Lễ Hôn Phối- Tân Tòng
Khi chính thức trở nên Kitô hữu, chắc chắn sẽ có người thắc mắc (cô dâu): Ủa Bạn theo Đạo Công giáo à, chẳng nhé Đạo Phật mình không tốt sao?
Không phải chúng ta chọn cái Đạo này tốt hay Đạo kia xấu để theo. Vì theo bản chất không có Tôn giáo nào xấu hết, các tôn giáo đều tốt, ngay cả Đạo Hồi cũng không xấu mặc dù hay bị những tín đồ quá khích lợi dụng khủng bố, giết bao nhiều người vô tội. (Những ai nhân danh Thượng Đế- tôn giáo để giết người, làm hại đồng loại cho thấy họ có nhận thức và lương tâm sai lầm).
Các Tôn giáo phần nào đều phản ảnh Dung Mạo của Thiên Chúa, thể hiện khát khao vươn lên Chân - Thiện - Mỹ mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong Tạo vật con người có Linh hồn bất tử.
Theo Đức Benedicto XVI ơn gọi tự nhiên của tôn giáo là Công chính và Hòa bình. [1]
Quả thế, tất cả mọi người đều được dựng nên Giống hình ảnh Thiên Chúa, đều là con cái của Chúa, Thiên Chúa đều ghi khắc các lề luật phổ quát trong Lương tâm mỗi người để giúp thăng tiến phẩm giá, làm những điều tốt đẹp cho nhau. Ai sống theo Lương tâm ngay lành, và vì lý do khách quan nào đó chưa nhận ra Tin Mừng Cứu độ là Chúa Giêsu đều có hy vọng phần thưởng Nước Trời.
Người Công giáo gọi những người theo tôn giáo khác, có niềm tin khác với mình bằng danh xưng đầy trân trọng: Lương dân- những người dân lương thiện; hay Lương giáo- tôn giáo giúp người ta sống theo lẽ thiện.
Hơn nữa, là Công giáo và là môn đệ chính hiệu của Chúa Giêsu càng phải thương yêu tôn trọng những người khác chính kiến, khác niềm tin, thậm chí yêu thương ngay cả kẻ thù mình, kẻ gây cho mình những phiền toán, thiệt hại. Người Công giáo đích thực không có kẻ thù, không được coi ai là kẻ thù. [2]
Lương tri hay Lương tâm mà cụ thể hóa nơi Lương giáo cũng là con đường phần nào giúp ta nhận ra Thiên Chúa. Song mạc khải Kinh Thánh cho biết Nguyên Tổ đã phạm tội, khiến nhân sinh trở nên yếu đuối, tạo vết thương tâm hồn nên có thể làm Lương tri dễ lệch lạc, sai lầm.
Điều đó lý giải, cũng một vấn đề tại sao người này, dân tộc này làm cho là tốt, bình an song ta lại thấy tội lỗi, bất an, cho việc làm đó là ác nhân thất đức (vd: 1 số thổ dân thể hiện hiếu thảo với cha mẹ gài bằng cách đưa các cụ lên cây rung, không té mang xuống nuôi tiếp, té thì để cụ chết; hay ăn thịt cha mẹ khi chết…).
Thiên Chúa nhắc nhớ ta qua tiếng Lương tâm, song lương tâm - lương tri giờ đây dễ bị lệch lạc, ngộ nhận do tội Tổ tông, để chấn chỉnh Lương tâm- Lương tri khỏi sai lạc, giúp đi về nẻo chính đường ngay, Thiên Chúa đã Mạc khải qua Kinh Thánh.
Mạc khải Kinh Thánh qua hai cấp hay hai giai đoạn- 2 giao ước:
1. Giao ước cũ Chúa Mạc khải gián tiếp qua các ngôn sứ cho Dân riêng Do Thái đại diện cho cả nhân loại. Trong Giao ước cũ này, ta thấy nổi bật và chính yếu là Thập Giới- 10 điều răn, tức những lề luật mang tính phổ quát Thiên Chúa khắc nghi nơi Lương tâm con người được cụ thể hóa thành 10 điều luật.
2. Thời Tân ước - qua việc Ngôi Hai nhập thể làm người, Lời Chúa bây giờ nói trực tiếp với nhân loại. Chúa Giêsu đến để kiện toàn Giao ước cũ chứ không phải để phá hủy. Quả thực trong dòng lịch sử thánh của mình, các lãnh đạo Do Thái giáo thêm thắt, giải thích có khi xa lạc Luật Chúa, bỏ luật Chúa để tuân giữa luật con người, vụ luật… điều mà Chúa Giêsu từng nên án các lãnh đạo Do Thái giáo.
Nơi Chúa Giêsu, mạc khải Thiên Chúa đã viên mãn, những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại ngài đã tỏ lộ hết.
Thánh Phaolo diễn tả hai giai đoan này trong thư gởi tín hữu Do Thái: “Thủa xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử là Chúa Giêsu” (Dt 1,1)
Thiên Chúa kiện toàn lệ luật bằng cách thổi vào trong đó tinh thần và mục đích của việc giữ luật: Tình yêu. Trên nền tảng Tình yêu ấy việc giữ luật trở nên nhẹ nhàng và có ý nghĩa (nói như Chúa Giêsu: ách ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng)
Như thế, theo Công giáo- tin nhận Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa Nhập Thể làm người, Ngài chính là Tin Mừng Cứu độ- là Dung mạo Lòng thương xót của Chúa, vấn đề ở đây ta khám phá Tiếng gọi Tình yêu của Đấng đã Yêu thương từ muôn thủa và luôn trung tín, dẫu ta nhiều lần phản bội khi phạm tội. Nhờ đáp trả Tình yêu ta thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa, thấy cuộc sống trần thế tươi đẹp hơn, đầy hy vọng.
Nói cách khác, Ông Trời tạo dựng trời đất mà cha ông ta vẫn quan niệm ấy, giờ nhờ tin theo Chúa Giêsu ta khám phá chính là Cha đầy yêu thương và đầy quyên năng. Sống trong Tình yêu của Cha Trời, trong sự tín thác vào sự quan phòng của Cha Trời, chính trong điểm tựa này ta tìm được Bình an, tránh được những hoang mang- mê tín dị đoan.
Khi Rửa Tội ta được gọi là Kitô hữu, người có Chúa Giêsu hiện diện, đã được hạt giống Tin Mừng Cứu độ.
Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu ấy, ta thấy có thêm ý nghĩa sâu sắc:
1. Việc sống tốt của ta không đơn thuần là việc làm nhân bản mà con mang ý nghĩa Tôn giáo, đang thức thi Lời Chúa (vd hiếu thảo…là luật Chúa); cho người khác bát nước lã vì Danh môn đệ Chúa Giêsu cũng được Ngài trân trọng, ghi ơn…
2. Đặc biệt ta khám phá trong gian khổ, thử thách điều mà con mắt trần thế cho là bất hạnh, giờ có giá trị Tin Mừng cứu độ, đang giúp nên giống Chúa, cộng tác vào Công trình Cứu độ của Chúa. Mình chỉ là thụ tạo hèn mọn, tội lỗi… ấy mà được chính Thiên Chúa mời gọi công tác vào Công trình Cứu độ của Ngài. Chỉ nghĩ thế, ta đã dạt dào tạ ơn Chúa, và cả cuộc đời mình sống thánh thiện cũng chỉ phần nào đáp trả ơn biển cả của Cha Trời.
Giờ đây, nhờ tin theo Chúa Giêsu, khổ đau, thử thách, thiệt hại do sống theo lương tâm ngay thẳng, theo chính Đạo… là ta đang hưởng ‘phúc thật’- ‘phúc ai bị bắt hại vì chính Đạo’. Sau bài giảng Tám mối Phúc thật, Chúa Giêsu nói rõ hơn: Phúc cho anh em vì Thầy mà bị người đời vu gian chuốc họa, bị sỉ nhục… Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng rất lớn ở trên thiên quốc.
3. Theo Công giáo ta có thêm đôi mắt Đức tin, chính trong đôi mắt Đức tin này ta khám phá tất cả là hồng ân. Cuộc đời không phải là bể thảm, mà là biển Hồng ân.
Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhiều nằm bệnh tật hành khổ và chết rất trẻ cũng do bệnh tật… Nếu trong con mắt trần gian đấy là đại họa, là xui là bất hạnh, song Chị Thánh nhờ đôi mắt Đức tin, luôn sống trong tương quan với Chúa Giêsu, chị khám phá: ‘Tất cả là Hồng ân”.
Đôi vợ chồng- cha mẹ chị Thánh mới được phong hiển thánh đã khám phá rất rõ giá trị Tin Mừng cứu độ trong đau khổ, nhờ vậy gia đình hạnh phúc, bình an dẫu cuộc sống sinh nhai nhiều gian nan, vất vả; Cha Mẹ đã giáo dục con cái, nhất là cô út Têrêxa biết được ý nghĩa cuộc sống nhờ sống theo gương Chúa Giêsu.
Cái đáng sợ nhất của cuộc sống là cái chết, ấy thế mà trong đôi mắt Đức tin, ngay cả sự chết ấy lại trở thành hồng ân. Thánh Phaolo nói rõ: ‘Sống là Chúa Giêsu thì chết là mối phúc’. (Cái chết đáng sợ, gieo tang tóc do ta sống không là Chúa Giêsu, tức không sống theo Lời Chúa, không sống theo lương tâm, tức ta sống trái ý Chúa, gian tham, thù hận, không rợn tay khi phạm những tội ác).
Người môn đệ theo Chúa Giêsu hay người Kitô hữu độc đáo ở chỗ có đôi mắt Đức tin, luôn biết tín thác nơi Chúa là Cha rất nhân từ. Theo Chúa Giêsu – Đấng Cứu thế, không phải đời sau mà ngay đời này ta đã nếm trải phúc thật thiên đàng.
Theo Đấng là Tin Mừng, Kitô hữu là người có Tin Mừng mà mang khuôn mặt đưa đám, chán nản, tuyệt vọng thì… không thể hiểu nổi! Ta cần phải xem lại đời sống Đạo của mình, xét lại mối tương quan với Chúa có trục trặc gì không, có còn không. Tội lỗi, đặc biệt tội trọng làm phá hủy tương quan ta với Chúa, làm ta xa Chúa, mất Chúa…
Một gia đình có Chúa hiện diện, cũng như một Kitô hữu để Chúa hiện diện thì luôn có Tin Mừng bình an, thứ Bình an theo Đấng Phục Sinh không phai thứ bình an theo kiểu thế gian.
Đôi mắt Đức tin ấy ta có được, và không ngừng lớn nên là nhờ Đặt trên nền tảng sống Lời Chúa.
Bài Tin Mừng (Mt 7,21.24-29) giúp ta kiểm định mình đang sống, đang xây dựng gia đình mình ở dạng người nào, người khôn ngoan hay người ngu dại !?
Xây dựng gia đình trên nền tảng Lời Chúa là xây dựng trên Tình yêu, sống yêu thương. Hẳn nhiên, sống Lời Chúa, sống giới luật Yêu thương- khởi đi từ gia đình, không phải thứ tình cảm mau qua, thích thì làm không thích thì… ‘makeno”. Trái lại, đấy là một Tình yêu Trưởng thành, cần có lý trí và ý chí. Chúa Giêsu quả quyết: không phải ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước trời, song Nước trời chỉ dành cho những ai thi hành ý Chúa. Chỉ những ai thực thi Lời Chúa mới vào được Nước trời. Thánh Giacôbê khai triển rõ thêm: Đức tin không có việc làm là Đức tin chết.
Đôi Tân hôn thân mến, lần nữa, gia đình Giáo xứ, quan viên hai họ xin chúc mừng. Xin cầu chúc anh chị luôn biết nuôi dưỡng tình yêu trên nền đá vững bền, luôn đắp xây hạnh phúc gia đình mình bằng Lời Chúa, để ngôi nhà hạnh phúc của anh chị luôn có Chúa ngự trị. Amen
Lm. Đaminh Hương Quất
----------------------------
[1] X. http://lamhong.org/hoi-giao-tieng-noi-ngon-su-va-bi-khinh-thuong-cua-duc-benedicto-xvi-o-ratisbonne/
[2] Mới đây, gương sáng của bé gái 12 tuổi Thiên Chúa giáo xin mẹ tha thứ cho phiến quân IS đã thiêu sống mình, http://www.baomoi.com/bi-phien-quan-thieu-song-be-gai-van-xin-me-tha-thu-cho-is/c/19872413.epi?utm_source=dapp&;utm_medium=facebook&utm_campaign=share.