Gia đình sống mùa vọng-Thứ sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng
Posted by Ban Biên Tập
SỐNG MÙA VỌNG
Ngày 12/12/2014 – Thứ sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng
Danh xưng ‘Giêsu’
“Giêsu” (Jesus) là tên gọi đơn giản của “Giosuê” (Joshua) trong tiếng Hy Bá, một vị anh hùng của lịch sử Do Thái. (Sau khi ông Môisê qua đời, Giosuê đã đưa dân Israel đi qua sông Jordan để vào Đất Hứa).
Tên của người Do Thái thường là một ngạn ngữ hay thành ngữ nói lên ý nghĩa về Thiên Chúa. “Giosuê” mang nghĩa thông thường là “Thiên Chúa cứu độ”. Cũng là lời Thiên Thần đã nói với Giuse: “Ngươi sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân thoát vòng tội lỗi”.
“Giêsu” là một tên thường dùng của người Do Thái. Nhưng từ thế kỷ thứ hai sau công nguyên, người ta ít dùng vì sợ trùng với tên Giêsu Nazarét.
Trong truyền thống Mỹ La tinh, người Công giáo không đặt tên con là Giêsu. Vì từ những thế kỷ đầu tiên, tên Giêsu đã được xem là tên thánh.
Trong thư gửi tín hữu Philipphê (được viết vào khoảng 20-30 năm sau sự kiện Chúa chết và phục sinh), Thánh Phaolô đã trích dẫn một bài thánh vịnh của các tín hữu sơ khai tán tụng Chúa Giêsu:
“Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban cho Người một danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu, đến nỗi khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ” (Pl. 2,9-10)
Người ta có thói quen từ rất lâu là cúi đầu khi nhắc đến tên Chúa Giêsu. Trẻ em làm như vậy từ khi còn nhỏ.
Đó là một trong những hành vi nhỏ để nuôi dưỡng đức tin.
Thời đại đã đổi thay… nhưng không phải là tốt hơn. Ngày nay, danh từ Giêsu thường được dùng để diễn tả một trạng thái ngạc nhiên hoặc giận dữ. (Giêsu!)
Một trong những việc chuẩn bị để đón chờ Chúa đến là chúng ta hãy xem lại cách chúng ta dùng tên Thánh Giêsu. Hãy nhắc đến danh xưng Giêsu một cách kính trọng khi nói về Ngài.
***
Bình an cho người thiện tâm
“Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ðấng dạy ngươi những điều bổ ích, Ðấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi. Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển”. (Is.48,17-18)
Bình an không phát sinh từ ước mơ nhưng từ sự tuân phục ý Chúa.
Bình an là ước vọng rất khát mong của con người, là ơn ban cho người “thiện tâm”.
Bình an chỉ có được từ một nội tâm lắng nghe “điều bổ ích”, từ một tấm lòng biết sám hối, trở về và “tuân thủ Thánh chỉ của Người”.
Tân ước cho chúng ta thấy ơn bình an được thực hiện do Chúa Thánh Thần. Lời hứa “ban bình an” (Ga.14,27) theo sau lời hứa về việc “Đấng An ủi đến” (Ga.14,26). Như vậy, Chúa Thánh Thần, chính là nguyên lý tác động của sự bình an, một niềm bình an hệ tại ở việc làm hòa với Thiên Chúa.
“Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì dẫn đến bình an” (Rm.14,19): yêu thương, khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại, ưu ái, chịu đựng lẫn nhau
Tôi sẽ làm gì để kiến tạo sự bình an tâm hồn?
Tổ ấm gia đình, cộng đoàn, giáo xứ của tôi làm gì để trở thành “Vương quốc bình an của Thiên Chúa “.
Hy vọng bạn sẽ vui khi nghe tiếng hát an bình trong đêm Giáng Sinh:
“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường