Ta vẫn thường nghe câu nói của Thánh Phaolô : Anh em hãy vui lên trong Chúa ! Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh !
Vâng ! Vui lên trong Chúa cũng như tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh chả phải là câu chuyện đơn giản. Giả như trong gia đình ta có một người bệnh nan y và cuộc sống quá khó khăn thì thử hỏi ta có vui và tạ ơn Chúa hay không ? Thật không đơn giản để trả lời là có !
Như một nhân duyên, tôi quen với người cha, người chủ gia đình bé nhỏ với 2 người con trai thật dễ thương.
Thoạt đầu, tôi nhìn trên màn hình điện thoại khi nói chuyện videocall tôi tưởng người chồng, người cha này chắc là đang phụ trách tiệm thuốc tây vì sau lưng là những thùng giấy như thùng thuốc. Hỏi ra thì người đàn ông luống tuổi nói cho biết là đang đưa vợ mình đi lọc thận.
Câu chuyện cứ dần dần trải bày với những nghĩ suy, những biến cố trong cuộc đời. Tuổi tôi nhỏ hơn người vợ của Chú tầm 3 tuổi còn tôi thì nhỏ hơn Chú 14 tuổi. Chú cho hay là vợ của Chú chạy thận được 5 năm rồi
“Mỗi lần chạy như vậy là mất 3 tiếng, người nào yếu thì 4 tiếng. Cách ngày chạy 1 ngày. Từ nhà đến bệnh viện rồi làm thủ tục cũng như chạy và chạy xong thì nghỉ ngơi một chút rồi về. Tổng cộng cho một ngày đi lọc như vậy mất tầm 5 đến 6 tiếng ...”
Chắc có lẽ ai có người nhà phải chạy thận thì sẽ rõ hơn về chuyện phiền toái khi vướng và căn bệnh này.
Chú kể vất vả nhất có lẽ là trong mùa dịch. Bây giờ thì ổn rồi.
Ngưng một lát Chú kể tiếp : “Vào đây như là quen rồi Cha ơi ! Không trừ bất cứ nam hay nữ hay ở độ tuổi nào. Vào đây thì mới thấy nhiều cảnh khổ. Có người thì chồng bỏ hay vợ bỏ vì họ không kham chịu nổi với bệnh nhân. Bệnh nhân dĩ nhiên có những phản ứng cáu gắt vì vô thuốc và người thân không chịu được coi như đứt. Có những đứa nhỏ 18, 20 cũng chạy thận như vậy ... Mình thì thấy người ta như vậy, trong lúc chờ vợ lọc thì có người này người kia nhờ như đẩy xe lăn, đi lấy thuốc dùm họ ... Mình thấy vui và như là một ơn gọi để phục vụ người khác ...”
Khi đặt vấn đề gánh nặng gia đình đang vác như thánh giá thì người này nói ngay chả phải thánh giá gì cả và vui vẻ để đón nhận cũng như sống vui với thực tại.
Kể về 2 người con, người đàn ông rất thật khi kể về việc giáo dục con cái. Cha mẹ nói trước cho con cái biết về khả năng và ngân khoảng để rồi anh em tự thu xếp công chuyện học. Tạ ơn Chúa đến nay thì đứa lớn đã tốt nghiệp đại học và đang học cao học cũng như sẽ học cao hơn nữa. Đứa nhỏ thì như ơn trên đổ xuống, cháu đam mê đánh đàn và hiện nay đi dạy đàn cũng như giúp cho ca đoàn ở giáo xứ.
Thật vậy, khi ai nào đó đối diện với một gia cảnh như thế đều sẽ cảm thấy oán trách và kêu than Chúa. Thế nhưng rồi với trường hợp này là một câu chuyện lạ vì rằng giữa những khó khăn và thử thách như vậy nhưng họ vẫn bình an.
Nhìn người nghĩ đến ta, ta lại thấy như thêm kinh nghiệm sống cho đời. Dẫu rằng đối diện với biết bao nhiêu nghịch cảnh của cuộc đời, tôi luôn thấy mình bình an với những nghịch cảnh cũng như giới hạn của phận người.
Ngày nào cũng thế, sáng sau khi tỉnh giấc là một nắm thuốc, trước khi chợp mắt khép mi với cái máy thở lại cũng là một nắm thuốc. Thế nhưng rồi tôi lại thấy mình bình an và thanh thản vì còn sống và còn ... thuốc để uống.
Tôi vẫn chia sẻ điều này với những người thân quen đó là chuyện mình vẫn may mắn hơn nhiều người. Như ông bà ta nói : “Nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống không ai bằng mình”. Thật thế, mình vẫn may mắn hơn nhiều người mà mình không vui, không tạ ơn Chúa là mình có lỗi.
Như vậy, để nói, để định nghĩa về sự bình an đó là do chính mỗi người chúng ta. Như gia đình nhỏ đó bình an trước những khó khăn của cuộc đời thì tôi cũng nhận thấy mình bình an.
Tạ ơn Chúa ! Cảm ơn đời và cảm ơn người, cảm ơn những cảm hứng chia sẻ cho nhau để rồi cùng nhau ta tạ ơn Chúa và hay vui luôn trong Chúa và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Lm. Anmai, CSsR