Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 22 Tháng 2 2016 15:46

Tại sao Giáo hội của Chúa Kitô là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tại sao Giáo hội của Chúa Kitô là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền?
Hỏi: xin cha giải thich : Những người chỉ trích Giáo Hội nêu lý do là trong Kinh Thánh không tìm đâu ra những từ ngữ như: duy nhất ,thánh thiện , công giáo và tông truyền. Vậy từ đâu Giáo Hội Công Giáo có những đặc tính trên đây ? và nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thi có được cứu rỗi không?
Trả lời:   Các giáo phái ngoài Công Giáo  từ xưa đến nay vẫn thường chỉ  trích Giáo Hội Công Giáo là thiếu nền tảng Kinh Thánh  nên đã phạm  nhiều lầm lỗi. Sở dĩ thế  vì họ  - các nhóm Tin Lành nói chung-  chì tin có Kinh Thánh (sola  scriptura) nhưng họ cắt nghĩa Kinh Thánh theo cách đọc và hiểu của riêng họ nên  mới đả kích Giáo Hội như vậy. Thật ra, Giáo Hội Công Giáo không những có Kinh Thánh mà còn có thêm những nguồn suối chân lý  khác như Mặc khải ( revelatio)  Thánh Truyền ( Traditio)  và Quyền Giáo Huấn (Magisterium) là những nền tảng mà các giáo hội ngoài Công Giáo không có và cũng không nhìn nhận giá trị. Vì thế, ta không ngạc nhiên khi có sự khác biết lớn lao giữa Công Giáo và các giáo phái về nhiều lãnh vực của đức tin. Liên quan đến bản chất  và sứ mệnh của Giáo Hội, thì sau đây là những lý do để trả lời  câu hỏi nêu ra:   
 
I. Trong Kinh Tin Kinh của Công Đồng Nicene đọc ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, Giáo hội tuyên xưng “có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. 
 
1- Giáo Hội  duy nhất:
 
Giáo Hội là duy nhất vì Chúa Kitô chỉ thiết lập Giáo Hội này  một lần trên nền tảng các tông đồ mà Phêrô là Đá Tảng :  
 
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực  tử thần Sẽ không thắng nổi.” ( Mt 16:18)
 
Như thế, Giáo Hội là duy nhất vì bắt nguồn từ “Khuôn mẫu tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này nằm trong Ba Ngôi của một  Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Thánh Thần”  ( UR 2, SGLGHCG, số 813).
 
Nói khác đi, Giáo Hội là duy nhất vì Đấng sáng lập là Chúa Kitô cũng là Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong một Thiên Chúa có chung  một bản  thể và uy quyền. như nhau. Như thế  đặc tính duy nhất  của  Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm duy nhất của một Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị
 
Tính chất độc nhất này của Giáo hội đã được Thánh Công Đồng Vatican II minh xác như sau: “Đó là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất. thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sau khi phục sinh, Đấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó.(Ga 21:17). Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Đồ khác truyền bá , cai quản (Mt 28:18 )…Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội  ấy “tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo” do Đấng kế vị Phê rô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển…(x. Lumen Gentium, số 8)  
 
2-  Giáo Hội Thánh Thiện:
 
Giáo Hội thánh thiện vì  Chúa Kitô , Đấng sáng lập và là Đầu của Giáo Hội  được tuyên xưng là
 
“Đấng Thánh suy nhất “ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đã yêu thương Giáo Hội như hiền thê của mình.. .vì thế Giáo Hội là Dân thánh của Thiên Chúa và các thành viên của Giáo Hội được gọi là “các thánh” (SGLGHCG số 823)
 
Tuy nhiên, do bản chất loài người đã bị băng hoại vì tội nguyên tổ, cho nên các thành viên lớn nhỏ  của Giáo Hội chưa hoàn toàn là ‘các thánh” như tước hiệu được ban cho. Nghĩa là Giáo Hội vẫn bao gồm những người có tội đang cần sám hối để xin Chúa tha thứ và thánh hóa hầu xứng đáng là “ Dân thánh của Người” trong Giáo Hội có bản chất thánh thiện vì Chúa Kitô, Đầu của Giáo Hội  là Đấng Thánh, trọn lành. 
 
3- Giáo Hội là công giáo ( catholic=universal) đặc tính này bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội, qua hai sự kiện cụ thể được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước như sau: 
 
a-Trược hết, sau khi giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình cho dân ngoại qua  ánh sao lạ  mời gọi và đẫn đường cho ba chiêm tinh gia cũng quen gọi là Ba Vua, từ phương Đông đến thờ lậy Người. (Mt 2: 1-12)Sự kiện này cho thấy rõ  tính phổ quát ( universality) của Ơn Cứu Độ mà Chúa mang đến  không phải chỉ dành riêng cho một dân  tộc nào, - kể cả dân Do Thái, vốn là Dân riêng của Thiên Chúa,-  mà dành cho hết mọi dân tộc , thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa.. 
 
b- Thứ đến, trước khi về Trời, Chúa Kitô đã truyền cho các môn đệ mệnh lệnh sau đây: “anh  em  hãy đi  và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Co và Thánh Thần..” ( Mt 28:19).
 
Trước hết, đây  là lời Chúa  mời gọi mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói , chủng tộc nhận biết  Chúa và lãnh ơn cứu chuộc của Người ,vì “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu độ và nhân biết chân lý.” ( 1Tm 2: 4).Đây cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước hết cho các Tông Đồ và các người kế vị trong Giáo Hội từ thời sơ khai cho đên ngày nay và cho đến ngày mãn thời gian, phải  đi khắp nơi để rao giảng Phúc Âm cho muôn dân để mời gọi họ đón nhận Tin Mừng  hầu được cứu rỗi như lòng Chúa mong muốn..
 
Thêm một lần nữa, đây chính là nét phổ quát của Ơn Cứu Độ mời gọi hết mọi dân tộc  không phân biệt mầu da , tiếng nói và văn hóa đón nhận để được sống hạnh phúc trường sinh trên Nước Trời.
 
Chúa đã thiếp lập Giáo Hôi như phương tiện hữu hiệu nhất để chuyên chở Ơn Cứu Độ của Người  đến cho những ai có thiện chí muốn đón nhận.Và phép Rửa là cửa ngõ đi vào Giáo Hội này.
 
Chính vì nét phổ quát này của Ơn Cứu Độ  mà Giáo Hội của Chúa được gọi là Công Giáo ( Catholicam, Catholic, Catholique.= Universal) vì mục đích mời gọi  hết mọi người gia nhập để trở thành Dân Thiên Chúa và hầu nhận lãnh Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô.
 
Hơn nữa, Giáo Hội là Công Giáo vì có Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội này :  “đâu có Chúa Kitô thì đấy có Giáo Hội Công Giáo” theo lời dạy của Thánh Ignatiô thành Antiokia ( Sđd, số 795 (830). Người không những hiện diện mà còn là Đầu của Giáo Hội như Thánh Phaolô đã dạy  như sau:
 
 “ Người ( Chúa Kitô) cũng là Đầu của thân thể; nghĩa là Đầu của Hội Thánh..” ( Cl 1:18; Ep 4: 15)
 
Tóm lại, Giáo Hội là Công Giáo vì được Chúa Kitô thiết lập và sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trên khắp địa cầu cho đến thời viên mãn.Cũng vì đặc tính phổ quát này mà Giáo Hội có bản chất truyền giáo ( missionary, evangelical) trong sứ mệnh của mình..
 
Sau hết , cũng cần nói lại ở đây một lần nữa là từ ngữ “Công Giáo” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “công cộng=public” như có người,vì kém hiểu biết,  đã  tự chế và dich sai ra Anh ngữ  như trên nhằm mục đích đả phá Giáo Hội, vì cho là  Công Giáo muốn trở thành Quốc Giáo nên mới tự xưng là “Đạo cộng cộng=Public Religion”, một từ ngữ không hề có trong Tự điển các Tôn Giáo  trên thế giới.. 
 
4- Giáo Hội Tông Truyền ( Apostolic): Giáo Hội là Tông Truyền vì được Chúa Kitô thiếp lập trên nền tảng  các Tông Đồ mà Phêrô là “Đá Tảng” ( Mt 16:18; Ep 2:20; Cv 21:14). Chúa đã sai các Tông Đồ đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Người cho mọi dân tộc, tức là cho các ông được tham gia vào Sứ Vụ rao giảng và Cứu độ của Chúa cùng mục đích như Chúa Cha đã sai Người đến trần gian:
 
                                        “Như  Chúa Cha đã sai Thầy
                                        Thí Thầy cũng sai anh  em “ ( Ga 20:21)
 
Như vậy các Tông Đồ đã nhân lãnh trực tiếp từ Chúa Giêsu sứ mệnh cai quản Giáo Hội để  tiếp tục Sứ Vụ rao giảng và cứu độ của Chúa cho đến ngày  cánh chung. Các Tông Đồ đã chọn những người kế vị các ngài là các Giám mục được tuyển chọn và truyền chức thánh qua việc đặt tay ( 1 Tm 4: 14; 5: 22; 2Tm 1:6) để tiếp tục sứ vụ của các ngài trong việc cai quản , dạy dỗ và thánh hóa  Dân Chúa trong Giáo Hội , với sự cộng tác và vâng phục của các linh mục và phó tế, là những cộng sự viên đắc lực của các Giám mục.( Lumen Gentium số 20). Các Giám mục cũng vâng phục và hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha là người kế vị Thánh Phêrô, Tông Đồ cả mà Chúa Kitô đã đặt lên để “chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy.” ( Ga 21: 15-17).Đức Thánh Cha cũng là Giám mục Rôma và là Thủ Lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ (  Universal  Catholic Church).Hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ là các Giáo Hội Công Giáo địa phương ( Local Church) hay còn gọi lá các Giáo Phận ( Diocese) do một  Giám Mục chinh tòa ( Ordinary) cai quản.
 
Đó là tất cả ý nghĩa của đặc tính tông truyền của Giáo Hội Cộng Giáo. Các giáo phái ngoài Công Giáo -trừ Chính Thống Giáo-  thiếu đặc tính quan trọng này nên không thể có các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức, và Sức dầu hữu hiệu ( valid) được vì họ không có Bi Tích truyền Chức Thánh (Holy Orders) mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiêc Ly để nhờ đó các thừa tác viên loài người là linh mục và Giám mục được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” ( Dt 5:10). Nhờ được chia sẻ  Chức Linh Mục này mà  Giáo Hội tiếp tục dâng Hy tế đền  tội của Chúa Kitô trên bàn thờ mỗi ngày khi  các  thừa tác viên có chức linh mục là Giám mục và linh mục.cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ( The Eucharist)
 
II- Về câu hỏi thứ  hai : nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì có được cứu rỗi hay không, xin được phân biệt 2 điều quan trọng  sau đây: 
 
1-Thứ nhất, đối với nhũng người không vì lỗi của họ  mà  không biết  Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật được   Chúa thiết lập làm phương tiện hữu hiệu để ban ơn cứu chuộc, thì họ vẩn có thể được cứu độ theo lời dạy sau đây của Giáo Hội:
 
“Đúng thế, những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngái, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Người mà hành động để làm trọn thánh ý của Chúa  theo như lương tâm của họ mặc khải cho họ và truyền  dạy họ , thì  họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời. “ ( SGLGHCG số 847, LG 16)
 
Nói rõ hơn, trước khi Đạo Công Giáo được các thừa sai tây phương  đem sang  rao giảng ở ViệtNam vào cuối thể kỷ 16,  thì tổ tiên chúng ta không có cách nào  biết  được Chúa Kitô và Phúc Âm của Người. Nhưng đó hoàn toàn không phải là  lỗi của cha ông chúng ta  vì không có ai rao giảng hay nói cho biết thì làm sao các ngài  biết được. Tuy nhiên, nếu các ngài sống theo tiếng nói của lương tâm mình để làm điều  lành tránh sự dữ, sự tội  thì Chúa vẩn có thể cứu họ dù cho họ không được chịu phép rửa và gia nhập Giáo Hội của Chúa Kiô.
 
2- Ngược lại, “những người đã biết Chúa, biết Giáo Hội của Chúa là  Giáo Hội thật , là  phương tện cứu rỗi cần thiết mà vẩn không muốn gia nhập, hoặc đã gia  nhập qua Phép Rửa nhưng lại không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này  thì không thể được cứu rỗi.” (Sđd, số 846)
 
Nói khác đi, những ai đã được rửa tội  và sống trong Giáo Hội Công Giáo  rồi ,  nhưng vì một lý do bất mãn nào đó mà  rời bỏ Giáo Hội để gia nhập một giáo phái khác, hoặc  chối bỏ  đức tin Công Giáo để sống như người vô thần, thì
 
“không thể được cứu độ” như Giáo Hội dạy trên đây.
 
Nhưng  cũng cần giải thích thêm là tuy việc gia nhập Giáo Hội qua phép Rửa là cần thiết cho sự cứu rỗi , nhưng gia nhập không thôi chưa đủ, cũng như được rửa tội rồi cũng chưa chắc chung cuộc sẽ được cứu rỗi , trừ các trẻ em nhỏ mới sinh hoặc chưa đủ trí khôn biết lành biết dữ đã chết sau khi được rửa tội. Đối vói những người đã có đủ trí khôn..thì  gia nhập Giáo Hôi không giống như có  Passport và  xin được Visa là chắc chắc chắn được du lịch  đến quốc gia nào đòi phải có Visa nhập cảnh. Được rửa tội  và gia nhập Giáo Hội mới chỉ là bước đầu cần thiết cho một tiến trình dài để lớn lên  trong đức tin và sống đức tin ấy  qua nhiều thử thách của đời sống  Kitô hữu giữa trần gian.
 
Muốn được cứu độ, thì trước hết phải có đức tin  vì “không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phát phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” ( Dt 11:6)
 
Nhưng  đức tin  phải đi kèm với hành động cụ thể nói lên niềm tin ấy ,  nếu không thì “đó là đức tin chết” như Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ dạy. ( Gc 2:17.).
 
Thật vậy, đức tin phải được thể hiện cụ thể bằng đức mến. Nghĩa là  tin có Chúa thì phải yêu mến Người, cố gắng sống theo đường lối của Chúa,  cụ thể là thực thi mọi giới răn của Người  như Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa :
 
             “ Ai yêu mến Thầy ,thì sẽ giữ lời Thầy
               Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy
               Cha của Thầy và Thầy   sẽ đến ở với người ấy.( Ga 14:23)
 
Giữ lời Thầy có nghĩa là thực hành hai giới luật quan trong nhất là mến Chúa và yêu người như Chúa Giêsu đã trả lời cho một kinh sư kia .( Mc 12:28-31)
 
Thực thi những giới răn của Chúa  là chứng minh cách cụ thể đức tin và lòng mến Chúa thực sự của mình. Nếu không sẽ chỉ là người Công giáo có tên ( Nominal Catholics) chứ không phải là người tín hữu thực hành (practicing faithfuls).Và nếu chỉ là người tín hữu có tên thì việc gia  nhập Giáo Hội và lãnh phép rửa sẽ chẳng giúp ích gì cho phần rỗi của ai, vì thiếu thiện chí cộng tác với ơn thánh để được cứu rỗi. Nói rõ hơn, được rửa tội  và gia  nhập Giáo Hội rồi , nhưng nếu  không thi hành  những cam kết ( baptismal promises) khi lãnh bí tích này là  tin và yêu mến Chúa hết lòng đi kèm với quyết tâm  xa lánh mọi tội lỗi và sự dữ  thì ơn phép rửa cũng trỏ nên vô ích mà thôi.
 
Thật vậy, Chúa là tình thương và giầu lòng tha thứ. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô  có giá trị tuyệt đối. Nhưng nếu ta không cộng tác với thiện chí muốn được cứu rỗi thể hiện qua nỗ lực chê ghét tội lỗi và quyết tâm sống theo đường lối của Chúa như Giáo Hội dạy thì Chúa không thể cứu ai được, căn cứ vào chính  lời Chúa Giêsu  phán dạy sau đây:
 
“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa , lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ  ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”( Mt 7:21)      
 
Đó là tất cả những gì người tín hữu chúng ta cần biết  dựa trên giáo lý, tín lý  và Kinh Thánh của Giáo Hội để giúp chúng ta thêm yêu mến Giáo Hội và vững tin để sống và thực hành đức tin  trong Giáo Hội là con Tàu đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc, nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa  và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô được ban phát dồi dào cho chúng ta qua sứ vụ của  Giáo Hội là Thân Thể nhiệm mầu của Người ở trần gian.
 
Ước mong những giải thích này thỏa mãn các câu hỏi được đặt ra. 
 
Lm.  Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

 

Read 2467 times Last modified on Thứ ba, 23 Tháng 2 2016 14:14