LỜI DẪN
Kính thưa Cộng đoàn,
Nhằm đánh dấu kỷ niệm 30 năm cuộc gặp gỡ cầu nguyện liên tôn đầu tiên do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng vào hạ tuần tháng 10 năm 1986 ( 27.10.1986). Ngày 20 tháng 9 năm 2016, ĐTC Phanxicô sẽ trở lại thành phố của vị thánh bổn mạng của ngài trong dịp bế mạc ba ngày hội thảo, từ ngày 18 đến 20 tháng 9, do các tu sĩ Phanxicô, giáo phận Assisi và cộng đồng Thánh Egidio đồng tổ chức. ĐTC sẽ dành 9 tiếng đồng hồ để viếng thăm Assisi nhân Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Hòa Bình. Dự kiến có hơn 400 đoàn đại biểu của giới tôn giáo, chính trị và văn hóa sẽ tham dự cuộc gặp gỡ năm nay với chủ đề “Khát vọng hoà bình. Đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa”.
Tại cuộc gặp gỡ cách đây 30 năm, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích “Tinh thần Assisi” như sau:
“Chúng ta đến đây không phải với ý định tìm kiếm sự đồng thuận giữa các tôn giáo hoặc để thương lượng về niềm tin của chúng ta... Cuộc gặp gỡ của chúng ta chỉ muốn chứng tỏ, và đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp gỡ này, cho mọi người trong thời đại chúng ta rằng, trong cuộc chiến lớn lao vì hoà bình, nhân loại, dù rất đa dạng, phải kín múc nơi những suối nguồn sâu thẳm nhất và sống động nhất, là nơi lương tâm được hình thành và hành vi đạo đức của con người được xây dựng trên đó”.
Trong giờ cầu nguyện này, hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Hội Thánh, cùng với Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cộng đoàn chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa ban hòa bình cho thế giới; xin cho mọi người, mọi dân tộc biết trân trọng quà tặng của Thiên Chúa, và luôn ý thức dấn thân kiến tạo một nền hòa bình chân chính và vững bền.
I. Mở đầu – Thờ lạy:
- Dấu Thánh Giá
- Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
- Chủ sự tiến ra cung thánh đặt Mình Thánh Chúa
- Cộng đoàn qùi, chủ sự xông hương.
Chủ sự:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin tôn thờ Thánh Thể Chúa, là trung tâm điểm của sự hiệp nhất và yêu thương, cho chúng con được đón nhận sức sống thần linh của Chúa. Chúng con chúc tụng tình yêu Chúa, tình yêu mà Chúa đã xuống thế làm người, cứu Chuộc chúng con bằng giá máu của Chúa: “không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu hiến thân vì bạn hữu mình”. Chúng con cảm tạ muôn ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng con, cho chúng con được tham dự vào thần tính của Chúa, được gọi Chúa là Cha. Xin cho chúng con biết ca tụng vinh danh Chúa, để cho nước Chúa được hiện diện trên toàn cõi dương gian này, xin cho chúng con biết bảo vệ hòa bình- bình an cho mọi người trên trái đất mà Thiên Chúa tạo dựng đã trao tặng và ủy thác cho mọi người chăm lo bảo vệ, vì nhiều lý do từ phía con người mà hiện nay mà sự bình an của con người trên thế giới này đang bị đe dọa nghiêm trọng từng giây phút. Với tất cả lòng tin kính, mến yêu, chúng con xin gói trọn tâm tình phó thác nơi Chúa Giêsu Thánh Thể trong giờ chầu này. Và xin Chúa soi sáng hướng dẫn để mỗi người trong cương vị và khả năng của mình biết cộng tác-chu toàn trách nhiệm Chúa trao cho đúng ý Chúa hầu cho thế giới được bình an.
Thinh lặng một chút.
II. Lắng nghe Lời Chúa:
1. Hòa bình chân chính và vững bền
Lời Chúa (Ga 14, 24- 29): (x CN VI PS)
(Khi ấy). Đức Giêsu đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy . Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ Lời Thầy. và Lời anh em nghe đây không phải của Thầy nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
*Chủ sự đi vào phòng thánh.
Suy niệm I:
Lịch sử loài người xác minh con người ở mọi nơi mọi thời luôn khao khát hoà bình. Thiên Chúa là “nguồn yêu thương và bình an”(x. 2Cr 13,11), và Ngài đã yêu thương loài người đến độ gửi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô hoà nhập vào đời sống gia đình nhân loại, mang lại quà tặng “bình an” cho mọi người, mọi dân tộc (x. Lc 2, 10-14; Ep 2,14). Hòa bình là ơn cứu thế, hoa trái đầu tiên của bác ái mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, là sự hòa giải và giảng hòa chúng ta với Thiên Chúa. Hòa bình cũng là một gía trị nhân bản cần thực hiện trên bình diện xã hội và chính trị, nhưng nó có gốc rễ nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô (x. GS 77–90).
Như thế, hoà bình chân chính là nền hoà bình được xây trên nền tảng mối quan hệ thân thiết tin yêu giữa con người với Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, cùng trên nền tảng tình huynh đệ giữa con người với nhau là anh em một nhà. Nói cách khác, nền hoà bình chân chính, không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, song là một cuộc sống chan hoà niềm tin yêu đối với Thiên Chúa, và tình huynh đệ hài hoà, tình tương thân tương trợ, tương kính tương nhượng, giữa con người với nhau, cũng như giữa các dân tộc trên mặt địa cầu hôm nay.
Đối với người tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, nỗ lực xây dựng hoà bình gắn liền với việc thi hành sứ vụ loan truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Vì lẽ Đức Giêsu Kitô là Sự Thật tròn đầy về Thiên Chúa và con người cùng vũ trụ, là Sự Sống viên mãn cho gia đình nhân loại, là Tình Yêu vô biên đối với loài người, và là Đường dẫn mọi người, mọi dân tộc đi đến nguồn sự thật, nguồn sống mới, nguồn tình yêu. Vì thế, hoà bình vững bền phải là hoà bình được xây trên nền đá vững chắc là Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, là hoà bình được xây trên viên đá nền sự thật, sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ; đồng thời được xây trên viên đá nền tình yêu, tình yêu giúp con người vượt qua mọi ranh giới của văn hóa, sắc tộc hay tôn giáo để đến với nhau và chấp nhận nhau như anh em một nhà.
Tạ ơn Chúa đã ban Con Một của Người cho nhân loại. Tạ ơn Chúa đã mở đường mời gọi con người tìm kiếm nền hòa bình chân chính và vững bền. Giữa những bất ổn của thế giới hôm nay, chúng ta xác tín rằng “chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh động tận cùng thẳm sâu tâm hồn con người, và bảo đảm hy vọng và hòa bình cho thế giới.”
Hát: “Đâu có tình yêu thương” – Vinh Hạnh
Thinh lặng suy niệm và cầu nguyện riêng trong ít phút.
2. Con đường xây dựng hòa bình
Suy niệm II:
Bao lâu còn sống xa Chúa, bấy lâu lòng chúng ta còn cảm thấy bất an, như Thánh Augustinô đã tự thú: “Lạy Chúa, tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” Trở về với Thiên Chúa để sống trong ân tình của Người là con đường chắn chắn nhất đưa con người tìm lại bình an. Nhưng trên con đường tìm về bên Chúa ấy, chúng ta còn phải hòa giải với anh chị em của mình nữa. Con đường nào đưa người ta đến với nhau và giúp họ xây dựng hòa bình đích thực?
Thực tế cho thấy, hoà bình bị đe doạ, khi nhân phẩm, nhân quyền của con người bị khinh miệt, khi sự sống và sự phát triển của dân tộc bị bóp nghẹt. Hoà bình còn bị đe doạ và có nguy cơ tan vỡ, khi sử dụng bạo lực và vũ lực để giải quyết những bất đồng và những tranh chấp. Bạo lực, chiến tranh, khủng bố, là những biểu hiện của văn hoá sự chết. Lịch sử loài người xác minh: sử dụng văn hoá sự chết để bắt nạt, trấn áp, và buộc người khác tuân thủ, làm theo ý đồ của mình, chỉ có thể gieo rắc hận thù và bất ổn, đau thương và chết chóc, và cuối cùng chỉ tạo ra một sự câm lặng tạm bợ của một nhà tù hay một nghĩa trang.
ĐTC Phanxicô đã ghi nhận: “Những nền văn hoá xung đột và đối đầu không xây dựng sự hài hòa giữa các dân tộc được, mà chỉ có nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại mới xây dựng hoà bình, đây là cách duy nhất tiến tới hòa bình.” Vì thế, Giáo hội Công giáo luôn đề nghị mọi người, mọi dân tộc, kiên trì bước theo con đường đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, nhằm giải quyết mọi vấn đề, mọi bất đồng, mọi tranh chấp thuộc mọi lãnh vực của đời sống nhân loại hôm nay.
Công lý là lẽ phải đòi hỏi mọi người chung sức xoá bỏ những bất công trong xã hội, những cản trở sự sống và nhân quyền, những chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia. Như thế, công lý chỉ nhằm loại trừ những mối đe doạ hoà bình. Còn niềm tin và tình huynh đệ mới là động lực và là sức mạnh kiến tạo một nền hoà bình chân chính và vững bền.
Hát: “Kinh Hòa Bình” – Kim Long
Thinh lặng suy niệm và cầu nguyện riêng trong ít phút.
3. Dấn thân kiến tạo hòa bình
Suy niệm III:
Chúa Giêsu không muốn các môn đệ của Ngài cứ ngồi yên hưởng an lạc, Chúa muốn mỗi người chúng ta phải góp phần vào việc xây dựng nền hòa bình đích thực mà muôn người đều khao khát. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Nhân loại đang cần được xem thấy những cử chỉ hòa bình và được nghe thấy những tiếng nói của hy vọng và bình an!” Và ngài mời gọi: “Mọi người có thiện tâm có nhiệm vụ phải theo đuổi hòa bình.”
Như thế, xây dựng một nền hoà bình chân chính và vững bền là nghĩa vụ của hết mọi người, và của từng người chúng ta. Thật vậy, thế giới sẽ không thể có hòa bình, nếu mỗi người chúng ta không thực sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân. Để có hòa bình trên thế giới, trước hết cần phải có hòa bình trong tâm hồn. Để đổi thay thế giới, cần thay đổi lòng người, bắt đầu từ chính mình.
Hơn nữa, người công giáo còn được mời gọi bước theo con đường đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, chung sức với mọi người thành tâm thiện chí, kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho đất nước và thế giới hôm nay. Đó là phương cách lấy ánh sáng chân lý và sức mạnh của tình yêu thương xoá dần những bất công trong xã hội, những dấu vết của văn hoá sự chết, những mối đe doạ nền hoà bình trong đời sống gia đình nhân loại hôm nay.
Ngoài ra, một phương thế kiến tạo hoà bình hiệu quả mà mỗi người công giáo, mỗi gia đình và cộng đoàn tín hữu, đều có sẵn trong tầm tay là cầu nguyện. Cầu nguyện giúp ta mở rộng lòng tin, lòng đạo, lòng nhân; để tôn trọng, đồng cảm, và dấn thân cho sự phát triển con người cùng đất nước. Cầu nguyện vừa mở rộng cõi lòng con người đón nhận nguồn lực yêu thương phục vụ, vừa hướng tâm trí chúng ta lên đỉnh cao của lòng quý chuộng hoà bình.
Hát: “Chứng Nhân Tình Yêu” - Nguyễn Duy
Thinh lặng suy niệm và cầu nguyện riêng trong ít phút.
* Chủ sự tiến ra cung thánh quì trước bàn thờ.
III. Cầu nguyện cho hòa bình
Chủ sự: Anh chị em thân mến! Trước Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch bình an cho nhân loại, chúng ta hãy tha thiết cầu xin cho các dân tộc và cho từng người chúng ta được sống trong hòa bình chân chính:
Đ. Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con.
X. Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn kiên trì và trung thành rao giảng tin mừng bình an mà Chúa đã đem đến cho nhân loại.
X. Xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn bình tĩnh và khoan ngoan, biết tìm kiếm những giải pháp để giải quyết xung đột qua con đường đối thoại và hòa giải.
X. Xin cho những ai đang phải sống tại những vùng có chiến sự được tôn trọng và bảo vệ quyền sống cùng với phẩm giá tốt đẹp mà Chúa đã ban cho họ.
X. Xin cho các gia đình đang gặp khủng hoảng hay bất an được ơn Chúa nâng đỡ vượt qua mọi khó khăn, để tiếp tục trung thành thực thi sứ mạng Chúa đã mời gọi.
X. Xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực cộng tác để kiến tạo nền hòa bình chân chính và vững bền cho đất nước và toàn thế giới.
Chủ sự: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh cùng thế giới được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Đ. Amen.
- Cầu cho Đức Giáo Hoàng
Hát: Này con là đá
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng sự khôn ngoan Chúa mà bảo vệ vũ trụ, xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và rộng lòng nhân từ gìn giữ Đức giáo hoàng Phanxicô Chúa đã chọn, để dân Kitô giáo nhận nơi Chúa sự dẫn dắt của Người, được nhờ công phúc đức tin của người mà phát triển dưới triều đại giáo hoàng của người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
IV. Phép lành Mình Thánh Chúa
- Hát: Đây Nhiệm Tích
Chủ sự xông hương, rồi đứng đọc lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Chủ sự ban phép lành Thánh Thể, rồi cất Mình Thánh.
Bài ca kết thúc: “Dâng Mẹ” – Hoài Đức
Nguồn: VP. TGM/ BMT