Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 06 Tháng 9 2013 06:20

Học làm người

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Học làm người

 Có những khoảnh khắc làm ta rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy những người nghèo khổ, thiếu thốn cả những gì cơ bản nhất. Cái dư thừa của người này, thậm chí với họ chỉ là… rác, nhưng với người nghèo thì có thể là điều họ khao khát. Quả thật, “một miếng khi đó bằng một gói khi no”… Miếng ăn thêm khi chúng ta no là miếng ăn của người nghèo khổ. Nếu vậy thì chúng ta thiếu nhân đạo! Một danh nhân đã xác định: “Chỉ những ai có lòng thương người thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Câu này đáng để chúng ta suy ngẫm và xem lại chính mình!

Trong một liên hoan phim ngắn tại Berlin (Đức), khi xem phim ngắn Chicken à la Carte (có thể xem ở http://www.cultureunplugged.com/play/1081/Chicken-a-la-Carte), cả ban giám khảo và khán giả đã xúc động khi thấy người cha nghèo ngăn đứa con gái thò tay lấy miếng thịt gà, rồi cả nhà cùng làm dấu, tạ ơn Chúa và cầu nguyện trước khi ăn. Thật ra những miếng thịt gà kia chỉ là những cổ, chân, cánh,… bị gặm dở mà người cha đã lấy từ thùng rác của một nhà hàng sang trọng và đem về cho vợ con ăn.
Yêu thương là luật của Thiên Chúa. Đức Kitô đã chạnh lòng thương hàng ngàn người đi theo mình nên Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ được no nê (x. Mt 14:13-21 và 15:32-39). Ngài rất thực tế, không nói suông, cũng không nói bóng gió. Ngài đã bỏ đàn chiên 99 con để đi tìm chỉ 1 con chiên lạc (x. Mt 18:12-14). Đặc biệt là Bát Phúc trong Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5:3-12). Đó là những bài học làm người mà Ngài dạy chúng ta.
Chuyện kể rằng Ðại sư Tinh Vân có một đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền đi học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, đệ tử đó hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm đệ tử đó về vinh qui bái tổ và thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch Sư phụ, nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, con còn phải học những gì nữa không?
Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người”. Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được. Ngài Tinh Vân cho rằng bất luận là sĩ, nông, công, thương là những người ở tầng lớp có học thức và có tiến bộ, hãy chia sẻ với người khác về những điều mình hiểu biết. Nhưng dù là ai thì vẫn cần phải học không ngừng. Phải tu thân trước, rồi mới đủ uy tín trị quốc, và sau đó mới khả dĩ bình thiên hạ. Đạo Làm Người là đạo quan yếu nhất, dù theo đạo nào và ở cương vị nào thì trước tiên vẫn phải biết Làm Người. Đây là vài “tín chỉ” trong “môn học làm người”:
1. Học Nhận Lỗi. Con người thường không chịu nhận phần lỗi mình, tất cả lỗi lầm đều đổ cho người khác, vì chúng ta cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra “không biết mình” là lỗi lầm lớn nhất. Đừng nghĩ mình “lớn” thì hoàn hảo và vô tội. Càng lớn càng dễ lỗi lầm vì có thể đổ lỗi cho người dưới. Ðối tượng mà mình nhận lỗi có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… và bất kỳ ai trong xã hội, thậm chí là người nhỏ hơn mình và với chính người không tốt với mình. Nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân và được khâm phục. Biết nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu thân lớn và là một nhân đức.
2. Học Khiêm Nhu. Răng cứng, lưỡi mềm. Nhưng cuối cuộc đời, răng rụng hết mà lưỡi vẫn còn nguyên. Đó là bài học về sự mềm mỏng, khiêm nhu. Được vậy thì đời người mới có thể tồn tại dài lâu, chứ “cứng” thì chỉ thiệt thòi. Tâm hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu thân. Có tâm hòa thì mới có nhân hòa. Chúng ta thường hình dung những người cố chấp có tấm lòng và tính cách rất “lạnh”, rất “cứng” như sắt thép vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở và tâm tính, dần dần khiến “ngựa chứng” phải thuần thục thì cuộc sống sẽ vui tươi, hạnh phúc và kiên vững.
3. Học Đức Nhẫn. Nhẫn nhục là loại “cỏ quý”, là “bùa hộ thân” đặc biệt. Biết nhẫn một chút thì có thể làm sóng yên biển lặng. Nhường nhịn không phải là chiến bại. Nhẫn để tiêu trừ điều ác. Nhẫn là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Muốn sinh tồn thì phải biết nhẫn để có thể phân biệt đúng – sai, thiện – ác, tốt – xấu, thậm chí chấp nhận nó.
4. Học Thấu Hiểu. Không hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm,… Nên thấu hiểu để biết cảm thông và giúp đỡ nhau. Không cảm thông nhau không thể tha thứ cho nhau, không thể có hòa bình. Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính!
5. Học Khước Từ. Cuộc đời như một chiếc va-li, lúc cần dùng thì xách nó lên, không cần thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo túi hành lý nặng nề vậy, cuộc đời luôn trĩu nặng. Cuộc đời hữu hạn, biết phục thiện, biết tự trọng và tôn trọng, biết bao dung thì mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết khước từ chính mình để có thể sinh tồn.
6. Học Xúc Ðộng. Nhận ra ưu điểm của người khác thì chúng ta nên hoan hỷ, thấy điều không may của người khác nên biết xúc động. Vui với người vui, buồn với người buồn. Trắc ẩn là lòng thương yêu, là thiện tâm. Trên đời có rất nhiều cảnh thương tâm, nhiều cuộc đời rất đáng thương, vô cảm là độc ác.
7. Học Sinh Tồn. Ðể sinh tồn, chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe – tinh thần và thể lý. Tinh thần thoải mái thì thân thể khỏe mạnh, và ngược lại. Thân thể khỏe mạnh không chỉ ích lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè an tâm. Đó cũng là biết sống hiếu đễ với người thân.
Viễn Dzu Tử
http://www.lamhong.org/

Read 1673 times Last modified on Thứ bảy, 07 Tháng 9 2013 20:14