Tuần Thánh – lò luyện ân sủng trong Năm Thánh Hy Vọng Featured
Posted by Ban Biên TậpMsgr. Roger Landry
Năm thánh có mục đích tạo ra ảnh hưởng và mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho mọi hoạt động của Giáo Hội Công Giáo trong suốt năm. Do đó, Năm Thánh Hy Vọng như một bầu da mới, qua đó chúng ta sẵn sàng đón nhận dòng ân sủng mà Đức Kitô muốn tuôn đổ trên chúng ta trong Tuần Thánh này.
Bản chất của niềm hy vọng mà Thánh Phaolô đã ngụ ý với các Kitô hữu đầu tiên ở Êphêsô là được sống với Thiên Chúa giữa thế gian (Ep 2,14). Khi chúng ta nhận ra rằng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta đang ở rất gần với chúng ta, thì toàn bộ cuộc sống sẽ thay đổi.
Tuần Thánh là lời mời gọi hãy đến gần Ngài, cùng với Ngài tiến vào Giêrusalem trong Chúa Nhật Lễ Lá, cùng Ngài ăn Lễ Vượt Qua mà Ngài hằng tha thiết ăn với chúng ta trong Phòng Tiệc Ly, cùng thức và cầu nguyện với Ngài trong Vườn Ghếtsêmani, đứng bên Ngài trên đồi Canvê như Mẹ của Ngài, và rồi gặp gỡ Ngài phục sinh từ cõi chết đang bước đi bên chúng ta như đã từng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau.
Tuần Thánh là một cơ hội đặc biệt để tự vấn xem chúng ta đang ở gần Đấng đã mặc lấy thân phận con người để ở với và ở trong chúng ta đến mức nào.
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo định nghĩa đức cậy là “nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta" (số 1817). Đó là một định nghĩa phong phú giúp chúng ta không chỉ sống trọn vẹn Tuần lễ thánh thiện nhất trong năm, mà còn sống trọn vẹn cuộc đời Kitô hữu của mình.
Gọi một điều gì đó là nhân đức đối thần có nghĩa đó là một hồng ân trực tiếp từ Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta thiết lập tương quan mật thiết với Ngài.
Theo Sách Giáo Lý, nhân đức vững bền này trước hết thể hiện niềm tin vào các lời hứa của Chúa Kitô. Khi chúng ta bước vào cao điểm của niên lịch phụng vụ Giáo Hội, chúng ta đặt trọn cuộc đời mình vào điều mà nhiều lần Ngài đã nói với các tông đồ rằng: Ngài sẽ bị phản bội, bị trao nộp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, bị chế nhạo, bị đóng đinh, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Chúng ta tin vào tất cả các lời tiên tri trong Cựu Ước mà Ngài đã hoàn tất. Chúng ta cũng tin vào điều Chúa Giêsu dạy mỗi môn đệ phải làm để bước vào chiến thắng của Ngài: phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày và theo Ngài.
Nhân đức cậy cũng tương tự thể hiện sự phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần thay vì cậy dựa vào sức mình. Như chúng ta cầu nguyện trong Thánh vịnh thứ nhất, “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành”.
Chúng ta thấy hai loại tin cậy này được thể hiện rõ ràng qua sự yếu đuối sa ngã của Phêrô, Giacôbê, Gioan và các tông đồ khác. Tinh thần họ thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn. Trong Bữa Tiệc Ly, họ quả quyết rằng sẽ không bao giờ phản bội Chúa Giêsu, ngay cả khi phải chết vì Ngài. Họ dựa vào sức mạnh và lòng trung thành tự có của mình – rồi thất bại thảm hại. Tuy nhiên, sau Lễ Hiện Xuống, được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nhờ cậy dựa vào Ngài, họ đã có thể giữ vững lòng trung thành một cách can đảm, ngay cả trước cái chết khủng khiếp. Chính Chúa Thánh Thần ấy hôm nay cũng muốn làm cho chúng ta vững mạnh để trung thành trong Tuần Thánh này và suốt cả cuộc đời.
Sách Giáo Lý nhấn mạnh, đức cậy trước hết là sự khao khát Nước Trời và sự sống đời đời. Chúng ta phần nào đã được tham dự vào Nước ấy và sự sống ấy ngay từ đời này, như một mầm non khởi đầu, bởi vì sự sống đời đời, như chính Đức Giêsu phán, chính là "nhận biết Thiên Chúa Cha và Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17,3). Và Nước Trời chính là nơi Đức Kitô – Vua Vĩnh Cửu – đang ngự trị, kể cả trên ngai thập giá. Tuần Thánh giúp củng cố chúng ta trong sự nhận biết và hiệp thông ngay trong cuộc sống trần thế và giúp chúng ta lớn lên trong niềm khao khát sự viên mãn vĩnh cửu đó.
Tuần Thánh là thời gian để chúng ta biến lời cầu nguyện của người trộm lành trên thập giá thành của riêng mình và mở lòng đón nhận lời hứa thiên đàng của Chúa Giêsu. Chúng ta nhận ra, như lời bài ca Exsultet trong Đêm Vọng Phục Sinh, rằng “việc chúng ta được sinh ra sẽ chẳng ích gì nếu chúng ta không được cứu chuộc”, nếu Đức Kitô đã không phá tung “xiềng xích của sự chết và từ âm phủ sống lại cách khải hoàn”. Tuần Thánh là thời điểm phơi bày cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa thiên đàng và hỏa ngục. Và đây cũng là dịp để rèn luyện sức mạnh tinh thần giúp chúng ta khao khát sự sống đời đời và Nước Trời mà Chúa Giêsu đã trả một giá vô cùng quý báu để đạt được.
Năm Thánh Hy Vọng cũng nhằm giúp chúng ta được trang bị tốt hơn để thực hiện lời khuyên của Thánh Phêrô: "Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1 Pr 3,15), và Tuần Thánh củng cố chúng ta trong việc làm chứng đó. Chúng ta được chứng kiến tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho chúng ta đến mức nào - đến nỗi đã sai Con Một của Ngài đến chết thay cho chúng ta trên đồi Canvê để chúng ta không phải hư mất nhưng được sống đời đời (Ga 3,16). Sự phục sinh của Ngài là dấu chỉ chiến thắng của sự sống trên sự chết, sự thánh thiện trên tội lỗi, ánh sáng trên bóng tối – là hoa trái đầu mùa của tất cả những ai sẽ được sống lại (1 Cr 15:20).
Đó là lý do tại sao kerygma, lời rao giảng cốt lõi của đức tin Kitô giáo, luôn bao gồm những gì chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh. Thánh Phaolô tóm tắt như sau: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Và cuối cùng là chính Phaolô” (1 Cr 15,3-8). Ý nghĩa của những biến cố cứu độ và những lần hiện ra sau Phục Sinh này là cốt lõi của niềm hy vọng, sự sống và công cuộc loan báo Tin Mừng của Kitô giáo. Sự chết không có tiếng nói sau cùng; mà chính sự sống và tình yêu mới là lời cuối. Do đó, niềm hy vọng Kitô giáo là điều có nền tảng chắc chắn và hợp lý: nếu ngay cả việc bị đóng đinh cũng không thể cầm giữ Đức Giêsu trong mồ, thì – như các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu – tại sao họ phải sợ bất cứ ai hay bất cứ điều gì?
Biểu tượng truyền thống của niềm hy vọng là cái neo. Thư gửi tín hữu Do Thái, một bài suy niệm sâu rộng về những gì Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta với tư cách là Thượng Tế và Hy lễ trong Tuần Thánh đầu tiên, thúc giục chúng ta “nắm giữ niềm hy vọng", mà thư Do Thái gọi là "cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời" (Dt 6,18-20). Tuần Thánh là thời gian mà toàn thể Hội Thánh – cộng đoàn lớn của những người chài lưới nhân loại trên chiếc thuyền Phêrô – thả neo không phải xuống biển nhưng vượt qua mây trời, nơi Đức Giêsu nhờ chiến thắng của Người đã tiến vào để dọn chỗ cho chúng ta.
Cái neo đó mang hình Thánh Giá. Truyền thống Công Giáo đã hát trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh qua nhiều thế kỷ: "Ave, O Crux, Spes Unica!" - "Kính chào Thánh Giá, nguồn hy vọng duy nhất!" Đó là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta bởi vì nếu không có những gì Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta trên thập giá, sự sống đời đời sẽ không thể có được. Nhưng đó cũng là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta bởi vì nếu chúng ta không nắm chắc lấy dấu chỉ ấy, không giương cao thánh giá, không công bố tình yêu của Thiên Chúa, không dám mất mạng sống để được sống, thì chúng ta sẽ không thể hưởng điều Đức Kitô đã dành cho chúng ta qua thập giá.
Đó là lý do tại sao chúng ta bước vào những ngày thánh thiêng này với tư cách là "những người lữ hành hy vọng", chủ đề của Năm Thánh.
Tuần Thánh thực sự là một cuộc hành hương nội tâm, trong đó chúng ta cùng Chúa Giêsu đi lại những biến cố trung tâm của ơn cứu độ chúng ta, khi Ngài mời gọi chúng ta theo Ngài qua cuộc Vượt Qua mới và vĩnh cửu - từ cõi chết đến sự sống, từ thế giới này sang thế giới bên kia.
Chúng ta hãy đáp lại ơn của Chúa Thánh Thần để tin tưởng vào những lời hứa của Chúa Giêsu và bước thật gần với Ngài trên Đường Thánh Giá, con đường duy nhất dẫn đến sự viên mãn của niềm hy vọng lớn lao của chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng
Nguồn https://www.ncregister.com/