Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 12 Tháng 12 2014 20:59

Lựa Chọn trong đời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lựa Chọn trong đời


Tục ngữ có câu:Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà; trong ba việc ấy quả là khó thay. Ngày nay, nghề nghiệp, gia đình, an cư vẫn là ba việc khó, có thể nói còn khó hơn ngày xưa. Các ngành nghề trở nên chuyên nghiệp hơn và ngày càng có nhiều người thất nghiệp, khoảng cách giữa các thế hệ được nới rộng và sự xung khắc ngày càng tăng, hiện tượng người di dân phổ biến hơn và xã hội ngày càng biến động. Trực tiếp lựa chọn, giữa bối cảnh xã hội phức tạp, giữa nhiều ý kiến khác nhau, một câu hỏi thúc bách luôn được đặt ra cho tôi và cần tìm câu trả lời là: Tôi nên làm gì?

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều phải làm một quyết định khó khăn nhất đời mình. Khi gia đình lâm cảnh ngộ biến tòng quyền, nàng đã chọn đức hơn duyên, hiếu hơn tình, và một cách cụ thể, cha hơn bản thân. Động lực của Kiều là ơn sinh thành. Tuy nhiên, khi lựa chọn như thế, lòng nàng vẫn canh cánh một nỗi day dứt khôn nguôi. Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, có những lựa chọn vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Khi chọn thế đứng trong xã hội đương thời, Huấn Cao sẵn sàng trong thế đứng của một người có nghĩa khí, không sợ bị coi là tên phản nghịch, không sợ cảnh chết chém. Ông là người có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp, nhưng không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết bao giờ. Trong khi đó, viên quản ngục chọn một vị thế bị mọi người coi thường. Tuy thế, ông được ví như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ, như một tấm lòng trong thiên hạ. Trước mặt xã hội, họ khác nhau đến đối nghịch, giữa một anh hùng và một kẻ tiểu nhân, giữa một tên tử tù với một quan coi ngục. Vậy mà, họ lại giống nhau lạ thường, một người có chí lớn, còn một người có những sở thích cao quý. Họ đều sống đối nghịch lại những gì là xấu xa trong hoàn cảnh của họ, nhưng họ vẫn chưa thực sự tìm được câu trả lời. Huấn Cao khuyên viên quản tù nên tìm về quê mà ở… Ở đây khó giữ thiên lương cho lành; nhưng viên cai ngục còn bỏ ngỏ lời đáp. Trong khi đó, chính Huấn Cao sắp bị tử hình mà lòng còn nghĩ đến chí lớn không thành.

Chẳng phải đến thế kỉ 19 (Truyện Kiều), hay thế kỉ 20 (Chữ Người Tử Tù), người ta mới đặt câu hỏi: Tôi nên làm gì? mà ngay từ buổi bình minh của nhân loại, con người đã vất vả cất công tra vấn chính mình.

Câu chuyện Cái chết của Socrates trở nên hấp dẫn khi được đặt song đối với truyện Chữ người tử tù ở trên. Socrates (469–399 tr. CN) bị bắt ở tù và bị án tử hình không phải vì ông sai phạm điều gì, mà đơn giản vì đám đông muốn giết ông, vì ông luôn sống theo lẽ phải. Ông sẵn lòng đón nhận cái chết nếu đó là ý muốn của Thượng Đế. Cho dù Crito, muốn giúp Socrates ra khỏi tù, nhưng ông không theo ý định ấy. Đối với Crito, S Socrates là người khôn ngoan nhất, tốt lành nhất trong thời đại ấy. Thêm vào đó, người cai tù ca ngợi Socrates là con người cao quý nhất, hiền lành nhất trong những người đã sống ở đó. Anh đối xử với ông hết sức tử tế. Còn Socrates thì nói về anh rằng, anh ấy thật dễ thương. Không chỉ có thế, họ còn chúc nhau an bình. Đây quả là những tâm hồn tuyệt vời. Nơi họ, tri thức và đức hạnh nhất quán với nhau như cách Plato diễn tả: tri thức là đức hạnh.

Triết gia Aristotle và thánh Augustine cũng nỗ lực tìm lý do của một hành động được coi là tốt. Theo Aristotle (384-322 tr. CN), một người sống tốt là một người cư xử phù hợp với lý trý. Vì lý trí giúp con người nhận thấy cái thiện và cái thiện chính yếu. Cái thiện chính yếu không gì khác chính là hạnh phúc. Đối với con người, đời sống theo lý trí là tốt nhất, thú vị nhất, hạnh phúc nhất, vì lý trí chính là con người. Còn thánh Augustine (354-430) cho rằng, theo lý trí, chắc chắn con người muốn sống hạnh phúc, mà hạnh phúc là sự vui hưởng cái thiện chính yếu. Cái thiện hoàn hảo là tình yêu Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Như thế, Airistotle đã cố gắng đi sâu vào lương tâm con người với sự hướng dẫn của lý trí, còn Augustine thì đi sâu vào lương tâm với tình yêu Thiên Chúa trong Đức Tin Kitô giáo.

Tựu trung, mỗi người trong cách thế và hoàn cảnh riêng: dù phương Đông hay phương Tây, dù đơn sơ hay uyên bác, dù có một niềm tin tôn giáo đặc thù hay không, dù thời đại nào chăng nữa, đều có câu trả lời nào đó cho câu hỏi: Ở đây và bây giờ, tôi nên làm gì? Vẫn có điều gì đó sáng rõ hơn sau học hỏi, lắng nghe và bàn luận; nhưng vẫn có đó những điều còn mờ tối cần được kiếm tìm.

Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết

Read 1355 times Last modified on Thứ bảy, 13 Tháng 12 2014 15:50