Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 17 Tháng 6 2019 16:55

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (17/6) tới CN Lễ Mình Máu Chúa (23/6)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (17/6) tới CN Lễ Mình Máu Chúa (23/6)


Lm Giuse BCD,SJ

I.Tin Mừng Mt 5:38-42 (Thứ 2, XI-TN)

(Thứ Hai Tuần XI Thường Niên)

"Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt 5:42).

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. (39) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. (40) Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. (41) Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. (42) Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay khơi lại trong chúng ta giới luật Yêu Thương, một giới luật vượt trên mọi giới luật, dù đó là luật công bằng đi nữa.

Chúa Giê-su nhắc lại một lề luật trong Cựu Ước, "mắt đền mắt, răng đền răng", để rồi Người khơi lại giới luật yêu thương mà chính Người sẽ thực thi trong những ngày chịu nạn và chịu chết trên thập tự. Bạn còn nhớ những giây phút Chúa chịu nạn không? Người không chống cự những lời nhục mạ và tra tấn của quân dữ, đã bị quân dữ sỉ vả, bị tước cả áo trong lẫn áo ngoài, chịu vác thập giá trên đoạn trường lên đồi Can-vê. Người cho đi tất cả, để rồi Người nhận lại tất cả, nhất là những con chiên đang lầm than, đang xa bầy.

Người môn đệ của Chúa Giê-su cũng không loại trừ khả năng bị ngược đãi như Thầy của mình. Người môn đệ của Thầy Giê-su sẽ chiến thắng sự ngược đãi và nhục nhằn bằng tình yêu và sự tha thứ, bằng việc chiêm ngắm hình hài bị nát tan đang chơi vơi trên thập giá của Thầy Chí Thánh.

Chúa Giê-su dạy học trò và dân chúng bằng chính kinh nghiệm sống động của Người. Phần chúng ta, chúng ta có bao giờ đạt tới những kinh nghiệm như Chúa Giê-su, của Chúa Giê-su chưa? Tôi cảm thấy thật thách đố và tủi hổ khi nhận ra mình chưa có được những kinh nghiệm của Chúa. Chỉ khi nào tôi có được kinh nghiệm chịu đau khổ như Chúa, khi đó lời giảng dạy của tôi sẽ trở nên mạnh mẽ và có sức cảm hóa lòng người, làm chứng nhân sống động cho Đấng Cứu Độ tôi.

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết yêu thương như Chúa và đạt được những kinh nghiệm của Chúa, để chúng ta tự tin loan báo Tin Mừng Yêu Thương cho những người xung quanh như Chúa muốn, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 5:43-48 (Thứ 3, XI-TN)

(Thứ Ba Tuần XI Thường Niên)

"Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5:44).

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. (44) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (45) Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (46) Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? (47) Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? (48)Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.

Bạn thân mến,

Nghe lời Chúa Giê-su nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay bạn có cảm giác thế nào? Phần tôi, tôi thấy thật sự thách đố. Làm sao tôi có thể "yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi " bản thân mình?

"Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5:44) là một trong những ví dụ sống động để thực thi giới luật Yêu Thương của Thầy Giê-su. Và chính Người đã thực thi giới luật này khi Người cầu nguyện với Chúa Cha rằng "lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23:34). Phần tôi, tôi rất dễ giận hờn và để trong lòng những gì người khác làm phật ý tôi, xúc phạm đến tôi. Rất có thể trong những giờ phút được ở bên Chúa, lắng nghe lời Người khuyên dạy và thực lòng muốn thực thi lời bảo ban của Chúa. Thế nhưng, khi bước vào đời sống tương quan với mọi người, bước vào những giây phút lao động, làm việc, cộng tác với người khác, tôi dễ dàng quay trở lại với bản năng ích kỷ và những bon chen hơn thiệt của xã hội loài người, quên đi những gì Chúa mong muốn nơi mình và những gì mình ước ao nên hoàn thiện, chiều theo dục vọng và khát vọng được trọng dụng, được nể nang, được vinh dự và cao sang, v.v..

Con người là thế! Làm sao tôi có thể thoát ra khỏi vòng kim cô thù hờn và ganh ghét này? Trên đời này có ai thực thi được giới luật yêu thương như Thầy Giê-su chưa? Có chứ. Đó chính là Thánh Stê-pha-nô, trước khi chết, ngài cũng đã nói với Chúa Cha những điều Thầy Giê-su đã cầu nguyện trên thập giá: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7:60), và biết bao vị thánh tử đạo khác cũng đã làm như thế. Đây có lẽ chính là sự động viên sống động cho tâm hồn tôi khi cảm thấy chùn chân trước lời mời gọi thực thi giới luật yêu thương và trở nên hoàn thiện của Chúa Giê-su.

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đừng cậy dựa vào sức riêng mình, để chúng ta đủ tình yêu và khát vọng vươn tâm hồn tới sự hoàn thiện như Chúa Giê-su và các thánh trên trời đã đạt tới.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 6:1-6.16-18 (Thứ 4, XI-TN)

(Thứ Tư Tuần XI Thường Niên)

"Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (Mt 6:3).

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,(4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

(5) "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6)Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

Bạn thân mến,

Hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta về thái độ sống chay tịnh - cầu nguyện - làm phúc. Đó là một thái độ khiêm hạ và yêu mến.

Cầu Nguyện - Chay Tịnh - Làm Phúc là ba việc làm căn bản của người Ki-tô hữu thể hiện mối tương quan liên vị giữa con người với Thiên Chúa (Cầu Nguyện), giữa con người với chính mình (Chay Tịnh) và giữa con người với nhau (Làm Phúc). Con người, không ai là một hòn đảo. Con người sống trong mối tương quan liên vị, vì con người ở giữa thế giới và là một phần tử của Giáo Hội và Xã Hội. Do đó, người Ki-tô hữu không thể sống mà không thực hành ba việc làm căn yếu này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một trong những điều Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta, đó là việc "bố thí" trong khiêm tốn và âm thầm, nghĩa là "đừng cho tay trái biết việc tay phải làm". Tác giả TM Mát-thêu dùng hạn từ "bố thí" có vẻ không thích hợp với tinh thần thực thi đức bác ái đại đồng trong bối cảnh ngày nay khi trình độ dân trí ngày càng cao, bởi lẽ mỗi người chúng ta không ai có khả năng "bố thí" của cải cho người khác, vì dưới con mắt đức tin Ki-tô giáo, tất cả những gì chúng ta đang có đều đến từ Chúa. Chỉ có Chúa mới là Đấng có khả năng "bố thí" những gì của Người cho chúng ta. Phần chúng ta là những thụ tạo của Chúa, chúng ta chỉ có thể "san sẻ" những gì chúng ta nhận được từ Chúa cho những ai đang thiếu thốn mà thôi.

Đôi khi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thích nắm giữ mọi sự. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta làm chủ tất cả và tất cả thuộc về chúng ta. Từ đó, chúng ta không dám cho đi, chỉ thích tích trữ, như Chúa Giêsu đã từng răn bảo: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi" (Mt 6:19), "Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ" (Mt 24:2), hoặc như hình ảnh của người quản gia bất lương (Lc 16:1-8) đã biết vận dụng trí tuệ của mình để tìm kiếm bạn bè phòng khi cô thân thất thế được họ giúp đỡ. Chúng ta là con cái Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta không giống anh quản gia bất lương và gian ngoan, nhưng chúng ta có thể học nơi anh cách vận dụng khả năng trí khôn Chúa ban để mưu phúc cho bản thân mình.

Bạn thân mến, bạn có bao giờ phản tỉnh lại thái độ sống đức tin và đức ái của mình chưa? Mối tương quan giữa bạn và Chúa, giữa bạn và tha nhân, và với chính bạn ra sao? Bạn có bao giờ khao khát được Biết Mình chưa? Bạn có biết bạn là ai không? Phải chăng một trong những điều giúp bạn nhận ra chính mình chính là việc chuyên cần thực hành "cầu nguyện - chay tịnh - san sẻ tài sản" với tất cả tình yêu và lòng khiêm tốn?

Bạn hãy dành thời gian tâm sự với Chúa và xin Người giúp bạn nhận ra bạn là ai và căn tính của bạn là gì, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mt 6:7-15 (Thứ 5, XI-TN)

(Thứ Năm Tuần XI Thường Niên)

"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại" (Mt 6:7).

"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. (8) Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
(9) "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
(10) triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
(11) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
(12) xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
(13) xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

(14) "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. (15) Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe lời cầu nguyện của Chúa Giê-su (còn gọi là "Kinh Lạy Cha"), và đó cũng là bài học quý giá về cầu nguyện mà Thầy Giê-su đã dạy cho các môn đệ.

Trước tiên, Chúa muốn các môn đệ luôn ý thức về thái độ cầu nguyện, nghĩa là đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, rũ bỏ mọi quyến luyến lệch lạc: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin" (Mt 6:7-8).

Thứ đến, Chúa dẫn các môn đệ đi thẳng vào trọng tâm của lời nguyện cầu cùng Thiên Chúa. Các nhà chú giải Kinh Thánh thường phân chia Lời Cầu Nguyện của Chúa trong Tin Mừng Mát-thêu làm bảy phần: ba phần hướng về Thiên Chúa, bốn phần quy về con người. Qua việc phân chia này, chúng ta có thể nhận thấy cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa Cha, ngợi khen Ngài, diễn tả ước muốn của chúng ta tùy thuộc vào ý muốn của Ngài, nghĩa là tín thác vào Chúa và cầu xin theo ý Chúa. Nhờ đó, chúng ta mạnh mẽ kêu xin Ngài ban phát ân huệ phong phú của Ngài cho chúng ta, để thực thi điều Ngài mong muốn trong mối tương quan tình yêu giữa chúng ta với người khác và giữa chúng ta với bản thân mình, hầu đạt tới ơn cứu độ Chúa dành cho những ai chân thành cầu khẩn Ngài.

Chỉ cần cất những lời đầu tiên trong Kinh Lạy Cha cũng đủ để chúng ta nhận ra lời mời gọi yêu thương của Chúa: "Lạy Cha chúng con ở trên trời...". "Lạy Cha chúng con" là lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy trở nên anh chị em của nhau, nghĩa là chúng ta chỉ có một Cha và mọi người đều là con của Cha. Chúng ta không đọc hoặc cầu nguyện rằng "Lạy Cha của con", nhưng chúng ta đều cùng nhau kêu cầu Chúa Cha bằng lời nguyện hiệp nhất: "Lạy Cha chúng con". "Ở trên trời" là lời mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn về trời cao, hãy hướng thiện trong mọi suy nghĩ, lời nói và cử chỉ. Trời là nơi thanh tao và trong sạch. Trời là cõi phúc, là nơi diễn tả niềm hoan lạc trường cửu. Hướng về Cha trên trời là dẫn đưa tâm hồn tiến vào vùng đất tràn đầy niềm vui và hoan lạc, bình an và tín thác. Lời mở đầu của Kinh Lạy Cha ý nghĩa và tràn đầy sắc màu thánh thiêng là thế! Chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe những lời mời gọi của Chúa qua những lời kinh kế tiếp nhé!

Sau cùng, việc cầu nguyện với Kinh Lạy Cha dẫn tới việc thực hành các nhân đức cách cụ thể và sống động trong đời sống đức tin của chúng ta. Nhiều người có thể cầu nguyện lâu giờ, siêng năng Lần Chuỗi và tham dự Thánh Lễ; thế nhưng chưa chắc họ có thể thực thi những điều Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Tóm lại, cầu nguyện với Chúa là để có thể thực thi giới luật yêu thương của Người cách thiết thực nhất.

Bạn thân mến, qua đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn có ý thức hơn về việc cầu nguyện mỗi ngày và đời sống cầu nguyện rất cần thiết cho ơn cứu độ của bạn không? Bạn có dám dành thời gian để ở lại Chúa và cầu nguyện với Người không? Bạn có bao giờ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha chưa? Bạn đọc Kinh Lạy Cha với thái độ ra sao?

Bạn hãy xin Chúa ban ơn quảng đại ở lại với Chúa mỗi ngày và biết dành những thời gian đẹp và quý báu nhất trong ngày để sống trong Người, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 6:19-23 (Thứ 6, XI-TN)

(Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên)

"Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi" (Mt 6:20).

"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. (20) Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. (21) Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

"Ðèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. (23) Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!

Bạn thân mến,

Trong đời sống đức tin và đức ái của chúng ta, là những người Ki-tô hữu, chắc hẳn mỗi người đều có kinh nghiệm về việc thực hành các nhân đức, nhất là đức bác ái. Lời Chúa hôm nay tiếp tục nhắc nhớ chúng ta về thái độ sống nhân đức bác ái này: "Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi" (Mt 6:20).

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy biết san sẻ những gì mình có cho người khác, chứ đừng tích trữ: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi" (Mt 6:19). Bởi vì, khi chúng ta biết cho đi, là lúc chúng ta đang nhận lãnh những phúc lành lớn lao của Thiên Chúa được lưu trữ trong Nước của Ngài, và không bị chi phối bởi của cải vật chất, để sống thanh thoát nhẹ nhàng vì "kho tàng của chúng ta ở đâu, thì lòng trí chúng ta ở đó".

Tuy nhiên, việc thực thi đức bác ái cũng đòi buộc tâm hồn chúng ta có một sự tự do, vui tươi và bình an với một con mắt trong sáng và một tình yêu vô vị lợi, vì "nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng". Nếu giúp đỡ người khác trong một tâm trạng bức bối và thiếu tự do, liệu hành vi ấy có đem lại niềm vui cho người khác và cho tâm hồn chúng ta?

Bạn thân mến, khi bạn thực thi đức bác ái, bạn có cảm nhận một niềm vui, sự bình an và tự do trong tâm hồn mình không? Đâu là động lực trong tim bạn khi xả thân giúp đỡ và phục vụ người khác? Bạn sẽ làm gì khi nhận ra những quyến luyến lệch lạc khi thực thi giới răn yêu thương của Chúa?

Bạn hãy xin Chúa ban ơn trợ giúp để các công việc bác ái bạn đang làm và sẽ làm sinh ích lợi thiêng liêng cho tâm hồn bạn và cho đối tượng bạn phục vụ, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 6:24-34 (Thứ 7, XI-TN)

(Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên)

"Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6:34).

"Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

"Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? (26) Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (27) Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? (28) Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; (29) thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. (30) Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!(31) Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? (32) Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. (33) Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (34) Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy tập sống tín thác vào Chúa: "Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6:34). Người biết tín thác vào Chúa là người đặt niềm tin mạnh mẽ nơi Chúa. Trên thực tế, có mấy ai dám tín thác hoàn toàn vào Chúa!

Bạn có cảm thấy băn khoăn lo lắng chuyện này chuyện kia trong đời sống đức tin của mình? Tại sao bạn có tâm trạng như thế?

Một trong những nhu cầu của con người là sự an toàn. Tuy nhiên, nhu cầu này vẫn đứng sau nhu cầu có tôn giáo, nghĩa là tin vào một vị thần. Đối với người Ki-tô hữu, vị thần ấy chính là Thiên Chúa. Sự an toàn chỉ có thể đạt tới sự viên mãn, giúp con người cảm nhận một sự bình an, niềm vui và tự do đích thực khi họ đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Bởi lẽ con người có thể dựa vào sức mình để mưu cầu sự an toàn, nhưng sự an toàn ấy có khi giả tạo, hoặc đơn thuần là sự "tự an ủi" chính mình, thoáng chốc xuất hiện, thoáng chốc biến mất, để lại sự hụt hẫng đến tuyệt vọng.

Chúng ta lo âu, bồn chồn, mất an toàn, lạc hướng... là vì chúng ta chỉ biết dựa vào sức mình, cậy vào khả năng giới hạn của bản thân. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sự an toàn khi đặt mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, như những đứa trẻ thả mình trong vòng tay cha mẹ để được chở che âu yếm, hơn là vẫy vùng bỏ chạy để rồi té ngã đau thương.

Có khi vì tín thác vào Chúa, chúng ta cảm thấy mất đi sự tự do; tuy nhiên, sự tự do của chúng ta sẽ tròn đầy khi đặt mình trong vòng tay tình thương của Thiên Chúa. Vì thế, để hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa đòi hỏi phải có một sự can đảm và quảng đại, liều lĩnh và đơn sơ.

Bạn hãy xin Chúa ban thêm ơn can đảm để dám tín thác vào Người và mạnh mẽ đi theo Chúa trên con đường Người đi, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 9:11b-17 (MÌNH MÁU CHÚA, CN XII-TN Năm C)

(CHÚA NHẬT Tuần XII Thường Niên C)

LỄ MÌNH MÁU CHÚA

"Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông" (Lc 9:16).

Khi ấy, Đức Giêsu tiếp đón dân chúng, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

(12) Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Ðức Giêsu thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đấy, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng". (13) Ðức Giêsu bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn". Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này". (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy cho họ ngả lưng thành từng nhóm khoảng năm mươi người một". (15) Các môn đệ làm y như vậy, và cho mọi người ngả lưng xuống. (16) Bấy giờ Ðức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc túng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.


Bạn thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa. Lễ Mình Máu Chúa là dịp để chúng ta chiêm ngắm kỳ công tái tạo của Thiên Chúa trên con người qua sự trao ban thân thể của Con Một Thiên Chúa, và tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, để từ đó chúng ta cộng tác với Ba Ngôi Thiên Chúa và đáp trả tình yêu trao hiến của Người dành cho chúng ta.

Năm nay là Năm C của chu kỳ Phụng Vụ, vì thế, chúng ta được nghe Bài Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật lại phép lạ Bánh Hóa Nhiều. Đây là một phép lạ khá đặc biệt và quan trọng trong đời sống đức tin của người môn đệ Đức Giê-su, nên cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại.

Bạn có thể hình dung lại khung cảnh của Phép Lạ này: một nơi hoang vắng và trời đã xế chiều, không có quán ăn và nhà trọ, có đông người đang tụ tập quanh Đức Giê-su (có thể lên tới cả vạn người).

Bạn xin ơn gì cho giờ cầu nguyện này? Ơn đức tin và tình yêu đáp đền tình yêu? Ơn quảng đại san sẻ tình thương và sự sống Chúa trao tặng cho người xung quanh? Ơn biết cộng tác với Chúa trong sứ mạng của Người, đặc biệt là việc xả thân phục vụ?

Bây giờ, để đi vào trong giờ chiêm niệm phép lạ Bánh Hóa Nhiều của Chúa, bạn hãy tưởng tượng cảnh vật và con người giữa nơi sa mạc hoang vắng đang diễn ra thế nào? Màn đêm đang giăng mắc, gió lặng, cây cối không sinh trái? Nhiều người đang vã mồ hôi vì nắng nóng, vì cơn đói bụng hành hạ? Các trẻ em đang khóc vì thiếu ăn, thiếu nước, thiếu ngủ?

Cũng vậy, bạn hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thầy Giê-su và các môn đệ. Cách xử lý tình huống của các môn đệ ra sao? Thầy Giê-su nói gì? Các môn đệ làm gì?

Thầy Giê-su có mời gọi bạn chăm sóc người đói khổ như chính Người đã mời gọi các môn đệ không: "Chính anh em hãy cho họ ăn" (Lc 9:13)?

Thầy Giê-su làm phép lạ như thế nào? - Bạn hãy chú ý các động từ trong câu: "Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông" (Lc 9:16), đó là các động từ "cầm", "ngước mắt và dâng lời", "bẻ" và "trao". Năm động từ này tạo nên phép lạ "Bánh Hóa Nhiều"; nói cách khác, Phép Lạ được tạo nên bởi các động từ. Phép lạ Bánh Hóa Nhiều diễn ra khá đơn giản, nó không phải là một phép thuật như các ảo thuật gia. Nó là những hành động trao ban và san sẻ. Người này san sẻ cho người kia. Người nọ trao lại những gì Chúa ban tặng cho người khác. Cứ như thế, những mẩu bánh trở nên nguồn lương thực dồi dào phong phú vô tận và dư thừa. Phép lạ cũng cần sự cộng tác của người môn đệ Đức Giê-su, đó là trao lại cho người khác những gì Thầy Giê-su đã làm.

Bạn thân mến, chiêm ngắm Phép Lạ của Chúa, bạn được đánh động điều gì? Bạn có nghe thấy lời mời gọi của Chúa? Bạn học được gì nơi Thầy Giê-su qua việc chăm sóc và bảo vệ sự sống của con người? Bạn có nhận thấy phép lạ Bánh Hóa Nhiều vẫn đang diễn ra trong đời sống xã hội và đức tin của bạn không? Bạn có cảm nhận sự trao ban Thân Thể của Chúa diễn ra trong Thánh Lễ bạn tham dự mỗi ngày không?

Bạn hãy dành thời giờ để tâm sự với Chúa và lắng nghe lời mặc khải của Người dành cho bạn!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD,SJ

Read 9028 times