Giây phút sau khi rước lễ là giây phút cần thiết cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa. Đôi khi chúng ta lặn nhanh sau khi rước lễ vì chúng ta bận chuyện khác. Nhưng nếu cộng đoàn không để ý thì chưa chắc… Chúa đã không để ý!
Nơi tôi lớn lên, rất hiếm khi một tín hữu bỏ về trước khi lễ xong. Nhưng trong nhiều lần đi đây đó, tôi ngạc nhiên thấy mỗi vùng có mỗi cách, thậm chí trong từng vùng, giáo xứ này cũng khác giáo xứ kia. Khi sự việc này chỉ có một hoặc hai người làm thì không sao, nhưng khi một nửa nhà thờ biến mất trước khi linh mục ban phép lành thì tôi buồn lắm.
Bạn có cần biết có một lý do nào tốt để ở lại cho đến hết lễ không?
Tôi là nữ tu, tôi sẽ làm gương xấu nếu tôi vội vã rời nhà thờ ngay sau khi rước lễ. Nhưng nếu tôi ở lại thì vì những lý do sau:
1.Rước lễ là chia sẻ: là nhận chính Chúa Giêsu. Đi ngay lập tức sau đó thì cũng giống như bạn được bạn bè mời tới ăn, vừa nuốt miếng bánh tráng miệng xong, bạn chào từ giã: “Bánh thật ngon, chúa nhật tuần sau nhé, tôi hy vọng!”. Nếu thật sự rước Chúa vào lòng, chúng ta cần bỏ chút thì giờ để chia sẻ giây phút này với Ngài.
2.Về quá sớm thì cũng giống như đóng sầm cửa lại: ở tu viện, trước thánh lễ, chúng tôi dành ra nửa giờ để suy niệm Phúc Âm. Đôi khi đi trễ, tôi chạy nhanh vào chỗ, đầu cúi xuống, mắc cở vì tôi chưa tỉnh. Nhưng gần đây tôi hiểu, không phải vì sợ người khác đánh giá mà tôi phải đi đúng giờ, nhưng Chúa Giêsu là người tôi gặp. Vì sao chúng ta đặt quan trọng vào phản ứng của người khác, trong khi chính Chúa Giêsu mới quan trọng? Vì sao chúng ta hấp tấp đi lo các sinh hoạt bình thường, trong khi Đấng Tạo Dựng vũ trụ đang chờ chúng ta?
3.Thánh lễ không phải là thêm một sinh hoạt: tôi thường thấy nhiều người vội vã rời thánh lễ như họ mong làm cho xong một bổn phận. Là người công giáo không phải là làm cho xong một loạt bổn phận, nhưng là được mời để sống trong đức tin. Nếu chúng ta đi lễ chỉ duy nhất để cảm thấy mình tuân theo luật Giáo hội thì chúng ta đi bên lề đời sống thiêng liêng, một đời sống mời gọi chúng ta có một quan hệ đích thực với Chúa và để biến đổi chúng ta.
4.Phép lành cuối cùng là quan trọng: Ông Zacaria, thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả vào Đền thánh ngày thiên thần báo cho ông và vợ ông biết họ sẽ có một đứa con trai. Giáo dân đứng bên ngoài chờ ông đi ra ban phép lành nhưng ông Zacaria đi ra câm lặng, vì ông không tin vào lời thiên thần. Ban phép lành là một cử chỉ cao quý và chắc chắn giáo dân đã hẳn rất thất vọng. Khi linh mục ban phép lành vào cuối lễ là chính Chúa ban phép lành cho chúng ta. Nếu chính Chúa Giêsu sắp ban phép lành, thì liệu chúng ta có rời nhà thờ hay ở lại chờ thêm một chút?
5.Chúng ta thật sự nhận ơn: theo sách giáo lý, “hoa trái của các bí tích tùy theo tình trạng của người nhận”. Các bí tích tự chính nó có một quyền lực, nhưng chúng ta mới là người quyết định có để cho quyền lực đó vào tâm hồn mình không. Nếu chúng ta vội vã ra khỏi nhà thờ sau khi rước lễ, thì có thể chúng ta không ý thức trọn vẹn sự việc phi thường vừa xảy ra, chúng ta vừa rước Mình Máu Thánh Chúa vào lòng. Đó không phải là chuyện thường! Nhưng đó là một chuyện xứng đáng được tôn kính, vì chúng ta cần tất cả ơn sủng mà chúng ta có thể nhận được.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch