Hỏi: Thưa Cha, theo con biết và tin rằng cạnh nương long là bên phải của Chúa, chứ không phải của người đối diện khi ngắm tượng hoặc hình chịu nạn vì như lời bài hát rảy nước thánh:Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra ... Có nghĩa là ý nói cạnh nương long Chúa ... Con có hỏi Đức ông, mấy cha, mấy sơ ai cũng đồng ý cùng với con. Nhưng con thấy đa số tượng chịu nạn bên Việt nam thì bên phải của người đối diện. Vậy đúng là bên nào ạ hay là hai bên đều có ý nghĩa riêng.
Con của con cũng hỏi điều này. Con muốn biết chính xác để giải thích cho những người không biết. Con có hỏi sơ làm y tá, sơ nói bên phải của Chúa mới có nước và máu chảy ra khi ngọn giáo đâm vào. Còn bên phải đối diện thì không có nước.
Vũ DL, Lincoln, NE
Trả lời
Trước hết chúng ta nên nhớ là Phúc Âm theo tháng Gioan (19:34) chỉ viết rằng “một người lính dùng gươm đâm vào cạnh sườn của Chúa, tức thì nước cùng máu chảy ra.” Đoạn Kinh Thánh không nói rõ bên phải hoặc bên trái cạnh sườn của Chúa. Thành thử tranh luận bên phải hoặc bên trái tùy theo cách suy luận và sở thích của mổi người, trong đó dĩ nhiên có nhiều họa sỹ và điêu khắc gia.
Sau đây là suy luận của những người cho rằng lưỡi gươm đâm vào cạnh nương long bên trái cạnh sườn của Chúa. Phần lớn chúng ta thuận tay phải. Nếu nghĩ rằng người lính như phần lớn chúng ta là thuận tay phải, thì khi ông đứng trước mặt Chúa Giesu, ông ta dùng tay phải và đâm vào cạnh sườn bên trái của Chúa, (Còn nếu ông lính thuận…tay trái thì ông ta sẽ đâm vào bên phải của Chúa!!!).
Những người theo “trường phái” nầy còn lý luận là trái tim nằm bên trái, trường hợp Chúa chưa sinh thì, lưỡi gươm đâm vào trái tim của Ngài, và nếu Ngài còn hấp hối thì cũng phải chết. Như vậy chứng minh rằng thực sự Chúa đã chết. Kết luận nầy giúp đánh tan nghi vấn về phục sinh của Chúa vì có người cho rằng khi tháo thân xác Ngài xuống, ngài có thể còn sống, vậy thì không có Phục Sinh. Thực sự Ngài đã chết. Và Ngài đã sống lại từ cõi chêt. Có người còn lý luận thêm là chung quanh trái tim có một màng mỏng (pericardium) khi một người hấp hối lâu dài, thì một chất lỏng không màu sắc sẽ tiết ra (colorless nymph), giống như nước vậy. Khi lưỡi gươm đâm trúng tim, thì chất lỏng giống nước này sẽ chảy ra. Trong câu hỏi ông có đề cập tới một sơ làm y tá, sơ cho rằng bên phải sườn của Chúa mới có nước, còn bên trái thì không có nước. Tôi cũng hỏi một sơ làm….bác sỹ, sơ nói rằng, trong cơ thể chúng ta chỗ nào cũng có nước cả!
Còn những người cho rằng cạnh sườn bên phải bi đâm thủng, thì lý luận của họ có tính cách thần học kinh thánh hơn. Họ cho rằng bên phải bao giờ cũng có giá trị hơn bên trái. Trong Phúc Âm thánh Mattheu 25:32-33, trong ngày phán xét những người được cứu rỗi sẽ đứng bên phải, còn những người bị luận phạt sẽ đứng bên trái. Như vậy là có sự liên kết đoạn nầy với Mattheu 26:28, khi Chúa nói máu Ngài sẽ đổ ra để cứu chuộc nhân loại.
Còn đoạn ông đề cập tới bài hát “tôi đã thấy nước chảy ra từ bên phải đền thờ” (bài hát có tên vidi aquam, dùng trong mùa Phục Sinh, thay cho Asperges me, mùa thường niên), thì không liên quan gi đến cạnh sườn của Chúa cả. Bài hát nầy được lấy ra từ sách tiên tri Ezechiel 47:1, “người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ….Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam đền thờ”.
Tóm lại chúng ta cũng đừng quên ý nghĩa thiêng liêng của việc máu và nước của Chúa chảy ra khi ngài tự hiến thân trên Thánh Giá. Ngài đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại. Nước trong cơ thể Ngài chảy ra để tẩy sạch tội lỗi chúng ta. Mỗi lần dâng lễ, linh mục đổ một ít nước hòa tan với rượu là để nhắc lại biến cố nầy.
Lm.Phanxicô Nguyễn Ngọc Tâm