Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 08 Tháng 8 2013 16:32

Một vài thắc mắc về Đức đồng trinh của Đức Mẹ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Một vài thắc mắc về Đức đồng trinh của Đức Mẹ

Đề tài 1: Đức Đồng Trinh trọn đời của Mẹ Thiên Chúa
Giáo Hội Công giáo dạy rằng Đức Maria đồng trinh trước, đang và sau khi sinh Chúa Giê-su. Toàn thể các người Ki-tô giáo tin Đức Mẹ đồng trinh trước khi sinh con, và đa số chấp nhận vẫn còn đồng trinh đang khi sinh con. Người Tin lành chỉ có một số tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Tin lành truyền thống, Mormons, nhân chứng Giêhôva, và nhiều nhóm khác, chống đối sự kiện Đức Mẹ trọn đời đồng trinh vì họ nghĩ họ có đủ lý lẽ không thể bài bác được. Nhưng chúng ta dễ dàng dùng Kinh thánh, Giáo phụ, vàlý lẽ lương tri để bênh vực học thuyết của Giáo hội công giáo: Đức Maria trọn đời đồng trinh.

Trước hết, chúng ta sẽ đối phó với những câu Kinh thánh người ta dùng để tấn công học thuyết vừa nêu:

1- Matthêu 13:55:Và ngài chẳng phải con ông thợ mộc đó ư? Và bà Maria chẳng phải mẹ Ngài, và anh em của Ngài chẳng phải Giacôbê, Giuse, Ximong, và Giuđa sao?

Trong thời cựu ước, cũng như thời nay, danh từ “anh em” có rất nhiều kiểu dùng. Nó có thể biểu thị anh em, họ hàng, bạn hữu hoặc người cộng sự. Trong Tông đồ công vụ, các Ki-tô hữu đươc gọi là “anh em” (Tđcv 21:17) các lãnh đạo Do thái cũng được gọi là “anh em” (Tđcv 22,1). Trong Sách Sáng thế ký, (Stk: 14:14) Lot được gọi là “anh em” của Ap-bra-am. Trong thực tế, Lot là cháu của Ap-bra-am. Vì lý do này mà rất nhiều bản dịch kinh thánh ngày nay chỉ đơn thuần dùng từ “cháu” thay vì “anh em”, vì từ ngữ “cháu” theo tiếng Do thái có nghĩa là “anh em”. Để xác định quan hệ “anh em” của Chúa Giê-su, chúng ta phải khảo sát thêm các câu khác để có hình ảnh đầy đủ hơn. Matthêu 27:26 và Matcô 15:10 cho biết hai người “anh em” này, đó là Giacobê và Giuse, là con của bà Maria khác, chứ không phải Maria, mẹ Chúa Giê-su. Chính thánh sử Gioan đã nói đích danh bà Maria này là vợ của ông Clêôpha.

2- Matthêu 1: 24-25: “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà, nhưng ông không ăn ở với bà cho đến khi Maria sinh con đầu lòng và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.”

Người Tin lành dựa vào câu này và đưa hai lý do tại sao Đức Mẹ không trọn đời đồng trinh như sau: Thánh kinh nói ông Thánh Giuse giữ mình không quan hệ nam nữ với Đức Mẹ cho đến khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu. Chữ “cho đến” này chẳng ám chỉ rằng sau khi sinh Chúa Giêsu thì Đức Mẹ lại chẳng quan hệ nam nữ bình thường với Thánh Giuse đó ư? Chúng ta trả lời: Không, vì chữ “cho đến” viết gọn lại bởi chữ “cho đến khi” thật sự không cần thiết để ám chỉ một sự thay đổi (trong việc giữ mình trinh khiết của Đức Mẹ). Lấy ví dụ trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corinthô: “Đức Kitô cần phải cai trị “cho đến khi” Thiên Chúa đặt mọi kẻ thù dưới chân Người.” Chúng ta không thể nói sau khi Thiên Chúa đặt kẻ thù dưới chân Người, Đức Kitô không còn cai trị. Trái lại Chúa Kitô cai trị đời đời vô tận. (Luke 1:32-33).

Người Tin Lành còn nói rằng Chúa Giêsu được gọi là”Con đầu lòng”, như vậy Đức Mẹ còn nhiều con khác. Đây là sự hiểu lầm rất lớn. “Con đầu lòng” là từ luật học trong ngôn ngữ Do thái để chỉ đặc quyền hoặc đẳng cấp. Thánh vịnh 89:28 gọi David là “con đầu lòng” dù ông là con thứ tám của Jessê (1 Samuel 16). Thư thánh Phaolô gửi tín hưũ Colossê 1:15 gọi Chúa Giêsu là “trưởng tử của của mọi loài thọ sinh” dù cho bao nhiêu kẻ đã sinh ra trước Chúa Giêsu. Như vậy thánh Phaolô chỉ đơn giản nói rằng Chúa Giêsu là nguyên thuỷ muôn loài muôn vật. Hãy nhớ rằng, luật Cựu ước đòi các con trai đầu lòng phải được hiến dâng cho Thiên Chúa và được chuộc lại sau khi sinh được 40 ngày (Xuất hành 34:20), ngay cả khi bà mẹ chẳng biết mình còn có những con khác hay không, bà ấy vẫn gọi đứa trẻ là “con đầu lòng” của bà. Từ ngữ “con đầu lòng” trong Matthêu 1:25 không chứng minh Đức Mẹ còn có những con khác.

Chúng ta có thể trích những đoạn Kinh thánh sau đây để bênh vực Đức Đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ:

a- Matthêu 15 và Gioan 19:27: Trong đoạn 15 của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu cực lực lên án nhóm Pharisiêu vì họ dựa vào truyền thống của tiền nhân, vì các ông ấy nêu khoản luật Coban để dạy bảo người ta: “ai nói với cha mẹ mình rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm để dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Chúa Giêsu giận dữ lên án luật Coban cho phép những đứa con bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ. Trở lại đoạn Phúc âm Gioan 19: 26-27 với cảnh tượng dưới chân thập giá. Chúa Giêsu biết mình sắp lìa bỏ thế gian. Đức Mẹ sẽ côi cút một thân một mình. Rồi Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan, con ông Giêbêđê không phải là em của Chúa. Nếu Chúa Giêsu có những người em như Tin lành tuyên bố, thì hành động trao phó Mẹ của Ngài cho Gioan qủa thực phi lý. Chính Chúa Giêsu đã lên án nhóm Pharisiêu vì đã cho phép người ta bỏ việc chăm sóc cha mẹ, tại sao Ngài lại miễn chước cho các em của Ngài trong bổn phận quan trọng đó. Sự kiện tiền hậu bất nhất ấy làm sao thuyết phục được?

b- Tông đồ công vụ 1: 13-14: Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ của Chúa tụ tập cầu nguyện cùng Đức Mẹ, thánh Gioan tông đồ là người chăm sóc Đức Mẹ, một số phụ nữ và các anh em Chúa Giêsu. Nếu những anh em này là anh em ruột của Chúa, thì sự kiện Đức Mẹ cầu nguyện chung với họ xong, không đi theo họ, mà lại theo Thánh Gioan về nhà ông. Điều ấy, theo tập tục Do thái, không thể xảy ra được.

Chúng ta hãy cẩn thận đọc và suy gẫm Thánh kinh để thấu hiểu và bênh vực học thuyết của Giáo hội: Đức Maria không có những người con khác bởi vì Đức Mẹ đồng trinh trọn đời. Lần tới chúng ta cùng khảo sát những gì các giáo phụ đã nói về niềm tin này, đồng thời chúng ta cũng tìm hiểu nhóm Tin lành cải cách đã bênh vực niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh như thế nào.
Các Giáo Phụ đã bảo vệ Đức Đồng Trinh trọn đời của Đức Mẹ:
a. Thánh Athanasiô: Ngài dẫn đầu cuộc chiến chống lại bè rối Ariô, Ngài rất được giáo phái Tin lành kính trọng. Trong cuốn những bài chống lạc thuyết Ariô, Ngài đã minh nhiên xưng tụng Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Ngài lưu ý tước hiệu này là do tuyệt đại bộ phận các Kitô hữu dâng tặng cho Đức Mẹ, đó không pải là sự việc mới lạ và chẳng cần biện hộ. Chúng ta có thể trích dẫn câu nói bất hủ trong tác phẩm của Thánh Athanasiô: “Những ai phủ nhận Chúa Con, vốn bản tính bởi Chúa Cha và đích thực mang bản thể Chúa Cha, thì người ấy cũng phủ nhận Chúa Con mang xác phàm nhục thể từ nơi Đức Maria, vốn trọn đời đồng trinh.” (Discourses against the Arians 2, 70).

b. Vào cuối thế kỷ thứ bốn: khi Helvidius đưa ra các chất vấn về Đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, các Giáo phụ đã phản ứng cực kỳ gắt gao. Thánh Giêrônimô đã mạnh mẽ trước tác để bênh vực với tác phẩm: “Đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ chống lại Helvidius, lên án những lời giảng dạy theo trào lưu mới và khuynh hướng ủng hộ dị giáo của ông ta”. Cả hai thánh Augustinô và Ambrôsiô cực lực bảo vệ đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ. Thánh Augustinô gọi Đức Mẹ là: Trinh nữ thụ thai, Trinh nữ cưu mang, Trinh nữ chứa con trong dạ, Trinh nữ sinh con, Trinh nữ vĩnh viễn đồng trinh trọn đời!

Như vậy các giáo phụ đã minh nhiên khẳng định: Đức Mẹ đồng trinh trước khi sinh con, đang khi sinh con và sau khi sinh con vẫn hằng mãi mãi đồng trinh.

Các nhà Cải cách của Tin lành bênh vực tước hiệu trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ:

Chúng ta có thể nói ngay rằng Giáo phái Tin lành, kể cả các người sáng lập cũng đã mạnh mẽ ủng hộ học thuyết này:

Luther: Chủ đề của niềm tin rằng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vẫn còn đồng trinh… chúng tôi tin Đức Kitô sinh bởi cung lòng còn vẹn tuyền không tỳ ố. (Works of Luther, vol. 11, pages 319-320; vol. 6, pages 510)

Calvin: “ Có một số người nào đó đã muốn đề cập đến đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu (Matthêu 1,25) rằng đức Nữ Trinh Maria, ngoài Đức Giêsu Con Thiên Chúa, còn có những người con khác, và rằng Thánh Giuse sau đó đã ăn ở với bà, nhưng thật là ngu muội! Vì tác giả Phúc âm chẳng muốn ghi lại điều gì xảy ra sau đó. Tác giả chỉ đơn thuần muốn xác minh đức vâng lời của Thánh Giuse, và chỉ cho ta thấyThánh Giuse rất tỉnh táo, và để xác thực rằng chính Chúa đã sai sứ thần của Người đến với Đức Maria.Vì thế, Thánh Giuse chẳng khi nào ăn ở với bà, và cũng chẳng chung sống cùng bà…Ngoài điều này ra, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta được gọi là con đầu lòng. Đó chẳng phải vì còn đứa con thứ hai, thứ ba; đó chẳng qua vì tác giả Tin mừng chú trọng đến quyền ưu tiên. Do Thánh kinh chỉ đếm xỉa đứa con đầu lòng, bất luận đứa thứ hai có hay không cũng chẳng hỏi tới.” (Calvin: Sermon on Matthew 1: 22-25, published in 1562).

Zwingli:Tôi vững tin rằng Đức Maria, theo lời Phúc âm, với tư cách một trinh nữ, đã sinh hạ cho chúng ta người Con Của Thiên Chúa, và trong khi sinh con, sau khi sinh con vẫn còn đồng trinh không vương tì ố đến muôn đời.” (Zwingli Opera, vol. 1, page 424).

Để kết luận, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh, xin Mẹ cho chúng ta mỗi ngày thâm cảm sâu xa hơn khi nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ. Chính vì loài nguời mà Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Đức Mẹ. “ Ôi! Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của con, Đấng trọn đời Đồng Trinh vinh hiển! Xin hãy nhớ đến con bây giờ và trong giờ sau hết. Amen”
LM Giuse Trần Xuân Lãm Vietcatholic.net

Read 1609 times Last modified on Thứ sáu, 09 Tháng 8 2013 20:35