Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 03 Tháng 5 2013 15:08

Gia Đình Ki-Tô= Cánh Cửa Đức Tin Mở Ra Cho Con Cái ( Bài 2)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
      Gia đình Kitô -  Cánh cửa đức tin mở ra cho con cái

 

 

Vào 17 giờ cùng ngày 13/4, anh chị em lại tiếp tục học hỏi và chia sẻ đề tài thứ 2: Gia Đình Kitô – Cánh Cửa Đức Tin Mở Ra Cho Con Cái, đề tài này do anh Phanxicô Xaviê Trần Anh Dũng Trưởng Ban Liên Lạc Mục Vụ Gia Đình chia sẻ và gợi ý cho anh chị em. Một đề tài rất thực tế trong bổn phận và trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ mối tương quan giáo dục con cái cả về phương diện nhân bản và đức tin. Anh nối kết ý tưởng từ bài 1 và đặt lại những vấn đề liên quan đến giá trị hôn nhân Kitô giáo, để mỗi người xác định lại sứ mạng ơn gọi hôn nhân. Anh chia sẻ:

 giadinh3

Tại sao chúng ta kết hôn tại nhà thờ ?

Nhà thờ là Nhà Thiên Chúa, là Nhà Cha chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi được Thiên Chúa nhận làm con, được thánh hóa qua bí tích Thanh Tẩy, được nuôi dưỡng bằng lương thần linh là chính Máu Thịt của Ngài qua bí tích Thánh thể, được nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức. Niềm tin vào Đức Giêsu tử nạn và Phục Sinh mà chúng tôi được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Ngài là Giáo Hội và cùng được tham dự thông hiệp vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Ngài. Chính niềm tin đó đã đưa chúng tôi đến kết hôn tại nhà thờ. Như vậy ơn gọi đầu tiên của chúng tôi là ơn gọi làm người Kitô hữu trước khi đón nhận ơn gọi sống bậc gia đình.

 

Muốn chu toàn bậc sống gia đình phải chăng tôi cần phải sống ơn gọi làm người Kitô hữu trước?

- Phải chăng chúng tôi xao lãng trong ơn gọi làm người Kitô hữu mà gia đình chúng tôi không vượt qua được những rạn nứt, đổ vỡ ?

- Phải chăng tương quan của chúng tôi với Chúa Giêsu còn lỏng lẻo nên gia đình hay bị xào xáo ?

- Phải chăng đời sống gia đình chúng tôi chưa vững vàng nên chưa trở thành lời chứng cho mọi người chung quanh ?

- Phải chăng sự sống Chúa Giêsu chưa dồi dào trong gia đình nên chúng tôi chưa dám dấn thân phục vụ ?

“Không ai cho cái mình không có”. Nên chúng ta những người làm cha mẹ cần phải nhìn lại đời sống đức tin của mình, để củng cố, nuôi dưỡng thì mới thông truyền đức tin cho con cái được.

    

Thông truyền đức tin cho con cái không phải muốn hay không, nhưng đó là bổn phận của các bậc làm cha làm mẹ.

 

 

 

- Giáo huấn Hội Thánh: Bổn phận cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái.

- GLHT 2225 :…cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ.

- GLHT 2226 : Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng.

 

Anh cũng nêu lên những vấn nạn thường có trong cuộc sống gia đình để cùng nhau nhìn lại:

- Chúng tôi cần phải đón nhận con cái như quà tặng quý báu của Thiên Chúa như thế nào? Nỗi lo hay niềm vui ?

- Khi nghe tin bà xã mang thai con thứ ba tôi có vui  hay lo lắng ?    

- Khi con  vào lớp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, tuổi cặp kê tôi vui hay lo?

 

Chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa vì những niềm vui về món quà quý giá mà Thiên Chúa tặng ban là con cái cùng với những tài năng ưu điểm của chúng. Đồng thời cùng nhau tạ lỗi với Thiên Chúa vì biết bao lần chúng ta chưa trân trọng món quà quý báu của Ngài ban tặng như:

- Chúng ta phàn nàn tính tình ngỗ nghịch, hậu đậu của con cái.

- Chúng ta lớn tiếng khi con cái không làm theo ý của mình.

- Chúng ta than trách khi con mình học kém thua bạn bè.

- Chúng ta đối xử không công bằng khi con yêu con ghét, mà quên chính đứa con ghét lại giống phần hạn chế của mình.

 

Huyền nhiệm Nazaret : Khi Thiên Chúa chọn một gia đình cho Con mình.

Trong thân phận làm người Ngôi Lời cũng cần một mái gia đình để được sinh ra, được nuôi dạy trong suốt ba mươi năm cho lớn lên, giáo dục cho biết thảo hiếu, khôn ngoan đối nhân xử thế trở nên người hữu ích và nên Con Thiên Chúa.

Đó là một gia đình xây dựng trên nền tảng hôn nhân đúng mực, bền vững, công khai của Giuse, người lao động công chính, với Maria, nữ tỳ tình nguyện tận hiến trọn vẹn và trọn đời cho Thiên Chúa. Đức Maria là mẹ thật của Chúa Giêsu, thánh Giuse không sinh ra Chúa Giêsu, nhưng đã vâng theo ý Chúa Cha mà đảm nhiệm trọn vẹn vai trò làm cha của Chúa Giêsu. Cả hai vị đã chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục Chúa Giêsu một cách đúng mực, hoàn hảo, đến nỗi thánh sử Luca đã ghi nhận : “Chúa Giêsu hằng vâng phục cha mẹ, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 40 và 51-52)

- Người lớn lên trong thân xác.

- Người lớn lên trong khôn ngoan, hiểu biết.

- Người lớn lên trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và người ta.

 

Đôi bạn sống đời đức tin mãnh liệt và sống động.

 

Đôi bạn được thánh hóa đời sống hôn nhân bằng bí tích Hôn phối, đôi bạn phải cùng nhau sống đời sống hôn nhân bằng một đức tin mạnh mẽ, sống động theo gương mẫu của Đức Mẹ và Thánh Giuse :

- Luôn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha toàn năng và nhân hậu, luôn luôn đặt mình trước tôn nhan Người như những người con thảo hiếu, tuân phục hoàn toàn Thiên Ý dẫu phải lâm vào nghịch cảnh. (Thưa quý anh chị, điều này không phải luôn dễ dàng, trong nghịch cảnh cần gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thập giá thì mới có thể thưa  được hai tiếng xin vâng)

- Có một đức tin sống động để yêu thương, tôn trọng và hiệp nhất với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa hằng yêu thương, tôn trọng nhau, và  hiệp nhất.

- Thực hiện trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa về tình yêu, hôn nhân và gia đình : yêu thương và tôn trọng nhau, trao ban và bảo vệ sự sống, yêu thương, giáo dục và làm gương cho con cái.

 

- Trách nhiệm của đôi bạn thông truyền đức tin cho con cái

Song hành với con cái trên từng giai đoạn của cuộc đời đó không những là một nhiệm vụ mà còn là hồng ân của bậc làm cha mẹ, đó là thông truyền , bảo vệ và nuôi dưỡng đức tin cho con cái. Được làm người đã là cao quý rồi, nhưng được làm con cái Thiên Chúa là hồng ân lớn lao vô cùng, là hạnh phúc cao vời của mỗi con người. Và chính cha mẹ có bổn phận thứ nhất và thiết yếu để làm việc đó: làm cho con cái nhận biết:

- Sự hiện hữu của Thiên Chúa. (nghĩa là trong mọi biến cố vui buồn con cái luôn thấy cha mẹ gắn bó mật thiết với Thiên Chúa)

- Tình yêu nhân hậu và toàn năng của Thiên Chúa. (Cha mẹ phải biết ca ngợi, tạ ơn Chúa và chia sẻ với con cái những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa ra tay, nâng đỡ cứu giúp gia đình mình.)

- Ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu Chúa dành sẵn cho mỗi con người.

 

Thượng Hội Đồng Giám mục xác định: “Gia đình có một vai trò “đặc biệt” và “thiết yếu” trong việc thông truyền đức tin cho con cái” (Sứ điệp THĐ số 7).

Như bài giáo lý thứ I trong Đại Hội Gia Đình Thế giới lần thứ VI tại Mexico năm 2009 nêu rõ: “ Điểm cốt yếu của giáo dục đức tin là lời loan báo vui mừng đầy sức sống về Đức Kiô chết và phục sinh  vì tội lỗi chúng ta. Những chân lý khác trong bản Tuyên tín của các Tông đồ, các Bí tích và Thập giới đều gắn kết mật thiết với điểm này. Các đức tính thuộc về nhân bản và Kitô giáo là một thành phần của giáo dục đức tin toàn diện.”

 

Cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái như thế nào ?

- Đào luyện lương tâm, tập rèn các đức tính nhân bản : nhân ái, yêu chân lý, dũng cảm, chân thực, công bằng, trung tín – những đức tính của một con người đúng mực. (dạy con ngay từ tấm bé : cách làm dấu thánh giá , cúi đầu chào Chúa, bàn thờ và ảnh tượng luôn được trân trọng…Cha mẹ nên chúc lành cho con cái mỗi ngày và giúp con cái biết cầu nguyện cho người khác.)

- Giáo dục đức tin, cũng là giáo dục cho con cái trở nên con cái Chúa, nên Kitô hữu đích thực: thông truyền đức tin về tình yêu của Vị Thiên Chúa nhân từ và ban ơn cứu độ.

- Rèn luyện các đức tin, cậy, mến làm cho con cái trở nên những người con của Thiên Chúa với những tâm tình tin tưởng, biết ơn, yêu mến, kính tôn, trung tín tuyệt đối.

- Sự thông truyền phải được thực hiện bằng chứng tá của cả lời nói lẫn đời sống của cha mẹ.

- Phải gắn liền với sự cầu nguyện – cầu nguyện cho con cái và cùng với con cái. Chúng ta hãy nghe lại lời kêu gọi mà Đức Phaolô VI đã ngỏ lời với cha mẹ: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu : xưng tội, rước lễ, thêm sức không ? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ và các thánh không ? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không ? Còn anh em hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là bài học sống động, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội Thánh” (FC 60)

- Khi cha mẹ không có được đủ điều kiện  để chu toàn trọn vẹn bổn phận giáo dục như kể trên, cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ của giáo xứ - mục tử và các giáo lý viên, các tổ chức , đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Công giáo,..v..v…và cần hợp tác chặt chẽ với các Giáo lý viên hay Huynh trưởng trong việc chăm sóc, theo dõi con cái trong việc giáo dục này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm đến những người con thiêng liêng mà mình đỡ đầu, nhất là trong Năm Đức Tin này.

 

Kết thúc bài chia sẻ anh Phanxicô Xaviê cũng đưa ra những câu hỏi gợi ý để các tổ thảo luận:

Gợi ý chia sẻ và thảo luận

  1. 1.Hiện nay cha mẹ lo lắng cho con cái điều gì nhất.
  2. 2.Theo bạn, để thông truyền hữu hiệu đức tin cho con cái, cha mẹ nên chọn lựa thế nào giữa hai giải pháp / thái độ  sau đây:

ü Dùng uy quyền, nghiêm khắc, độc thoại, kiêu kỳ.

ü Dùng sự thuyết phục, cởi mở, lắng nghe, kiên nhẫn, ôn tồn, cảm thông, đặt mình vào vị trí của con cái còn thiếu hiểu biết và kinh nghiệm.

 

Những điều quyết tâm 

Nâng cao hiểu biết và trau giồi đức tin sống động để thông truyền hữu hiệu đức tin cho con cái, nhất là sống gương mẫu thánh thiện trước con cái.

caunguyen

 

AP. Mặc Trầm Cung lược ghi 

 

 

Read 1870 times Last modified on Chủ nhật, 05 Tháng 5 2013 15:32