Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 20 Tháng 9 2017 14:57

Thánh Matthêu với ba sứ mạng quan trọng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thánh Matthêu với ba sứ mạng quan trọng

Bạn thân mến,

Hình ảnh ông Mát-thêu người thu thuế chắc quen thuộc đối với nhiều người khi đọc Tin Mừng. Quen thuộc vì ông là người thu thuế duy nhất được Đức Giêsu gọi chọn làm Tông đồ. Bởi đó khi ở với Đức Giêsu, ông chứng kiến, lắng nghe và thấu hiểu cuộc đời và sứ mạng của Thầy. Sau này ông dành cả quãng đời còn lại để tường thuật lại những gì liên quan đến Thầy Giêsu. Đó là sách Tin Mừng Tân Ước đầu tiên mang tên ông. Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Mát-thêu Tông đồ, tôi muốn kể với bạn về ba sứ mạng mà ông đảm nhiệm.

Sứ mạng thu thuế

Quả là hạ thấp khái niệm “sứ mạng” nếu ta đặt chung với động từ thu thuế. Tuy vậy nếu tạm hiểu sứ mạng theo nghĩa hẹp nhất là một công việc, thì trước khi theo Thầy Giêsu, ông đã làm công việc thu thuế này. (Một trong những nghĩa của từ Mission mà từ điển định nghĩa là một công việc quan trọng ai đó được trao cho để thi hành.)

Ông là một người Do Thái tài giỏi sinh tại Ca-phác-na-um ven hồ Galilê. Thời Đức Giêsu, đây là một trong hai thành phố kinh tế quan trọng (sau Giê-ri-cô). Quan trọng vì đó là “ngã tư quốc tế” nằm ngay biên giới giữa hai tiểu vương Hêrôđê Philipphê và Hêrôđê Antipát. Hẳn nhiên đế quốc Rôma xem trọng việc thu thuế như nguồn thu nhập dồi dào. Theo đó những ai làm nghề thu thuế ở đây cũng có của ăn của để và có uy quyền.

Hằng ngày ông ngồi ở trạm để thu thuế những ai ra vào thành. Ông làm với tất cả niềm hãnh diện của một nghề mà nhiều người ước ao. Tuy vậy, dưới con mắt của người bản xứ, của đồng bào ông, Mát-thêu là người tiếp tay cho giặc, thông đồng với đế quốc để bóc lột dân. Do đó, dân của ông không ưa gì những kẻ thu thuế, ông là người tội lỗi.

Trong khi làm nghề này, ít nhiều ông cũng nghe đến tiếng tăm của Đức Giêsu. Từ khi bắt đầu công bố Nước Trời, Đức Giêsu bỏ làng Nazaret để xuống vùng biển hồ Galilê, vào thành Ca-phác-na-um để rao giảng tin mừng. Chính Mát-thêu kể rằng khi biết Gioan Tẩy Giả vào tù, Đức Giêsu bỏ Nazaret đến Ca-phác-na-um, một thành phố ven biển Galilê thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Nap-ta-li. Đây không chỉ là vùng đất của dân ngoại, mà còn là lãnh thổ đầy bóng tối của sự dữ hoành hành.

Nếu công việc thu thuế cho người ta an nhàn sung sướng, thì Mát-thêu có lý để ông chu toàn sứ mạng mà Rôma giao cho ông. Tuy vậy, từ ngày Giêsu rảo bước đến vùng này, ông ít nhiều nghe tiếng tăm của Thầy, nhất là trong lúc Thầy đang tuyển chọn những môn đệ để theo Thầy. Chắc chắn Mát-thêu nhiều lần đã gặp Giêsu, vì Thầy thường lui tới với những người tội lỗi để kêu gọi người ta sám hối ăn năn. Công việc thu thuế vẫn tốt đẹp với ông; tiếc là ông vẫn bị kỳ thị từ phía người Do Thái sùng đạo. Với ông điều ấy đâu quan trọng. Có tiền và công việc ổn định là phần phúc cho Mát-thêu rồi.

Sứ mạng Tông đồ

Sau khi Đức Giêsu chữa người bại liệt trong thành Ca-phác-na-um, Thầy cùng vài môn đệ đi qua trạm thu thuế. Dĩ nhiên từ lâu Mát-thêu có chút ngưỡng mộ Thầy. Lúc ấy Thầy đến gần và nói với ông một câu mà chưa bao giờ ông nghĩ tới: “Anh hãy theo tôi!” Đó là một ơn gọi, một sứ mạng mới mở ra cho cuộc đời ông. Sứ mạng từ đây không chỉ là công việc được giao, nhưng là một tầm cao mới vốn đi theo một con người mang tên Giêsu, “Sequela Christi”. Từ đó, công việc thu thuế chẳng hấp dẫn ông nữa. Ông chấp nhận từ bỏ mọi sự để bước theo Thầy. Tuy mất công ăn việc làm, mất lương bổng và cả danh vọng quyền uy, nhưng ông vẫn vui chấp nhận.

Tin Mừng do chính ông kể lại: “Ông đứng dậy đi theo Người.” Vậy là từ đây ông chính thức trở nên môn đệ của Thầy, thuộc vào nhóm mười hai. Chắc chắn ông hớn hở vui mừng, hạnh phúc để “thết đãi” thầy, các môn đệ và đồng nghiệp một bữa tiệc linh đình. Sau bữa tiệc ở nhà mình hôm ấy, ông là người tội lỗi nhưng chính thức được Thầy chọn làm Tông đồ.

Các sách Tin Mừng cho thấy ông có hai tên gọi: Lê-vi và Mát-thêu. Trong danh sách nhóm Mười Hai thì tên ông là Mát-thêu (nghĩa là Hồng ân Thiên Chúa). Đúng là ông được Thầy đoái thương trao tặng hồng ân làm Tông Đồ, một sứ mạng không chỉ đi theo, lắng nghe mà còn ở với Thầy. Cũng như các tông đồ khác, ông chứng kiến tất cả những gì Đức Giêsu đã thực thi và rao giảng. Bởi đó, trong hành trình theo Thầy khắp đó đây, ông hiểu Thầy và hằng yêu mến Thầy.

Rồi kể từ khi Thầy chịu chết và sống lại, sứ mạng của Tông Đồ không gì khác hơn là rao giảng và làm chứng cho muôn dân về cái chết và sự phục sinh của Thầy. Đó là sứ mạng quan trọng và khó khăn. Quan trọng vì là mệnh lệnh Thầy Giêsu phục sinh truyền cho các Tông Đồ mà chính ông đã chú tâm lắng nghe: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo chọ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Trong khi thi hành sứ mạng ấy, dĩ nhiên các ông gặp biết bao khó khăn từ phía người Do Thái sùng đạo vốn chỉ tin vào Cựu Ước.

Sứ mạng viết sách Tin Mừng

Như chúng ta biết, Đức Giêsu không để lại trang viết tay nào cho hậu thế. Sau khi Ngài phục sinh, các Tông đồ và nhiều người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trong Cựu Ước. Bởi đó trong cộng đoàn tiên khởi, họ truyền khẩu cho nhau những lời giảng và những việc làm của Đức Giêsu. Trong mối lắng lo thế hệ cùng thời với Đức Giêsu sẽ qua đời, Mát-thêu nhận một sứ mạng là viết lại những gì chính ông chứng kiến và những điều ông nghe được từ nguồn truyền khẩu.

Là người Do Thái tri thức, ông đã viết Tin Mừng thứ nhất một cách mạch lạc và hệ thống: Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Điểm then chốt trong Tin Mừng của ông là “Nước Trời”, được trình bày trong năm bài giảng. Cuối mỗi bài ông đều viết: “Khi Đức Giêsu giảng những điều ấy xong…” Giống như thánh Luca, chắc chắn Mát-thêu sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, ông đã viết ra Tin Mừng thứ nhất bằng tiếng Aram, ngôn ngữ hằng ngày thời bấy giờ. Ngoài ra sứ mạng của ông còn dịch Tin Mừng sang tiếng Hy Lạp để giúp các cộng đoàn Kitô giáo gốc Do Thái đang sinh sống ngoài Đất Thánh. Hiện nay tiếc là bản tiếng Aram đã bị thất truyền, người ta chỉ còn giữ bản dịch Hy Lạp vốn được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ thứ nhất.

Độc giả mà ông nhắm tới là người Do Thái. Theo đó ông dùng nhiều nguồn Cựu ước để làm sáng tỏ Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Thiên Sai. Đấy là sứ mạng viết Tin Mừng của ông: “Đức Giêsu là Đấng Mêsia đích thực như Thiên Chúa đã phán. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa, được thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội.” Đó là giáo huấn thật vững chắc mà ông đã viết ra trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần vào khoảng năm 70-80.

Hôm nay nguồn mạch Lời Chúa từ Tin Mừng của ông vẫn đang nuôi sống biết bao tâm hồn. Ông ước mong độc giả tin vào Lời Chúa để yêu mến Giêsu nhiều hơn. Phần ông, từ một người thu thuế tội lỗi, ông đã được Chúa gọi bước theo Thầy, rồi sau này được Chúa Thánh Thần dùng ngòi bút của ông mà viết nên Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Hậu thế cảm ơn công sức của ông thuật lại những điều liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Qua đó ai tin vào Chúa Giêsu thì được sự sống đời đời.

Mừng Lễ Thánh sử Mát- thêu, Tông Đồ, ngày 21 tháng 9.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Read 1323 times Last modified on Thứ năm, 21 Tháng 9 2017 16:17