Một nhà khoa học nghiên cứu về di truyền có thể trở thành người tin vào Thiên Chúa, Đấng vô hạn về không gian và thời gian, và là Đấng quan tâm tới toàn thể nhân loại hay không? Ai đó có thể cho rằng, điều này chắc chắn là do tôi được dạy dỗ từ tấm bé và thấm nhuần từ truyền thống văn hóa và từ gia đình. Nhưng đó không thực sự là câu chuyện của tôi.
Thời thơ ấu, tôi là con của những người không theo tôn giáo, và được nuôi nấng trong một môi trường với thái độ phổ biến là: đức tin không quá quan trọng.
Khi còn niên thiếu, đôi lần, tôi trải nghiệm niềm hy vọng nào đó ngoài bản thân mình, gắn với vẻ đẹp tự nhiên hay với một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời nào đó. Tuy nhiên, cảm nhận tâm linh của tôi rất kém. Tôi dễ dàng bị lung lay trước một vài sinh viên vô thần hung hăng trong ký túc xá của trường đại học. Sau đó, tôi tin chắc rằng, tuy niềm tin tôn giáo khuyến khích những truyền thống nghệ thuật và văn hóa thú vị ra đời, nhưng niềm tin ấy không có nền tảng thực sự nào.
Khi đã tốt nghiệp, tôi tham dự chương trình đào tạo Tiến sỹ hóa lý đại Đại học Yale, theo đuổi sự thông thái của toán học. Anh hùng của tôi là những người khổng lồ trong ngành vật lý. Dần dần, tôi tin rằng, tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều có thể lý giải được bằng các phương trình và nguyên tắc vật lý… Dần dần, tôi trở thành vô thần và cảm thấy thoải mái trong việc thách thức niềm tin tâm linh của người khác, rằng niềm tin ấy quá cảm tính và lỗi thời. Trong hai năm theo học chương trình tiến sỹ, ban đầu tôi còn hứng thú, sau đó tôi cảm thấy chán nản. Chẳng lẽ cuộc đời tôi chỉ là một giáo sư, dạy hết bài này đến bài kia có thể gây nhàm chán cho các sinh viên, có thể khiến các em kinh hãi những chủ đề đó.
Để mở rộng hiểu biết, tôi đăng ký khóa học về hóa sinh. Sự ra đời của những phương pháp mới trong việc cấy ghép các đoạn ADN khác nhau, và khả năng áp dụng tri thức này để phục vụ loài người, làm tôi “bị sốc” một cách hấp dẫn. Cuộc sống thật ý nghĩa. Dù sắp hoàn thành chương trình tiến sỹ, sau nhiều lần tự vấn bản thân, tôi nộp hồ sơ xin học trường Đại học Y.
Tôi được nhận vào Đại học Bắc Carolina. Chỉ sau vài tuần, tôi đã nhận thấy, đây đúng là nơi dành cho tôi. Tôi yêu thích sự kích thích trí tuệ, những thách thức về đạo đức, sự phức tạp đáng kinh ngạc của cơ thể con người. Và tôi đã tìm ra cách kết hợp tình yêu dành cho toán học với tình yêu dành cho y học.
Năm thứ ba trường Y, tôi đi tập sự với kinh nghiệm sâu sắc liên quan đến việc chăm sóc các bệnh nhân. Tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là khía cạnh tâm linh của những người dân Bắc Carolina tốt bụng. Tôi chứng kiến: đức tin đã trao cho họ sự đảm bảo mạnh mẽ về nền tảng bình an tới cùng, dù họ đang sống trong thế giới bên này hay bên kia, dù họ đang phải gánh chịu những nỗi đau khủng khiếp mà đa phần họ không đáng chịu. Tôi kết luận, nếu đức tin là một cái nạng, hẳn nó phải là cái nạng cực kỳ vững chắc; nếu đức tin chỉ là cái vỏ, tại sao họ lại tin vào một vị Chúa quyền năng và yêu thương như thế.
Khoảnh khắc khiến tôi bối rối nhất, là khi một cụ già hàng ngày phải chịu đựng căn bệnh viêm họng kinh niên, hỏi tôi rằng, tôi tin điều gì. Với câu hỏi thẳng thắn này, chúng tôi thảo luận rất nhiều điều liên quan tới sự sống và cái chết. Bà cụ chia sẻ đức tin Kitô giáo với tôi cách mạnh mẽ. Tôi đỏ mặt lắp bắp “Cháu không chắc chắn lắm”. Sự ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt bà khiến tôi nhận ra điều tôi chạy trốn trong suốt 26 năm: chưa bao giờ tôi suy nghĩ nghiêm túc về những bằng chứng để ủng hộ hay chống lại đức tin.
Khoảnh khắc đó ám ảnh tôi suốt nhiều ngày. Phải chăng tôi không còn coi bản thân mình là một nhà khoa học nữa? Liệu có thể có câu hỏi nào khác quan trọng hơn, liên quan đến sự tồn tại của con người, ngoài câu hỏi “Chúa có tồn tại không?”. Bất chợt, tất cả những lý lẽ của tôi trở nên vô cùng mong manh và tôi có cảm giác tảng băng dưới chân đang vỡ vụn.
Nhận ra điều này thực sự là một trải nghiệm khủng khiếp đối với tôi…
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
(Trích đoạn và tóm lược từ cuốn sách Ngôn ngữ của Chúa (The Language of God) của tác giả Francis S. Collins, do Lê Thị Thanh Thuỷ dịch, (Nxb Lao Động, Hà Nội 2007), trang 09-49. Tiến sỹ Francis S. Collins là Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới)