Â
Tâm sự chiếc vỏ ốc
Ai đã từng đi biển sẽ có kinh nghiệm được quan sát cuộc sống của loài Ốc cách sống động và thú vị, hoặc chúng ta cũng có thể quan sát những con Ốc Sên sống ở khu vườn nhà của mình mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, dù sống ở những môi trường khác nhau như thế, nhưng loài ốc đều có một đặc điểm chung là thu mình vào trong chiếc vỏ của chúng mỗi khi gặp nguy hiểm, và chỉ chui ra khỏi cái vỏ khi chúng cảm thấy an toàn.
Trong thực tế, chiếc vỏ có ý nghĩa sống còn với loài Ốc, chúng không chỉ là lá chắn cứng cáp để bảo vệ tấm thân mềm mại và yếu đuối của chúng khỏi các mối đe dọa, nhưng còn là ngôi nhà để chúng nghỉ ngơi sau những giờ lao nhọc đi kiếm thức ăn.
Đôi khi tôi tự hỏi!
Phải chăng cuộc sống của mỗi người cũng cần một chiếc “vỏ Ốc” như thế?
Và tôi tự nhủ lòng mình: Tại sao không! Bởi chiếc vỏ ốc tự bản chất nó là tốt và cần thiết cho cuộc sống, vấn đề là mình sử dụng chiếc “vỏ ốc” với thái độ nào.
Có thể nói, nguyên lý sống của loài Ốc cách nào đó cũng được con người áp dụng cho cuộc sống của mình rất nhiều. Chúng ta cần quần áo để bảo vệ tấm thân của mình khỏi những tác động nguy hiểm từ bên ngoài – nắng mưa và lạnh giá, cần một ngôi nhà để nghỉ ngơi khi màn đêm buông xuống.v.v… Nếu không có những chiếc “vỏ ốc” ấy thì chúng ta thật khó tồn tại.
Tuy nhiên, trong truyền thống ca dao tục ngữ Việt Nam, chẳng biết vì lý do gì mà ông bà xưa thường có quan niệm về cuộc sống liên quan đến loài Ốc không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn như: “Ăn Ốc nói mò”, hay nhìn từ góc độ tâm lý thì người ta hay dùng hình ảnh: “Thu mình vào vỏ Ốc” để nói về những người tự ti hay mặc cảm, không dám mở lòng ra với cuộc sống và mọi người xung quanh.
Tôi nghĩ rằng, chắc hẳn những quan niệm ở trên không có ý muốn nói về những chiếc vỏ ốc vật chất, nhưng là những chiếc vỏ ốc về mặt tinh thần. Đôi khi vì quá lo lắng cho bản thân hay vì sợ hãi với cuộc sống bên ngoài mà người ta cứ ẩn mình trong chiếc vỏ ốc của mình, để rồi không dám mở lòng mình ra với thế giới và mọi người xung quanh. Thế nhưng, chúng ta cần chậm lại một tí trước khi đưa ra một phán quyết hay nhận xét nào về những người không may rơi vào hoàn cảnh như thế. Bởi vì đôi lúc người ta không dám ra khỏi chiếc “vỏ ốc” vì cảm thấy quá nhiều mối đe dọa, bất an và bối rối từ nhiều phía. Chính những bối rối và sợ hãi này đã “giam” họ ở trong chiếc vỏ ốc mà không dám mở ra với cuộc sống xung quanh. Do vậy, những ai thu mình trong chiếc vỏ ốc cần lắm sự quan tâm và chia sẻ từ người khác, thay vì chỉ biết chỉ trích và lên án.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta cần phải can đảm đối diện với những khó khăn xảy đến trong cuộc đời của mình với một ý chí can trường và nỗ lực hết mình, thay vì chỉ biết thu mình lại. Dẫu rằng đôi khi chúng ta phải chấp nhận những hy sinh và mất mát khi đương đầu với khó khăn, nhưng qua đó ta sẽ rút ra cho mình những bài học thật quý giá.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn biết nhìn lại chính bản thân, biết mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, và biết xua đi ý định phán xét một ai đó mỗi khi nó xuất hiện trong đầu con. Bởi vì không một ai trong chúng con hoàn hảo đủ để có thể lên án và phán xét về anh chị em mình. Xin Chúa cho chúng con biết sống quan tâm và để ý đến nhu cầu của những người anh chị em xung quanh chúng con, và tập bỏ đi cái nhìn thiếu tích cực về người khác. Amen!
Paul Khuê S.J.
Published inKỹ năng sống
Tagged under