“Chúng ta không có cơ hội làm quá nhiều điều, và mỗi thứ chúng ta làm đều phải thật sự tuyệt vời. Bởi vì đây là cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi bạn chết, bạn biết chứ? Và chúng ta đều được lựa chọn để làm điều này với cuộc đời mình. Vì vậy điều ta làm nên thật tốt. Nên đáng giá.”[1]
Steven Job
Con người được gọi là chết khi mạch, nhiệt độ, huyết áp và hơi thở không còn đo được. Khi con người chết, người ta sẽ hoàn toàn bất động, các chất dịch trong cơ thể thoát dần ra ngoài, thân xác sẽ thối rữa, từng thớ thịt sẽ bong tróc. Thân xác sẽ phân hủy dần theo thời gian.
Chết mang lại cho người ta nhiều ý nghĩa.
Chết là bình thường. Các tế bào trong cơ thể đều có một tuổi thọ nhất định. Đến một lúc nào đó, các tế bào không còn hoạt động nữa. Con người sẽ chết.
Người ta có thể chết do nhiều nguyên nhân khác nhau: tai nạn, bệnh tật, già yếu, … Tất cả mọi người đều sẽ kết thúc cuộc sống theo quy luật của tự nhiên.
Nhưng tại sao con người ta sinh ra ở đời, phải làm việc vất vả để rồi cuối cùng cũng phải chết? Điều này khiến cho sự chết không là bình thường, nhưng là một nghịch lý.
Cuộc sống là một hành trình mà con người phải nỗ lực thật nhiều. Trong thế giới ngày nay, người ta phải nỗ lực thật nhiều để học tập, làm việc nhằm có khả năng đáp ứng với mọi nhu cầu của cuộc sống, nhưng, những gì họ làm ra cũng sẽ không mang theo được khi chết.
Như vậy, chết là bất thường trong một cuộc sống mà bình thường lẽ ra là ta phải hưởng thụ những gì mà ta làm ra mãi mãi. Nhưng chết xuất hiện và làm cho mọi sự đều phải nhìn lại một cách khác. Có người đã nói rằng chết trở nên cưỡng bách.
Trước cái chết, những chọn lựa trở nên chính xác hơn bao giờ hết. Khi đứng trước cái chết, những quyến luyến lệch lạc không còn. Tiền tài vật chất không còn mang ý nghĩa đối với người sắp chết, vì người chết không còn sử dụng được những thứ đó. Danh vọng, chức tước, quyền lực, địa vị … cũng trở nên không quan trọng. Phải chăng khi không còn những bám víu ấy nữa, người ta sẽ trở nên khôn ngoan hơn?
Trừ những cái chết bất đắc kỳ tử, những lúc hấp hối, người chết cũng phải phụ thuộc hoàn toàn vào những người thân cận. Khi chết rồi, thân xác bất động phải phụ thuộc vào những người ở lại tắm rửa, lau lọt, trang điểm…
Nhưng thực sự, không có sự giống nhau giữa những người chết vì mỗi người tạo nên những thành quả khác nhau trong cuộc sống. Có người để lại sự tiếc nhớ vì những đóng góp của họ cho xã hội, đất nước. Có người chẳng để lại gì khác ngoài tiếng nhơ nhuốc vì những công việc bẩn thỉu họ làm. Có người lại chẳng ai biết tới vì họ vốn sống ẩn mình, vô danh.
Trong sự khác biệt này, cái chết đem lại cho người ta một động lực để sống. Nếu chết là bình thường theo quy luật tự nhiên, khiến cho con người hoàn toàn thụ động, thì sống làm sao không để lại tiếng nhơ nhuốc cho đời sau khi chết, mang lại cho con người một sự chủ động để sống có ích cho người khác.
Dẫu rằng, đối với người sống thì chỉ nên ghi nhớ những điều tốt đẹp mà người chết đã làm khi người đó còn sống, và xóa nhòa những lỗi lầm của người đó khi họ đã chết.
Tuy nhiên, đối với một vài người, chết là cơ hội để họ thỏa mãn những vui thú của bản thân. Họ nghĩ rằng vì ai cũng phải chết nên cứ thỏa mãn những thú vui của cuộc đời. Vì thế, cần thỏa sức trải qua các thú ăn chơi, miễn không làm hại người khác là được.
Nhưng đến khi sắp chết, những con người đó có hối tiếc với cuộc đời đã qua không?
Cuộc sống thực sự ngắn ngủi. “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời …”[2]. Ai đó rồi cũng sẽ đến lúc phải chết. Thế nên, người ta cần sống thực sự có ích để không phải hối tiếc với những gì đã qua.
Đức Thiện SJ.
[1] http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/87/strcats/195/sw/c/charmode/true/default.aspx
[2] Bài hát 60 năm cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân.