Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 18 Tháng 12 2011 16:06

Màu Tím Hoa Sim

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Trên thập giá, mầu hoa sim gọi giáo dân về một chuyện tâm hồn. Chuyện giữa ta và Chúa. Thương vì lỗi phạm. Nhớ vì có thứ tha. Trong mầu tím có đau buồn mà không tuyệt vọng. Có nước mắt mà hạnh phúc. Có chút xót xa nhưng cũng có an ủi.

Nghe Audio

Xe đi qua miền Goa, xuống Kerala, xuôi theo biển về phía nam, tôi thấy hoa phượng đỏ. Trên những con đường nhiệt đới Ấn Ðộ, hương đồng cỏ giống Việt Nam quá. Ngày xưa còn là học trò, tôi cũng thích những bài ca "mầu hoa phượng thắm như máu con tim." Và những bài thơ nói về hoa sim. Cả hai loại hoa đều man mác buồn, nở trong mùa hạ nắng, mùa học trò chia tay cuối sân trường.

Trên đồi Zen ở Bodhi Zendo không có phượng vĩ, nhưng có mầu tím hoa sim. Mấy mươi năm rồi, bây giờ tôi mới nhìn lại được những cánh hoa sim. Ngày xưa còn bé, mùa tháng năm dâng hoa, chỉ biết nô đùa, không biết mầu tím trên bàn tay những người thiếu nữ và lời kinh đẹp thế nào.
Ðã hai mươi lăm năm xa xứ không thấy mầu tím hoa sim. Thấm thoát thế mà một phần tư thế kỷ. Hôm nay đứng nhìn mầu tím, không còn cánh hoa tím năm xưa ở xứ đạo nhỏ quê xa. Rừng quê ngoại không còn hoa sim nữa. Dân nghèo phá hết rừng rồi. Người thiếu nữ năm xưa dâng hoa cũng bỏ quê nghèo theo mầu tím nhòa theo dòng đời. Trên núi rừng đất Ấn hôm nay cho tôi nhớ mầu sim tím năm xưa, nhìn xuống mầu tím cuộc đời, và những bước chân tôi đang đi.
Tôi đang trong Tuần Thánh. Cây thánh giá trong niệm đường đã bọc khăn tím. Dưới cây thánh giá, Ðức Phật như ngồi thiền dưới mầu tím hoa sim.
Bên lối vào thiền viện có hai bụi sim già rất to. Tôi chưa bao giờ thấy mầu tím đẹp như thế. Những cánh sim tắm nắng ban mai, thứ nắng tinh sạch vô ngần trên đồi cao, không bụi đường, không khói xe, mầu tím rực lên thanh tao. Sim trên gió núi, nắng rừng. Sương đêm chưa tan hết còn đọng trên cánh sim mềm, long lanh nhẹ rung theo gió, giọt sương sáng như nước mắt của hạnh phúc.
Vào Mùa Chay, giáo đường mang màu tím buồn. Mầu tím trên bàn thờ, trên thập giá. Là linh mục, tôi thích mầu tím trên phẩm phục lúc dâng lễ. Ðứng bên bàn thờ dâng lễ như dâng lên Chúa mầu tím cuộc đời mình.
Tôi thích Mùa Chay, mùa của mầu tím hoa sim. Mầu đen buồn lắm, nó như tang chế. Còn mầu tím, không tuyệt vọng khóc thương, mà là thương và nhớ. Thương vì có xót xa cho một lỡ lầm nào đó. Nhớ vì có mong chờ, có gọi đi và muốn nghe hồi âm.
Trên thập giá, mầu hoa sim gọi giáo dân về một chuyện tâm hồn. Chuyện giữa ta và Chúa. Thương vì lỗi phạm. Nhớ vì có thứ tha. Trong mầu tím có đau buồn mà không tuyệt vọng. Có nước mắt mà hạnh phúc. Có chút xót xa nhưng cũng có an ủi.
Ðứng nhìn những cành hoa sim tím trên đồi thinh lặng. Thánh giá phủ mầu sim tím trong thiền đường. Nhớ nhung bâng khuâng của tình cảm đưa tôi về những mảnh đời có mầu tím trong cuộc sống. Năm xưa, 1989 ngày mới thụ phong linh mục tôi qua giúp mục vụ tại trại tỵ nạn Palawan, Philippines. Kinh nghiệm mục vụ đầu tiên của một linh mục mới ra trường là một đốm mầu tím buồn.
Hôm ấy, tôi dặn rất kỹ sẽ rửa tội cho cháu bé lúc 7 giờ sáng. Tôi ngồi đợi 7 giờ 15 không thấy ai lên. Tôi chờ đến 7 giờ 30 rồi đi họp mục vụ. Ðang họp có người gọi rửa tội. Tôi có lý do để từ chối vì đang họp. Tôi cũng có thể bảo họ chờ ngoài nhà nguyện, họp xong tôi sẽ rửa tội. Nhưng tôi không làm thế. Bất chợt tôi nóng tính. Tôi thấy cần phải tập cho họ biết làm việc theo giờ giấc. Tôi đem theo lối làm việc của người Mỹ qua trại tỵ nạn. Nghĩ lại lúc ngồi chờ từ 7 giờ. Tôi càng bực mình. Tôi từ chối rửa tội cho cháu bé. Hẹn họ phải đem cháu bé lên nhà thờ đúng giờ sáng hôm sau. Trong tôi lẫn lộn cả hai ý nghĩ, vừa muốn tập cho họ phải đúng giờ, vừa bực vì phải đợi. Tôi còn nhớ, khuôn mặt cha mẹ cháu bé, biết có lỗi không đúng giờ, họ sợ hãi bế cháu về.
Câu chuyện trôi qua đến một ngày không ngờ. Cha già Crawford, người Mỹ, qua làm linh mục thừa sai ở Việt Nam từ thập niên năm mươi, sau biến cố tháng tư năm 75 ngài bị trục xuất. Qua Borneo truyền giáo chín năm, khi có trại tỵ nạn, ngài trở lại với người Việt Nam. Năm đó cha đã ngoài bẩy mươi. Từ ngày tôi từ chối rửa tội cháu bé đến hôm tâm sự với cha Crawford có lẽ đã mấy tháng qua. Vào một chiều sau cơm tối, trong lúc thong thả, cha kể chuyện ngày xưa truyền giáo bên Tầu. Giữa lúc vui, tôi chân thành hỏi cha:
- Với bao năm kinh nghiệm truyền giáo, cha có thể cho con một kinh nghiệm mục vụ không? Ðiều gì nếu cha muốn nói cho một linh mục mới ra trường?
Thinh lặng một chút, hơi e ngại nhưng thân tình. Cha gọi tôi là Joe thay vì Joseph. Cha nói với tôi:
- Bữa nọ tôi thấy cha từ chối rửa tội cho một đứa bé.
Bấy giờ tôi giật mình. Lâu rồi, tôi nhớ làm gì. Sao cha Craword lại biết? Vì bất ngờ nên tôi hồi hộp. Không biết ngài sẽ nói gì đây.
- Joe, cha qua Mỹ quá lâu rồi, quen lối làm việc của Mỹ. Hôm ấy tôi ở trong phòng, nghe thấy cha mắng bố mẹ nó là không đúng giờ. Tập cho họ đúng giờ là tốt. Nhưng cha cũng phải nghĩ, những người Việt Nam đánh cá này, họ ở miền quê sống không cần giờ giấc. Có khi họ chẳng có đồng hồ. Làm sao họ quen được lối làm việc của Mỹ.
Cha già dừng lại một chút. Nghe cha nói vậy, trong tôi hối hận vô cùng. Tôi thấy mình không nhậy cảm đủ. Tôi chỉ biết im lặng lắng nghe. Cha già nói thêm:
- Nếu là tao, tao sẽ rửa tội cho nó. Cha mẹ nó không đúng giờ, nhưng đứa bé nào biết gì. Joe, mày thấy đường trong trại bụi bặm dơ dáy, bố mẹ nó phải bế từ cuối trại lên nhà thờ, bụi đường có thể làm nó mang bệnh. Ðứa bé mới sinh, nó như vỏ trứng phải săn sóc cẩn thận. Tội nghiệp nó chẳng biết gì hết. Nếu là tao, tao rửa tội.
Nghe cha già nói thế. Tôi thấy buồn. Nhớ đến hình ảnh đứa bé tôi thấy cay trong mắt mình. Cha già nói tiếp:
- Trong phòng, hôm đó tao nghe mày từ chối không rửa tội. Tao không nói gì, vì các linh mục trẻ thường nhiều tự ái. Hôm nay mày hỏi nên tao mới nói.
Tôi lại càng thấy cay trong mắt hơn, như sương mờ đi. Không ngờ trái tim cha già nhẫn nại như thế, tế nhị như thế. Người trẻ thường cho người già lẩm cẩm, không hợp thời. Thực sự qua bao năm làm người, họ giầu kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ mua được bằng thời gian. Nơi họ có kho tàng mà mình không xin, không tìm, không thấy.
Hôm nay nhìn mầu tím hoa sim trên đồi. Tôi trở về kỷ niệm những mảnh đời mầu tím của mình. Sau sáu năm làm việc, tôi rời trại tỵ nạn năm 1995. Mình cha già ở lại cho đến ngày trại đóng cửa. Tuổi già như lạc đất sống. Cha muốn chết ở Việt Nam nhưng mơ ước không thành. Cuối đời cha bị ung thư, cha ở Philippines mãi, đem về Mỹ được vài tuần, cha qua đời. Cha mất ngày 16 tháng ba. Tôi đến thiền viện này ngày 9 tháng tư. Hôm nay đã qua ngày lễ giỗ thứ hai của cha. Nhớ về tháng ngày năm xưa ở trại tỵ nạn, cứ vào Mùa Chay và Phục Sinh là cha già ngồi giải tội suốt ngày để cho tôi có giờ tập những nghi thức Tuần Thánh. Cha không bao giờ mỏi mệt với tòa giải tội. Hôm nay ngày thứ Bẩy vọng Phục Sinh. Trong thinh lặng, tôi nhớ về những kỷ niệm xa xưa. Kỷ niệm có mầu tím buồn thương.
Trời viễn phương xa xứ. Nhìn những cánh hoa sim, tôi thấy mầu tím đơn côi giữa núi rừng. Hoa sim trên cánh rừng quê ngoại năm xưa không còn nữa. Mầu tím thản nhiên bình an trong thương và nhớ dịu hiền. Trong đời tôi cũng có những mảnh trời mầu tím. Lối vào thiền viện những cánh sim có man mác buồn nhưng hoa sim vẫn đẹp. Mầu tím nhẹ nhàng không tuyệt vọng.
Hôm nay thứ Bẩy Tuần Thánh vọng Phục Sinh. Ngoài đồi kia, hoa sim tím đang hong gió núi và nắng ban mai. Tôi muốn gởi vào gió nắng hai bóng hình. Cha già năm xưa từng chiều ngồi bên tòa giải tội, và em bé không biết bây giờ ở đâu:
- Con xin gởi kỷ niệm về cha, người cha già đã ra đi để lại trong con mầu tím rất đẹp.
- Tôi gởi lại em bé năm xưa mầu tím buồn và thương của tôi hôm nay.
Ấn Ðộ Tuần Thánh 2001
(trích trong Những Trang Hồi Ký của Một Linh Mục, sắp xuất bản)

Lm Nguyễn Tầm Thường

Read 2025 times Last modified on Chủ nhật, 03 Tháng 11 2013 15:06