Thứ bảy, 05 Tháng 3 2016 16:00
Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, tại sao lại có sự dữ?
Posted by Ban Biên Tập
Â
Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, tại sao lại có sự dữ?
Có một điều mà con vẫn luôn thắc mắc là sự dữ ở đâu ra. Thiên Chúa có thật sự là Đấng toàn năng và yêu thương con người không? Tại sao Ngài không dẹp bỏ sự dữ ra khỏi thế giới này? Mỗi khi đối diện với sự dữ, con cảm thấy rất sợ và mất bình an!
Chào bạn,
Vấn đề sự dữ tồn tại là một vấn đề muôn thuở. Đã có không ít giấy mực được viết ra để giải thích về chuyện này. Các đầu óc tầm cỡ của nhân loại cũng đã tốn nhiều chất xám để cố gắng đưa ra một lời giải đáp cho vấn đề vẫn luôn thách thức trí khôn và hiểu biết của con người. Đứng trước sự dữ, nhiều người, trong đó có người Công Giáo, đã đặt câu hỏi về sự hiện hữu của một Thiên Chúa nhân lành và quyền năng. Họ cho rằng Thiên Chúa không thể quyền năng được vì Ngài đã thua sự dữ, hoặc nếu Ngài quyền năng thì Ngài cũng không nhân lành, vì Ngài đã để mặc cho sự dữ xảy ra. Ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bày một bài luận về nó nữa, nhưng chúng tôi xin chia sẻ với bạn vài tâm tình mà mẹ Giáo Hội đã dạy chúng ta.
Nhiều người đã cố gắng đưa ra lời giải đáp. Chẳng hạn, sự dữ cũng giống như bóng tối, tự nó không phải là một cái gì đó, mà chỉ là sự thiếu vắng của điều thiện, của tình yêu, của ánh sáng. Người khác thì ví sự dữ như một chấm đen trong trật tự vũ trụ, giúp làm nên một bức tranh đẹp nhiều màu sắc. Số khác nữa thì coi sự dữ như một phương tiện mà Thiên Chúa dùng để giáo dục con người, giống như bố mẹ dùng đòn roi để sửa dạy hay nhắc nhở con cái khi chúng làm điều gì đó sai. Cũng có người cho rằng những sự dữ xảy đến trong thế giới này là lời cảnh báo hay những dấu chỉ và có khi là hình phạt mà Thiên Chúa gửi đến nhân loại. Nhưng lý thuyết vẫn là lý thuyết. Sự dữ vẫn cứ nhan nhản đó. Bất chấp bao nhiêu lời giải thích đưa ra, sự dữ vẫn nằm trong cái mà ta gọi là mầu nhiệm.
Tác giả sách Sáng Thế đã cố gắng đưa ra cho chúng ta một câu trả lời mà có lẽ chúng ta cần nhiều thời gian để suy nghĩ về nó. Sự dữ đến trong trần gian này từ thói hống hách ngang tàng của con người. Con người vốn dĩ là loài thụ tạo, thân phận nhỏ bé như hạt cát giữa vũ trụ này, vậy mà cứ luôn cho rằng mình là Tạo Hoá, là Chúa Tể, là số một, là nhất. Chẳng cần ai giải thích, từ khi có ý thức, con người đã nhận biết rằng mình có tự do, nhưng tự do của mình là một tự do có giới hạn. Ấy vậy mà chẳng bao giờ con người chịu bằng lòng với sự thật này. Con người luôn muốn vượt qua giới hạn của mình để cố gắng chiếm đoạt cái không thuộc về mình. Con người nuôi trong mình tham vọng bá chủ thế giới mà quên đi thân phận thật sự của mình. Thiên Chúa ban tự do cho con người, con người lạm dụng tự do dẫn đến sự dữ. Phải chăng chúng ta đang lập luận kiểu này để đổ thừa cho Thiên Chúa, rằng Ngài là nguyên nhân để sự dữ tràn ngập trong thế gian? Nếu Ngài ra tay xoá bỏ sự dữ thì cũng đồng nghĩa với việc Ngài lấy đi khỏi con người sự tự do. Lúc đó, con người có còn là con người nữa không, hay chỉ là những cỗ máy để Ngài điều khiển?
Khi xảy ra chiến tranh, lũ lụt, sóng thần… dẫn đến cái chết của bao nhiêu người, người ta vẫn tự hỏi “Thiên Chúa ở đâu rồi”, “có Thiên Chúa tồn tại không” rồi người ta chối bỏ Thiên Chúa. Trong mắt họ, đáng lẽ Thiên Chúa phải dùng quyền năng của mình để dẹp bỏ những chuyện này đi. Hình bóng của những điều xấu xa như thế không được xuất hiện trên thế giới này. Nếu Thiên Chúa làm được như thế, thì họ sẽ tin là có Thiên Chúa. Không thì thôi! Họ muốn rằng họ cứ bất chấp phá rừng, phá núi theo ý muốn của họ nhưng Thiên Chúa đừng để lũ lụt xảy đến. Họ muốn rằng họ cứ tham nhũng, lộng quyền, ghen ghét, đua tranh, nhưng Thiên Chúa đừng để chuyện đánh chém chết người xảy đến. Họ muốn rằng họ cứ mặc sức hãm hại nhau, nói xấu nhau, gian lận với nhau, lừa gạt nhau… nhưng Thiên Chúa đừng để điều tai hại nào xảy đến với họ. Họ muốn rằng tất cả những người xấu trên thế giới này chết hết đi, chỉ trừ họ mà thôi, như thể họ là người công chính, chẳng bao giờ vương phải tội lỗi nào! Những ước muốn vô lý này của họ như muốn biến Thiên Chúa thành trò cười, một nhà ảo thuật và một nô lệ phục vụ họ. Nhưng thử đặt câu hỏi: Nếu Thiên Chúa ra tay tiêu diệt hết những người có tội, liệu có ai tồn tại trên đời để đặt câu hỏi về vấn đề sự dữ nữa không?
Con người, vì sống như một cộng đồng nhân loại, phải gánh chịu những gì mà chính mình đã gây ra. Xét cho cùng, cả thế giới hay vũ trụ này có tiêu tan đi chăng nữa thì đối với Chúa cũng chả có gì ghê gớm. Ngài có thể tạo ra cả tỷ vũ trụ như thế này “trong vòng một nốt nhạc”. Nhưng Ngài đã không làm điều đó. Huỷ bỏ thế giới cũ thể làm lại một thế giới mới sẽ là một bằng chứng cho thấy sự thất bại của Thiên Chúa. Quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở chỗ: Ngài không huỷ bỏ cái cũ, nhưng chính từ trong bùn lầy của cái xấu xa đó, Ngài làm phát sinh sự sống. Sự dữ sẽ bị thất bại ngay tại nơi mà nó tưởng là nó chiến thắng.
Nếu có ai đặt câu hỏi là tại sao Thiên Chúa cứ dửng dưng trước sự dữ như thế, thì câu trả lời sẽ là: bạn có chắc là như thế không. Ta vẫn thường bị ám ảnh khi một cây to đổ xuống, nhưng lại không để ý đến chuyện có cả tỷ tỷ cây nhỏ đang mọc lên, như lời một khuyết danh nào đó đã nói. Giữa thế giới này, ta đâu chỉ thấy những điều xấu xa. Đâu đó vẫn có rất nhiều những tổ chức thiện nguyện, những con người dám hy sinh cả cuộc đời mình vì người khác. Cuộc sống này tuy nhiều bùn lầy, nhưng cũng không thiếu những cánh sen đẹp. Đang khi có nhiều người nhắm mắt lìa đời vì nhiều lý do khác nhau, thì cũng có biết bao em bé được đi vào thế giới. Bên cạnh những con người tàn ác, ta vẫn thấy biết bao anh hùng giữa thế gian. Chẳng qua là giữa ruộng lúa tươi tốt vẫn còn chen chút đám cỏ dại xen ngang. Bản thân chúng ta được mời gọi hãy sống thật tốt với bản tính lương thiện của mình. Còn những người làm nên những điều ác, ta đành để họ nói chuyện với Thiên Chúa thôi.
Khi Đức Giêsu đến trong trần gian này, Ngài bước vào thân phận thụ tạo, Ngài cũng chịu biết bao phiền phức do sự dữ gây ra, nhưng chẳng bao giờ Ngài giải thích cho chúng ta biết do đâu mà sự dữ xuất hiện. Dường như Ngài chẳng quan tâm đến chuyện đó và cũng không đặt vấn đề về nó. Nhưng bằng lối sống và cách hành xử của mình, Ngài chỉ cho chúng ta làm sao để chiến thắng nó: đó chính là sự vâng phục thánh ý Cha. Sự dữ có thể đến với chúng ta như nó vẫn thường đến, nhưng chúng ta đã được chỉ cho cách làm sao để vẫn có được bình an ngay nơi tâm điểm của sự dữ. Chúng ta đã được mặc khải cho biết dựa vào đâu và dựa vào Ai mà ta có thể hiên ngang đối diện với nó mà không chút sợ hãi gì. Chúng tôi tin rằng bạn đã hiểu chúng tôi đang muốn nói điều gì và đến Ai rồi, đúng không?
Chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá là một bằng chứng hùng hồn cho một Thiên Chúa tình yêu và cũng quyền năng vô cùng.
Thân ái,
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Published inGiúp nhau sống đạo
Tagged under