Vài phút thinh lặng-Chúa Nhật Tuần 1 Mùa Vọng - Năm A
Posted by Ban Biên Tập
LỊCH PHỤNG VỤ
Trong lịch Phụng vụ Công giáo, một Năm Mới sẽ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.
Lịch phụng vụ của Giáo Hội được trải ra theo cuộc đời của Đức Giêsu-Kitô.
Bắt đầu bằng Mùa Vọng và Giáng Sinh, liên quan đến việc Chúa giáng sinh nhập thể làm người. Mùa Giáng Sinh sẽ kết thúc với lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa bởi Thánh Gioan Tẩy Giả. Và chúng ta bắt đầu lắng nghe Tin Mừng nói với mình mỗi ngày qua sứ vụ rao giảng công khai của Chúa Giêsu.
Sau đó, bước vào Mùa Chay bằng việc dõi theo những diễn tiến từ những đau khổ, nỗi ô nhục đến cái chết của Chúa. Mùa Chay hướng chúng ta đến Tam nhật Thánh, là dịp để chúng ta suy gẫm cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Người.
Kế đến là Mùa Phục Sinh với 50 ngày mừng Đức Kitô đã thật sự sống lại vinh quang. Tiếp theo đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, người Kitô hữu hân hoan đón nhận ơn Thánh Linh được ban xuống trên chúng ta.
Sau cùng, chúng ta dành thời gian còn lại trong năm để tuyên xưng những điều Chúa đã làm và đã nói khi ở trần gian qua Mùa Thường Niên.
Chúng ta cử hành phụng vụ này hằng năm, cùng một trình tự. Cứ hết năm phụng vụ này thì bắt đầu năm phụng vụ khác.
Có một sự thú vị ở việc bắt đầu lịch phụng vụ. Hằng năm, vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, Phúc Âm lại nói về ngày tận thế. Thoạt nghe, chúng ta thấy thật kỳ lạ - bắt đầu lại bằng việc chấm dứt. Nhưng ở một khía cạnh khác, đó là cách lên kế hoạch cho một chuyến đi. Nếu chúng ta vạch ra lộ trình để đến một nơi nào đó, chúng ta sẽ bắt đầu ở điểm kết thúc - đích đến, rồi sau đó mới nghĩ ra làm cách nào để đến được nơi đó.
Như vậy, trong ngày Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng này, bạn hãy hướng về ngày Cánh Chung. Việc đó sẽ giúp bạn đặt mọi việc, mọi vật của cả năm, của cả cuộc đời vào một tầm nhìn cần phải có.
***
"Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. (Mt. 24, 37-44)
LÒNG KIÊN TRÌ SÂU SẮC
Bài đọc Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu nói về việc Con Người sẽ đến, về ngày Tận Thế và cuộc phán xét chung.
Tiêu điểm của mùa Vọng là giúp đánh thức chúng ta ra khỏi cơn mê công việc thường ngày, khiến chúng ta quên đi đời mình sẽ có ngày chấm dứt. Hãy nhớ rằng, toàn thể mọi việc chúng ta làm là hướng thế giới này về nước Trời.
Nước Trời có thể đến trong hàng triệu năm nữa - không ai biết! Dường như rất khó để có một thế giới hoàn hảo không chiến tranh, không bệnh tật, không nước mắt, không đấu tranh, không xung đột.
Đây quả là một cố gắng trường kỳ! Chính vì thế, mới cần đến “lòng kiên trì sâu sắc”. Khó thật!
Kiên trì và cố gắng xây dựng hòa bình trong một thế giới mà biết rằng, khi tôi chết chiến tranh vẫn đang xảy ra.
Kiên trì và cố gắng xây dựng tình yêu trong một xã hội dù biết rằng, đó chỉ là một hạt giống nhỏ được gieo xuống, mà suốt cuộc đời mình cũng không thấy được mùa thu hái.
Kiên trì và cố gắng sửa đổi con người mình như Thiên Chúa muốn, mặc dù biết rằng chỉ qua cái chết Thiên Chúa mới thực hiện một cuộc biến đổi kỳ diệu nơi con người của mình.
Cần kiên trì cố gắng trong hy vọng, mặc dù biết rằng có thể ta không đạt được mục tiêu đó trong cuộc sống – Đó mới là điều cần phải có.
Dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường