Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 02 Tháng 7 2023 09:29

Khó nghèo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KHÓ NGHÈO

Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn Thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

                                                                           (Mát-thêu 5:1-11)

KHÓ NGHÈO TRONG KINH THÁNH

Đọc lại lịch sử Thánh Kinh, ta thấy thời kỳ đầu của Cựu Ước, người ta chỉ biết đến đời này. Người ta không hề và cũng như không cần quan tâm đến đời sau. Họ coi cuộc sống hiện tại là nơi sự hiện diện của Thiên Chúa được phô bày cách trọn vẹn.

Chính vì thế, họ quan niệm hay cho rằng giàu có được xem là điềm may, một diễm phúc, được Thiên Chúa ân thưởng. Những người giàu thường chỉ là số ít. Họ được mời gọi để sống đức ái, chia sẻ với người khác những gì mình có, nhưng đây chỉ là một hành vi liên đới, chứ không được coi là một nhân đức.

Và để được giàu có, con người phải tuân giữ giao ước với Thiên Chúa, phải tuân giữ mệnh lệnh của Ngài. Giao ước được xem là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người; bất cứ khi nào con người bất tuân Thiên Chúa, phản bội lại những gì đã hứa với Ngài, tôn sùng thần ngoại, ngay lập tức sẽ có những tai hoạ ập đến. Ngược lại, ai rơi vào hoàn cảnh túng quẫn thì bị cho là bị Thiên Chúa trừng phạt, đó là người bị chúc dữ. Những người đó đang sống trong tình trạng tội lỗi hoặc là những kẻ thiếu may mắn, bị Thiên Chúa lãng quên.

Dừng lại một chút để lượt lại sách các ngôn sứ hoạt động vào khoảng thế kỷ thứ 8 tr.C.N, chẳng hạn như Hôsê, Amos, Isaia I, Michea, ta thấy được tình trạng bất công xã hội rất nặng nề tại vương quốc Israel (vương quốc phía Bắc, trong thời kỳ đất nước bị chia làm đôi sau khi vua Salomon qua đời). Ta thấy rằng các ngôn sứ đã không ngần ngại buông lời chê trách thậm tệ một xã hội tuy phát triển về kinh tế nhưng lại có tình trạng giàu bóc lột nghèo. Có hai thái cực được hình thành: giàu – nghèo. Người ta không còn bận tâm đến chuyện giàu là phúc – nghèo là hoạ. Cái bị lên án chính là sự phân hoá giàu nghèo này, vốn được xem là hậu quả của việc con người lãng quên Thiên Chúa.

Cái nghèo dĩ nhiên bị coi là một sự dữ, nhưng không phải đến từ sự trừng phạt của Thiên Chúa mà do sự bất công gây ra. Người nghèo, do không còn nơi nào để bám víu, nên chỉ biết hướng về trời cao, cầu khẩn Thiên Chúa. Ý thức về sự nghèo hèn của mình trở thành một thái độ tôn giáo. Cái nghèo giúp người ta biết cúi đầu trước Thiên Chúa và xem Ngài như là cứu cánh duy nhất của cuộc đời.

Và rồi trong thời gian lưu đày ở Babilon, hơn bao giờ hết, dân Israel ý thức về sự nhỏ bé và nghèo hèn của mình. Do bất trung với Thiên Chúa, họ đã mất đi nhà cửa, đất đai, Đền Thờ. Nơi đất khách quê người, họ chỉ là một số ít nhỏ nhoi, cố gắng xoay sở để gìn giữ căn tính của mình qua việc giữ ngày Sabat, thực hiện việc cắt bì. Sách Isaia II (từ chương 40-55) mời gọi người dân – những người nghèo – hãy có lòng tín thác nơi Chúa, vì chính Người sẽ đến an ủi dân mình. Đến đây, ta thấy có một sự thay đổi về quan niệm dành cho người nghèo. Nếu như lúc trước, người ta cho rằng Thiên Chúa chỉ quan tâm đến người giàu và ban cho họ sự phú túc thì bây giờ, đối tượng mà Thiên Chúa đưa mắt nhìn đến lại là những con người phải sống lưu đày tha hương, những người mất đi tất cả, không có gì trong tay.

Cái nghèo đưa người ta đến với Chúa, giữ người ta ở lại trong tương quan với Chúa, giúp người ta thấy mình cần Chúa hơn. Thiên Chúa quả thật là một vị vua tốt lành, vì Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những thần dân nghèo đói của mình.

Đến thời Hy Lạp hoá, dân ngoại chà đạp Thiên Chúa, xúc phạm Đền Thờ, dẫn đến cuộc nổi dậy của anh em nhà Macabe. Trong trình thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em (x.2Mcb 7,1-41), ta thấy thấp thoáng bóng dáng tư tưởng về sự sống đời sau. Tất cả đều sẵn sàng chết chứ nhất quyết không vi phạm luật Chúa vì tin rằng Chúa sẽ cho họ sống lại để vui hưởng sự sống đời đời. Khi có ý thức về sự sống đời sau, người ta bắt đầu phóng tầm nhìn ra xa hơn.

Cái nghèo nói riêng và những đau khổ ở đời này nói chung không còn là một mối hoạ, một điềm gở hay một sự chúc dữ của Thiên Chúa nữa, bởi vì “sự sống đời sau” mới quan trọng. Rơi vào hoàn cảnh túng nghèo có thể là một thử thách của Thiên Chúa, và nếu mình vẫn trung tín với Ngài thì mình sẽ được Ngài bù đắp ở sự sống đời sau. Dù vậy, người ta vẫn đón nhận cái nghèo như một tình thế bất đắc dĩ, khi không còn chọn lựa nào khác, chứ không tự nguyện chọn nó như một lối sống.

Hẳn ta còn nhớ lời khẳng định chắc nịch của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ : “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12,8). Câu nói này của Ngài làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng nghèo là một tình trạng thường hằng không sao tránh khỏi. Ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào, người ta vẫn luôn thấy người nghèo ở một bình diện nào đó.

Tuy vậy, trong suốt hành trình sứ mạng của mình, Đức Giêsu luôn dành một sự quan tâm đặc biệt dành cho những người nghèo. Ngài còn khẳng định rằng Nước Thiên Chúa là nước dành cho người nghèo khi dạy “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3) hay “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Dụ ngôn về ngày phán xét cũng để lại trong chúng ta không ít bận tâm khi vị Vua vũ trụ tự đồng hoá mình với người nghèo: thăm người nghèo là thăm Ngài, cho người nghèo thức ăn, quần áo chính là cho Ngài (x. Mt 25,34-40).

Đức Giêsu tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, nhưng ưu tiên hàng đầu của Ngài luôn là người nghèo, bởi vì lớp người này cần sự nâng đỡ nhất. Và để có thể tiếp cận với họ, tự bản thân Giêsu phải trở nên một trong số họ. Cái nghèo luôn đi theo Giêsu trong suốt cả hành trình dương gian: sinh ra nghèo, gia đình nghèo, sinh sống nghèo, rao giảng trong điều kiện nghèo, chết nghèo và được chôn cất cũng trong tình trạng nghèo. Ngài được Nicôđêmô và Giuse Arimata an táng chứ không phải do các môn đệ hay người nhà của mình. Ngôi mộ đặt thi thể Ngài cũng nhờ Giuse Arimana tặng cho (x.Ga 19,38-41). Ngài trở nên nghèo là vì người nghèo, chứ không quan niệm nghèo như là một hình thức để đạt đến mức độ chiêm niệm cao.

Khi kêu gọi các môn đệ, Đức Giêsu chỉ mời gọi họ hãy bước theo mình, chứ không nhấn mạnh gì đến sự khó nghèo. Có lúc Ngài nói đến sự từ bỏ và không ngoái lại đằng sau để một lần nữa tô đậm tính khẩn thiết của sứ mạng và sự hiển trị của Nước Trời. Khi Đức Giêsu bảo chàng thanh niên hãy bán hết mọi sự, cho người nghèo rồi đến theo Ngài (x.Mt 19,16-22), Ngài mời gọi anh ta hướng đến một sự thanh thoát tuyệt đối khỏi những dính bén của tiền tài danh vọng mà toàn tâm toàn ý tìm kiếm sự sống đời đời như lòng anh ước mong, chứ chẳng phải vì bản thân sự từ bỏ hay cái nghèo có gì đó đáng quý để theo đuổi. Đức Giêsu nói về chuyện “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Trời” (Mc 10,25) chính là muốn cảnh báo các môn đệ đừng để danh vọng bạc tiền níu giữ con tim mình, không cho mình thoả sức bay về phía trời cao, nhưng hãy luôn cố gắng làm cho mình được nhẹ bổng bằng cách buông bỏ những gì cản lối.

Các môn đệ đã noi theo lối sống của thầy mình. Họ tự nguyện từ bỏ mọi sự và xem đó như một điều kiện để nên giống Chúa cách hoàn thiện hơn.

Thật ra, trong số các môn đệ, có một số người xuất thân rất khá giả. Nhưng để có thể thực hiện lệnh truyền “ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19), họ phải tự do với tất cả những gì mình đang nắm giữ trong tay. Họ chọn cái nghèo như một phương thức để phục vụ, và họ dạy các tín hữu phải biết nâng đỡ người nghèo. Thật vậy, ngay trong cộng đoàn đầu tiên, “không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ, tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4,34-35). Sự nghèo khó ở đây đã bắt đầu mang dấu tích của sứ mạng: vừa để mình không bị dính bén, vừa để mình có thể dễ đến với người nghèo.

Và như thế, quan niệm về cái nghèo từ chỗ “một sự chúc dữ” của Thiên Chúa đã chuyển sang “một điều phúc vì được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến”, rồi sau đó là một thái độ sống theo Tin Mừng và vì sứ mạng. Sự khó nghèo còn tiếp tục được nói đến theo dòng lịch sử linh đạo với nhiều giai đoạn khác nhau.

Ý nghĩa của sự khó nghèo trong đời tu

Giáo Luật 1983, điều 600 đã nói rằng “lời khuyên Phúc âm về đức khó nghèo theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo duy tắc luật riêng của mỗi tu hội.”

Qua mô tả này của Giáo luật, chúng ta có thể thấy một vài nét tiêu biểu trong sự khó nghèo của đời tu.

Thứ nhất, đó là một lối sống nghèo cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều này có nghĩa là các tu sĩ phải tránh tất cả những hoang phí, xa xỉ bên ngoài, cũng như không được tìm kiếm sự thoải mái và sung túc cho bản thân. Không những phải từ bỏ những tiện nghi thái quá, những của cải vật chất, nhưng còn phải từ bỏ luôn cả khao khát có nó.

Thứ hai, để có thể là một người nghèo thật sự, người tu sĩ phải chịu khó lao động và sống một đời sống thanh đạm, hài lòng với tất cả những gì mình có, không đua đòi, không chạy theo thời thượng, không cạnh tranh với xu thế thời đại.

Thứ ba, họ không được dính bén của cải thế tục, không được tích trữ tài sản riêng cho mình, không để đồng tiền chi chối lối sống và hành động của mình. Cuối cùng, họ phải có tinh thần lệ thuộc vào cộng đoàn, hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, không được “xài xả láng”, muốn làm gì thì làm.

Tóm lại, tinh thần chung của sự khó nghèo là tách mình ra khỏi của cải, tiện nghi vật chất bao nhiêu có thể để có được sự tự do mà hiến thân trọn vẹn phụng sự Chúa.

Nhưng đâu là mục đích và ý nghĩa của sự khó nghèo trong đời tu để người tu sĩ cố gắng thủ đắc?

Trước hết, đó là một sự noi gương Đức Giêsu khó nghèo một cách tự nguyện.

Quả vậy, người tu sĩ không ghét bỏ sự giàu có, không chê bai bạc tiền, nhưng họ chọn lối sống nghèo để lòng mình không bị những cái hữu hình kiềm kẹp mà toàn tâm toàn ý phục vụ mọi lớp người theo gương Đức Giêsu năm xưa. Sự khó nghèo chỉ mang ý nghĩa tròn đầy khi nó được yêu mến và tự nguyện tuân giữ như một điều gì đó quý giá. Bằng không, đó chỉ là một sự gượng ép, cố gắng chịu đựng, ráng sống một cách chẳng đặng đừng.

Rồi đến một lúc nào đó, khi có cơ hội, người đó sẽ tìm cách thủ đắc, thu vén lại những gì mình đã từ bỏ như một sự bù trừ. Sở dĩ người tu sĩ noi gương Đức Giêsu là vì họ thấy nét đẹp trong cái nghèo mà Ngài đã mang lấy. Đức Giêsu vốn giàu có nhưng đã muốn trở nên nghèo khó. Còn người tu sĩ thì vốn dĩ đã là kẻ nghèo hèn trước mắt Thiên Chúa và mọi người, nên việc sống nghèo dường như cũng chỉ là đón nhận và sống trọn vẹn ý nghĩa của thân phận mình. Tự nó chẳng có gì là to tát, nếu không muốn nói là chẳng là gì khi so sánh với sự từ bỏ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn coi sự từ bỏ của người tu sĩ là một điều gì đó vô cùng đáng quý, hệt như một của lễ tinh tuyền dâng lên Ngài.

Cái nghèo giúp người tu sĩ tín thác vào Chúa hơn, không tìm cậy dựa nơi của cải vậy chất. Sự nghèo khó đưa người tu sĩ đến gần Chúa và xác tín rằng chỉ nơi Ngài, họ mới có thể tìm được nguồn vui và hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, vật chất, tiền tài chỉ là gió thoảng mây bay, có đó rồi mất đó, chẳng phải là nơi trú ẩn an toàn. Dĩ nhiên, khi không có trong tay một nguồn tài chính đồ sộ kếch sù, người tu sĩ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, sẽ không được sung túc, bề thế như người khác, nhưng chính nhờ thế mà họ thấy mình được tự do nhiều hơn. Họ chẳng phải bận tâm chuyện làm giàu, chuyện làm sao để trữ tiền cho an toàn, phải sử dụng số tiền này sao cho thật “oách”. Có thể nói, trở nên nghèo là điều kiện đầu tiên để có thể theo Chúa Giêsu, giống như Ngài đã khuyên chàng thanh niên giàu có. Trở nên nghèo cũng có nghĩa là không ngại khó ngại khổ, và luôn sẵn sàng cho mọi sứ mạng được trao ban. Buông bỏ hết mọi sự là bước đầu tiên để bắt đầu tiến trình xây đắp sự hoàn thiện bản thân. Càng buông bỏ, người ta càng thấy mình được đầy ắp. Bởi thế, nói là nghèo nhưng các tu sĩ lại trở nên rất giàu có trong tâm hồn, họ chẳng khô cằn chút nào!

Việc từ bỏ để trở nên nghèo khó phải được đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa để đi đến mục đích là chính Chúa. Về phương diện cá nhân, nghèo khó cũng hệt như chiếc bình rỗng, mở lòng đón nhận những ơn sủng dồi dào từ trời cao. Nó giúp người tu sĩ tránh mọi nguy cơ kiêu hãnh, xa hoa, tham lam, cho rằng mình thuộc một tầng lớp cao hơn những người khác. Khó nghèo giúp tôi luyện và tinh lọc cõi lòng. Con tim không còn bị vẩn đục bởi bao tính toán.

Khó nghèo giúp người tu sĩ trở nên khiêm nhường hơn, hạ mình hơn, vì họ chẳng có gì trong tay để tự mãn, ngoại trừ thập giá Đức Kitô. Về phương diện tông đồ, khi trở nên khó nghèo, người tu sĩ sẽ trở thành tấm gương sáng cho tha nhân về một lối sống không bị thế giới vật chất ảnh hưởng và chế ngự. Người ta sẽ cảm thấy họ gần gũi với mình, là một thành phần trong cộng đồng của mình. Chính bản thân người tu sĩ cũng thấy mình dễ tạo tương quan với mọi người hơn. Vì cũng sống trong môi trường nghèo, người tu sĩ sẽ dễ đồng cảm với người nghèo, hiểu được tâm tư của họ và từ đó, họ sẽ nâng đỡ người nghèo một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

Khó nghèo là lời khấn đầu tiên trong ba lời khấn. Ngoài những ý nghĩa giúp tu tâm dưỡng tính và hiệu quả trong việc tông đồ, nó còn giúp người tu sĩ ý thức rõ hơn về thân phận vốn dĩ là cát bụi của mình.

Con người là một thụ tạo, mà thụ tạo có nghĩa là chẳng có gì, tất cả những gì mình có cũng là nhờ Tạo Hoá ban cho. Sự hiện hữu của con người là một sự vay mượn, nhờ lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa. Sự khó nghèo đưa người tu sĩ vào tận cốt lõi của sự ý thức này, để giúp họ biết rằng mình vốn dĩ chẳng là gì trong trời đất, nhưng lại được chọn để trở thành loài quý giá nhất trong vũ trụ. Khi các tu sĩ tuyên lời khấn khó nghèo, họ như thể đang tuyên bố với mọi người và với Chúa rằng họ nhận ra và vui lòng ôm ấy thân phận thụ tạo của mình như một món quà, và chân nhận vị trí cốt yếu và bất khả thay thế của Thiên Chúa trong đời họ.

Về lời khấn Khó nghèo

“Gắn bó với Đức Giêsu nghèo khó trong niềm vui và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chị em chấp nhận những bấp bênh của cuộc sống, luật lệ chung của lao động.

Đời thánh hiến được xây dựng trên ba trụ cột – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Qua việc khấn dòng người tu sĩ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái để phụng sự và làm vinh danh Người với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt.

Mỗi chúng ta được mời gọi sống gắn bó với Đức Giêsu nghèo khó trong niềm vui và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chúng ta chấp nhận những bấp bênh của cuộc sống, luật lệ chung của lao động. Chúng ta tránh sử dụng của cải theo ý muốn nhất thời hoặc tự tạo cho mình những nhu cầu không cần thiết. Tinh thần nghèo khó phúc âm đòi hỏi chúng ta luôn giữ một nếp sống đơn sơ giản dị.

Và rồi đời sống khó nghèo của cá nhân cũng như cộng đoàn giúp chị em thanh thoát mọi ràng buộc và những quyến luyến của cải vật chất. Nhờ đó, chúng ta quan tâm, chia sẻ và liên đới với những người nghèo khổ để tiếp tục sứ mạng của Đức kitô, loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.

Như cộng đoàn Giáo hội Tiên khởi góp mọi sự làm của chung và nhận lại tùy nhu cầu, các Bề trên và các cộng đoàn ân cần lo cho đời sống và việc tông đồ của chúng ta đặc biệt lưu tâm đến chị em già yếu, bệnh tật.

Thật thế, sống nghèo khó đầu tiên là phải chiêm ngắm một Đức kitô nghèo khó –từ khi sinh ra – tại thế - chết trên thánh giá; Ngài là một vị Thiên Chúa uy nghi toàn năng nhưng để cứu nhân loại khỏi bóng tối của tội lỗi mà đã đến và hòa mình trong cuộc sống nghèo như chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài (2 Cr 8,9). Vì thế, trước những thách đố của thời đại chúng ta được mời gọi sống phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, không ngã lòng trước những “yếu đuối”, không cúi mình trước các thế lực bóng tối nhưng cùng với Đức Kitô “lội ngược dòng” để mang tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người. “Mọi sự được Đức Kitô chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống” (Cv 1).

Thứ hai, biết mình cách rõ ràng? Tôi là người như thế nào? Có xu hướng gì? Tôi có phải là một người thanh thoát và sẵn sàng chia sẻ trong việc sử dụng của cải, phương tiện, tài năng …. những nén bạc Chúa trao để phục vụ tha nhân nhằm làm vinh danh Chúa không? hay tôi luôn tìm cho mình sự an toàn, chiếm hữu, nghĩ cho mình và tìm mình trong các công việc, an phận và không dám dấn thân hết mình vì sợ mệt, sợ tốn giờ,…không dám góp ý, nêu ý kiến xây dựng vì khi ý kiến được chọn thì tôi phải đầu tư, phải thế này thế kia để thực hiện kế hoạch.

Thứ ba, tính liên đới trong bác ái. Trong đời sống chung, mỗi người mang trong mình cá tính riêng và nó được biểu hiện cách rõ nét khi làm việc chung; nếu chúng ta không biết cách tiết chế thì sẽ rất dễ phơi bày cái tôi cá vị. Vậy tôi có phải là con người ôn hòa thích tìm đến sự đối thoại trong khiêm tốn để tìm tiếng nói chung cùng nhau thực hiện kế hoạch cách hiệu quả trong tình hiệp thông. Hay tôi luôn cho rằng ý kiến của mình luôn đúng và tìm mọi cách để bảo vệ cho đến cùng; giả như có một ý kiến hay hơn tôi cũng tìm cách làm lơ, tìm cách để chống chế.

Khi làm xong các bổn phận của mình, chúng ta có đủ sự nhạy bén và tế nhị đối với những người xung quanh không? Đặc biệt những người còn có nhiều hạn chế hơn ta, đối với những người ít được quan tâm chúng ta có lưu tâm để thăm hỏi, giúp đỡ khi họ cần đến không? hay là ta chỉ biết làm cho xong việc của mình rồi vào phòng đóng sầm cánh cửa lại mặc kệ thế giới bên ngoài. Từ những suy nghĩ vừa nêu, có lẽ nhân vật trên đây chưa thật sự biết mình? chưa biết về người khác? chưa biết cách làm việc chung? cánh cửa đóng lại đồng thời cũng đóng lại trong các mối tương quan với tha nhân. Dần dần, cuộc sống của chúng ta có thể trở nên đơn điệu vì thiếu đi sự tương tác trong giao tiếp, thiếu đi sự lắng nghe và chia sẻ, trái tim của chúng ta trở nên co cứng và dửng dưng vì chúng ta luôn quy về mình và rồi nó không còn sự rung động trước nổi đau của tha nhân. Đây chính là “cái nghèo” tình thương và sự liên đới.

Thứ tư, “khó nghèo trong sứ vụ”. Chúng ta phải xác định ai là đối tượng mà tôi cần phục vụ, chúng ta phục vụ họ như thế nào và cách thức ra sao? chúng ta còn có chọn lựa ưu tiên nào khác không? Chúng ta có công bằng đủ với mọi người nghèo? chúng ta có sẵn sàng và tận tụy phục vụ mọi người giống nhau? Tôi có hai câu chuyện muốn chia sẻ với mọi người khi tôi được đi thực tập sứ vụ tại một vùng quê.

Thật vậy, sống đức nghèo khó là việc sống lệ thuộc vào Thiên Chúa ngang qua những người hữu trách để tìm sự bình an nội tâm trong nếp sống nghèo; đem hết tất cả lý trí, con tim và năng lực để xây dựng đời sống cộng đoàn, sống sự lệ thuộc trong đức ái và sẵn sàng lên đường phục vụ những ai cần đến mình, để tìm và làm vinh danh Thiên Chúa hơn, để Đức Kitô là kho tàng duy nhất cho ta hằng tìm kiếm. Đồng thời, hãm dẹp những ý kiến riêng gây sự chia rẽ, chiếm hữu và muốn tất cả quy về mình, phục vụ cho lợi ích riêng. Để tránh tình trạng này chúng ta cần luôn phân định và chọn lựa điều nào là đẹp ý Chúa và phục vụ lợi ích của Ngài; bên cạnh đó, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa cho chúng ta được ơn nhạy bén trước tội lỗi để dốc lòng trở về với ân sủng của Ngài.

Huệ Minh

Read 264 times Last modified on Thứ hai, 03 Tháng 7 2023 06:14