí Thiên Chúa để chúng ta biết phân định đường lối và thánh ý Chúa trong mọi chọn lựa, khác với những người kiêu ngạo “khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ…. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế ….; để mặc họ buông theo dục tình đồi bại… ; để mặc họ theo trí óc lệch lac mà làm những đìều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khóac lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương” (Rm 1,22.24.26.28-31).
Xin Chúa cho chúng ta luôn sống và tiến bước nhờ Thần Khí trên Con Đường Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường” để cùng Giáo Hội suốt đường dài Hiệp Hành, chúng ta được nếm “hoa quả ngọt ngào của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/co-hai-con-duong-nguoc-chieu/