Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 24 Tháng 2 2017 15:03

Sợ chính mình

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sợ chính mình


Đức Phật với kinh nghiệm vật lộn trong việc tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh đã khám phá: chướng ngại lớn nhất đời người là cái tôi, khi ngài khẳng định rằng: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Nếu kẻ thù lớn nhất là chính mình thì nỗi sợ đáng sợ nhất lại là sợ chính mình. Thật vậy, một khi sợ ma, chúng ta có thể tránh đi vào bóng tối, còn sợ chính mình, chúng ta sẽ tránh né thực tại đời sống mình. Hiểu như thế, trong mức độ nào đó, chúng ta đều là những người sợ chính mình.

Có nhiều mức độ và hình thức khác nhau để nhìn nhận ai là người sợ chính mình. Nếu hiểu nỗi sợ là phản ứng tự nhiên của con người thì sợ chính mình là phần bản năng sống còn trong giới hạn của kiếp người. Thật thế, chỉ vì muốn bảo vệ cái tôi bé bỏng và dễ vỡ của mình mà chúng ta thường tự vệ bằng vô vàn cách thức. Đứng trước một thực tại mới mẻ thay vì bắt tay vào việc tiếp cận vấn đề, chúng ta lại lùi bước, không phải để nhìn nhận và đánh giá sự việc rõ hơn nhưng là vì chúng ta sợ chính mình sẽ bị tổn thương. Quả thật, khi đó ký ức xa xưa quay về hiện tại, rằng thất bại có thể làm ta thoái lui. Chúng ta tự nhủ: thà đứng im còn hơn bước đi mà sai lầm một lần nữa. Và như thế, chúng ta không bao giờ tới đích. Đường gần mấy nữa, không bước không tới, việc dễ mấy nữa, không làm không thành ! Nỗi sợ chính mình thất bại đã làm tê liệt mọi ý chí tiến thủ và cướp đi sức mạnh vốn có để đương đầu với thực tại đời sống.

Song song với nỗi sợ chính mình thất bại, chúng ta còn gặp phải nỗi sợ những giới hạn của mình. Có một thực tế mà mỗi người cần đối diện, chúng ta là những con người bất toàn. Chính những người ảo tưởng mình toàn năng: việc gì cũng xen vào, và thích tỏ ra mình vô tội: mọi sự phải chỉnh chu, và rồi, họ phải đối diện với thất bại. Nhưng thay vì nhận ra những giới hạn của bản thân, họ lại đổ cho hoàn cảnh và người khác; chung cục, họ vẫn giẫm chân tại chỗ. Một khi không dám đối diện với những giới hạn bản thân, họ mơ tưởng và cố tìm một thế giới tốt đẹp mà vô tình đánh mất sự liên lạc với nội tâm. Họ sẽ lắp đầy sự trống rỗng nội tâm bằng những việc hào nhoáng bên ngoài. Và nỗi sợ đối diện với những giới hạn này làm họ xa dần với thực tại cuộc sống.

Xét cho cùng, sợ chính mình phát sinh từ một tâm hồn bất an. Đúng thế, sự dao động hay giằng co trong tâm hồn đã khiến con người mất đi sự quan sát và đánh giá cách đúng đắn về thực tại. Sự bất an ấy còn biểu hiện qua việc họ thường phóng đại những gì đang xảy ra trong cuộc sống và giải thích cách tiêu cực về con người và thời cuộc.

Từ những gì vừa trình bày như một cố gắng làm sáng tỏ: nỗi sợ đáng sợ là sợ chính mình. Tuy nhiên, chúng ta cần đi bước nữa để chứng mình nỗi sợ ấy là nhất trong các nỗi sợ, để từ đó, đề ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn nạn này.

Như chúng ta đã biết nỗi sợ chính mình ảnh hưởng trực tiếp đến cốt tủy của lòng tự trọng. Thật thế, khi con người không khẳng định đầy đủ và đúng đắn giá trị bản thân, họ sẽ bị ám ảnh bởi những nỗi sợ “không tên” mà chính họ tạo ra. Khi không khám phá ra bản sắc độc đáo và duy nhất của chính mình, họ sẽ bất lực trong việc tìm mình giữa đám đông ô hợp nào đó. Và một khi không tìm được sự nâng đỡ và tôn trọng xứng đáng nơi tha nhân, họ sẽ trở về với lòng mình mang theo nỗi sợ chính mình, vốn là kẻ thù lớn nhất làm vương hại đến nhân cách và toàn thể đời sống con người.

Và nỗi sợ ấy thật đáng sợ khi nó liên hệ trực tiếp đến nhận thức của con người. Thật vậy, ngày xưa do sự hiểu biết hạn hẹp của con người mà gốc đa, khúc sông đã trở thành huyền thoại. Nay nỗi sợ ấy không còn thì con người lại sợ chính mình vì không thể nào hiểu biết mình cho đủ nên bản thân mất dần sự kiểm soát trong tư tưởng, hành vi và cảm xúc.

Đến đây, chúng ta thử hỏi: nguyên nhân nào dẫn đến nỗi sợ chính mình ? Phải chăng do sự thiếu hiểu biết về chính mình mà bản thân đã gặp thất bại và sợ đối diện với thất bại ? Dường như do chưa khám phá bản thân đúng mức nên chủ thể sợ không dám nói đến những giới hạn bản thân ? Từ đó, lòng tự trọng cũng bị tổn thương mà gốc rễ của vấn đề là do nhận thức nông cạn và sai lạc về ý nghĩa và giá trị những thực tại bản thân đang sống.

Nếu xét trên bình diện nhân bản, việc nhận thức hời hợt và lệch lạc về một tình huống nào đó khiến dẫn đến nỗi sợ chính mình thì chúng ta dễ dàng khắc phục bằng cách điều hướng lối quan sát tổng thể và đánh giá toàn diện vấn đề hầu giúp bản thân tự tin hơn khi tiếp cận thực tại và thực tế cuộc sống.

Nhưng nếu nỗi sợ ấy khiến con người thất vọng với chính mình và sống buông xuôi, hơn nữa, chúng lại do chủ thể chưa xác định rõ căn tính nên chúng ta phải cần đến sự trợ giúp của tôn giáo, cụ thể là niềm hy vọng vào một Đấng khả dĩ giải thoát đương sự khỏi vòng kiềm tỏa của nỗi sợ chính mình. Mọi sự sẽ được hóa giải trong niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng giải thoát và Người tạo nên căn tính của mỗi người. Thật vậy, một khi con người mất dần khả năng làm chủ chính mình, họ đi tìm một thế mạnh bên ngoài giúp họ an tâm mà thiết lập sự quân bình trong đời sống. Dù vậy, họ không sao tìm được sự uy dũng ấy nơi đám phàm nhân, ngoài trừ Một Thiên Chúa làm người, Đấng đã từng chiến thắng trong mọi mặt trận và đã vượt qua mọi giới hạn bản thân để tìm ra con đường đích thực giải thoát con người bằng chính giá máu của mình. Từ đây, nỗi sợ chính mình đã được đặt dưới bóng cây Thánh Giá và đặt dưới quyền bảo trợ của Đấng Phục Sinh.

Thật vậy, trong Đức Kitô, thất bại trở nên cơ hội giúp chúng ta bám chặt vào Chúa và giới hạn của bản thân tìm được giải đáp thỏa đáng nơi cuộc đời của Người, khi Người chiến thắng những cám dỗ, làm cho sóng biển lặng im, giải thoát những người bị thần ô uế ám…và cho kẻ chết sống lại và chính Người đã phục sinh. Từ đây, sợ chính mình đã trở thành “huyền thoại” nhường chỗ cho Đấng làm chủ lịch sử và vận mạng đời chúng ta. Và cùng với tác giải sách Thánh Vịnh, chúng ta tuyên xưng:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

Lạy Chúa, dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 22, 1-4)

Cuối cùng, chúng ta cần ghi nhận một nét tích cực nơi nỗi sợ này, đó là nó giúp chúng ta cẩn trọng và tỉnh thức khi đứng trước những lời mời gọi của thế gian. Đồng thời, chúng ta cần ý thức rằng chỉ có lời mời gọi đến từ Chúa khả dĩ giúp ta tiến bước vào đường nẻo bình an.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist

Read 766 times Last modified on Thứ bảy, 25 Tháng 2 2017 15:22