Ngày 2 tháng 5 năm 2005, lúc 21 giờ 37 phút cả thế giới lặng lẽ từ biệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Dĩ nhiên đặc biệt với người Công Giáo, Giáo Hội mất đi một người cha hiền lành, nhân hậu và nhân đức.
Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08.04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Ông Abe – cựu thủ tướng Nhật từ trần lúc 17 giờ 03 ngày 8.7 (tức 15 giờ 03 theo giờ Việt Nam) do vết thương quá nặng. Cựu thủ tướng nhập viện trong tình trạng chảy máu dữ dội, trong đó một viên đạn vào sâu đến tim. Ban đầu có 10 bác sĩ tham gia điều trị, con số này tăng gấp đôi sau đó. Dù được truyền máu nhưng ông không qua khỏi.
Dĩ nhiên cả nước Nhật thương nhớ ông nhưng chả riêng gì nước Nhật, nhiều người khác trên thế giới cũng thương nhớ ông. Đơn giản vì ông là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Ông rất thẳng thắn và rõ ràng với những kẻ xấu. Dĩ nhiên ông cũng không thể làm hài lòng mọi người.
Sự ra đi của Ông cũng như của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại trong lòng nhiều người sự ngưỡng mộ và thương nhớ. Xét cho bằng cùng cũng là do cách ăn ở của mỗi người mà thôi.
Cũng một thời làm lãnh đạo, cũng ngồi trên ghế cao nhất của một đất nước như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cựu thủ tướng Nhật Bản đã để lại một lòng trân quý và ghi ơn mãi. Thế nhưng rồi ta cũng thấy có những vị lãnh đạo mà ngay khi còn sống cũng đã bị nhiều người không yêu thích và thậm chí muốn truất phế nhưng không truất phế được.
Nói đến chuyện lãnh đạo, nói đến chuyện quan quyền, chắc có lẽ chúng ta không quên câu chuyện “người quản lý bất lương” trong Kinh Thánh. Khôn khéo trong những việc làm của người quản lý bất lương:
Khôn khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo thì chủ mới đuổi việc.
Khôn vì anh ta biết giới hạn của mình; cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
Khôn vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có 1 chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại; 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.
Khôn khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...
Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa, không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
Con cái ánh sáng thì khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và "chỉ có sự thật mới giải thoát anh em."
Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: "Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do-thái hay Hy-lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" ( 1 Cr 1, 22 , 25 ).
Chúa Giê-su đã khẳng định: "Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ". Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ?
Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay chúng ta thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
Mỗi chúng ta luôn được mời gọi nhìn lại cách ăn ở của mình. Dù chả phải làm Đức Giáo Hoàng hay thủ tướng, mỗi chúng ta cũng hãy chọn cho mình cách sống để khi chúng ta nhắm mắt lìa trần chúng ta có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa cũng như có một chút gì đó nơi lòng của anh chị em đồng loại.
Lm. Anmai, CSsR