Hệ quả nghiêm trọng sẽ đến sau vấp ngã, thất bại nếu không biết trỗi dậy.
Vấp ngã, thất bại về nhiều mặt: Tình, tiền, sự nghiệp, danh vọng… trong cuộc đời này gần như là chuyện thường tình, rất nhiều người mắc phải. Nhưng sau mỗi lần vấp ngã, thất bại thì không phải ai cũng có đủ sáng suốt, bản lãnh, nghị lực, kiên nhẫn, và được tư vấn, hỗ trợ về tinh thần cùng vật chất để có thể trỗi dậy, làm lại cuộc đời…
Vì thế, về mặt cá nhân đã có nhiều người quá bi quan, quá tuyệt vọng, không còn tin tưởng vào cuộc đời, vào con người, và vào chính bản thân mình nữa. Họ đành tìm cách tự kết thúc đời mình bằng “Tự tử”. Đây là một thảm họa đau thương đang diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới. Theo tổ chức y tế thế giới cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới. Và 10 nước có số người tử tử nhiều nhất trên thế giới là: 1Guyana, 2Nhật Bản, 3Hàn Quốc, 4SriLanka, 5Litthuania, 6Suriname, 7Mozambique, 8Tangania, 9Nepal, 10Kazakhstan. Trong đó có hai nước tiên tiến, công nghiệp đáng lưu ý là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về mặt xã hội, dù người đó đã mất đi, nhưng họ đã để lại một hệ quả nghiêm trọng về nhiều mặt, một thảm cảnh tang tóc cho gia đình, chồng (vợ) con, cho những người thân, họ hàng, bạn bè, làng xóm và nhiều mối liên hệ gai góc đối với xã hội…
Vậy bằng cách nào giúp một người sau vấp ngã, thất bại có thể trỗi dậy?
Trước tiên ta cùng tìm hiểu nguyên nhân của sự vấp ngã, thất bại. Có tìm được nguyên nhân thì cách chữa trị mới hiệu quả. Tôi nghĩ có hai nguyên nhân chính: Nguyên nhân khách quan, và nguyên nhân chủ quan. Mỗi nguyên nhân lại có cách trỗi dậy khác nhau…
Nguyên nhân khách quan:
Nhiều người, nhiều gia đình có thể mất người, mất của, mất cả gia nghiệp đã được tích lũy từ bao đời, vì những thiên tai ập đến như: Sóng thần, động đất, bão táp…Hoặc do những cuộc chiến tranh, loạn lạc... Đó là những vấn đề ngoài khả năng làm chủ của một cá nhân, một gia đình. Những thất bại này, bản thân cá nhân và gia đình bị nạn đáng thương hơn, không có gì đáng trách. Gặp cảnh này, chỉ còn cách ta bình tâm chấp nhận và kiên nhẫn làm lại từ đầu. Bảo hiểm, cùng tính nhân đạo “Lá lành đùm lá rách” của cộng đồng xã hội trong nước, cũng như quốc tế thường rất quan tâm và có trách nhiệm trợ giúp người bị nạn để mau khác phục hậu quả. Ta thấy như cứu trợ bão lũ các tỉnh Miền Trung Việt Nam; khu nghỉ dưỡng Phuket Thái Lan được xây dựng lại đẹp hơn trước trận sóng thần năm 2004, chỉ sau 5 năm; Thủ tướng Shinzo Abe trong chính phủ Nhật Bản đã phân bố ngân sách 250 tỷ USD tái thiết khu vực đông bắc nước Nhật bị tàn phá sau trận động đất 2011, sau 4 năm, nơi đây đã gần như ban đầu…
Riêng người Công Giáo chân chính thì nhìn các sự kiên đó như là những biến cố: “Dấu chỉ của thời đại”. Họ cầu nguyện để nhận ra “Thánh ý của Thiên Chúa” trong biến cố, mà chấp nhận vâng theo. Vì họ tin: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến sợi tóc trên đầu anh em, Người cũng đã đếm cả rồi” (Mt 10, 29-30)
Một điểm quan trọng nữa là qua những biến cố đó, như nhắc nhở người “Kitô hữu đích thực” tái khẳng định: Vật chất và đời này chỉ là tạm bợ. Cái vĩnh hàng không nằm ở đó, mà ở phần linh hồn thiêng liêng bất tử, là nước Thiên Chúa. Vì, mục đích sống ở đời này với người Công Giáo là thờ phượng Thiên Chúa, yêu thương anh em để đời sau hưởng phuc vinh hiển: “Lạy Cha, …sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga17, 3). Vững tin như thế, họ sẽ vui sống trong phong ba bão táp “Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ/ Quyết ra ta buồm lái với cuồng phong…” (Nguyễn Công Trứ, Chí làm Trai). Họ xác tín: “Sinh ký tử qui”
Nguyên nhân chủ quan:
Những vấp ngã, thất bại do chính bản thân một người, một gia đình tạo ra như: cờ bạc, cá độ, rượu chè trai gái hút sách, trộm cắp cướp bọc…Đây quả là một vấn nạn nhức nhối không những với chính người lỗi lầm, mà còn với những người liên hệ có trách nhiệm như: Cha mẹ, vợ chồng, anh em họ hàng thầy cô, bạn bè, các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo và cả cộng đồng xã hội…
Tìm hiểu ta thấy, con người khi mới sinh ra thì: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Mạnh Tử). Nhưng khi sống trong xã hội đã chịu nhiều ảnh hưởng. Ảnh hưởng từ giáo dục đến môi trường sống, tạo ra nhiều khác biệt, tốt xấu, đúng sai lẫn lộn. Nhiều người sống theo bản năng, đã sai phạm, lỗi lầm, đam mê bất chính dẫn đến tán gia bại sản, thân tàn ma dại, đổ vỡ…Mỗi lỗi lầm sai phạm đều có một nguyên nhân, một nguồn gốc khác nhau…Như thế, có cả trăm nguyên nhân dẫn vào con đường tội lỗi vấp ngã, thất bại, bất chính. Nào là: đua đòi, ham tiền, ham danh, ham chức, ham gái, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, buồn, thất tình, chán đời, buông thả không làm chủ được mình, đến bị bạn bè xấu rủ rê, sống trong môi trường xấu của xã hội. Nhưng có lẽ có hai nguyên nhân chính:
Một là cá nhân thiếu hiểu biết, chưa được giáo dục đầy đủ nên nhận thức không đúng đắn. Họ không biết: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết ra thân bần cùng” hay “Chanh chua, mà khế cũng chua/Mấy thằng cờ bạc là vua ăn mày”, hay “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Vì thế họ mắc lỗi lầm. Cũng có thể là cá nhân không làm chủ được bản thân, sống theo bản năng “Bản năng không bao giờ thay đổi” (Freud 1856-1939, Bác sĩ phân tâm học) mặc dù họ đã được giáo dục, được học hỏi, có hiểu biết. Hoặc là cả hai điều trên, vừa thiếu hiểu biết, vừa không làm chủ được mình, sống theo bản năng, dù đã được giáo dục dạy bảo nhiều lần…
Hai là do ảnh hưởng của môi trường sống. Môi trường sống quanh ta hôm nay, nhất là nơi đô thành có quá nhiều điều kiện, phương tiện thuận lợi để phạm tội. Thế giới hôm nay với phim ảnh xấu, điện thoại thông minh, các mạng xã hội mồi chài, mời gọi cá độ, chơi bài cùng các quán ăn nhậu, nhà hàng trá hình, nạn hút sách. Lúc đầu thử tăng một, tăng hai, tăng ba rồi tới bến, một lần, hai lần sau cùng thành nghiện ngập. Nghiện ngập hết tiền sinh ra trộm cướp…
Dù là nguyên nhân nào thì tôi nghĩ cách cứu vớt một người lầm lỗi, vấp ngã, thất bại ra khỏi cơn mê, con bệnh đó thường là phải song hành: Vừa cách ly, vừa giúp người lầm lỡ nhận thức đầy đủ và đúng đắn điều họ đã lỗi phạm, vấp ngã để họ tự ý thức mà từ bổ, như cứu một người chết đuối thì trước tiên phải đưa họ ra khỏi nước, rồi sẽ cứu chữa sau. Chữa cháy nhà thì cứu người ra khỏi đám cháy trước, rồi chữa cháy sau…
Cách ly, theo dõi và giúp người lầm lỗi nhận thức đầy đủ và đúng đắn.
Nên cách ly người lỗi lầm ra khỏi môi trường đang bị vấp ngã như cách xa bạn bè xấu, không đến quán nhậu mờ ám, hay sòng bài đỏ đen sát phạt nhau, cách ly những trang mạng mời gọi cá độ bài bạc, phim ảnh xấu... Có thể ngưng sử đụng máy tính, điện thoại thông minh. Ngoài ra, ta cần giúp người vấp ngã nhận thức đầy đủ, đúng đắn, phân biệt đúng sai, lành dữ, thiện ác, công, tội… Tất cả những điều đó cần dựa theo lương tâm ngay lành, dựa theo luật pháp hiện hành, theo truyền thống…Sau cùng, nếu người lầm lỗi cố tình không sửa chữa, hay tái phạm thì phải đi đến cải tạo theo luật định…
Người Công Giáo thì cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến lỗi phạm vấp ngã được gọi chung là tội. Tội nặng nhất ở đây là quay lưng lại với Lòng Thương Xót của Chúa, không biết tạ ơn về muôn hồng ân Chúa đã ban cho mình được là người và là con Chúa. Khi phạm tội là không còn sống trong ân sủng của Chúa, cụ thể là không kết hợp với Thánh Thể Chúa Giêsu. Như thế, họ đã chết phần linh hồn, trước khi phần thể xác trở nên tiều tụy, gia đình tan nát…
Do đó, việc đầu tiên muốn trỗi dậy là phải sám hối, và cần thức tỉnh bằng việc học hỏi lại Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh; Mười Điều Răn Chúa, cùng Năm điều Hội Thánh dạy (luật luân lý). Nhưng quan trong hơn cả là lời cầu nguyện cùng Chúa, lời cầu nguyện với người Kitô hữu cần thiết như hơi thở trong cuộc sống. Vì: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm được gì” (Ga15, 5). Giúp người lỗi lầm hồi tâm và vững lòng Tin, Cậy, Mến vào Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, Ngài sẵn lòng tha thứ dù ta tội lỗi ngập trời. Lịch sử Kitô Giáo có quá nhiều tấm gương giúp người lỗi lầm mau hồi tâm và trở lại đường ngay nẻo chính: Thánh Phaolô ngã ngựa và bị phạt mù mắt, sau đó sám hối; Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, sau này khi nghe tiếng gà gáy ông đấm ngực ăn năn đền tội. Cả hai ông đều trở thành Môn đệ cột trụ của Hội Thánh Công Giáo.
Phần kết
Ta cần giúp người vấp ngã, lầm lỗi biết rõ những sai lầm khuyết điểm của mình, những hệ quả nghiêm trong khôn lường dẫn đến tan nát hạnh phúc bản thân, gia đình; mất danh dự cho dòng họ; phiền nhiễu xóm làng và gương xấu cho xã hội. Người mắc lỗi không được đổ lỗi cho người khác, cho khách quan; mà phải thật nghiêm khắc với chính minh. Giúp người lỗi phạm biết tìm một biểu tượng đánh động nào đó để nhắc nhở suốt đời như Thánh Phêrô, suốt đời khi nghe tiếng gà gáy sáng thì ăn năn thống hối. Người lỗi phạm cũng cần tự đeo cho mình một chiếc vòng “Kim Cô” như Tôn Ngộ Không được Quan Âm Bồ Tát đội cho, trong truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của tác giả Kim Dung. Một Khi người lỗi phạm muốn “ngựa quen đường cũ” thì chiếc vòng thắt lại giúp anh thức tỉnh và sám hối…
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh