Gợi ý cầu nguyện từ Thứ Hai Tuần Thánh tới CN Phục Sinh (21/4) Featured
Posted by Ban Biên TậpLm Giuse BCD, SJ
I.Tin Mừng Ga 12:1-11 (Thứ 2 Tuần Thánh)
(Thứ Hai Tuần Thánh - Mùa Chay)
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết.2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói:5 "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? "6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.7 Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."
9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết.10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa,11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay liền sau biến cố Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô chết bốn ngày sống lại, cũng như việc những người Pha-ri-sêu và các thượng tế toa rập giết hại Chúa Giêsu. Hôm nay, với tấm lòng biết ơn và vui mừng, cả nhà La-da-rô thiết đãi Chúa Giê-su và các tông đồ một bữa ăn gia đình.
Như thế, các bạn có thể đặt một khung cảnh cho bài cầu nguyện ngày hôm nay một cách rất phong phú. Khung cảnh có thể là một ngôi nhà đá (đất nước Palestine có nhiều núi đá và nhà ở thường được khuét từ các vách núi), có một bàn ăn tại phòng khách và nhiều vị khách quen thuộc như Đức Giê-su, 12 Tông đồ bên cạnh ba chị em chủ nhà (Maria, Matta, Ladarô) và một số hàng xóm hiếu kỳ đứng ngoài cửa dòm ngó.
Ơn xin: xin Chúa ban cho chúng ta biết quý mến những giây phút được ở bên Chúa (hay còn gọi là cầu nguyện) để hiểu biết Người hơn, yêu mến Người hơn và có thể cùng Người vác thập giá lên đồi Can-vê.
Bây giờ, các bạn có thể bước vào giờ cầu nguyện chiêm niệm những hình ảnh của các nhân vật trong khung cảnh của bài Tin Mừng này.
Bạn thấy có bao nhiêu nhân vật trong đoạn Tin Mừng Ga 12:1-11? Bạn là ai trong số những nhân vật ấy? Chúa muốn nói gì với bạn qua nhân vật mà bạn có thể cảm nếm, đụng chạm, nhìn và nghe thấy?
Nhân vật Mát-ta: lo hầu bàn. Tất bật chạy lên chạy xuống, tuy nhiên, không biết cô có than phiền với Chúa điều gì không?
Nhân vật La-da-zô: ngồi (nằm) cùng bàn với Chúa. Người Do Thái có thói quen nằm khi ăn uống; vì nếu ngồi bàn tròn hoặc bàn vuông, chắc Maria khó lòng hoặc rất khó coi khi chui vào gầm bàn để sức dầu thơm lên chân Chúa và lấy tóc mình mà lau chân Ngài.
Nhân vật Maria: lấy một cân dầu thơm sức chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau chân Chúa. Cả nhà sực mùi thơm. Bạn cảm nhận điều gì khi chiêm ngắm hành động của Maria đối với Thầy Giê-su?
Nhân vật Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: tiếc rẻ bình dầu thơm đã sức chân Chúa của Maria. Ông tự hỏi: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Ông có thực sự là người yêu mến người nghèo? Hành động yêu mến người nghèo cần diễn tả thế nào? Ai là "người nghèo" trong con tim bạn?
Nhận vật Giê-su: Ngài đã làm gì, nói gì?
"Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy" (Ga 12:7). Maria đã có một hành động mang tính tiên tri. Dường như Maria biết trước ngày Chúa chịu nạn. Làm thế nào Maria có chung một cảm nghĩ, chung một nhịp đập con tim với Thầy Giê-su của mình, trong khi Giu-đa Ít-ca-ri-ốt - người luôn đi bên Chúa - thì không có được điều này? Phải chăng Maria quảng đại với Chúa và yêu Chúa thực lòng (dùng dầu thơm hảo hạng sức chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa)?
"Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu" (Ga 12:8). Cuộc sống bạn luôn có Giê-su ở bên hay lúc có lúc không? Bạn phải làm gì để luôn được có Chúa ở cùng?
Đám đông hiếu kỳ: muốn biết Đức Giê-su là ai và La-da-rô như thế nào sau khi từ cõi chết sống lại. Biết Đức Giê-su có đủ để theo Người, để được biến đổi con tim và trở thành môn đệ thực sự của Chúa? Phải chăng biết và tin vào Đức Giê-su mới có thể giúp con người thay đổi cái nhìn, cách sống và con tim nhân ái để theo Chúa? Tôi có giống đám đông hiếu kỳ này không, nghĩa là tôi chỉ mới biết Đức Giê-su chứ chưa thực sự tin Người cách trọn vẹn? Hoặc niềm tin của tôi vào Chúa chỉ là một "niềm tin của sự hiếu kỳ"?
Các thượng tế: không những âm mưu giết hại Đức Giê-su nhưng còn muốn giết cả anh La-da-rô. Lúc này bản chất của các thượng tế lộ nguyên hình và nguyên nhân dẫn tới cái chết của Chúa là bởi những con người ghen tỵ và ích kỷ, bất công và tàn ác. Bạn phải làm gì khi trong con tim mình cũng nhen nhóm những sự ghen tỵ và ích kỷ, bất công và tàn ác?
Các bạn hãy tâm sự với Chúa, nói cho Chúa nghe những gì diễn ra trong trí lòng, và lắng nghe những lời nói yêu thương, dịu ngọt của Chúa.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
II.Tin Mừng Ga 13:21-33.36-38 (Thứ 3, Tuần Thánh)
(Thứ Ba Tuần Thánh - Mùa Chay)
"Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi tôi đi, các người không thể đến được', bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy" (Ga 13:33).
Bạn thân mến,
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các bạn lại nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc với những cảm xúc khác nhau.
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này được đặt trong một Bữa Tiệc Ly và biến cố Chúa rửa chân cho 12 tông đồ vừa kết thúc.
Bốn khuôn mặt chính trong đoạn này là Chúa Giê-su, Phê-rô, Gioan và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.
Sau khi rửa chân cho các tông đồ, tâm hồn Đức Giê-su trĩu nặng vì giờ của Người đã đến, giờ phải chia tay các học trò và thế gian, nơi Người đã gắn bó suốt 33 năm. Vì thế, Đức Giê-su đã loan báo cho các tông đồ biết Người sẽ rời xa các ông và Người bị chính học trò của mình phản bội.
Phê-rô, một học trò hiếu kỳ và nhanh nhảu, nhờ Gioan hỏi xem ai sẽ phản bội Thầy.
Gioan nhỏ tuổi, được Thầy thương mến, nên đã hỏi Thầy như một trẻ thơ (nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su).
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người nắm giữ túi tiền với nhiều toan tính thế gian, không qua mặt được Thầy Giê-su khi lập mưu tính kế phản bội lại Thầy.
Chúa Giê-su đã sẵn sàng đón nhận những gì sắp xảy đến, nên Người nói lời chia tay với các học trò. Phê-rô muốn theo Thầy tới cùng, nhưng thân xác yếu hèn, nên sẽ có lúc cũng phản bội Thầy như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.
Tuy nhiên, hai sự phản bội có khác biệt? Phê-rô phản bội Thầy Giê-su vì sự yếu đuối, suy nghĩ nông cạn, bộc phát, không làm chủ tính khí của mình. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt phản bội Thầy vì cố ý, có tính toán. Phê-rô hối hận, khóc lóc. Còn Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thì chọn con đường tự sát vì thiếu lòng tin vào sự tha thứ của Thầy Giê-su.
Qua đoạn Tin Mừng này, các bạn có thể chiêm ngắm từng nhân vật vừa được miêu tả, để tưởng tượng mình là ai trong số những nhân vật trên và cảm nếm những gì diễn ra trong trí lòng bạn. Bạn có nhận ra thông điệp Chúa muốn gửi tới bạn? Chúa nói gì với bạn?
Bạn hãy thân thưa với Chúa như một người bạn để cùng chia sẻ những âu lo và bận tâm của Chúa trước sứ mạng còn dang dở của Người.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
III.Tin Mừng Mt 26:14-25 (Thứ 4, Tuần Thánh)
(Thứ Tư Tuần Thánh - Mùa Chay)
"Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" (Mt 26:24)
Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta nghe về những gì xảy ra trong bữa ăn sau cùng của Chúa trên trần gian này. Thầy Giê-su tiên báo Giu-đa là kẻ phản bội (Mt 26:25).
Thiên Chúa không muốn ai là kẻ phản bội Người và Giu-đa cũng nằm trong số người đó. Thiên Chúa không muốn Giu-đa lập mưu tính kế "bán rẻ" Con Một của Người, nhưng qua hành động của Giu-đa, kế hoạch cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa tới hồi viên mãn. Tuy thế, tại sao Giu-đa lại đan tâm bán Thầy của mình?
Có phải Giu-đa suy nghĩ và hành động chỉ dựa vào bản tính con người, theo động cơ của một người thích làm chính trị hoặc kinh tế?
Nếu Giu-đa đi theo con đường của Thầy Giê-su, sẵn sàng vác thập giá và chịu khổ đau với Thầy... thì chắc hẳn ông không phải nghe câu than trách của Thầy: "Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" (Mt 26:24)?
Nếu Giu-đa không bán Chúa thì Chúa cũng sẽ chịu chết nhưng theo một cách thế ra sao thì không ai biết. Có một điều chúng ta có thể nhận biết ý của Chúa trong đoạn Lời Chúa hôm nay, đó là Chúa không muốn ai trở thành kẻ phản bội Người.
Bạn có bao giờ phản bội Chúa, bán đứng Chúa như Giu-đa không?
Bạn có bao giờ gạt Chúa sang một bên, để có thể "tự do" suy nghĩ và hành động theo ý riêng của mình?
Bạn có bao giờ phản tỉnh rằng không dám làm chứng cho Chúa và lãng quên ơn huệ của Chúa trong cuộc sống hằng ngày là phản bội Chúa, là bán đứng Chúa?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
IV.Tin Mừng Ga 13:1-15 (Thứ 5, Tuần Thánh)
(Thứ Năm Tuần Thánh - Mùa Chay)
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? "7 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu."8 Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy."9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa."10 Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! "11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa rửa chân cho các môn đệ kèm với một thông điệp giản đơn nhưng cao quý, đó là Yêu Thương và Phục Vụ.
Khởi đầu đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe, thánh sử Gioan tô điểm cho tình yêu của Chúa dành cho con người trở nên bất diệt, một tình yêu vô biên và vô cùng. Tình yêu ấy được thể hiện bằng những hành động cụ thể: Rửa Chân và Chịu Nạn.
Rửa chân là hành vi của một người đầy tớ phục vụ cho chủ nhân. Chúa Giê-su coi các môn đệ của Người như một con người cao quý, đáng tôn trọng, cần được thăng tiến về mọi mặt, và Người coi bản thân mình như một người phục vụ, đúng như những gì Người đã giảng dạy: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10:45).
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ lại sự kiện "ngộ nghĩnh" và "ngỡ ngàng" đến nỗi thật khó hiểu của Chúa Giê-su khi Người rửa chân cho các môn đệ. Không những thế, Người còn thực hiện những gì đã nói ở vế sau của Mc 10:45 là "hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".
Vâng, hành động của Chúa thật khó hiểu đối với những ai chưa biết, chưa hiểu và chưa tin vào Thầy Giê-su; còn đối với chúng ta, những người được mời gọi trở nên người Loan Báo Tin Mừng, thì không khó hiểu, bởi lẽ mọi hành động của Chúa đều bắt nguồn từ Tình Yêu bao la của Người như là bản chất con người của Thầy Giê-su mà thánh Gioan đã nói trong thư thứ nhất của ngài, đó là "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4:8), và cũng vậy "ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa". Lửa Tình Yêu trong tâm hồn những người tin là nguồn động lực giúp họ dám xả thân loan báo Tin Mừng, sống chết vì Danh Giêsu và để tôn vinh danh Chúa Cha hơn.
Chiêm ngắm hình ảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ, bạn được đánh động điều gì nhất, và học được gì nơi Thầy Giê-su (khiêm nhường, yêu thương vô vị lợi, phục vụ hết mình...)? Bạn có nghe thấy lời mời gọi trở nên như những Giê-su mới cho xã hội bạn đang sống không? Bạn cần làm gì để trong cuộc sống hằng ngày bạn cũng cụ thể hóa hành vi "rửa chân" của Chúa cho người xung quanh?
Chúa bạn cầu nguyện sốt sắng và có Tam Nhật Thánh ngập tràn lòng yêu mến Chúa Chịu Nạn để cùng với Người sống sự sống mới, sự sống Phục Sinh.
V.Gợi ý Cầu Nguyện : Thứ Sáu Tuần Thánh
(Suy Tôn Thánh Giá)
6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu, viết tắt là "T Y". Chữ T là hình thập giá. Chữ Y là biểu tượng ở trên thập giá có Chúa Giê-su giang tay chịu chết vì tội của con người.
Bạn có thể đọc lại Cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô theo một trong bốn tác giả Tin Mừng và đọc thật chậm rãi để chiêm ngắm từng chặng đường thấp giá của Người.
Hãy nhìn lên Thánh Giá, để thấy Cha yêu con.
Hãy nhìn lên Thánh Giá, để niềm tin thêm sắt son.
Bạn hãy ngước mắt nhìn thánh giá và xin Chúa Chịu Nạn ban thêm lòng tin-cậy-mến Chúa để bạn có thể cùng với Chúa đón nhận và vui lòng vác thập giá của đời bạn để bước theo Người.
Thánh Giá có ý nghĩa ra sao trong hành trình đức tin của người Kitô hữu? Để hiểu ý nghĩa này, chúng ta nên đọc lại đoạn Pl 2:5-11.
Đoạn Pl 2:5-11 có thể xem như một thánh thi hay nhất của thánh Phaolô. Bởi lẽ, thánh thi này diễn tả toàn bộ mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu và ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá. Thánh Phaolô chiêm ngắm chân dung của Đức Giêsu và nhận ra Người chính là Thiên Chúa, Đấng đã hoàn toàn hòa nhập vào trong thế giới của loài người, sống thân phận của con người, đón nhận khổ đau và tai ương như một người nô lệ, khiêm nhường tột cùng đến nỗi đón nhận sự chết một cách vô tội vạ. Làm sao hiểu nổi một Thiên Chúa sẵn sàng hóa thân làm người, mà là một con người thấp kém nhất trong xã hội, quên đi danh phận của chính mình? Đó là lý do gọi điều này là mầu nhiệm tự hủy, vì Người đón nhận với tình yêu cao thượng, và với bản tính loài người thì khó chấp nhận được!
Vì lẽ đó, khi chiêm ngắm thánh giá Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được Chúa mời gọi sống tinh thần tự hủy của Người để cùng vác thập giá đời mình lên đồi Canvê với Người. Sự tự hủy của Chúa được ví như hạt giống được gieo vào lòng đất, chịu thối rữa để sinh hoa kết trái. Nếu không tự hủy thì khó mà có nhiều bông hạt khác được trổ sinh. Làm sao làm chứng cho tình yêu Chúa nếu chưa nhận ra Chúa yêu tôi? Làm sao có thể san sẻ lòng thương xót Chúa, nói cách khác "thương xót như Chúa Cha", nếu chưa thực sự cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót của Chúa? Chiêm ngắm cuộc khổ nạn, sự chết của Chúa, có phải là phương tiện hữu hiệu nhất giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Chúa, lòng thương xót của Người dành cho chúng ta cách cá vị? Tam Nhật Thánh có phải là thời gian ân sủng của Chúa dành cho chúng ta để trở nên gần gũi với Người, hiểu Người hơn, yêu Người hơn, và sẵn sàng san sẻ khổ đau của Người bằng việc vác thánh giá và yêu thương tha nhân như chính mình?
Đặc biệt hơn, hôm nay chiêm ngắm các chặng đàng thánh giá, bạn nhận ra điều gì? Thập giá có ý nghĩa gì? Bạn đang vác thập giá hay Chúa đang vác thập giá giùm bạn? Bạn hãy thân thưa với Chúa Giêsu đang vác thập và lắng nghe thông điệp của Người, như đoạn đối thoại sau:
Thập giá là gì hỡi Cha mà sao không ai mặn mà?
Thập giá là gì hỡi Cha mà sao không ai muốn vác lấy?
Thập giá ở đâu, chẳng nhìn thấy
mà sao con phải vác mỗi ngày?
Thập giá, Cha không tự tạo ra
mà do con người tạo ra nó,
rồi chất lên vai Con của Cha,
để Con Cha vác giùm cho đó.
Thập giá, con người trao cho nhau,
tự mang nên cảm nhận khốn khó.
Thập giá, nếu trao cho Con Cha
thì nên Thánh Giá rất nhẹ nhàng!
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VI.Gợi ý Cầu Nguyện : Thứ Bảy Tuần Thánh
(Canh Thức với Mẹ Maria bên Mộ Đá của Chúa)
Ngày mà cả nhân loại vắng bóng Chúa, không có sự hiện diện của Chúa trên trần gian này chính là ngày hôm nay cách đây hơn 2000 năm, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, bởi lẽ Chúa đang an nghỉ trong mồ đá, nơi các ông Ni-cô-đê-mô, Giu-se và một số môn đệ phụ nữ đã an táng Người.
Từ giây phút này, cả thế giới như chùng xuống vì một con người đã ra đi để đem lại sự sống mới cho muôn con người.
Hãy tưởng tượng chính bạn đang ngồi canh thức bên mộ đá của Chúa, bạn nghĩ gì và tâm sự gì với Chúa?
Lạy Chúa Giê-su,
trong Bữa Tiệc Ly - Bữa Tiệc Hiến Tế,
chính Ngài đã trăng trối với các môn đệ:
"Anh em hãy làm vệc này, để tưởng nhớ đến Thầy!"
Đường Thập Giá của Chúa cũng là Đường Hiến Tế.
Chiều hôm nay, chúng con quy tụ nơi đây
để cùng nhau tưởng niệm các Chặng Đường Hiến Tế ấy.
Thánh Gio-an kể cho chúng con nghe rất vắn tắt con đường Chúa đi
từ dinh tổng trấn Phi-la-tô tới đồi Gôn-gô-tha
chỉ vỏn vẹn hai câu:
"chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha;
tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá,
đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa,
mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa" (Ga 19:17-18);
thế nhưng, không gian tĩnh mịch và u buồn,
cùng với ánh chiều tà như những lá vàng rơi rụng tả tơi
và thời gian như chững lại,
làm cho chúng con khi chiêm ngắm Cuộc Khổ Nạn của Ngài
có thể hình dung biết bao cảnh tượng khổ đau,
nhục nhã Chúa phải chịu trên đoạn đường ngắn ngủi ấy.
Chúng con nhớ lại lời Ngài đã từng dạy dỗ:
"Ta đây cần lòng nhân, chứ không cần hy lễ".
Chớ gì qua hành vi tưởng niệm và sùng kính Đàng Thánh Giá của Chúa,
chúng con được biến đổi sâu xa,
trở nên những môn đệ mạnh mẽ
và trung kiên bước theo Chúa đi tới đỉnh đồi Can-vê,
trung thành và yêu mến ơn gọi làm con cái Chúa
dù phải đối diện với muôn vàn đắng cay và ê chề trong cuộc sống hàng ngày,
cũng như ý thức hơn về ơn gọi Ki-tô hữu của chúng con
là vác thập giá, chịu sỉ nhục
và đón nhận những khổ đau, buồn vương trên đường đời
để cùng đi con đường Chúa đã đi qua,
hầu chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn.
Giờ đây, sau khi cùng với Chúa đi hết 14 chặng Đàng Thánh Giá,
chúng con lại có dịp nhìn ngắm hình hài tan nát của Chúa trong mộ đá.
Chúng con hôn thân thể tả tơi của Chúa
để cảm thấu sự tội lỗi của chúng con lớn chừng nào
và tình yêu Chúa diệu vợi biết bao;
chúng con tin rằng Chúa sẽ chiến thắng sự chết nơi chúng con
để đem lại một nguồn sống mới cho chúng con
và cho những ai can đảm từ bỏ mọi sự để bước theo Ngài. Amen.
Chia sẻ tâm tình Mầu Nhiệm "CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI" (Suy niệm Ga 20:1-9)
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
Chắc hẳn bạn đã từng nói hoặc nghe người khác nói "Chúa đã sống lại", nhưng có bao giờ bạn ngẫm nghĩ câu này có ý nghĩa và giá trị như thế nào không?
Khi nói "Chúa đã sống lại" tức là "Chúa đã từng chết đi". Như thế, "Chúa đã sống lại" là một quá trình biến đổi từ sự chết trở thành sự sống. Sự chết và sự sống lại của Chúa diễn ra cách đây hơn 2000 năm. Thế nhưng, hằng năm Giáo Hội luôn long trọng tưởng nhớ biến cố trọng đại này. Tại sao thế?
Bởi lẽ Giáo Hội muốn giáo huấn con cái mình rằng mỗi con người cần "chết đi" con người cũ, để khoác lên mình một "sự sống mới" của Đức Ki-tô Phục Sinh. Và đây là một quá trình dài, cần thời gian, cần sự nỗ lực của bản thân và trên hết là cần có ơn sủng của Đấng Phục Sinh.
Làm thế nào để tôi có thể hân hoan vui sướng bộc phát thành lời từ tiếng nói vang vọng thẳm sâu trong tâm hồn rằng "Chúa đã sống lại"?!
Chúa đã sống lại trong tôi, bởi vì tâm hồn tôi đã chết, đã khô héo từ rất lâu rồi. Chúa đã sống lại trong tôi, bởi vì từ lâu tâm hồn tôi đã thiếu vắng Chúa và chẳng còn tin Chúa nữa. Chúa đã sống lại trong tôi, bởi vì Chúa đã chết trong tâm hồn tôi từ rất lâu rồi. Chúa đã sống lại trong tôi, bởi vì Người đã chiếu soi ánh sáng xua tan "bóng tối" trong tâm hồn tôi, bóng tối của sự thất vọng, ngờ vực, chết chóc... như hình ảnh Maria Mác-đa-la ra mộ, nơi đã an táng Thầy Giê-su, từ sáng sớm khi "trời còn tối" (Ga 20:1). Tuy là sáng, nhưng "trời còn tối". "Tối" của cung lòng vì sự ra đi của người mình thương mến và tin tưởng; "Sáng" của thời gian, thời gian ra mộ là ban sáng khi sương còn đọng lại trên những nhành lá như một biểu tượng diễn tả niềm khát khao đợi chờ vào một người mình tin tưởng sẽ không bỏ mình ra đi mãi mãi và ước mong niềm tin ấy là một niềm tin chân xác và thiết thực. V.v..
Nếu tôi nhận ra điều này, rằng Chúa đã chết trong tim tôi, nhưng đến giây phút này Chúa vẫn chưa sống lại trong tôi, thì tôi phải làm gì?
Để Chúa có thể sống lại trong tôi, tôi cần kiên nhẫn với chính mình như Chúa đã kiên nhẫn với tôi; tôi cần chạy đến tâm sự với Người và liên lỉ cầu khẩn Người ban ơn trợ giúp; tôi không nên dựa vào sức riêng của mình để đạt được một sự sống mới, ngược lại tôi cần tin vào quyền năng của Chúa, vì chỉ có Chúa mới có khả năng biến đổi sự chết thành sự sống như Người đã từng thực hiện điều ấy với anh La-da-rô và con trai bà góa thành Nain.
Hy vọng rằng mỗi người chúng ta đều có thể vui mừng thốt lên thành lời "Chúa đã sống lại" trong tâm hồn mình và nhận ra ý nghĩa sâu xa của việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua hằng năm.
Các bạn biết không, trong đêm Vọng Phục Sinh này, có lẽ các anh chị em dự tòng là những người kinh nghiệm sâu xa nhất Mầu Nhiệm "CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI". Xin chúc mừng các anh chị em Tân Tòng và hãy thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi nữa nhé! Xin cảm ơn.
Tâm sự với Chúa Phục Sinh:
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh,
khi Chúa sống lại
thay vì lập tức quay về cùng Chúa Cha
thì Ngài nhẫn nại, tạm dừng chuyến đi ấy để ở lại gặp gỡ Maria.
Chúa luôn nhẫn nại và chờ đợi chúng con đến gặp gỡ Ngài.
Chúa muốn chúng con được gặp Chúa,
được nghe Chúa gọi đích danh
và trao ban cho một sứ mạng nhẹ nhàng, lành thánh.
Chúng con thì có thái độ ngược lại,
rất hờ hững và dửng dưng với sự nhẫn nại của Chúa.
Cuộc sống chúng con cũng có nhiều cuộc gặp gỡ,
gặp gỡ gia đình, gặp gỡ đối tác, gặp gỡ bè bạn, gặp gỡ tình nhân.
Những cuộc gặp gỡ ấy có khi tiêu tốn nhiều thời gian
nhưng rất mau qua và chóng quên.
Những cuộc gặp gỡ ấy có khi để lại vết thương nơi chúng con.
Những cuộc gặp gỡ ấy có khi reo rắc hận thù, xung đột,
có khi mang thông điệp chia rẽ, chiến tranh.
Xin Chúa Giê-su Thánh Thể giúp chúng con
biết ở lại trong tình thương của Chúa
như chính Chúa đã ở lại trong chúng con
qua Bữa Tiệc Thánh chúng con vừa lãnh nhận,
biết kiên nhẫn với chính mình
như Chúa đã kiên nhẫn với chúng con,
biết lắng nghe và mau mắn thi hành
thông điệp Chúa gửi trao. Amen.
VII.Tin Mừng Lc 24:13-35 (CN Mừng Chúa Phục Sinh Năm A-B-C, Lễ Chiều)
(Chúa Nhật I Phục Sinh NĂM C)
Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Các bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng Luca chúng ta sẽ dùng để suy niệm trong ngày đại lễ Mừng Chúa Sống Lại hôm nay kể về hai môn đệ trên đường Emmaus, một người tên là Clêôpas và người còn lại tên là gì thì chúng ta không nghe tác giả Sách Tin Mừng thuật lại. Rất có thể người này là chính tác giả Luca, và rất có thể tác giả Luca dành một khoảng không gian trống để chúng ta tự thêm vào nhân vật chúng ta muốn chiêm ngắm, nghĩa là chúng ta có thể thay thế nhân vật vô danh này bằng chính bản thân chúng ta. Nhờ đó, khi cầu nguyện với đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ có một cảm nghiệm gần gũi và sâu lắng hơn trước biến cố Chúa sống lại.
Có thể nói kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus là kinh nghiệm của con tim bừng cháy, một con tim kinh nghiệm sâu xa mầu nhiệm Chúa Sống Lại, một con tim được chính Chúa Phục Sinh chạm vào, một con tim vừa chết nhưng vừa được sống lại với Chúa Phục Sinh. Kinh nghiệm này đến từ đâu?
Nếu đọc lại cách chậm rãi từng phân đoạn của Bài Tin Mừng Lc 24:13-35, chúng ta sẽ dễ dàng tìm gặp câu trả lời thỏa đáng. Ở phân đoạn thứ nhất (c.13-17), hai môn đệ Emmaus đang trong giai đoạn sầu khổ thiêng liêng. Con tim họ trở nên thiếu nhạy bén với Lời Chúa, kém tin, thất vọng, v.v.. Vì lẽ đó, Chúa đến gặp họ nhưng họ không nhận ra Người. Chúng ta cũng có không ít lần bắt gặp tình trạng này trong sâu thẳm cõi lòng của mình. Phân đoạn thứ hai (c.18-24) giải thích nguyên nhân của sầu khổ. Hai môn đệ này chưa được Chúa Phúc Sinh chạm vào tâm hồn họ nên họ chưa tin Chúa đã sống lại, mặc dù đã có người làm chứng về Chúa Phục Sinh. Phân đoạn thứ ba (c.25-27) là lời giải đáp thứ nhất cho kinh nghiệm con tim bừng cháy, đó là nhờ đối thoại với Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa, hiểu Lời Chúa và thấm nhuần Lời Chúa mà hai môn đệ đạt được kinh nghiệm này, một kinh nghiệm sâu xa của Chúa Phục Sinh làm hồi sinh con tim đã dần ngừng đập, làm tan chảy con tim bị đóng băng của họ. Và phân đoạn thứ tư (c.28-32) là lời giải đáp thứ hai cho kinh nghiệm con tim bừng cháy, đó là nhờ vào việc cùng Chúa Phục Sinh tưởng niệm lại mầu nhiệm tự hủy của Người qua bữa tiệc Bẻ Bánh, nói cách khác, đó là nhờ vào việc tham dự Thánh Lễ, qua Thánh Lễ họ nhận ra Chúa Phục Sinh, được Chúa chạm vào tâm hồn họ, kinh nghiệm lòng thương xót Chúa dành cho họ; để rồi ở phân đoạn thứ năm (c.33-35), phân đoạn cuối cùng - một cái kết có hậu, họ trở nên một con người mới với một sức sống mới - sức sống của Chúa Phục Sinh - giúp họ can đảm bước theo Chúa, làm chứng cho Chúa, loan truyền Tin Vui Phục Sinh cho người khác, san sẻ lòng thương xót Chúa mà họ đã kinh nghiệm cách mật thiết và sâu xa cho những người chưa tin Chúa, chưa kinh nghiệm Chúa như họ.
Có một điểm khá thú vị ở phân đoạn cuối, đó là hai môn đệ Emmaus trở về với cộng đoàn của họ để thuật lại những điều họ mắt thấy tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng mà họ vừa nhận được. Tuy nhiên, họ chưa kịp nói gì thì chính đối tượng mà họ muốn loan báo Tin Mừng lại loan tin vui Phục Sinh cho họ trước. Điều này phần nào chúng ta cũng kinh nghiệm được trên cánh đồng truyền giáo. Đôi khi nhà truyền giáo nghĩ rằng họ đi truyền giáo là đi giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, là nói cho người khác biết về Chúa Giêsu qua kinh nghiệm của họ, thế nhưng, chính những người chưa biết Chúa, chưa kinh nghiệm về Chúa lại là những người truyền giáo lại cho nhà truyền giáo, bởi lẽ, có thể niềm tin của những người này vào vị Thần của họ khác với chúng ta, nhưng lối sống của họ lại diễn tả một niềm tin mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng. Chẳng hạn như có khi chúng ta cầu nguyện với Kinh Lạy Cha và xin rằng "cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy" nhưng chúng ta lại thiếu sự tín thác khi kêu xin Chúa, để rồi chúng ta rơi vào trạng thái tham lam, tích trữ và sẵn sàng chà đạp người khác để mưu lợi cho bản thân mình. Còn những người quê mùa, nghèo khổ, ít học, sống trong rừng rú... thì lại sống tinh thần của Kinh Lạy Cha rất tốt. Họ thường sống sung mãn những giây phút hiện tại, chẳng nghĩ gì đến ngày mai, cũng không biết lo xa, chỉ cần biết "ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (x. Mt 6:34) và "có lương thực dùng đủ của một ngày sống là mãn nguyện rồi" (x. Lc 11:3).
Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn có thể cầu nguyện với từng phân đoạn và xin Chúa ban cho bạn ơn kinh nghiệm được Chúa Phục Sinh trong tâm hồn, kinh nghiệm được lòng thương xót Chúa chạm vào con tim hèn yếu của bạn, và sẵn sàng san sẻ lòng Chúa xót thương cho người khác. Bạn cũng có thể tự hỏi: Liệu tôi có phải là một trong hai môn đệ trên đường Emmaus đang sống trong giai đoạn sầu khổ? Nếu tôi đã kinh nghiệm Chúa Phục Sinh chạm vào tâm hồn tôi, tôi cần phải làm gì để thực thi lời mời gọi của Người là ra đi đến với muôn loài thọ tạo để loan báo Tin Mừng Cứu Độ?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Tâm sự với Chúa:
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
xin cho lòng thương xót và nhân từ của Chúa
chạm vào trái tim con
để con biết sám hối liên tục và được biến đổi tận căn,
để con cũng biết trao ban lòng thương xót Chúa cho người xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
xin cho lòng thương xót và nhân từ của Chúa
chạm vào thân thể con
để con biết yêu mến và kết hiệp với Thánh Thể Chúa,
để con cũng biết xót thương người khác như Chúa đã thương xót con.
Lạy Chúa Giêsu Chịu Nạn,
xin cho lòng thương xót và nhân từ của Chúa
chạm vào tâm trí con,
để con dám vác thánh giá theo Chúa,
và không ngại đánh đổi tính mạng làm chứng cho tình yêu Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin cho lòng thương xót và nhân từ của Chúa
chạm vào tâm hồn con,
để con trở nên một thọ tạo mới với một quả tim mới và một thần trí mới,
và sẵn sàng san sẻ sự sống mới ấy cho người yếu đau,
cho kẻ bất hạnh, cho người thất vọng,
cho những ai bị bỏ rơi, bị đối xử bất công và chưa tìm gặp Chúa. Amen.
--
"Without Me, you can do nothing" (Jn 15:5)
Lm Giuse BCD, SJ