Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 06 Tháng 5 2017 19:01

Tôi đến để chiên được sống (7.5.2017 – Chúa nhật 4 Phục sinh năm A – Chúa chiên lành)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tôi đến để chiên được sống (7.5.2017 – Chúa nhật 4 Phục sinh năm A – Chúa chiên lành)


Lời Chúa: (Ga 10,1-10)

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với người Do thái rằng: 1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không biết tiếng người lạ.” 6 Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó,nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy Ðức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

Suy Niệm

Trong Tin Mừng Gioan,
Ðức Giêsu thường ví mình với điều cụ thể:
“Tôi là bánh, là Ánh Sáng, là Ðường…
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài ví mình như Mục tử.
Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên.
Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng,
chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo.
Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng.
Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn,
vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.
Ðức Giêsu gọi những mục tử giả hiệu là trộm cướp.
Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên.
Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào.
Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết:
“Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi.”
Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài,
đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.

Giáo Hội muốn đặc biệt dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh,
để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Ðây là vấn đề sống còn của Giáo Hội.
Nhiều nơi trên thế giới đang thiếu linh mục trầm trọng,
nhiều nhà thờ phải giao cho giáo dân coi sóc.
Cũng có những dòng tu phải đóng cửa cơ sở của mình
vì không có lớp người trẻ kế tục.
Giáo Hội hôm nay cũng như mai ngày
vẫn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử
để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi.
Giáo Hội vẫn cần đến các tu sĩ sống đời thánh hiến,
để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu,
thấy được những thực tại vô hình,
và vươn lên khỏi cái tự nhiên, bình thường, hợp lý.

Ðược làm Kitô hữu là một ơn gọi của Thiên Chúa.
Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng,
nhưng một số người được mời gọi đặc biệt
để dấn thân cách trọn vein hơn cho Nước Chúa
và bắt chước Ðức Giêsu tận căn hơn.
Chúng ta băn khoăn trước câu hỏi
tại sao Giáo Hội hôm nay thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Vì đời tu không hấp dẫn người trẻ?
Vì bầu khí của thời đại: thực dụng, hưởng thụ,
Mất cảm thức về đức tin, xa lạ với Thiên Chúa?
Hay vì chúng ta chưa có can đảm để cổ võ ơn gọi?

Trong sứ điệp năm 1996 về ơn gọi,
Ðức Thánh Cha đã nhắc đến việc phải chăm lo cho mảnh đất
nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên.
Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ.
Ngài đã phác họa những nét chính của cộng đoàn này như sau:

Một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa.
Khi đã quen nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh,
người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi
vang lên từ sâu thẳm của con tim mình.

Một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện,
dành ưu tiên cho đời sống tâm linh,
coi trọng việc cầu nguyện riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa.
Chỉ trong bầu khí trầm lặng của cầu nguyện,
người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời,
quên mình để phục vụ cho lợi ích của tha nhân.

Một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ,
khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa.
Từ đó những bạn trẻ quảng đại sẽ được thúc đẩy
dâng trọn đời mình để làm cho Chúa Kitô được nhận biết.

Một cộng đoàn quan tâm phục vụ người nghèo,
chọn đứng về phía những người khổ đau, túng thiếu.
Cộng đoàn này sẽ sản sinh những bạn trẻ
biết phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện.

Như thế ơn gọi chỉ nảy nở từ vùng đất màu mỡ.
Nó là hoa trái của một Giáo Hội đầy sức sống.
Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ cho nhiều ơn gọi.
Nhiều ơn gọi sẽ làm cho Giáo Hội mạnh hơn.

Giới trẻ hôm nay không thiếu lòng quảng đại,
không thiếu lý tưởng và những ước mơ cao cả.
Họ cần có ai đó giúp họ gặp được Ðức Giêsu,
say mê con người Ngài,
và chia sẻ nỗi bận tâm của Ngài về thế giới.
Họ cần có ai đó giúp họ nghe được tiếng kêu
của bao người đói khát chân lý và công lý,
giúp họ cảm nhận được bổn phận lớn lao
là xây doing trái đất thành mái ấm yêu thương.
Giới trẻ cần những người thầy, người bạn
dám sống điều mình tin giữa muôn vàn khó khăn
và giúp họ đứng vững trước cơn lốc của cám dỗ.

Giáo Hội thiếu ơn gọi là do lỗi của mỗi người chúng ta.
Cần phải cầu nguyện
và cũng cần phải canh tân cuộc sống.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu dâng hiến,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Read 9632 times