Â
Nói ít…
Dân gian hay nói khéo nhau rằng: “Con đường dài nhất, chính là con đường từ miệng đến tay.” Nói cách khác, có một khoảng cách rất lớn giữa những điều ta nói và những gì ta làm.
Nhận định trên phải chăng là quá đáng?
Trong xã hội ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội để học tập và trau dồi kỹ năng về nhiều mặt: tri thức khoa học và xã hội, các kỹ năng sống – tự tin trước đám đông, kỹ năng hùng biện… làm cho ta trở nên một con người mạnh mẽ và tự tin trên nhiều bình diện. Bên cạnh đó, đôi khi vì hoàn cảnh sống hay yếu tố kinh tế và quan hệ làm ăn, đòi hỏi ta cũng phải dám nói “mạnh”, nhằm lấy được lòng tin của đối tác. Do vậy, không khó để ta có thể nghe được một bài diễn văn hay; những chia sẻ ấm lòng người, với những lời hứa tốt đẹp và cao thượng. Những điều này khiến ta dễ dàng trở nên một mẫu người lý tưởng trong con mắt của những người xung quanh.
Thế nhưng, trong thực tế, để trở nên một con người lý tưởng như mình là quả không đơn giản. Bởi đâu đó trong con người ta, sự ích kỷ, ghen tị hay khoa trương rất dễ thắng thế khi ta không để ý và kiểm soát chúng đủ. Để rồi, mình dễ có khuynh hướng ghen tị với thành công của người khác, nhưng lại thiếu sự nỗ lực của bản thân; Muốn được người khác quan tâm, nhưng lại thờ ơ với nỗi đau và lo lắng của những người quanh; Nói thật hay và hứa thật nhiều, nhưng lại chẳng đi đôi với làm; Thích được người khác chịu ơn mình, nhưng bản thân lại sống vô ơn – trong xã hội hiện đại, thật đau lòng khi sự vô ơn này đôi do chính những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ của mình…
Phải chăng đây là những nghịch lý nơi con người? Mỗi người có thể có đáp án khác nhau cho câu hỏi này, có thể bạn đồng ý hay phản đối. Nhưng ít nhiều, chúng làm cho ta phải phản tỉnh và nhìn lại cuộc sống của mình.
Có thể nói, xã hội ngày nay cần nhiều những con người quảng đại và đức hạnh thực sự, hơn là những con người lý tưởng “trong mơ”. Họ là những con người có thể không nói được những lời hay và bóng bẩy, nhưng lại làm được những điều ý nghĩa cụ thể cho đời; Những người không chỉ lo cho bản thân mình, nhưng còn để ý đến sự túng quẫn của những người xung quanh… Và cũng chính vì đó mà giá trị của mỗi người không chỉ nằm ở việc ta nói hay như thế nào, nhưng còn hệ tại ở việc ta sống ra sao.
Thiết nghĩ, hai vế của phương trình, nói và làm, cần phải được mỗi người nỗ lực để cân bằng trong đời sống của chính bản thân. Và đây thực sự là một bài toán thách đố không nhỏ cho mỗi người, bởi ta không thể giải được phương trình trên một sớm một chiều. Nhưng nó cần cả một sự nỗ lực không ngừng trong đời sống. Nhất là việc mỗi người làm chủ được những yếu đuối nơi bản thân, và lớn lên trong đời sống đức hạnh như thế nào.
Bạn và tôi hãy nắm lấy tay nhau, để cùng nhau nỗ lực và giúp nhau tiến bước trong cuộc sống mỗi ngày. Và có lẽ, chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc rất nhỏ trong đời sống như nói tốt, nghĩ tốt về người khác; đừng chần chừ khi ta có cơ hội làm một việc tốt cho ai đó – dắt một người già qua đường; suy nghĩ lạc quan về bản thân và đánh thức sự tự tin nơi người khác… Tôi nghĩ rằng, những “bậc thang” tuy nhỏ bé, nhưng dễ thương này sẽ góp phần giúp ta bước lên để chạm được những mốc cao hơn của tình yêu. Mong lắm thay!
Còn chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu ngay hôm nay! Ước mong những điều tốt đẹp của cuộc sống luôn lan toả đến tất cả mọi người.
Phaolô Nguyễn Hồng Như Khuê, S.J.
Published inKỹ năng sống
Tagged under