Ai là anh em tôi ( Chúa nhật 10 Thường niên năm B)
Posted by Ban Biên TậpLời Chúa: (Mc 3, 20-35)
20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.30 Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! “33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
Suy Niệm
Trong những năm tháng công khai rao giảng,
Ðức Giêsu đã gặt hái được thành công từ phiá dân chúng.
Nhưng Ngài cũng phải nếm nhiều khổ đau và thất bại
do những hiểu lầm, ghen tương và cố chấp.
Ðức Giêsu, người quân bình hơn cả, lại bị coi là mất trí,
khi Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo.
Ngài bị coi là bất bình thường,
khi Ngài và các môn đệ bận bịu, không có giờ ăn.
Chính thân quyến của Ngài đã coi Ngài như thế.
Họ chẳng hiểu gì, dù họ tưởng mình biết Ngài rất rõ.
Các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu.
Họ không thể phủ nhận chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ,
nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý:
Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Xatan.
Éo le thay, Ðấng mà thấn ô uế phải sấp mình dưới chân
và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11);
Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra:
“Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi.
Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24);
Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là người bị quỷ ám.
Một người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun chiếm đoạt
lại đi trừ những người bị ám bởi các quỷ con ư?
Như thế đúng là Xatan lại diệt trừ Xatan,
tướng quỷ cho người ngoài làm hại đàn em của mình!
Ðức Giêsu nói đến thứ tội mãi mãi không được tha.
Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi,
nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ.
Khép lại trước sự thật rành rành, hay bóp méo sự thực,
cố chấp ở lại trong sự gian dối với chính bản thân:
đó là những thái độ ta có thể mắc phải.
Quả thực không dễ hiểu được con người Ðức Giêsu.
Hiểu một người ta thân quen cũng là điều khó.
Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai.
Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy
điều ai cũng rõ như ban ngày.
Càng trí tuệ và học thức, như các kinh sư,
ta càng dễ bẻ cong chân lý về phía mình,
càng dễ biện minh cho thái độ mình đã chọn.
Khi vơi bớt đam mê của cái tôi,
ta sẽ dễ nhận ra chân lý quá đơn sơ, gần gũi.
Ðám đông dân chúng ngồi chung quanh Ðức Giêsu, nghe giảng.
Một vòng tròn thân thương như những người trong nhà.
Ðức Giêsu thấy mình gắn bó sâu xa với họ.
Ngài không ngại nhận họ là mẹ, là anh chị em Ngài.
Có một thứ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng.
Có một mẫu số chung giữa Ngài và người nghe giảng,
đó là thi hành thánh ý Cha trong cuộc sống.
Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu hai lần,
vì Mẹ đã sinh dưỡng Ngài và suốt đời xin vâng ý Chúa.
Chúng ta tự hỏi mình có bà con gì với Ðức Giêsu không.
Cầu Nguyện
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
nhưng điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J