1 THÁNG MƯỜI HAI
Hãy Tỉnh Thức
Các bài đọc phụng vụ khích lệ tất cả con cái Giáo Hội nắm vững chân lý Mùa Vọng: Thiên Chúa đang đến gần! Nó cho chúng ta biết mình phải đáp trả thế nào trước sự đến này, một sự đến vừa gần vừa xa. Con người cần nâng tâm hồn mình lên, như Thánh Vịnh đáp ca mời gọi chúng ta: “Lạy Chúa, này con nâng hồn lên tới Chúa!” (Tv 25,1).
Nâng hồn lên nghĩa là gì? Trước hết nó có nghĩa là học biết đường lối của Thiên Chúa. “Xin dẫn con đi trong chân lý của Ngài và dạy bảo con” (Tv 25, 5). Tác giả Thánh Vịnh biết rằng Thiên Chúa “chỉ đường cho các tội nhân, Ngài hướng dẫn kẻ khiêm nhường đi trên đường công chính” (Tv 25,8-9).
Bằng cách này, Thiên Chúa cho thấy “giao ước của Ngài” (Tv 25,14). Xuyên qua giao ước này, các ý định của Thiên Chúa về con người được bộc lộ rõ cho mọi người. Để có thể hoàn thành các ý định này cho con người, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài: “Mọi đường lối Chúa đều yêu thương và thành tín” (Tv 25,10).
Như vậy, Thánh Vịnh đáp ca mạc khải cho chúng ta tiếng gọi căn bản của Mùa Vọng, tiếng gọi mà Giáo Hội tìm thấy trong lời Chúa nói với mọi người: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
2 THÁNG MƯỜI HAI
Gặp Gỡ Chính Thiên Chúa
“Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.
Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ
cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người
hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta” (Tv 85, 9-10).
Chúng ta cầu nguyện bằng những lời ấy của Thánh Vịnh. Và những lời ấy được hoàn thành khi Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét nghe lời Thiên Chúa nói qua sứ thần: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao … Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35).
Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho ngài. Ngài lắng nghe Thiên Chúa với toàn tâm. Ngài không chỉ đón nhận Lời trở thành xác phàm. Ngài vâng theo Lời và đáp: “Này tôi đây là nữ tì của Chúa, xin hãy thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mùa Vọng đã được hoàn thành như thế, Mùa Vọng đầu tiên của loài người.
Mùa Vọng, đó là sự đến gần ơn cứu độ. Mùa Vọng hướng chỉ vinh quang của Thiên Chúa trên trái đất. Mùa Vọng là một cuộc gặp gỡ với chính Thiên Chúa – như lời Thánh Vịnh:
“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hòa bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).
Và, Lời trở thành xác thịt trong cung lòng Đức Trinh Nữ. Công lý đến từ Thiên Chúa. Công lý đến trong tư cách là phúc ân và an bình, là sự giao hòa với Thiên Chúa và với người Con vĩnh cửu.
Công lý được ban cho con người trong Đức Kitô như thế đòi hỏi con người phải đáp lại như thế nào? Con người phải mang lấy gì trong lòng mình? Con người phải mang lấy lòng trung thành, vì
“Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,12).
Đó đúng là điều đã xảy ra trong tâm hồn Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Quả thật, chính trong tâm hồn ngài, Mùa Vọng đầu tiên của nhân loại đã được hoàn tất. Ngài trở thành mẫu thức của Giáo Hội qua lời đáp trả đầy niềm tin của mình. Và biến cố Truyền Tin đã trở thành biến cố Chúa đến cách dứt khoát.
3 THÁNG MƯỜI HAI
Mùa Vọng,
Thời Gian Của Đức Ma-ri-a
Một cách đặc biệt, Mùa Vọng là thời gian của Đức Ma-ri-a. Mẹ cưu mang Đấng Mêsia đã được mong đợi từ bao đời, Đấng là niềm hy vọng của mọi thời đại. Có thể nói, chính nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy ý nghĩa tối thượng và đầy đủ của Mùa Vọng. Lễ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm được Giáo Hội cử hành trọng thể trong Mùa Vọng, điều đó có ý nghĩa hùng hồn biết bao!
Ngày Sinh Nhật Đức Mẹ được Giáo Hội mừng trọng thể hằng năm vào ngày 8 tháng 9; dù vậy, Mùa Vọng vẫn đưa chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm thánh thiêng của ngày sinh nhật này. Trước khi xuất hiện trong trần gian, Đức Ma-ri-a được thụ thai trong cung lòng thân mẫu ngài. Đàng khác, cũng chính khoảnh khắc đó, Mẹ được sinh ra bởi chính Thiên Chúa, Đấng hoàn thành mầu nhiệm Vô Nhiễm Trinh Thai: Mẹ được sinh ra “đầy ơn phúc”!
Vì thế, cùng với vị Tông Đồ Dân Ngoại, chúng ta lặp lại: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giê-su Kitô, trong Đức Kitô, Ngài đã ban cho chúng ta muôn vàn ơn phúc bởi Thánh Thần” (Ep 1,3). Và Đức Ma-ri-a được chúc phúc một cách đặc biệt, một cách độc đáo vô song. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn Mẹ trước khi tạo thành thế giới để Mẹ trở nên thánh thiện tinh tuyền trước mặt Ngài (cf. Ep 1,4). Vâng, Chúa Cha vĩnh cửu đã chọn Đức Ma-ri-a trong Đức Kitô. Ngài đã chọn Mẹ cho Đức Kitô. Ngài đã làm cho Mẹ nên thánh thiện, thậm chí nên rất mực thánh thiện. Và hoa quả đầu tiên của sự tuyển chọn và của tiếng gọi này là: mầu nhiệm Mẹ Vô Nhiễm!
4 THÁNG MƯỜI HAI
Ánh Sáng Chiếu Soi Linh Hồn Người Ta
Lạy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm,
Là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.
Mẹ là ánh sáng của Mùa Vọng đầu tiên,
Mẹ là sao mai báo hiệu Đấng Cứu Thế đang đến.
Nay Giáo Hội và nhân loại đang bước đi trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba,
Xin Mẹ trở nên ánh sáng chiếu soi Mùa Vọng mới này của chúng con,
Xin Mẹ làm sao mai chiếu rọi – để chúng con không bị nhận chìm trong đêm tối.
Trong thời đại của chúng con hôm nay, những đám mây mù đe dọa đang vần vũ trên chân trời nhân loại – và bóng tối đang phủ trùm bao linh hồn người ta.
Lạy Mẹ, xin ra tay và xin lên tiếng – tiếng nói đầy uy lực của một người mẹ.
Xin Mẹ hãy nói vào đáy tâm can của những ai đang nắm giữ vận mệnh của các quốc gia.
Xin hãy nói để họ nhận hiểu – và để họ tìm ra những giải pháp đúng đắn dàn xếp các xung đột đang chia rẽ người ta.
Xin hãy thuyết phục những ai đang giữ súng đạn trên khắp thế giới này – để họ hưởng ứng tiếng gọi của hòa bình, một tiếng gọi vang vọng tới họ từ biết bao con người khốn khổ trên trái đất.
Lạy Mẹ, xin hãy khơi lên trong tâm hồn mọi người ý thức liên đới với những ai túng cùng, với những ai đang chết dần mòn vì đói, với những ai đang bị xua đuổi khỏi quê hương mình, đang lây lất kiếm tìm một nơi trú ngụ, với những ai chịu cảnh thất nghiệp kéo dài, cảm thấy tương lai mình đầy mịt mù bất trắc.
Lạy Mẹ, xin bảo vệ sự hồn nhiên trong trắng của các trẻ thơ vô tội. Amen.
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời Cũ – Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
6 THÁNG MƯỜI HAI
Sinh Bởi Thánh Thần
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Giáo Hội nhận Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, làm nguyên mẫu (prototype) của mình. Chân lý này được diễn tả bởi Công Đồng trong chương cuối Hiến Chế Giáo Hội. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta ý thức về chân lý này.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Trong ánh sáng của những lời ấy, Mẹ Thiên Chúa đã không được nhìn thấy như là nguyên mẫu và là hình ảnh của Giáo Hội đó sao?
Giáo Hội được khai sinh qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ khi các vị đang tề tựu trong Căn Gác Thượng cùng với Đức Ma-ri-a. Giáo Hội được khai sinh khi “quyền năng Đấng Tối Cao” tuôn tràn Thánh Thần trên các Tông Đồ để giúp họ vượt thắng những yếu đuối của mình và khỏi vấp ngã khi phải đương đầu với sự bách hại vì Tin Mừng.
Mừng kính Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, phụng vụ dẫn chúng ta trở về với buổi ban đầu của lịch sử sáng tạo và cứu độ. Thật vậy, thậm chí phụng vụ đưa chúng ta trở về trước cả buổi bình minh sáng tạo nữa.
7 THÁNG MƯỜI HAI
Được Chọn Để Nên Thánh Thiện Và Tinh Tuyền
Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Đức Maria lắng nghe những lời này: "Kính chào người được sủng ái!" (Lc 1,28). Hay như ta thường nói: "Kính chào Bà đầy ân phúc!" Lời chào này đến với Mẹ – như Thư Êphêsô cho thấy – từ chính Thiên Chúa. Đó là một sự diễn tả của tình yêu vĩnh cửu, một diễn tả về việc Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ "trên các tầng trời trong Đức Kitô". Thiên Chúa "đã chọn chúng ta trong Người, trước khi tạo thành vũ trụ, để trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước nhan Ngài" (Ep 1,4).
Đức Nữ Trinh ở Na-da-rét nghe lời chào này: “Kính chào Bà đầy ơn phúc!” Lời chào ấy nói về sự kiện Mẹ được ưu tuyển trong Đức Kitô.
Lạy Nữ Tử It-ra-en,
Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã chọn Mẹ –
để trở nên thánh thiện và tinh tuyền.
Người đã chọn Mẹ trước cả khi vũ trụ bắt đầu.
Người đã chọn Mẹ để trở nên thánh thiện vô tì vết
ngay từ giây phút đầu tiên
Mẹ đầu thai trong lòng thân mẫu.
Người đã chọn Mẹ do tình yêu đối với Con của Người.
Vì trong mầu nhiệm Nhập Thể,
Con Thiên Chúa đã có được người mẹ
do Thiên Chúa tuyển chọn
trong tất cả sự viên mãn của Mẹ:
người Mẹ đầy ân sủng thần linh.
Vì thế, sứ thần chào Mẹ ‘Bà đầy ơn phước!’
8 THÁNG MƯỜI HAI
Mầu Nhiệm Khởi Nguyên
Phụng vụ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm gợi cho chúng ta suy tư về ‘mầu nhiệm khởi nguyên’. Thực vậy, bài đọc I được trích từ Sách Sáng Thế. Ở đây chúng ta thấy lịch sử cứu độ khởi đầu bằng tội lỗi của người nam và người nữ đầu tiên. Lời tiên báo đầu tiên về Đấng Cứu Thế được ghi lại cho các thế hệ tương lai: Protoevangelium (Tin Mừng tiên khởi).
Thiên Chúa Giavê nói với Thần Dữ dưới lốt con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi nàng; Người sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cố cắn gót chân Người” (St 3,15).
Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm được giới thiệu như một tương phản của cảnh sa ngã ấy. Vô Nhiễm có nghĩa là tự do khỏi di lụy tội nguyên tổ. Vô nhiễm là sự giải thoát Đức Maria khỏi các hậu quả do sự bất tuân phục của Ađam thứ nhất.
Sự giải thoát ấy được trả giá bằng sự vâng phục của Ađam thứ hai là Đức Kitô. Đúng là nhờ giá này, giá máu cứu độ của Người, mà cái chết thiêng liêng do tội lỗi không thể chạm tới Mẹ của Đấng Cứu Chuộc.
9 THÁNG MƯỜI HAI
Linh Hồn Tôi Nhảy Mừng Trong Chúa
Nỗi chờ mong của Đức Nữ Trinh, Đấng “được sủng ái giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42), đúc kết tất cả niềm hy vọng mà Dân Thiên Chúa đã đặt vào các lời hứa được trao cho các tổ phụ. Và xuyên qua dân Israel, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại được kết đọng lại trong nỗi chờ mong vĩ đại này.
Chúng ta cũng hãy trân trọng thái độ chờ mong trong đức tin của Đức Maria, một đức tin cắm rễ sâu trong lịch sử dân tộc và trong niềm hy vọng của toàn thể loài người. Chúng ta hãy nắm vững ý nghĩa của nó khi chúng ta hành trình qua các thế kỷ. Đó là một con đường được thiết lập vững chắc trên niềm hy vọng cứu độ đến từ chỉ một mình Thiên Chúa.
Đức Maria được chúc phúc bởi vì Mẹ tin vào sự hoàn thành những lời Chúa nói cùng Mẹ (Lc 1,45). Mẹ biết rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ lời hứa của Người. Mẹ ‘vui mừng’ và đồng thời Mẹ ‘được chúc phúc’ bởi Thiên Chúa. Hai tình trạng hiện hữu ấy không thể tách rời – vì cái trước là hệ quả của cái sau.
Lời chúc phúc, được Thiên Chúa nói lên, luôn luôn là nguồn sự sống và do đó cũng là nguồn đem lại niềm vui. Trong toàn bộ Thánh Kinh, niềm vui đến xuyên qua việc trao ban và thông truyền sự sống, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Hễ ai được Thiên Chúa ‘chúc phúc’ bằng sự sống của Ngài, thì người ấy cũng ‘mừng vui’.
Đức Maria vui mừng chờ mong món quà sự sống. Nhưng chính sự sống ấy cứu độ Mẹ và làm cho Mẹ mừng vui. Vì sự sống ấy là chính Con Thiên Chúa.
10 THÁNG MƯỜI HAI
Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm
‘Vô Nhiễm’ không duy chỉ có nghĩa rằng Đức Maria đã được dành cho một chỗ đặc biệt trên tất cả số còn lại của chúng ta. ‘Vô Nhiễm’ cũng không có phải là Mẹ được tách ra khỏi tất cả chúng ta – là những kẻ phải chịu di lụy của tội nguyên tổ.
Phải nói hoàn toàn ngược lại mới đúng. Mẹ đứng ở giữa cuộc chiến thiêng liêng chống lại Vua của Tối Tăm và Cha của Dối Trá – là kẻ thù của người phụ nữ và miêu duệ người phụ nữ.
Qua Sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm với tất cả sự thật của việc Mẹ được tuyển chọn. Chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ ở tột đỉnh của mối thù ấy: dưới chân Thập Giá Chúa Kitô trên đồi Canvê. Chính ở đó mà ‘Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi cố cắn gót chân Người’. Trả giá bằng chính mạng sống mình, Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự chiến thắng trên Satan, trên tội lỗi và sự chết.
11 THÁNG MƯỜI HAI
Một Người Mẹ Trong Trật Tự Ân Sủng
“Đức Maria Vô Nhiễm đứng dưới chân Thập Giá: Mẹ đã mang thai, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thờ, chia sẻ đau khổ của Con mình khi Người chết trên Thập Giá. Vì thế, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc của Đấng Cứu Thế bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng cháy… Vì thế Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng.” (LG 61). Đó là giáo huấn của Công Đồng.
Và đó là lý do tại sao Mẹ Thiên Chúa cũng gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Mẹ là hình ảnh diễn tả Giáo Hội – như thánh Ambrôsiô dạy – trong trật tự của đức tin, của tình yêu và của sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Kitô. Thật vậy, ‘trong mầu nhiệm Giáo Hội, vốn được gọi rất đúng là ‘mẹ và trinh nữ’, thì Đức Nữ Trinh Maria đã đi đầu, đã tỏ ra là mẹ và trinh nữ trong một cách thế ưu việt và vô song” (LG 63).
12 THÁNG MƯỜI HAI
Emmanuel – Thiên Chúa Ở Với Chúng Ta
Thiên sứ thưa với Đức Maria: “Cô sẽ mang thai, sinh một con trai và cô sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Lc 1,31). Sự hoàn thành những lời này đang đến rất gần. Tất cả phụng vụ Mùa Vọng đều đầy ắp niềm mong đợi này.
Trong những ngày cuối cùng của mùa phụng vụ thánh này, chúng ta chào mừng Đấng sắp đến với những điệp ca Mùa Vọng tuyệt mỹ, những điệp ca tóm lược cả mầu nhiệm Nhập Thể. Giáo Hội thưa lên với Đấng sắp được sinh hạ bởi Đức Nữ Trinh và đặt tên Giêsu rằng:
Lạy Đấng Khôn Ngoan, xuất phát từ Đấng Tối Cao,
Lạy Đức Chúa, thủ lãnh nhà Israel,
Lạy Chồi Non gốc Giêsê, được dựng nên như cờ hiệu cho các dân tộc,
Lạy Chìa Khóa nhà Đavít, Ngài mở và không ai đóng lại được, Ngài khóa và không ai có thể mở ra,
Lạy Aùnh Bình Minh Phương Đông, Ngài là vẻ huy hoàng của ánh sáng muôn thuở và là mặt trời công chính,
Lạy Vua muôn dân và là đá góc tường,
Lạy Đấng Emmanuel!
“Một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và sẽ đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Đó là những lời của Ngôn Sứ Isaia, được viết từ nhiều thế kỷ trước Đức Kitô.
Đức Maria, cùng với thánh Giuse, đang tiến gần tới Bê lem. Mùa Vọng Đấng Cứu Độ đang chạm đến tột điểm của nó. Và chính Đức Maria cũng là một món quà phúc ân trọn vẹn làm tràn ngập trong tâm hồn chúng ta niềm đợi trông và hy vọng.
13 THÁNG MƯỜI HAI
Một Lời Mời Tiến Tới Mật Thiết
Chúa đang đến gần! Nào ta hãy hân hoan lắng nghe lời sau đây của Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a: “Hãy reo vui, hỡi con gái Si-on! … Này Vua Israel là Đức Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn phải sợ hãi … Hỡi Si-on, đừng sợ! Đừng thất đảm!” (Xp 3,14-16).
Thiên Chúa đang hiện diện giữa Israel dân Người, sự hiện diện gần gũi ấy của Người là nguồn sức mạnh chống lại mọi sự dữ. Sự hiện diện của Người là sự nâng đỡ có sức cứu độ. Người là ‘Đấng cứu độ uy quyền’ (Xp 3,17). Đây là nguồn mạch để chúng ta canh tân tinh thần. Vì sự hiện diện của Người giữa con người cho thấy tình yêu của Người đối với chúng ta, một tình yêu chiến thắng mọi sự dữ.
Tân Ước làm chứng cho sự thật đó. Chẳng hạn, Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi xin nói lại. Hãy vui lên! Chúa đang đến gần” (Pl 4,4-5). Hãy vui lên trong sự hiện diện cứu độ của Người, hãy vững tin nơi Thiên Chúa. Rồi Thánh Tông Đồ viết: “Anh em đừng âu lo xao xuyến, nhưng trong mọi sự, bằng lời kinh nguyện và cầu xin, với tâm tình tạ ơn, anh em hãy trình bày những ước nguyện lên Chúa” (Pl 4,6).
Lời tuyên bố “Chúa gần đến” là một lời mời gọi đi vào kết hợp mật thiết với Người – sự mật thiết này được thể hiện cách trực tiếp qua cầu nguyện. Chính qua cầu nguyện mà chúng ta mở lòng mình ra với Chúa và chia sẻ cho Ngài chính cuộc sống của chúng ta.
14 THÁNG MƯỜI HAI
Chúa Đang Đến Gần
Hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Hãy nhân hậu và từ tâm, hãy sẵn lòng tha thứ cho nhau.
Chúa gần đến. Nguyện xin Người ban bình an của Người cho bạn! Thánh Tông Đồ viết: “Sự bình an của Chúa, vốn vượt trên mọi trí hiểu, sẽ canh giữ lòng trí anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,7).
Sự bình an ấy thật là một hồng phúc lớn lao! Tiên vàn, đó là sự bình an của một lương tâm ngay thẳng. Chúa đang đến gần, điều đó thúc bách chúng ta khảo sát lại lương tâm mình, thúc bách ta dò xét các tư tưởng và hành động của ta trước mặt Người.
Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan là một minh họa tuyệt vời về sự thúc bách này. Đó là lý do tại sao phụng vụ mùa Vọng hơn một lần gợi cho chúng ta chú ý đến sứ vụ ấy. Gioan là vị sứ giả loan báo rằng Đấng Mêsia đang đến gần. Ông đề nghị người ta hoán cải để đón nhận Đấng ‘sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa’ (Lc 3,16).
Chính qua sứ vụ của Gioan trên bờ sông Gio-đan mà con cái Israel nghe biết rằng Chúa đang đến gần. Trong ánh sáng này, câu hỏi đầu tiên của dân chúng là: “Vậy chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3,10). Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách mời gọi người ta sống công chính đích thực. Ông mời gọi cả những người thu thuế và các binh lính. Thì ra, khi Chúa đến gần, Người kêu gọi người ta hoán cải, canh tân, thay đổi cách sống.
Vâng, Thiên Chúa đang đến thật gần. Người kêu gọi người ta qua tiếng nói lương tâm trong sâu thẳm lòng họ. Nếu tiếng lương tâm nơi một người không vang lên, thì nghĩa là đương sự chưa gặp gỡ Thiên Chúa, đương sự chưa cảm nếm được sự gần gũi của Thiên Chúa trong ”Tinh Thần và Sự Thật” (Ga 4,23). Đương sự đã hụt mất Thiên Chúa hoặc chính đương sự đã quay lưng tránh xa khỏi Người.
15 THÁNG MƯỜI HAI
Ngài Đã Vượt Qua Mọi Giới Hạn
Một trong những đặc điểm của đức tin Kitô giáo chúng ta, đó là Thiên Chúa hiện diện rất gần gũi chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố: “Chúa đang đến gần,” và chân lý này không ngừng âm vang trong suốt cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa gần gũi bởi vì Ngài đã tự mạc khải chính Ngài cho con người. Ngài đã ngỏ lời qua các ngôn sứ, và trong thời sau hết, Ngài đã nói qua Con của Ngài (Dt 1,1-2).
Thiên Chúa gần gũi, bởi vì nơi người Con này, nơi Lời vĩnh cửu, Ngài đã trở thành phàm nhân. Sinh hạ tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu Na-da-rét đã ‘làm việc bằng đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, đã yêu mến bằng trái tim con người’ – như chúng ta đọc thấy trong một văn kiện của Công Đồng. “Ngài đã thực sự trở nên một người ở giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi” (MV 22). Thậm chí Ngài đã trở thành thấp hèn, vâng phục cho đến chết. Ngài bị xử tử trên Thập Gía. Có thể nói rằng trong hành động tiến tới với con người, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn.
Hơn nữa, tiến tới với con người, Ngài đã mặc lấy hình dạng của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Một lần nữa, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn mà con người có thể tưởng tượng ra.
16 THÁNG MƯỜI HAI
Vậy Chúng Tôi Phải Làm Gì?
Thiên Chúa đang đến gần ta, vậy ta sẽ đáp lại thế nào đây? Cũng như con cái Israel bên bờ sông Gio-đan, chúng ta tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Thiên Chúa hiểu thấu tất cả những gì kín nhiệm thẳm sâu trong cõi lòng con người, vì Ngài đến để làm ánh sáng soi chiếu lương tâm và trái tim con người.
Chúa đến gần ta, ta đáp trả thế nào đây? Đáp trả thế nào trước sự hiện diện của Ngài? Chúng ta có đầy lòng tôn thờ, đầy lòng nhiệt tâm với Chúa và tin tưởng nơi Ngài không? Phụng vụ Mùa Vọng kêu mời chúng ta đáp trả bằng thái độ như thế.
Hay chúng ta hành động cách khác hẳn? Hay chúng ta cứ sống đối ngược lại tinh thần mùa Vọng? Sự gần gũi của Thiên Chúa đã “quen quá hóa nhàm” đối với chúng ta rồi sao? Phải chăng chúng ta đã đánh mất chân lý thẳm sâu mà Thiên Chúa trao cho chúng ta trong Mùa Vọng? Phải chăng chúng ta đã trở nên dửng dưng với chân lý ấy?
Trước sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta có sẽ nói ‘vâng’? Hay là sự hiện diện ấy chỉ tổ quấy rầy và gây phiền phức cho chúng ta?
Phụng vụ Mùa Vọng thúc giục chúng ta giải quyết những câu hỏi ấy. Đó là những câu hỏi vô cùng cốt yếu. Những câu hỏi ấy không chỉ liên hệ tới con người luân lý và đến cung cách ứng xử của chúng ta, mà chúng còn liên hệ đến chính cốt lõi hiện hữu của chúng ta, đến lương tâm Kitô giáo của chúng ta.
Anh em hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Niềm vui của chúng ta sẽ là niềm vui đích thực và sâu xa khi chúng ta hiểu và đón nhận tất cả sự thật trong tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Gio-đan. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi với ta, cũng là một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện!
17 THÁNG MƯỜI HAI
Ngôi Lời Trở Thành Xác Thịt
Mùa Vọng đến gần sự hoàn thành của nó trong lịch sử loài người. Phụng vụ diễn tả cho chúng ta thấy điều đó.
Trong bài đọc trích Thư Do Thái, chúng ta nghe những lời này của Con Thiên Chúa: “Hy sinh và lễ vật Ngài không muốn, nhưng Ngài đã dọn cho con một thân thể … Thì lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5.7).
Theo những lời này, việc Thiên Chúa đến giữa chúng ta mặc lấy dạng thức của mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mầu nhiệm này từ đời đời, và giờ đây, Ngài đang hoàn thành nó. Chúa Cha sai Chúa Con đến, Chúa Con đáp trả tiếng gọi của Chúa Cha. Bởi quyền năng Thánh Thần, Người đã trở thành con người trong cung lòng Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét. “Ngôi Lời trở thành xác thịt” (Ga 1,14). Ngôi Lời là người Con yêu dấu từ đời đời. Yêu nghĩa là hợp nhất trong mục đích và trong ý muốn. Ý của Chúa Cha và ý của Chúa Con trở thành nên một hoàn toàn. Hoa quả của sự hiệp nhất này là chính ngôi vị tình yêu: là Chúa Thánh Thần. Và như vậy, hoa trái của ngôi vị tình yêu là cuộc Nhập Thể: “Ngài đã chuẩn bị cho con một thân thể.”
Chúa đã đến gần!
18 THÁNG MƯỜI HAI
Con Người Góp Phần Hoàn Thành Việc Thiên Chúa Đến
Trong biến cố thăm viếng, trước hết Êlizabét ca ngợi lòng tin của Đức Ma-ri-a: “Em thật có phúc vì đã tin rằng mọi điều Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).
Thật vậy, khi được truyền tin, Đức Maria đã ưng thuận và bày tỏ lòng vâng phục trong đức tin. Sự ưng thuận này – tiếng ‘fiat’ này của Mẹ – là khoảnh khắc có tầm quyết định. Mầu nhiệm Nhập Thể là một mầu nhiệm thần linh, song đồng thời đó cũng là một mầu nhiệm của con người. Quả vậy, Đấng mặc lấy xác phàm ấy chính là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, thân xác của Người cũng hoàn toàn là thân xác nhân loại : Đây là điều kỳ diệu trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.
Vào chính khoảnh khắc mà Đức Ma-ri-a nói lên lời ‘fiat’ (xin vâng): “Xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói,” thì Chúa Con có thể thưa lên với Chúa Cha: “Cha đã chuẩn bị cho con một thân thể.” Như vậy, việc Thiên Chúa đến cũng đã được hoàn tất xuyên qua hành động của con người, xuyên qua niềm vâng phục trong đức tin.
19 THÁNG MƯỜI HAI
Một Sự Tuôn Chảy Đặc Biệt Của Tình Yêu
Chúa Cha đã chuẩn bị một thân thể cho Chúa Con nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu. Mầu nhiệm Nhập Thể nói lên một sự tuôn tràn đặc biệt của tình yêu này: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét – là Đức Ma-ri-a.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng bao phủ cô. Vì thế, Hài Nhi mà cô sinh hạ sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Chúa Thánh Thần, với quyền năng của Người, tác động trước hết trong tâm hồn Đức Maria. Bằng cách này, đức tin của Mẹ đã trở thành nguồn của mầu nhiệm Nhập thể. “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
20 THÁNG MƯỜI HAI
Ngàn Đời Xưa Cho Tới Ngàn Đời Sau
Phụng vụ không chỉ trình bày cho chúng ta niềm vâng phục từ đời đời của Chúa Con: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa.” Phụng vụ cũng không chỉ giới thiệu cho chúng ta niềm vâng phục của người phụ nữ được chọn trước để làm người mẹ trần gian của Chúa Con. Phụng vụ còn nêu rõ nơi chốn mà ở đó mầu nhiệm Nhập thể được hoàn thành.
Vâng, lời Ngôn Sứ Mi-ca nói rõ một địa danh: Bê-lem! Đó chính là nơi mà người Con đời đời được tỏ lộ lần đầu tiên trong hình hài nhân loại. Con Thiên Chúa cũng là Con Người, Con của Đức Maria. Đây là lời ngôn sứ: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Eùp-ra-ta, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc ngài có từ trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1).
Nguồn gốc ‘từ trước, từ thuở xa xưa’ ấy tất nhiên là từ nguyên thủy. Đó chính là tính vĩnh cửu của Con Một yêu dấu của Thiên Chúa. “Khi một phụ nữ sẽ sinh con, bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Israel.” (Mk 5,2). Cuộc sinh hạ này của Con Thiên Chúa từ cung lòng đức Trinh Nữ là sự khởi đầu của Israel mới, dân mới của Thiên Chúa. Dân mới này của Thiên Chúa là ‘anh chị em’ của Đức Kitô, là những người nhờ ân sủng sẽ trở thành con trong Chúa Con. Họ sẽ được ‘trao ban sức mạnh để trở thành con cái Thiên Chúa,’ như thánh Gioan nói trong lời mở đầu Sách Tin Mừng của ngài (Ga 1,12).
Nơi chốn mà tất cả những điều đó phải được hoàn thành, một nơi chốn sẽ được ghi nhớ muôn đời trong lịch sử cứu độ, đó là thị trấn bé nhỏ Bê-lem Eùp-ra-ta.
21 THÁNG MƯỜI HAI
Dọn Chỗ Cho Chúa Trong Lòng Ta
Trong Mùa Vọng, chúng ta được ân sủng thúc giục để có tâm tình đức tin trong lòng và có niềm mong đợi của tất cả những ai đợi trông Chúa, tất cả những ai tin và yêu mến Đức Giêsu. Con đường Mùa Vọng như thế giúp làm cho đức tin của chúng ta nên sinh động trong khi chúng ta không ngừng suy niệm và được bồi dưỡng bằng Lời Chúa. Đối với người Kitô hữu, đây sẽ là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng cho đời sống tâm linh của mình, một đời sống phải được bồi dưỡng bằng kinh nguyện tôn thờ và ca tụng Thiên Chúa. Trong số những kinh nguyện này, Benedictus của Dacaria, Nunc dimittis của Simêon, và nhất là Magnificat của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là những kinh nguyện kiểu mẫu vô song.
Tâm tình đức tin bên trong của Mùa Vọng được củng cố nhờ việc chúng ta lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, tinh luyện và ban dồi dào ân sủng Đức Kitô cho chúng ta. Các bí tích ấy làm cho chúng ta trở thành con người mới, theo như lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy sám hối!” (Mt 3,2).
Từ viễn tượng này, chúng ta thấy rằng trong tư cách là Kitôhữu, mọi ngày đều có thể là một Mùa Vọng cho mình. Bởi vì chúng ta càng thanh tẩy linh hồn mình, chúng ta sẽ càng dọn nhiều chỗ hơn cho tình yêu của Thiên Chúa chiếm ngự tâm hồn ta. Rồi Đức Kitô sẽ có thể đến và sinh hạ trong ta.
22 THÁNG MƯỜI HAI
Một Khởi Đầu Mới Trên Con Đường Dẫn Về Vĩnh Cửu
Mùa Vọng đem lại cho chúng ta niềm vui lớn lao bởi vì chúng ta “sẽ tiến về nhà Chúa" (Tv 122,1). Chúng ta có thể nhìn thấy kết cục của cuộc hành trình vĩ đại này, cuộc hành hương của kiếp người trên trần gian. Chúng ta được mời gọi để cư ngụ trong "nhà của Chúa". Đó là quê hương đích thực của chúng ta.
Mùa Vọng là mùa mong chờ ngày của Chúa, mong chờ giờ của sự thật. Đó là sự chờ mong ngày "Ngài sẽ xét xử các quốc gia, và phân xử các dân tộc" (Is 2,4). Chân lý trọn vẹn của Thiên Chúa sẽ là nền tảng cho nền hòa bình phổ quát và viên mãn của Đức Kitô. Đó là mục tiêu mà mọi người thiện chí hướng vọng.
Như vậy, một lần nữa Mùa Vọng giúp chúng ta nhận ra con đường vĩnh cửu dẫn con người đến với Thiên Chúa. Mỗi năm, Mùa Vọng là một khởi đầu mới. Đời sống con người không đi về chỗ bế tắc. Không, đời sống chúng ta đưa chúng ta về gặp gỡ Thiên Chúa ở cuối thời gian.
Trong Mùa Vọng cũng có một tiên báo về những con đường sẽ dẫn các mục đồng và các đạo sĩ Đông phương đến máng cỏ của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem.
23 THÁNG MƯỜI HAI
Người Có Sẽ Bắt Gặp Chúng Ta Trong Tình Trạng Sẵn Sàng Và Tỉnh Thức?
Con đường của Mùa Vọng dẫn chúng ta vào đời sống nội tâm của con người, đời sống bị đè nặng bởi tội lỗi bằng nhiều cách thế. Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa không chỉ diễn ra ở bên ngoài, nhưng còn diễn ra bên trong cõi lòng chúng ta. Nó chuyển hóa chính bản chất thâm sâu của chúng ta nhờ đó chúng ta có thể đáp trả sự thánh thiện của Đấng mà chúng ta gặp gỡ. Cuộc chuyển hóa bên trong này cốt tại việc mặc lấy Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, ý nghĩa lịch sử của Mùa Vọng phải được thấm nhập bởi ý nghĩa tâm linh.
Thật vậy, Mùa Vọng không phải chỉ là một hồi ức về lịch sử cứu độ trước khi Đấng Cứu Thế giáng sinh, ngay cả dù nếu hiểu đúng thì hồi ức đó quả có một ý nghĩa rất hàm súc tính tâm linh. Nhưng sâu xa hơn thế nữa, Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ rằng toàn bộ lịch sử của con người – lịch sử của mỗi người chúng ta – phải được hiểu như một Mùa Vọng lớn. Chúng ta phải sống đời mình trong niềm mong đợi từng giây phút sự xuất hiện của Chúa. Như vậy, Ngài sẽ bắt gặp chúng ta trong tình trạng sẵn sàng và tỉnh thức, và chúng ta sẽ có thể đón nhận Ngài một cách xứng hợp.
24 THÁNG MƯỜI HAI
Được Chuộc Lại Bởi Đấng Cứu Độ
Mùa Vọng, một cách tự nhiên, đem đến cho môi miệng chúng ta lời cầu xin ơn cứu độ. Chúng ta nhìn lại nỗi thao thức mong chờ ơn cứu độ qua suốt giòng lịch sử Cựu Ước và tiếp tục vào giai đoạn Tân Ước. Thánh Phaolô nói: "Chúng ta đã được cứu trong lòng cậy trông" (Rm 8,24) "Vì qua Thánh Thần, nhờ đức tin, chúng ta mong đợi niềm hy vọng được nên công chính" (Gl 5,5). Ngay cả những lời cuối cùng của Thánh Kinh cũng là một tiếng kêu van xin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đến và tỏ hiện hoàn toàn: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!" (Kh 22,20).
Ơn cứu độ! Đó là niềm khát vọng sâu xa của con người. Mọi trang Kinh Thánh đều làm chứng điều đó. Thánh Kinh mời gọi chúng ta khám phá nguồn gốc đích thực của ơn cứu độ. Thánh Kinh cho chúng ta biết Đấng Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc thực sự của mình là ai.
Kinh nghiệm nền tảng về ơn cứu độ mà Dân Thiên Chúa đã trải qua trong Cựu Ước là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập. Thánh Kinh gọi đó là sự cứu chuộc, thục hồi, giải phóng, cứu độ. Đó là hình thức cứu chuộc đầu tiên mà dân Thiên Chúa kinh nghiệm một cách tập thể trong lịch sử. Hồi ức về ơn cứu độ này in sâu trong đức tin của Israel.
Biến cố cứu độ lớn thứ hai trong Thánh Kinh là sự giải phóng khỏi cuộc lưu đày Babylon. Cả hai biến cố ấy – giải phóng khỏi Aicập và khỏi Babylon – được đan kết với nhau trong các Sách Ngôn Sứ. Cuộc giải phóng khỏi tình trạng lưu đày bên Babylon là sự cứu chuộc thứ hai, hay đúng hơn đó là sự tiếp tục và hoàn thành cuộc cứu chuộc thứ nhất. Và tác nhân của cuộc cứu chuộc ấy vẫn chính là Thiên Chúa, Đấng Thánh của Israel, Đấng Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc của dân Người. Ngôn Sứ Giêrêmia nói: "Chúa phán, đây sắp tới ngày Ta sẽ hoàn tất lời Ta đã hứa với nhà Israel và nhà Giuđa" (Gr 33,14).
25 THÁNG MƯỜI HAI
Tin Vui Vĩ Đại
Đêm thánh này trải khắp từ đông sang tây. Nó chạy theo các đường kinh tuyến để bao trùm cả trái đất. Ở phương Đông, nó đi trước chúng ta; và ở phương Tây, nó đến sau chúng ta.
Này! Tôi xin công bố Đêm Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế ở mọi nơi và vào mọi khoảnh khắc mà nó đi qua khắp địa cầu. Tôi công bố khoảnh khắc nửa đêm này. Tôi, giám mục Rôma, người canh giữ mầu nhiệm vĩ đại, xin công bố cho mọi nơi: Đêm Giáng Sinh.
"Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới.
Hãy ca mừng Người từ cùng cõi địa cầu" (Is 42,10).
Hỡi trái đất, hãy ca mừng. Hãy ca mừng vì ngươi đã được Chúa chọn từ giữa vũ trụ bao la! Và tất cả vũ trụ đã cùng được chọn với ngươi. Hỡi trái đất, hãy ca mừng!
"Các tầng trời hãy hoan lạc và trái đất hãy nhảy mừng; biển và muôn vật trong đó hãy reo vui; mặt đất cùng muôn vật trong đó hãy hân hoan! Cây cối trong rừng hãy nhảy mừng" (Tv 96,11-12). Hỡi trái đất, hãy ca mừng! Vì từ đời đời ngươi đã được chọn làm nơi sinh hạ của Thiên Chúa, Đấng mặc lấy xác phàm.
Toàn thể địa cầu hãy qui tụ xung quanh đêm có một không hai này! Mọi thụ tạo hãy cất tiếng, hãy cất tiếng cùng miệng lưỡi của thế nhân!
Kìa, một người lên tiếng. Đó là Luca, tác giả Sách Tin Mừng. Ông nói: "Khi họ đang ở đó thì đến lúc bà sinh con. Bà sinh con trai đầu lòng, bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho họ trong hàng quán" (Lc 2,6-7). Con Thiên Chúa đã đi vào thế giới này như thế đó.
Maria là vợ của Giuse, một người thợ mộc ở Na-da-rét, thuộc dòng dõi Đavít. Chúa Hài Nhi đã được sinh tại Bêlem bởi vì Maria và Giuse phải đi về đó để khai sổ kiểm tra nhân khẩu theo sắc lệnh của hoàng đế Xêdarê Augustô. Luca đã nói về cuộc chào đời của Đấng Cứu Thế như thế.
Thiên thần của Chúa cũng lên tiếng. Thiên thần nói với các mục đồng giữa đêm tối Bêlem, khi "vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên họ, và họ đầy kinh sợ" (Lc 2,9).
Thiên thần nói với họ: “Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).
Nhân loại và thiên thần Chúa cùng nói về một thực tại và cùng hướng chỉ về một nơi chốn: Cuộc chào đời của Chúa ở Bê-lem!
26 THÁNG MƯỜI HAI
Cuộc Viếng Thăm Kỳ Diệu Của Niềm Hoan Lạc Thần Linh
Thiên thần nói về một cái gì đó mà con người không dám nói: Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu, đã được sinh ra ở Bê-lem. Đây là Đấng được xức dầu đến viếng thăm nhân loại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người sẽ xét xử địa cầu. Người sẽ xét xử thế giới này với công lý. Người sẽ trao ban “chính Người cho chúng ta, để cứu chúng ta khỏi mọi sự lầm lạc và dọn cho chính Người một dân riêng” (Tt 2,14). Người sẽ hy sinh chính Người cho ta, và đó là sự xét xử của Người! “Này người canh gác, đêm đến đâu rồi?” (Is 21,11).
Này, tôi công bố đêm nay. Từ giữa đêm Bê-lem, đêm của toàn thể nhân loại, một quà tặng vĩ đại đã được trao ban. “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, cứu độ mọi người” (Tt 2,11).
Ân sủng là gì? Ân sủng là niềm hoan lạc thần linh. Nó hoàn toàn qui chiếu vào đứa trẻ nằm trong máng cỏ. Vì đứa trẻ này là Con đời đời, là Con của niềm hoan lạc thần linh, Con của tình yêu vĩnh cửu.
Thế nhưng, đứa trẻ này cũng là con của Ma-ri-a. Người cũng là Con Người, là người thực sự. Niềm hoan lạc thần linh của Chúa Cha tập trung về con người: Aân sủng là thế! “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14), thiên thần đã loan báo điều đó với những người chăn chiên, những đứa con của loài người.
Từ Bê-lem, ân sủng thần linh này bắt đầu chiếu tỏa trên con người mọi thời. Đó là sự khởi đầu của vinh quang, vinh quang mà Thiên Chúa là sở hữu chủ cao nhất. Con người được mời gọi đi vào vinh quang này trong Đức Giê-su Kitô. Vâng, một ân sủng kỳ diệu đã viếng thăm con người trong đêm hồâng phúc này.
Trái đất hãy mừng vui! Hỡi trái đất, nơi cư ngụ của con người, hãy đón nhận một lần nữa ánh huy hoàng của đêm ấy. Hãy qui tụ xung quanh vinh quang ấy. Hãy loan báo cho mọi tạo vật niềm vui cứu độ. Hãy công bố cho toàn thế giới niềm hy vọng cứu độ của nhân trần: “Ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỉ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,12-13).
Kìa, Người đã đến. Kìa, Người đã có mặt giữa chúng ta: Đấng Emmanuel. Tất cả quyền năng cứu độ thế giới ở nơi Người. Alleluia!
27 THÁNG MƯỜI HAI
Chúng Ta Phải Học Lấy Tấm Lòng Của Chúa Hài Nhi
Trẻ em nắm bắt mầu nhiệm Giáng Sinh khá dễ dàng, dù mầu nhiệm này sâu xa đến nỗi một người lớn cũng sẽ chẳng bao giờ thấu triệt được nó. Để hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh, về một số phương diện nào đó, chúng ta phải là trẻ em mãi mãi. Chúng ta phải nên giống như trẻ em bé bỏng – như lời Chúa Giêsu – thì mới có thể vào được Nước Trời (cf. Mt 10,15). Chúng ta phải có tấm lòng của trẻ em – để có thể hiểu được mầu nhiệm Giáng Sinh.
Vì Giáng Sinh tiên vàn là ngày lễ của tấm lòng. Nó nói cho chúng ta về tấm lòng của Thiên Chúa trong việc trao ban Đức Kitô cho chúng ta. Thật vậy, Đức Kitô đã trở thành một em bé để dạy cho chúng ta về tấm lòng.
Tấm lòng này bao gồm tình yêu và niềm vâng phục của chúng ta trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Nó có nghĩa là yêu mến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, yêu mến mọi người, và tuân phục các điều răn của Thiên Chúa.
28 THÁNG MƯỜI HAI
Chỗ Cho Lòng Bác Ái
Xã hội hiện đại của chúng ta thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta thường xuyên nghe nói về vô số những bước tiến nhảy vọt trong kỹ thuật nhằm phục vụ con người, nhất là trong những lãnh vực như y khoa. Tuy nhiên, bác ái và từ tâm là những thứ hình như ngày càng vắng bóng hơn. Thật vậy, thời đại chúng ta đang chứng kiến sự nghèo túng và khốn khổ về tinh thần thật khủng khiếp. Chúng ta nhìn thấy điều này qua vô số những con người cô đơn và sống cuộc sống không mục đích. Đó rõ ràng là một sự nghèo túng của linh hồn.
Giáo Hội khẩn thiết mời gọi chúng ta đổi mới lòng bác ái và từ tâm của chúng ta đối với anh chị em mình trong mùa này, mùa của tấm lòng và ân sủng Thiên Chúa. Chúng ta nhớ rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, “lòng nhân hậu và tình yêu quảng đại của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã tỏ hiện” (Tt 3,4).
29 THÁNG MƯỜI HAI
Đến Gần Bởi Đức Tin
Mầu nhiệm Giáng Sinh soi sáng chúng ta thấy rõ tiếng gọi mời người Kitôhữu yêu thương anh chị em mình bằng tình yêu huynh đệ. Đến với nguồn suối ân sủng và yêu thương bất tận này, chúng ta được mời gọi tiến đến cảm nếm bằng con mắt đức tin và bằng sự khôn ngoan đích thực.
Sự khôn ngoan cho chúng ta biết bằng cách nào chúng ta có thể sống như anh chị em của nhau, rút ra nguồn cảm hứng và năng lực từ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thật vậy, khi chúng ta tiến tới gần Bê-lem hơn, chúng ta thấy Thiên Chúa của mình bé nhỏ biết bao. Vốn là Đấng cao cả vô hạn, nhưng Ngài đã tự hạ mình xuống làm một đứa trẻ thấp hèn. Ngài giống chúng ta mọi sự, dù Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tự đồng hóa với chúng ta và đến ở gần chúng ta quá đỗi! Nếu chúng ta đến với Ngài ở Bê-lem với lòng đơn sơ và với sự khôn ngoan của những người chăn chiên và những nhà đạo sĩ ấy, Đức Giêsu sẽ dạy cho ta biết cách đến gần gũi mọi người, bắt đầu từ những người bé nhỏ thấp hèn nhất – để chúng ta có thể giúp mọi người sống cho Thiên Chúa.
30 THÁNG MƯỜI HAI
Từ Trong Đêm Tối Vụt Lên Một Ánh Sáng Huy Hoàng
Đêm Bê-lem xem có vẻ giống như muôn ngàn đêm khác, cũng theo nhịp vận hành bất biến của hành tinh này: hết ngày lại đêm!
Nhưng đó là một đêm đặc biệt, vì trong một góc nhỏ của địa cầu, chính xác là trong vùng phụ cận của Bê-lem, phía nam Giê-ru-sa-lem, bóng tối của màn đêm đã được biến đổi thành ánh sáng.
Aùnh sáng này soi chiếu đêm tối với một mầu nhiệm vĩ đại khôn tả. Trong vẻ huy hoàng của nó, ánh sáng này bao trùm một số người chăn chiên đang có mặt tại vùng phụ cận ấy để “canh giữ súc vật ban đêm”. Và ánh sáng này đã khiến họ “vô cùng sợ hãi”.
Từ giữa ánh sáng rực rỡ ấy vang vọng tiếng nói của thiên thần: “Anh em đừng sợ, tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại … Hôm nay, trong thành của Vua Đa-vít, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11).
Đứa con của lời hứa đã được sinh ra.
Aùnh sáng huy hoàng kia và tiếng nói của thiên thần đã chỉ rõ nơi chốn và ý nghĩa cuộc chào đời của Người. Người đã thực sự được sinh ra. Người đã được sinh ra trong một chuồng súc vật, vì chẳng có nhà ai còn chỗ cho Người. Người đã được sinh ra vào lúc đang diễn ra cuộc tổng kiểm tra dân số ở It-ra-en – khi Xêdarê Augustô cai trị đế quốc Rôma và Quirinô làm tổng trấn Xyria. Người thuộc dòngdõi Đa-vít, vì thế Người sinh ở Bê-lem, “thành của Vua Đa-vít”. Người được sinh bởi Ma-ri-a, một trinh nữ. Cô là vợ của Giuse, người thuộc dòng Đa-vít; và cả hai từ Na-da-rét đi về đây để khai sổ.
Và, từ giữa ánh sáng kỳ diệu bao phủ những người chăn chiên đã vang lên tiếng nói: “Anh em sẽ gặp thấy một đứa trẻ vấn tã, được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).
31 THÁNG MƯỜI HAI
Vượt Qua Lý Lẽ Để Nắm Bắt Mầu Nhiệm
Thiên Chúa đã trở thành xác phàm vì chúng ta! Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành một con người như chúng ta. Vì thế, cả trong lịch sử nhân loại lẫn trong cuộc đời riêng mỗi người, chúng ta được bảo đảm rằng Người luôn luôn hiện diện với chúng ta bằng tình yêu của Người, bằng ơn cứu độ của Người và bằng sự quan phòng của Người.
Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Giáng Sinh đòi hỏi đức tin, vì Giáng Sinh là một mầu nhiệm. Bằng lý luận, chúng ta sẽ chẳng thể nào hiểu được vì sao Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế. Những người chăn chiên đã được trao cho một dấu chỉ. Họ sẽ gặp thấy Người trong một máng cỏ. Hài Nhi Giêsu được Mẹ Người đặt nằm trong một máng cỏ: một dấu chỉ hết sức thấp hèn, một dấu chỉ về sự khiêm hạ vô cùng của Thiên Chúa. Trí khôn nào cắt nghĩa được điều đó! Thì ra, để đón nhận sứ điệp của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc muôn loài, chúng ta phải gạt mọi lý luận qua một bên. Chỉ có lòng khiêm tốn, tín thác và cung kính tôn thờ, chúng ta mới có thể hiểu và tiếp nhận được sự khiêm hạ đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa.
Vì thế, hình ảnh máng cỏ thấp hèn ấy phải được chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày. Nguyện xin Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se cầu thay nguyện giúp cho chúng ta – để chúng ta biết khiêm cung tôn thờ Chúa và biết đặt trọn lòng tin tưởng nơi Ngài.
Tác giả Lê Công Đức, Lm.