Vì sao tôi đeo thánh giá (có thể không như bạn nghĩ)
Posted by Ban Biên TậpMang thánh giá là một lời hứa hẹn, một lời mời gọi, và một sự nhắc nhở cho chính tôi.
Hình ảnh được biết đầu tiên về Đức Kitô chịu đóng đinh – trên cánh cửa gỗ của Đền thánh Sabina, ở Rôma trên đồi Aventine – ghi ngày tháng của thế kỷ thứ 5. Trước đó, tín hữu Kitô giáo không vẽ hình ảnh diễn tả Chúa Giêsu chết. Chỉ được giới thiệu như là thập tự gemmata, hay thánh giá bằng trang sức, vàng bạc được thời trang hóa với đá quý, nhưng không có hình tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và điều này chỉ xuất hiện ở thế kỷ thứ 4.
Cho đến lúc đó, người Kitô hữu tránh việc bày tỏ thánh giá. Không phải vì bị cấm nhiều cho bằng vì ý nghĩa tự nhiên của nó vẫn còn đang tranh cãi. Vì ít nhất cho đến hai thế kỷ sau Chúa Giêsu, thánh giá là biểu trưng cho cái chết của nô lệ, một cái chết đau khổ sau khi bị lôi đi trên khắp đường phố của đế quốc Rôma. Vì thế thánh giá là một biểu tượng mơ hồ, và nêu lên nhiều vấn đề.
Và đó là lý do vì sao tôi đeo thánh giá. Nó nêu lên nhiều vấn đề - cho tôi! Bởi vì, một mặt “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn,” (53,2-3); và mặt khác, chính xác trong bản văn công bố thánh giá mà Chúa Cha nói về Ngài từ trời: “Con là Con ta yêu dấu, Con đẹp lòng ta mọi đàng” (Mt 3,17). Thánh giá mà tôi đeo nơi cổ nhắc nhở tôi tự vấn chính mình: “Tôi có sống đẹp lòng Thiên Chúa Cha không? Ngài có hài lòng với những suy nghĩ, lời nói, việc làm của tôi không? Tôi có đón nhận thánh giá trong cuộc sống được trao cho tôi như chiếc thánh giá thu nhỏ tôi mang trong mình hằng ngày không?” Vì thế, đeo thánh giá nơi cổ là một lời mời gọi đơn giản xem xét lại ý thức của mình mỗi ngày.
Tôi không đeo thánh giá để biểu diễn. Thánh giá mà tôi mang quanh cổ không phải là một hình thức cho thấy tôi thánh thiện, hay bày tỏ quan điểm của tôi. Đeo thánh giá nơi cổ không có nghĩa là tôi có điều gì đó tốt. Thực tế cũng không phải đeo thánh giá là tự nhiên trở thành nhân chứng cho Người đã chết trên Thánh giá. Thánh giá đã xuất hiện nhiều trên những lá cờ và huy hiệu và không phải tất cả đều chuyển tải một mục đích tốt.
Tôi mang thánh giá bởi vì trong một thế giới đấu tranh, phản kháng và chiến đấu không ngừng, nó là cái neo của con thuyền cuộc đời tôi, nó được buộc với một thế giới khác. Tôi mang nó để nhớ rằng quê hương mà từ đó tôi đến và tôi sẽ trở lại đó, khác với nơi đây. Nó giống như một tiêu chuẩn mà theo đó tôi bước đi chậm rãi, chắc chắn hướng về khởi đầu của vương quốc sự thật và sự sống, một vương quốc của sự thánh thiện và ân sủng, một vương quốc của công bằng , tình yêu và hòa bình.
Thánh giá không phải là bùa may mắn hay hộ mệnh. Tôi không đeo nó để tránh xui xẻo, hay thay đổi những việc không lưu tâm trong hành trình ước muốn của tôi. Tôi vẫn có thể bị tai nạn xe, bị ung thư hay thất nghiệp với thánh giá mang nơi cổ. Cũng vậy, tôi vẫn có thể lừa dối, vu khống và gây ác mộng cho những người phải sống với tôi hằng ngày khi tôi đeo thánh giá. Vì thánh giá không chỉ thay đổi một cách ngoạn mục bản thân tôi hay thực tế quanh tôi. Lễ biến hình hay Vượt Qua của cuộc đời tôi và của thế giới quanh tôi chỉ có thể được hoàn tất bởi Chúa – Thiên Chúa của tất cả sự thật và của trái tim tôi.
Nhưng việc đeo thánh giá nhắc tôi về một Người mà tất cả chúng ta thuộc về, và Người là tiếng nói cuối cùng. Nó nhắc tôi rằng mình đã được chuộc lại “với một giá rất cao” (1Cr 6,19-20), Ngài đã cứu độ tôi và thanh tẩy tôi trong Máu của Ngài và không có ý định từ bỏ tôi.
Đeo thánh giá quanh cổ là một lời hứa và một lời mời gọi để cho Ngài hoạt động trong tôi, và luôn ở với tôi. Cộng tác với Ngài trong ơn cứu độ. Tại đây và lúc này. Ngay nơi tôi ở và trong môi trường mà tôi đang chiến đấu.
Đức Giêsu tận hiến trên Thánh giá để “kéo mọi vật lên với Ngài” (Ga 12,32). Ngài đã chết và sống lại, và trong một ý nghĩa nào đó, ơn cứu độ của tôi vẫn còn tiếp diễn.
Pascal đã viết, sự đau đớn của Đức Kitô sẽ vẫn còn tiếp tục cho đến ngày tận thế. Như vậy mọi người sẽ không thể ngủ. Tôi mang thánh giá vì tôi cần “được đánh thức”.
(Why I wear the cross (it’s not what you might think) / Dk. Michał Lubowicki)
Cành Dương chuyển ngữ