Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 27 Tháng 7 2021 06:34

Mùa Covid, cho nhiều hay cho ít?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  MÙA COVID, CHO NHIỀU HAY CHO ÍT?

 

TMĐP- Với tấm lòng biết cảm thương, trái tim quảng đại chia sẻ và đôi bàn tay hào sảng trao ban, thái độ ân cần, kính trọng, và những xiết tay ấm áp tình người. Bởi tấm lòng đã trọn vẹn thì không còn nhiều ít.

Từ mấy ngày nay, không chỉ Sài Gòn bị phong toả và phải thi hành chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính Phủ với những biện pháp chống dịch, truy quét dịch, dập dịch rất gắt gao, mà hầu như tất cả các tỉnh thành đều bước vào giai đọan chiụ nhiều hậu qủa nghiêm trọng của đại địch và người dân ở bất cứ nơi nào trên đất nước đều chung một hoàn cảnh khó khăn “nhà giãn cách nhà, khu phố giãn cách ly khu phố, quận huyện giãn cách quận huyện…” và đời sống ngày càng trở nên ngột ngạt, bế tắc vì “ngăn sông cấm chợ”, và tâm lý ngày càng hoảng loạn, lo âu …

Giữa thử thách rất nặng nề gây ra do Covid, nhiều vấn đề được nhận diện, nhiều bộ mặt được nhận ra, nhiều góc khuất, mảng tối được khám phá, phơi bầy, nhận biết.

Người ta nhận diện vấn đề “sống là sống với”, và không ai, không quốc gia, dân tộc nào có thể sống đơn độc một mình, như Covid đã không chỉ cướp đi mạng sống của vài trăm người, nhưng sự sống của hàng triệu người thuộc mọi châu lục, quốc gia. Covid không chỉ bành trướng và khống chế một phần của trái đất, ở đó, chỉ có những dân tộc bị trị, chậm tiến, nhưng Covid đã không sợ ai, không nể mặt một cường quốc hùng mạnh, hay một châu lục văn minh, tân tiến nào, nên dù có ương ngạnh chủ trương đường lối và tinh thần “quốc gia cực đoan” đến đâu đi nữa, người ta cũng phải công nhận tính liên đới chặt chẽ của toàn thể nhân loại trong hạnh phúc cũng như bất hạnh.

Người ta nhận ra độ chênh vênh của tương lai, vì không ai có thể nắm chắc ngày mai của mình, cũng không chính phủ nào có thể tiên liệu với xác xuất cao về tương lai của đất nước mình.

Người ta cũng nhìn thấy những mảng tối của nội tâm, và những góc khuất của lòng người, những mảng tối và góc khuất mà chỉ khi túng thiếu, cơ cực, buồn chán, thất vọng, người ta mới có thể thấy, nghe và cảm nghiệm.


giao-ly-sketching-1151x1536

Riêng với người Kitô hữu, môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không chỉ nhận ra, nhận diện, nhận thấy những điều người khác thấy, mà còn được nhận diện một cách sống động Đức Giêsu đang sống trong cuộc sống, ở giữa cuộc sống của những con người đang sống với chúng ta. Họ là những nạn nhân của đại dịch khi mất người thân, mất việc làm, mất khả năng, phương tiện lo cho gia đình, con cái, mất ăn mất ngủ vì lo lắng, mất nhân phẩm vì đói rách, mất hy vọng vì quá thiệt thòi, bị áp bức, mất niềm tin vì bị phỉnh lừa, phản bội; họ là những những người mẹ trẻ tay xách nách mang con thơ, con dại, bị chồng ruồng rẫy, bỏ rơi ngày đêm lang thang ăn xin trên đường phố để “sống còn”; những em bé sợ hãi, run rẩy, khóc thét, nắm chặt tay mẹ khi bị nhân viên y tế bắt đi cách ly một mình giữa đêm khuya, không cha không mẹ; họ là những người tàn tật, thương binh đếm từng ngày sống nhờ “bán vé số” tủi phận, buồn hiu, mòn mỏi đứng xếp hàng từ sáng sớm đến qúa trưa mới được nhận phần cơm từ thiện.

Nhận diện Đức Giêsu hiện diện nơi những con người hoặc mất rất nhiều hoặc mất tất cả, như lời Ngài phán với người lành, cũng như người dữ ở giờ Phán Xét: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), chúng ta nhận ra bổn phận phải thực hiện, và trách nhiệm phải chu toàn. Đó là bổn phận “yêu thương chia sẻ” đối với đồng loại, và trách nhiệm “yêu thương phục vụ” anh em, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), và như Ngài đã làm gương: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Và như thế, chúng ta sẽ nhận được lời khen ngợi của Chúa: “Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng … ” (Mt 25,34-36).

Bên cạnh những “nhận diện, nhận ra, nhận thấy và nhận được”, chúng ta còn nhận biết mảng tối nội tâm thường làm chúng ta nặng lòng, đó là số lượng Thiên Chúa đòi chúng ta phải chia sẻ, số lượng chúng ta có bổn phận phải đóng góp để giúp đỡ anh em trong cơn quẫn bách, ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le, cùng cực, như những nạn nhân của đại dịch Covid những ngày này.

Theo Luật Môsê của Cựu Ước thì “của bố thí” được quy định “một phần mười thu nhập” (x. Lc 18,12), nhưng trong Tân Ước, Đức Giêsu đã không đưa ra một con số, một mức độ nhất định nào, mà trọng tâm cũng như tiêu chuẩn đo lường được đặt hết ở trái tim, tấm lòng như Tin Mừng kể lại:

“Ngước mắt nhìn lên, Đức Giêsu thấy những người giầu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy mọt bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhièu hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mt 21,1-4).

Và ấn tượng hơn cả là khi Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ những điều vượt quá khả năng, và muốn các ông thực hiện những việc vượt xa sức người có hạn của các ông trước nhu cầu của người khác, như Tin Mừng Máccô đã kể lại: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dậy bảo họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”. Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi !”…” (Mc 6,34-37).

be-banh-tmdp

Trước yêu cầu “chính anh em hãy cho họ ăn đi!” của Đức Giêsu, các môn đệ đã không giấu được sự ngạc nhiên: ngạc nhiên vì không lẽ Thầy không biết đám người đang nghe giảng dậy đông đến thế nào, và các ông làm gì có tiền, nên đã bất đắc dĩ và buồn rầu thưa lại với Ngài: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6,37). “Hai trăm quan” là số tiền qúa lớn đối với Nhóm Mười Hai các ông, và các ông hoàn toàn không hiểu Đức Giêsu muốn nói gì …

Sau này, các ông mới hiểu điều Ngài muốn nói, đó là Thiên Chúa cần tấm lòng qủang đại của con người, dù con người nhiều giới hạn; Thiên Chúa cần trái tim sẵn sàng của con người, dù con người nghèo khó, thiếu thốn; Thiên Chúa chờ đợi lòng tốt của con người, dù con người yếu đuối, bất toàn.

Không như các môn đệ đã nghĩ và ngạc nhiên, Đức Giêsu thừa biết tiền đâu mà mua đủ bánh cho đám đông hàng bẩy, tám ngàn người ăn? Và ngay cả có tiền, nhưng ở nơi hoang vắng, không cửa hàng, không chợ búa, bấy giờ lại đã quá muộn, thì có tiền cũng chẳng mua được đủ bánh để nuôi bấy nhiêu người.

Và để các ông hiểu hơn ý Ngài, Đức Giêsu đã hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” (Mc 6,38).

Lần này thì các môn đệ không còn ngạc nhiên, mà kinh ngạc: kinh ngạc vì Thầy hỏi “có mấy chiếc bánh?” để nuôi “mấy ngàn” người.

Và rồi các ông đã hiểu: Đức Giêsu đã chỉ cần “năm chiếc bánh và hai con cá” là tất cả những gì các ông đã tìm được; đã chỉ đợi tấm lòng thao thức và khao khát mong cho đám đông được ăn no, kẻo chết lả vì đói của các ông; đã chỉ chờ phần đóng góp tuy rất bé nhỏ, ít oi, nhưng rất quan trọng và cần thiết là “năm chiếc bánh và hai con cá” của các ông, để khi tấm lòng các ông thực sự sẵn sàng chia sẻ, trái tim các ông thực sự mở rộng trao ban, và bàn tay các ông thực sựtự nguyện dâng tặng, thì chính Ngài sẽ đích thân làm tất cả những phần còn lại, tự mình thực hiện những gì con người không thể làm được, là làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chia cho mọi người ăn; “Ai nấy đều ăn và được no nê” (Mc 6, 42).

Tin Mừng Máccô còn ghi thêm: “Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông” ( Mc 5, 43-44) , không kể đàn bà, trẻ con.

Quả thực, mảng tối nội tâm của chúng ta là không đủ quảng đại trước nhu cầu cấp bách của người khác trong cơn túng quẫn, nên hay viện cớ: “Cho nhiều thì không có, cho ít thì thấm tháp gì?”, hoặc biện bạch: “Có đâu mà cho nhiều, nhưng cho ít thì chẳng bõ bèn, khác gì muối bỏ biển” để biện minh cho quyết định cuối cùng là “không cho gì hết”; mảng tối ấy còn là ý nghĩ ích kỷ: cho đi là mất mát, thiệt thòi, chia sẻ là giảm thiểu, thiệt hại, nên nuôi não trạng về một đạo đức dựa trên “công bằng” cực đoan, bệnh hoạn, đó là “không ăn của ai, mà cũng không để ai ăn của mình”, “không phiền hà ai, mà cũng không muốn ai làm phiền mình” , “không nhận của ai, mà cũng không cho ai sự gì”; và sau cùng, mảng tối nội tâm đen kịt ” là khi chúng ta vô cảm làm giầu trên nghèo túng của người khác, và bất nhân “vinh thân phì gia” nhờ bất hạnh, cơ cùng của thiên hạ.


giao-ly-sketching-1-1024x1024

Mùa Covid hoành hành làm dân tình hoang mang, sợ hãi; mùa đại dịch bành trướng làm điên đảo tâm can, đảo lộn mọi nề nếp, trật tự sinh hoạt đẩy nhiều người vào bế tắc bất hạnh, ngõ cụt tuyệt vọng.

Trước nhu cầu “sống còn” ngày càng lớn và cấp bách của đồng bào cả nước, người Kitô hữu chúng ta được Đức Kitô mời gọi cùng Ngài đến với mọi người, đi vào tận hang cùng ngõ hẻm để Lòng Thương Xót và ơn Bình An từ Thánh Giá và Phục Sinh của Ngài xoa dịu và sưởi ấm tâm hồn mọi người đau khổ, nạn nhân của đại dich Covid.

Vấn đề là Ngài không muốn đi một mình, nhưng kêu gọi chúng ta cùng đi với Ngài; Ngài cũng không muốn một mình thực hiện Lòng Thương Xót và ban ơn Bình An, nhưng muốn chúng ta, những môn đệ của Ngài trở nên Lòng Thương Xót và ơn Bình An cho tất cả anh chị em kém may mắn trên đất nước, quê hương, như ngày xưa Ngài đã muốn các môn đệ Ngài đem hết những gì “các ông là, và các ông có” để nuôi đám đông nhiều ngàn người đang đói giữa nơi hoang vắng, không cửa hàng, quán xá.

Trong những ngày đại nạn Covid, cũng Đức Giêsu năm xưa đang nói với chúng ta: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn đi!” và sẵn sàng làm “phần quan trọng còn lại”, “phần của Thiên Chúa”, vì chỉ Thiên Chúa mới làm được, nếu chúng ta sẵn sàng mở lòng làm “phần Chúa đòi hỏi, phần Chúa chờ đợi”, đó là tấm lòng biết cảm thương, trái tim quảng đại chia sẻ và đôi bàn tay hào sảng trao ban, dù “phần của con người” được yêu cầu chỉ là bó rau cọng cải, bát cháo tô mì, nắm xôi gói bánh, nụ cười thân thiện, ánh mắt trân qúy, thái độ ân cần, kính trọng, và những xiết tay ấm áp tình người.

Như thế, sẽ không còn lấn cấn “cho nhiều hay cho ít”, không còn phải nhức đầu nghĩ ngợi “cho bao nhiêu mới đủ, cho thế nào mới dễ coi”, bởi tấm lòng đã trọn vẹn thì không còn nhiều ít, nhưng bao la, bất tận; trái tim đã rộng mở thì không còn so sánh hơn kém, được thua, nhưng vô biên vô hạn; tình yêu đã bao phủ thì chỉ còn Thiên Chúa tuyệt đối, vô thủy vô chung, để trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, người cho kẻ nhận đều no thỏa hạnh phúc, và toại nguyện lòng ước mong, như các môn đệ và đám đông ngày xưa, ai nấy đều được no nê, dư đầy.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/mua-covid-cho-nhieu-hay-cho-it/

Read 819 times Last modified on Thứ tư, 28 Tháng 7 2021 07:09
More in this category: « Ki tô hữu Pop Lặng! »